Dưới Giàn Hoa Tigôn

Chương 17: Như hình với bóng.

Khi Hoàng Nam nói câu này, đồng hồ đã hiển thị một giờ năm mươi phút. Xuân Thanh sợ trễ, vội đẩy anh phi nhanh đến dắt chiếc xe cùi bắp.

Có ngồi lên, đạp tới, Xuân Thanh mới biết: bánh sau chả còn chút hơi.

Cô ảo não quay mặt, miễn cưỡng cười một cái với người vừa dắt chiếc xe máy.

"Thầy cho em...quá giang!" Cô chỉ tay vào bánh sau và quăng luôn chiếc xe đạp báo cơm ở góc hè.

Cô lo đi quăng đồ cổ nên sao thấy được nụ cười hài lòng của ai kia. Anh nhìn chiếc xe bị cơn tức giận của cô quăng cho chổng vó ở góc hè mà thấy có lỗi với nó. Cũng do anh có chút lòng riêng mong cùng ai kia: như hình với bóng.

Anh nhìn chiếc xe nằm ở đầu hè, thầm nói với nó: Được rồi chú em! Ngày mai anh sẽ tân trang lại cho chú!

Đoạn đường đến trường theo đó không còn quá xa. Nắng trên cao như không còn gắt. Hương hoa sữa đầu mùa không bì được mùi gỗ mộc đang quấn quýt ở chóp mũi Xuân Thanh.

Mùi hương ấy theo cô hàng ngày đến lớp, trong những tiết giảng Văn, trong những giờ sinh hoạt và theo cả vào phòng học bồi dưỡng Văn.

Có học anh cô mới biết, mức độ hà khắc của anh trong từng câu từng chữ. Một đề bài anh đưa ra.

"Nêu suy nghĩ về quan điểm sống: "Cứ ngẩng cao đầu mà bước tới"."

Xuân Thanh cảm thấy bài luận của mình đã hay lắm rồi. Khi cô đọc cho ba bạn trong nhóm nghe, đứa nào cũng tấm tắc khen cô viết giỏi.

Vậy mà, lúc anh chấm bài...

"Xuân Thanh, em lên đây!"

Tiếng gọi như Diêm Vương đoạt mạng. Làm nụ cười tự hào, hí hửng trên môi của Xuân Thanh tắt ngóm. Đang chơi lỡ ván Cờ caro với nhỏ bạn, cô ném vội cây bút xuống bàn, tức thì có mặt tại bàn giáo viên.

"Ở phần giải quyết vấn đề, em giải thích chưa rõ!"

Nghe anh nói vậy, cô không phục, bước qua luôn cùng phía với anh.

Xuân Thanh nhìn chằm chằm vào đoạn văn anh thêm vô bằng mực đỏ. Cô đọc đi đọc lại mới phát hiện ra: cách viết đảo từ và thêm từ vào như anh, lời giải thích hay và rõ ý hơn nhiều.

Cô viết: "Ngẩng cao đầu mà bước tới" là tư thế tiến về phía trước, đầu luôn ngẩng cao không cúi xuống.

Anh sửa lại cho cô: "Ngẩng cao đầu mà bước tới" là tiến về phía trước trong tư thế vững vàng, đầu luôn ngẩng cao không cúi xuống.

"Còn nữa, em chưa nêu ngụ ý của quan điểm mà đã đưa ra lời giải thích cho quan điểm đó!"

Xuân Thanh lại dòm vào chỗ anh thêm bằng mực đỏ: Ngụ ý quan điểm, khuyên phải luôn mạnh mẽ, kiên cường sẵn sàng đối mặt với thử thách của cuộc sống.

Cứ như vậy, bài văn mà cô cho hay, nhìn vào mực màu đỏ còn nhiều hơn màu mực xanh.

Cùng cảnh ngộ như cô, ba bạn khác trong nhóm cũng bị anh phê đỏ vở mà mức độ đỏ còn dày hơn.

Những buổi học sau, các bài viết yêu cầu càng cao, dấu mực đỏ càng nhiều hơn trong quyển tập. Rồi một chiều, sau tiết học cuối, anh đợi cô ở lối rẽ ra nhà để xe.

"Từ nay, chiều thứ bảy và cả ngày chủ nhật, em qua bên nhà đọc sách!"

Khi anh nói câu đó, Xuân Thanh cứ nghĩ là vài cuốn sách in bài văn mẫu. Nhưng khi bước vào phòng đọc sách của anh, Xuân Thanh mới biết: cả gian phòng có diện tích 7×5(m²), ba mặt là ba giá sách cao đến bốn mét. Ở đó, trưng bày đủ các loại sách.

Phần lớn là sách xuất bản trong nước, có cả một giá dành riêng cho sách viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và vài ngôn ngữ khác mà cô chưa từng biết.

"Anh giỏi vậy!" Cô choáng ngợp trong không gian đọc, quay sang nhìn người luôn theo bên cạnh, ngưỡng mộ ban cho lời khen.

"Em đọc nhiều vào sẽ giỏi hơn!" Anh nhìn cô cho lời khích lệ.

"Nhưng em không giỏi tiếng Anh!" Xuân Thanh cũng muốn đọc mấy quyển Văn nước ngoài.

"Vừa đọc tôi sẽ dạy cho em! Em cố gắng đọc thêm các tác phẩm đó. Bởi văn phong của họ rất hay!"

"Thật không?" Ánh mắt to đen nhìn anh chờ mong.

"Ừm!" Một lời hứa cùng cái gật đầu mang niềm vui về cho Xuân Thanh không sao tả xiết.

Từ đó, ngoại trừ thời gian học ở trường, Xuân Thanh đều có mặt ở phòng sách.

Cô có niềm đam mê sách từ nhỏ. Nên mỗi khi có tiền cô đều dành để mua vài quyển mình thích. Tích góp gần mười năm, giá sách ở nhà cô cũng coi là tàm tạm. Nhưng nếu so với phòng sách này thì giá sách nhỏ đó chẳng thấm là bao.

"Anh nhịn ăn để mua sách hả?" Cô tò mò muốn biết: bằng cách nào để anh có cả một gia tài kiến thức?

Nghe cô hỏi vậy, anh dừng ngay trang sách đang đọc, ngẩng mặt nhìn cô cười: "Bậy! Sao nhịn ăn được, anh chỉ là làm việc nhiều hơn mọi người chút thôi!"

Để kiếm tiền trang trải việc học và nuôi sống bản thân, anh làm không thiếu một công việc gì. Hồi còn nhỏ, sau những buổi đến trường, cậu bé Hoàng Nam mất mẹ hay lang thang vào thị trấn gần nhà để nhặt nhạnh những lon bia, chai nhựa, bưng bê, rửa chén bát ở các quán ăn.

Cuộc đời đôi khi cũng thật lạ. Trong khi, người mà cậu gọi là ba kia lại nhẫn tâm bỏ rơi không một lần về thăm lại. Còn những người xa lạ mà cậu chỉ mới gặp một vài lần lại dành lòng thương cảm cho một đứa trẻ sớm mồ côi, tự nuôi sống bản thân mình.

Họ thường cho cậu thêm một vài đồng gọi là tiền "bo" thêm cho người phục vụ. Có người mua cho cậu đồ ăn và áo quần mỗi khi vào năm học mới hay mỗi lúc Tết đến. Thầy, cô ở trường thương đứa học trò nhỏ lẻ loi nên trong mười hai năm theo học ở quê, cậu không phải đóng một khoản nào. Bà con quanh các quán ăn ở thị trấn nhỏ này cũng luôn yêu thương và che chở cậu.

Lớn lên đỗ Đại học rồi, Hoàng Nam lại tất bật trên chiếc xe đưa đón khách và làm thêm đủ mọi việc. Những ngày tháng theo học Đại học để được cầm tấm bằng xuất sắc trên tay là cả một sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tuổi thanh xuân.

Theo đó, giá sách anh cũng cứ cao dần, cao dần theo năm tháng. Phần lớn là sách anh mua nhưng cũng có quyển anh được tặng.

"Trong số này có cả sách tặng! Là các tác giả anh quen ở Hội Nhà văn."

Nghe anh nói vậy, lòng ngưỡng mộ của Xuân Thanh dành cho anh tăng lên cấp số nhân.