Có Anh Đây Rồi!

Chương 42: Em Trai

…Năm học mới…

"Thầy Sang, lớp học hè của thầy sao rồi? Thầy có dự định duy trì lớp học này luôn không? hay chỉ dạy vào dịp hè thôi" Thầy Nghiêm, một thầy giáo chung tổ dạy toán với tôi hỏi thăm, sau khi buổi lễ khai giảng vừa kết thúc.

Thầy Nghiêm này ngày thường luôn tỏ vẻ không thích tôi, mặc dù ở trường tôi thuộc diện ôn hòa, không đυ.ng chạm, xích mích với ai, nhưng cũng không tránh khỏi việc có những đồng nghiệp không mấy thích tôi. Tôi nghĩ đó cũng là chuyện thường tình ở đời, vì vốn dĩ đâu ai có thể làm hài lòng được tất cả mọi người.

Lần này vừa gặp mặt, thầy ấy đã nhiệt tình hỏi thăm tôi ắt hẳn là có việc cần. Hỏi ra thì mới biết thầy ấy nghe phụ huynh đồn thổi nhau, nói lớp học hè do tôi dạy vô cùng có tâm, các em nhờ vậy mà được củng cố kiến thức hơn, nên muốn tôi mở lớp dạy thêm cố định để các em có thể duy trì.

Nhân tiện thầy Nghiêm cũng đang có kế hoạch mở lớp dạy thêm cho năm học mới, muốn hợp tác với tôi, địa điểm dạy thầy ấy sẽ trực tiếp gặp thầy hiệu trưởng để thương lượng giá cả, tiền dạy thêm sau khi trừ đi các chi phí sẽ chia đôi cho tôi một nửa.

Tôi vốn không có định dạy học để kinh doanh, lớp dạy hè là tâm huyết do tôi ấp ủ từ lâu, mong muốn các em có thể củng cố thêm kiến thức trong dịp hè, tránh việc sao nhãng học tập trong thời gian nghỉ học quá lâu.

Hơn nữa, khi vào học chính thức, các em đã bắt đầu lại với guồng học tập, lượng kiến thức nạp vào khá nhiều, nếu tôi còn mở lớp dạy thêm sợ rằng sẽ quá tải đối với các em. Dù sao các em cũng đang ở độ tuổi vui chơi, điều này cũng không quá cần thiết. Đối với những lớp tôi dạy, nếu cần thiết tôi sẽ chủ động bồi dưỡng thêm cho các em.

Hiện tại tôi vẫn đang tiếp tục dạy thêm cho Nhã Uyên, con bé sau một thời gian học với tôi cứ nằng nặc đòi mẹ giữ tôi lại dạy thêm cho con bé trong năm học mới này. Mặc dù tôi đã từ chối nhiều lần nhưng thấy con bé cũng đang dần tốt lên, tâm lý cũng đã ổn định hơn nên tôi gật đầu đồng ý.

Buổi tối tôi vẫn tranh thủ làm việc ở nhà hàng âu, nên tôi sợ nếu còn nhận dạy thêm nữa sẽ không đảm bảo được chất lượng dạy, như thế sẽ không tốt cho cả tôi và các em học sinh của mình.

Thầy Nghiêm thấy tôi thẳng thắn từ chối như thế liền trở mặt tỏ thái độ với tôi, ít hôm sau tôi còn nghe phong phanh, thầy ấy đi nói với những giáo viên khác trong trường rằng tôi đã không có tiền, lại còn bày đặt làm cao, tự cho mình là giỏi giang, chỉ biết giả vờ lo cho các em học sinh, còn bản thân lại không biết lo kiếm tiền mà chăm sóc cho cha già đang bệnh.

Việc này tôi cũng chỉ nghe đồn thổi, cũng không biết có phải đích thân thầy ấy nói ra hay không, tôi không trách ai đã nói ra những lời khó chấp nhận như thế, vì bản thân họ làm sao biết được tôi đã phải chịu đựng và nỗ lực làm việc ra sao. Bọn họ căn bản không phải là tôi, thì làm sao có thể hiểu được chứ, nên tôi cũng mặc kệ, ai thích nói gì cũng được, miễn bản thân tôi thấy mình tốt là được rồi.

“Thầy Sang! Thầy tới rồi ạ. Em chào thầy”, Nhã Uyên vừa thấy tôi đạp xe tới cửa, con bé đã vội vui mừng chạy tới đón tôi.

“Thanh Sang, hôm nay có vẻ như thầy tới trễ hơn mọi hôm thì phải. Con bé này thật là, anh đã nói nó cứ ở trên lầu đợi đi, thầy Sang tới anh sẽ báo cho nó, ấy vậy mà nó cứ nhất định ở đây chờ thầy bằng được, không biết con bé này giống ai thế không biết” Ba của Nhã Uyên cố tình trêu ghẹo con bé.

Từ lúc tâm tính Nhã Uyên tốt lên, trở lại là một cô bé ngoan ngoãn, siêng năng học hành, ba con bé cũng thay đổi thái độ tích cực hơn mỗi khi gặp tôi. Tôi còn nhớ những ngày đầu đi dạy ở đây, anh ấy còn không thèm nhìn mặt tôi, cũng không đáp lại lời chào của tôi, gần như chúng tôi không giao tiếp với nhau bao giờ. Nhưng sau lần họp mặt đó, anh ấy dường như đã thay đổi hoàn toàn thái độ đối với tôi.

“Thanh Sang à, con bé Nhã Uyên nhà chị lại làm khó dễ em trong lúc dạy hay sao? Con bé này cũng thật là khó dạy. Không biết có việc gì nghiêm trọng mà em lại phải gặp mặt cả hai anh chị thế” Mẹ Nhã Uyên sốt ruột.

“Đúng đấy, dạo này con bé Nhã Uyên có hơi lì lợm thật, trước đây nó có như thế đâu”. Đây cũng là lần đầu tiên ba Nhã Uyên chịu mở lời với tôi.

Ba mẹ của Nhã Uyên cũng đã chịu lắng nghe, tôi liền đưa cho hai anh chị ấy xem qua bản ghi chép về những biểu hiện hằng ngày và suy nghĩ của Nhã Uyên trong những lúc tôi dạy kèm con bé. Theo ghi chép của tôi, Nhã Uyên thường rơi vào tâm trạng cô đơn, buồn tủi, lạc lõng và chán nản, luôn so sánh, đôi khi có cả việc thù ghét em trai mới sinh của mình.

Điều đó cũng tương đối dễ hiểu vì trước khi có em trai, Nhã Uyên thường nhận được nhiều tình thương của ba mẹ, là trung tâm của cả gia đình và được cả gia đình thương yêu, chiều chuộng hết mực. Nay đột nhiên sự quan tâm đó lại dời hẳn qua người em trai khiến con bé rơi vào những cảm xúc tiêu cực như trên.

Bản thân tôi cũng đã dành thời gian nghiên cứu về vấn đề này, nên muốn họp mặt hai anh chị ấy để bàn bạc, từ đó đưa ra phương án tốt nhất để cân bằng trong việc nuôi dạy con em của mình.

Rất may mắn hai anh chị ấy đã sớm hiểu ra vấn đề, cũng rất chịu khó hợp tác với tôi trong vấn đề cải thiện tâm lý cho Nhã Uyên, nên con bé cũng sớm cân bằng lại cảm xúc của mình. Từ đó việc học của con bé cũng trở nên tốt hơn. Đây quả thật là một điều may mắn.

“Thầy ơi, em con hôm nay đã bắt đầu tập đi rồi đó thầy. Em còn hay cào lên mặt con, đau lắm luôn, nhưng mà con không đánh lại em, con bảo em là lần sau không được cào lên mặt con nữa, nhưng em vẫn cứ cào lên mặt con đó thầy” Nhã Uyên nhí nhảnh thuật lại câu chuyện sáng nay với cậu em trai của mình.

Mỗi lần đến dạy kèm cho Nhã Uyên, nghe con bé kể về em trai của mình tôi lại thấy vui mừng trong lòng, nhìn cách kể chuyện của con bé tôi biết rằng giờ đây con bé và em trai đã trở thành một khối. Sau này, con bé nhất định sẽ là một người chị hai tốt, luôn yêu thương và bảo vệ cho đứa em trai bé nhỏ của mình.