Có Anh Đây Rồi!

Chương 36: Mảnh Đời

Buổi chiều tôi nhận dạy thêm cho một cô bé đang là học sinh Lớp 5. Cô bé ở khá xa nhà tôi, nên tôi phải tranh thủ rời đi sớm. Hôm nay cũng là buổi dạy đầu tiên của tôi, nên tôi rất sợ mình sẽ đến trễ.

Sau khi nói lời chào tạm biệt ba, tôi vội ra cổng gặp bác bảo vệ lấy xe. Bác bảo vệ ở đây rất tốt bụng, lần nào thấy tôi cũng hỏi thăm về ba. Thỉnh thoảng bác còn nhờ tôi gửi lời hỏi thăm đến ông ấy.

“Thanh Sang, hôm nay ba cháu thế nào rồi. Ông ấy chắc hẳn phải rất vui khi cháu vào thăm. Này vào đây, bác có chút đậu phộng luộc, ban nãy có người nhà bệnh nhân vào thăm rồi tiện cho bác, cháu giữ lấy mà ăn cho có sức. Dạo này thấy cháu ốm đi nhiều rồi đó, lo ăn uống vào đi không lại bệnh ra như ba cháu lại khổ”

Bác dúi vào tay tôi bịch đậu phộng vẫn còn nóng hổi. Trên miệng không ngừng nở một nụ cười vui vẻ, yêu đời.

“Cháu…cảm ơn bác, ba cháu vẫn khỏe, giờ cháu phải đi dạy thêm, khi nào có dịp cháu sẽ tâm sự với bác”,

“Cháu cứ đi đi, nhớ lái xe cẩn thận đó nha” bác bảo vệ quơ tay ra ra hiệu cho tôi,

Tôi cất bịch đậu phộng vào cặp, rồi lấy chiếc xe đạp đã cũ được dựng đứng ngay ngắn ở góc tường, vội vàng đạp xe thật nhanh tới điểm dạy.

Bầu trời hôm nay không một gợn mây, trong xanh như mặt biển, phía xa xa từng đàn chim thi nhau bay lượn thành từng đàn, những cánh diều cũng không chịu thua ra sức vươn mình bay lượn dập dìu trong gió.

Cảnh tượng tuyệt đẹp này thật muốn người ta dừng xe lại, rút điện thoại ra rồi chụp lại một cách trọn vẹn từng khoảnh khắc. Nhưng đáng tiếc, tôi làm gì có thời gian cho những thú vui tao nhã ấy chứ, trong khi bản thân tôi còn đang vướng bận nhiều điều.

Tôi hơi hướng mặt về phía trước đón lấy cơn gió nhẹ đang vừa thoảng qua, hít một hơi thật sâu, nở một nụ cười thật tươi, tôi không ngừng dặn bản thân phải luôn suy nghĩ tích cực vì những điều tốt đẹp vẫn đang chờ tôi phía trước.

Từ ngày ba vào viện, những thứ có thể bán được tôi đều đã bán sạch. Đến cái tivi cũ như thế, tôi cũng đã bán đi. Cũng may một vị phụ huynh trong khu chung cư thấy tôi không có phương tiện đi lại nên cho tôi chiếc xe đạp cũ này.

Tôi còn nhớ tình hình ba lúc đó quá nguy cấp, tôi lại vừa dùng hết số tiền kiếm được sơn sửa lại nhà và mua máy lạnh cho ba, nên trong người không còn mấy đồng. Cũng may có bác Châu giúp đỡ cho tôi mượn tiền đóng viện phí, ba mới được cứu chữa kịp thời.

Thời điểm đó cả khu chung cư lẫn nhà trường đều tích cực vận động quyên góp cho gia đình tôi. Dù của ít lòng nhiều, nhưng cũng khiến tôi thật sự ấm lòng, ơn nghĩa đó tôi không bao giờ có thể quên được. Chỉ mong sau này có cơ hội tôi nhất định sẽ đáp trả lại cho mọi người.

Tôi còn nhớ rất rõ, hôm tôi nhận được thông báo của bệnh viện về tình trạng sức khỏe của ba. Bác sĩ đưa cho tôi hồ sơ bệnh án, nói ông ấy hiện đang rơi vào tình trạng người sống thực vật do đột quỵ gây nên. Lúc đó tôi còn nghĩ nếu ba phải sống thực vật cả đời thì có khác gì người đã chết đâu chứ, chỉ nghĩ như thế thôi tôi đã gào khóc như một đứa trẻ vừa bị bỏ rơi.

Bác sĩ trấn an tôi nói rằng khả năng ông ấy có thể tỉnh lại rơi vào khoảng 50%, có nghĩa là ông ấy còn có khả năng tỉnh lại. Điều đó thực sự đã thắp sáng trong tôi một tia hy vọng cuối cùng.

Bước ra khỏi phòng bác sĩ, cầm trên tay hồ sơ bệnh án của ba, tôi giống như một cái xác không hồn, bước đi trong vô định.

Trước đó tôi không ăn uống gì suốt một ngày một đêm, hàng giờ túc trực trước phòng cấp cứu của ba, tôi dường như không có cảm giác gì khác ngoài lo lắng cho sức khỏe của ông ấy. Tới cổng bệnh viện, tôi gần như không còn chút sức lực nào, chỉ thấy đầu óc lúc này quay cuồng, tiếng ù không biết từ đâu xâm lấn lỗ tai tôi. Tôi đã ngất đi từ lúc nào không rõ.

Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên một chiếc giường gấp, cạnh bác bảo vệ. Bác vội lấy khăn ấm lau người, rồi đút cháo loãng cho tôi ăn. Nhìn bác ấy chăm sóc tôi khiến tôi nhớ lại trước đây những lúc bị ốm nằm liệt trên giường, ba cũng đút cháo cho tôi ăn như vậy.

Không hiểu sao, lúc đó nước mắt tôi chảy thành dòng, mang theo bao nhiêu sự tủi hờn trong tâm hồn tôi mà tuôn trào ra ngoài. Tôi òa khóc.

Bác ấy ôm tôi vào lòng rồi nhẹ nhàng vỗ về tôi như vỗ về một đứa trẻ. Tôi dường như đã tìm thấy được sự đồng cảm từ một con người xa lạ, tôi ôm chặt bác mà vô thức nói ra nỗi lòng của mình. Tôi không ngừng than trách về số phận, than trách về chính bản thân mình. Bác không nói gì, chỉ yên lặng nghe tôi chia sẻ nỗi lòng, lâu lâu lại vỗ vào vai tôi ân cần nói: “Không sao, không sao, mọi chuyện sẽ ổn thôi”.

Từ đó trở đi mỗi lần ghé vào thăm ba, tôi đều ghé qua chào hỏi bác. Bác thấy tôi đi chiếc xe đạp cũ, cảm thấy thương, sợ tôi mất phí gửi xe, nên lúc nào tôi vào viện bác đều nói tôi để ở góc tường bác sẽ trông hộ tôi.

Bác bảo vệ năm nay đã gần sáu mươi tuổi, nhưng lại không nhờ được con cái. Vợ bác cũng mất sớm để lại hai người con, một nam, một nữ. Bác giống ba tôi quyết định không đi thêm bước nữa, một mình chăm con, chỉ có điều bác lại không chăm sóc được tốt cho đứa con trai của mình.

Nghe bác tâm sự người con trai lớn của bác do từ nhỏ thiếu sự quan tâm của gia đình, thường xuyên bỏ bê việc học, lêu lỏng, ăn chơi theo bạn bè. Sau này lớn lên, do nghe lời dụ dỗ của bạn bè xấu mà rơi vào con đường nghiện ngập, hút chích.

Giai đoạn đó bác vô cùng khổ sở, cứ trong nhà có cái gì quý giá đều tự dưng không cánh mà bay. Lúc đầu bác ấy vốn không biết con trai mình đã lâm vào con đường nghiện ngập, chỉ nghĩ do anh ta ăn chơi sa đọa nên không có tiền dẫn tới làm liều.

Không ngờ lại có một ngày bác lại phải có mặt tại sở cảnh sát để nghe tòa án xét xử con trai mình. Tôi cũng không rõ người con trai đó của bác bị kết án gì, như thế nào, nhưng nhìn thấy khuôn mặt rầu rĩ của bác mỗi lần kể về anh ta lại khiến tôi chạnh lòng không nở hỏi thêm. Biết đâu khi nhắc lại tội danh đó tôi lại vô tình khiến một người làm cha như bác càng thêm đau lòng.

Bác kể bản thân đã có khoảng thời gian gần như chết đi sống lại. Thời điểm đó bác gần như đã tuyệt vọng, muốn bỏ mặc tất cả mọi thứ. Nhưng khi suy nghĩ thấu đáo, bác mới nhận ra mình thật ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, bác vẫn còn cô con gái mà bác yêu quý. Mặc dù vậy, Con gái thứ của bác đã lập gia đình và theo chồng, gia đình chồng cũng không mấy khá giả nên cũng không lo được gì cho bác.

Bác ấy vốn dĩ không còn ai để nương tựa, của cải cũng đã theo người con trai lớn mà mất sạch. Bác đành tự mình bươn chải, kiếm đồng ra đồng vô, tàn tàn sống qua ngày.

Tuy cuộc sống khó khăn là thế nhưng bác không hề tỏ vẻ khổ sở hay oán than, ngược lại còn cười rất tươi, như thể đó là một phần đáng có trong cuộc đời của bác vậy. Bác nói với tôi, số bác vẫn còn rất may mắn khi được bệnh viện nhận vào làm bảo vệ, công việc không quá nặng nhọc, lại có thu nhập ổn định, so với vô số những con người phải gồng mình bươn chải ngoài kia, bác cảm thấy bản thân đã quá hạnh phúc rồi, bác cũng không còn mong muốn gì hơn nữa.

Nghe bác nói như vậy thật khiến tôi cảm thấy thật hổ thẹn. Tôi không ngờ trên đời này còn nhiều mảnh đời ngang trái như vậy. Ấy thế mà lúc nào tôi cũng nghĩ bản thân mình mới là người bất hạnh nhất trên đời. Tôi thực sự mới là người ích kỷ.