Người Mai Táng

Chương 3: Hôn Lễ

"Hoa Ưu Bát có hương thơm tự nhiên, hương hoa tràn ngập khắp lối. Người chết trở về gột sạch bụi trần." Ông nhìn bóng người và hỏi: "Lý Bội Bội, là cháu sao?"

Cô gái cúi đầu trước ông nội: "Cháu là Lý Bội Bội, vì Ngô Tử Phàm tới đây để tiêu diệt tà ác.”

Ông nội mỉm cười: "Vậy cháu đã đồng ý hôn sự này? Chỉ cần có thể bảo vệ được Tử Phàm, nhà họ Ngô rất biết ơn cháu!" Lý Bội Bội xấu hổ cúi đầu khẽ thở dài: "Cha mẹ cháu là người quyết định hôn sự, nhưng cháu vẫn muốn nói rõ ràng, cháu vì cuộc sống ngắn ngủi, buộc trở thành linh hồn trên sông Nguyệt Hà. Nếu cháu tiếp nhận ác linh từ Tử Phàm, cháu sợ nghiệp chướng sẽ càng nặng hơn. Xin Người hãy hứa với cháu. Tương lai Tử Phàm phải tích phước đức, giúp cháu sớm ra khỏi biển khổ.”

“Chuyện đó cháu không cần lo!” Ông nội vỗ ngực: “Sau đêm nay, cháu chính là cháu dâu nhà họ Ngô, chúng ta sẽ đem bài vị của cháu ngày đêm thờ cúng, giúp cháu tích phước đức. Trong tương lai, Tử Phàm kế thừa công việc của ta, vì vong linh mở đường cầu phước, giúp cháu luân hồi chuyển thế.”

“Được, như vậy cháu đã yên tâm rồi.” Lý Bội Bội gật đầu: “Bắt đầu đi.”

Ông nội đi tới bên cạnh hình nhân, lấy ra một nắm tiền giấy, giơ tay lên trời: “Địa ác, thủy ác, quan tài ác, không được quấy rầy người dương vô tội. Tiền biến thành lửa và mưa, dẫn cái ác vào địa ngục!"

Sau câu chú, tiền giấy bay khắp bầu trời bị đốt cháy thành một cơn mưa lửa, lần lượt rơi xuống hình nhân bằng giấy, người giấy lập tức bốc cháy.

Người giấy có liên hệ với sinh mệnh và linh hồn của tôi, nó bốc cháy, tôi cũng cảm thấy như mình đang ở trong biển lửa, khắp người từng đợt đau rát, không khỏi hét lên.

Lúc này, Lý Bội Bội nhàn nhã bay tới trước mặt tôi, đặt hai tay lên vai tôi, đưa mặt vào giữa mũi và miệng tôi, hít một hơi thật sâu, tôi không nhịn được mở miệng nhìn một luồng khí đen phun ra, Lý Bội Bội từ từ hút vào cơ thể cô ấy.

Qua một lúc, sau khi hắc khí trong người được hút ra, cảm giác bị lửa thiêu đốt cũng biến mất, sắc mặt Lý Bội Bội tái xanh, lông mày hơi cau lại, cảm giác như cô ấy đang rất khó chịu, một luồng ánh sáng đỏ nhàn nhạt bị hút vào đôi bông tai bạc trong tay ông nội.

Ông nội thở phào nhẹ nhõm, đi tới đặt đôi bông tai vào tay tôi, trịnh trọng nói: “Tử Phàm, Bội Bội từ nay về sau sẽ là vợ của cháu, cháu hãy đem đôi bông tai này bên người, phải luôn nhớ là cô ấy đã cứu mạng cháu!”

Dù lúc đó tôi không biết gì nhưng tôi nhớ lời ông nội căn dặn, lấy sợi chỉ đỏ xâu đôi bông tai thành mặt dây chuyền và đeo vào cổ.

Ông nội cũng giữ lời hứa, ngày hôm sau đến Nguyệt Hà bái kiến, đặt bài vị của Lý Bội Bội trong linh đường nhà họ Ngô.

Sau khi luồng khí tà ác trong quan tài biến mất, cơ thể tôi bình phục trở lại, kể từ đó cũng hiếm khi bị sôt hay cảm lạnh. Năm tôi mười sáu tuổi, ông nội bắt đầu dạy tôi nghề chấp sự tiền bạc, mỗi khi có người nhờ ông giúp việc tang lễ, tôi đều đi theo ông để làm quen với công việc.

Dưới sự hướng dẫn của ông, ở tuổi mười chín, tôi đã học được độc chiêu "mạn phi thiên vũ sái kim tiền”, đồng thời cũng biết nhiều phong tục và phép tắc của tang lễ.

Lại thêm một năm, khi tôi hai mươi tuổi, ông nội tuổi đã cao, thể lực không như trước, tôi bắt đầu chính thức thay thế ông làm thầy chấp sự, thôn dân gọi tôi là "Tiểu Vũ chấp sự".

Như vậy cũng có thể coi là tự tại, trong lòng không khỏi có chút tự hào, nhưng rất nhanh liền gặp phải vận rủi.

Sáng sớm hôm đó, một chiếc xe lớn đậu trước sân nhà tôi, có hai người bước xuống xe, một người là Quách Lão Can, người làm giấy trong thị trấn, còn người kia là một phụ nữ trung niên.

Hóa ra người phụ nữ đó tên là Vương Hạ, một nữ doanh nhân, mẹ cô đã qua đời, tang lễ được tổ chức tại quê nhà theo di nguyện của người quá cố. Nhà giàu rất chú trọng mặt mũi, nghe nói tài nghệ làm giấy của lão Quách rất phi thường, nên họ đặc biệt từ huyện bên cạnh đến mời ông làm đồ giấy cho tang lễ. Lão Quách phát hiện nhà họ Vương không mời thầy chấp sự đến đám tang nên đã giới thiệu tôi với Vương Hạ.

Thực ra, tôi biết lão Quách còn có ý khác, nhà giàu làm việc lớn, nhất định cần làm nhiều đồ tùy táng, lão Quách cũng đã già rồi, giới thiệu tôi đi cùng để có người giúp đỡ.

Tục ngữ có câu “Có tiền mà không kiếm, là thằng ngốc.” Tôi vẫn không nói gì, hôm đó cùng Quách Lão Can đến nhà Vương Hạ. Công việc của tôi đều vào ngày tang lễ, tôi đến đó sớm chủ yếu là để giúp đỡ lão Quách, việc kinh doanh của ông ấy không hề dễ dàng, đầy đủ ngựa giấy, tượng giấy và biểu ngữ giấy, còn có biệt thự giấy thời thượng, xe giấy , và máy bay giấy, phải làm gấp rút trước đám tang.

Vương Hạ là con một, cô ta đã ly hôn và sống một mình, tang lễ của mẹ cô do một tay cô lo liệu, cô ta đặc biệt dành một phòng phụ bên cạnh cho Quách Lão Can làm giấy.

Vào ngày thứ hai của tang lễ, Vương Hạ đến và yêu cầu ông Quách dừng việc đang làm, ưu tiên làm gấp một quan tài bằng giấy dài 1 thước.

Quách Lão Can hơi ngạc nhiên nói: "Chiếc quan tài nhỏ là dùng để làm”trọng tang” sao?

Vương Hạ thần sắc có chút mất tự nhiên, khẽ gật đầu: "Tôi muốn một chiếc quan tài màu đỏ, loại có hoa sen đảo ngược. Chỉ hai người biết chuyện này thôi, không được nói lung tung, xong việc tôi sẽ thưởng cho hai người.”

Nói xong Vương Hạ rời đi, Quách Lão Can thở dài không nói gì nữa.

Xét cho cùng, tôi vào nghề chưa lâu, mặc dù đã quen thuộc với nghề chấp sự, nhưng tôi lại không biết nhiều về việc làm giấy. Vì vậy tôi nhờ lão Quách giải thích quan tài để làm “trọng tang” là gì và tại sao phải buộc một quan tài nhỏ.

Quách Lão Can nói với tôi nếu hai người trong một gia đình chết liên tiếp, và người chết thứ hai vô tình chết trong vòng "bảy bảy" ngày so với người chết trước đó, thì được gọi là "trọng tang".(*)

Dân gian có câu: “Nhà phạm trọng tang, tuyết rơi như sương, hung kiếp liên hoàn, bại tuyệt chết sạch”.

“Trọng tang” là tai họa, một khi gặp phải nhất định trong dòng tộc sẽ có người tiếp theo phải chết. Để hóa giải loại tai ương này, phải làm một chiếc quan tài nhỏ, nặn một bức tượng nhỏ bằng đất sét để vào trong, rồi nửa đêm bí mật đem chôn ở ngã ba đường, nơi có nhiều người qua lại, thay thế người sống chấm dứt tai họa.

Về màu sắc của quan tài, cũng có câu nói, nếu người chết đầu tiên khi qua đời chưa đến bốn mươi tuổi, thì người đó chết ở tuổi sung sức, quan tài bằng giấy dùng cho tang lễ phải sơn màu đỏ pha chu sa với máu gà trống để trấn áp ác linh.

"Thì ra là thế!" Tôi chợt hiểu ra, liền hỏi lão Quách: "Vương Hạ yêu cầu phải là quan tài màu đỏ “đảo ngược” là ý gì?”

……………………………….

Ghi chú:

(*) Trọng tang: ở Việt Nam hay gọi là trùng tang, nhưng trong truyện tác giả viết là trọng tang nên người dịch giữ theo bản gốc của truyện.