Lộc Dư An nhận được tin nhắn của anh hàng xóm, nói là căn nhà mà ông cụ Lý để lại mấy ngày nay có người lạ ra vào.
Lúc nhận được tin nhắn, Lộc Dư An đang ở trong phòng học bỏ hoang sau núi của trường học.
Nơi này không có người lui tới, tất cả mọi thứ vẫn như trước đây, có đôi khi Lộc Dư An không muốn về nhà họ Lộc sẽ dành thời gian để vẽ tranh ở đây. Trong phòng học bỏ hoang có một chồng bản thảo thật dày của cậu.
Hôm nay cậu cũng không muốn trở về nhà họ Lộc, nên khi nhận được tin nhắn cậu lập tức tới trước sân của ông cụ Lý.
Đã tan học được một lúc, trời bắt đầu có mưa nhỏ.
Sắc trời đã tối hơn rất nhiều.
Mưa xuân li ti đập vào cơ thể, ẩm ướt lại lạnh lẽo.
Sân trường chỉ còn lại một vài người rải rác che ô.
Vốn dĩ cậu đã đi rồi, nhưng chợt có tiếng ư ử nghẹn ngào đã thu hút sự chú ý của cậu.
Trước bồn hoa trường có một chú chó đất đáng thương ngồi xổm trong mưa, một trận mưa đầu xuân đối với những động vật nhỏ bé đó mà nói thì chẳng khác gì một tai họa.
Lộc Dư An đang đối diện với chú chó nhỏ đó, ánh mắt chú chó nhỏ ướŧ áŧ.
Một tay cậu che ô, chiếc mũ hoodie che gần hết khuôn mặt của cậu dưới cái bóng, chỉ lộ ra chiếc cằm trắng nõn.
Động tác cất bước của cậu dừng lại. Mặt ô hơi nghiêng, che chở chú chó đất dưới ô của cậu. Lộc Dư An thờ ơ ngắm nhìn cơn mưa này, nhàm chán dùng ngón tay chạm vào nước mưa, phác họa vài nét đơn giản của chú chó đất nhỏ trên chiếc bồn hoa bằng đá cẩm thạch bóng loáng.
Đợi đến khi mưa tạnh, cậu mới đi đến sân của ông cụ Lý.
Lộc Dư An lo lắng có một số kẻ trộm không có mắt sẽ lẻn vào trong cái sân rách nát của ông cụ Lý. Trong sân của ông cụ Lý đều là tranh của ông cụ vẽ, rất quý giá, chịu không nổi sự chà đạp.
Mặc dù là ban ngày, nhưng ánh mặt trời cũng không chiếu vào con hẻm nhỏ cũ nát đặc biệt tối tăm, bên cạnh con hẻm đọng vũng nước bẩn bốc mùi hôi thối, trong nước bẩn màu xanh biếc mơ hồ có thể nhìn thấy vài cái kim tiêm lềnh bềnh, ruồi bay vo ve xung quanh trên đó.
Tỷ lệ di cư của các thôn xóm trong thành phố là rất cao, chẳng qua mới hơn nửa năm không trở lại, hàng xóm xung quanh đã thay đổi hơn một nửa.
Lộc Dư An sống ở cuối con hẻm, mà nhà của ông cụ Lý thì ở phía bên kia.
Đầu hẻm gần đây được trang bị thêm đèn đường mới.
Mấy năm trung học cơ sở, Vương Như bị Lý Phương Gia đánh đập tàn bạo, sức khỏe vẫn không tốt lắm, còn Lý Phương Gia cả ngày lêu lổng ở bên ngoài. Khi đó tình hình của Nhạc Nhạc rất tệ, luôn vô duyên vô cớ cắn người, cần được can thiệp bằng thuốc, mà những loại thuốc đó lại quá khả năng chi trả, cho nên cậu chỉ có thể lén tìm một số công việc ở tư nhân. Loại công việc này không cần biết tuổi tác, chỉ cần thông minh là được.
Vừa tan học là cậu chạy ngay đến đó, ngày nào cũng gần nửa đêm mới về.
Khoảng thời gian đó, khu vực này xảy ra mấy vụ cướp giật bằng dao, không có camera, cảnh sát cũng không có cách gì.
Lộc Dư An cũng không cảm thấy có gì to tát, chỉ nhét một con dao gọt hoa quả vào cặp sách của mình.
Nhưng mỗi ngày cậu về nhà, đều thấy ông cụ Lý chống gậy, cầm đèn pin đứng ở đầu hẻm chờ cậu.
Cậu hỏi ông cụ Lý, lớn tuổi rồi muộn như vậy còn ra ngoài làm gì.
Ông cụ Lý cứng cổ nói, trời nóng quá, đi ra ngoài hóng mát.
Sau đó nữa, cậu thấy ông cụ Lý dựng quầy hàng tạp hóa bằng một chiếc xe đẩy nhỏ để bán nước đá trên sân bóng rổ, cậu hiểu ra ông cụ Lý là vì cậu.
Mùa hè nắng chói chang, cậu chở ông cụ Lý về nhà, còn mình thì đi dựng quầy hàng thay ông cụ.
Thật ra mắt của ông cụ Lý không tốt lắm, có bệnh mắt rất nghiêm trọng gần như mù rồi, cho nên ông cụ rất hiếm khi tự mình vẽ tranh, thỉnh thoảng tình trạng đỡ hơn, tranh thủy mặc vẽ ra cũng đầm đìa vết mực, đọng lại dày đặc, đen dày nặng nề, ông chủ tiệm tranh ghét bỏ nhìn từ xa chỉ là một mảng đen thùi lùi, không nhẹ nhàng khoan khoái, không chịu trả giá cao.
Lộc Dư An vừa mới lên trung học cơ sở đã đến bệnh viện hỏi chi phí phẫu thuật khôi phục thị lực, cậu tính toán, chờ cậu làm việc vài năm là có thể gom góp đủ tiền. Nhưng không ngờ tới ông cụ Lý không đợi được ngày đó.
Khi đó ông cụ Lý bệnh đến độ ngồi cũng không ngồi dậy nổi, cậu dựa theo nguyện vọng của ông cụ, đưa ông cụ Lý về nhà. Lúc ấy ý thức của ông cụ Lý đã không còn tỉnh táo. Nhưng đến ngày cuối cùng, ông cụ tỉnh táo lại, hết lần này tới lần khác kéo tay cậu, lặp đi lặp lại nói, cậu quá hiếu thắng, sợ bỏ cậu lại một mình sẽ không có người thân chăm sóc.
Câu nói cuối cùng của ông cụ mơ hồ, Lộc Dư An không biết ông cụ Lý đang hấp hối nên cũng không nghe rõ.
Cho nên, lúc nhà họ Lộc đến tìm cậu về, cậu chỉ do dự một buổi tối, lập tức theo bọn họ trở về. Cậu nghĩ, khi nào đến cúng 49 ngày của ông cụ Lý sẽ quay lại thăm ông cụ, để ông cụ có thể yên tâm ra đi hơn chút.