Người Mai Táng

Chương 1: Thầy Chấp Sự

Người xưa có câu: Chết mới là chuyện lớn.

Có nghĩa là trên đời không có gì trọng hơn tang lễ, nhất là ở nông thôn, nghi thức tang lễ có đẹp đẽ hay không, liên quan trực tiếp đến thanh danh, đạo đức và sự hiếu thảo của con cháu.

Một “thầy chấp sự" đủ tư cách là điều không thể thiếu cho một đám tang tươm tất.

Người được gọi là "thầy chấp sự" là người chịu trách nhiệm ném tiền giấy và tiền xu trên đường đưa tang.

Xua tan những cô hồn dã quỷ cản đường và đưa quan tài của người chết xuống đất một cách suôn sẻ.

Tôi tên là Ngô Tử Phàm, ông nội tôi là Ngô Khánh Phong, là thầy chấp sự nổi tiếng ở quê.

Ông nội bắt đầu ăn chén cơm này khi ông mười sáu tuổi và luyện thành thạo kỹ năng “Mạn phi thiên vũ sái kim tiền” (*), có những tờ tiền ông ném cao vài thước.

Như bướm múa hoa rơi, nhiều người từ nơi khác đến mời ông nội giúp đỡ đưa tang.

Nhưng nghề làm thầy chấp sự cũng có những quy định và kiêng kỵ riêng, gọi là “ba điều cấm kỵ”

Một là người sống không được bất trung, bất hiếu, người chết mới được đại táng.

Hai là, không vướng vào kiện cáo và chết trong tù.

Ba là, không để thai chết lưu, một xác hai mạng.

Vì ba loại người chết này có oán khí sâu nặng, trên đường đưa tang chắc chắn sẽ gặp nhiều cản trở, một khi tiếp nhận những trường hợp này, dễ gặp “ác quan tài” cực kỳ nguy hiểm, gây bất lợi cho người chấp sự.

Khi còn bé, tôi không hiểu ý nghĩa của câu nói này, mãi đến lúc ông nội phá lệ một lần đã gây ra hàng loạt chuyện kỳ quái, tôi mới thực sự hiểu được ưu nhược điểm của nó.

Trong kỳ nghỉ hè năm tôi mười tuổi, một buổi chiều, trưởng làng Nhị Bá đem theo thuốc lá, rượu và đồ ngọt đến nhà tìm ông.

Sau một vài lời hỏi thăm, Nhị Bá bắt đầu vào vấn đề chính: “Chú Ngô, cháu cần chú giúp đỡ một việc. Cháu có người bạn học cùng lớp tên là La Bảo Tài ở thôn kế bên, cha hắn vừa qua đời do bạo bệnh, nhờ cháu mời chú qua làm chấp sự.”

“La lão gia ở thôn bên cạnh?!” Ông nội nghe vậy nhíu mày, lập tức cự tuyệt: “Việc này ta không giúp được cậu, tốt nhất là nói họ thuê người khác đi!”

Vì sao ông nội lại từ chối ngay lập tức, thì ra ông nôi cũng biết chút ít về hoàn cảnh của gia đình Lão La ở thôn bên cạnh, con trai ông La Bảo Tài phất lên nhờ các hợp đồng xây dựng, cưới một cô con dâu trên thành phố, có cuộc sống giàu có ổn định, nhưng lại để người cha già ở nhà một mình, thậm chí ốm liệt giường không ai chăm sóc.

Lúc ông cụ còn sống hắn đã không làm tròn bổn phận phụng dưỡng, nay cha qua đời lại muốn tổ chức tang lễ rình rang, đây là một ví dụ điển hình của việc “lúc sống bất hiếu, khi chết mới kêu gào”, giúp đỡ gia đình như vậy là vi phạm điều đầu tiên trong ba điều cấm kỵ.

Thấy ông nội từ chối người ở cách xa ngàn dặm, Nhị Bá cười nói: "chú Ngô, chú cần gì làm khó tiền bạc chứ? Lần này La gia trả thù lao không nhỏ!"

Những gì hắn nói đã đánh trúng vào điểm yếu của ông, năm đó bố mẹ tôi lên thành phố buôn bán nhỏ, khi mới bắt đầu kinh doanh cũng không kiếm được bao nhiêu tiền, kinh tế khá eo hẹp.

Tôi sống ở quê với ông nội, mọi chi phí như tiền học, tiền ăn uống… đều đổ lên vai ông, cuộc sống rất khó khăn, ông nội im lặng cúi đầu hút thuốc rất lâu rồi mới vỗ đùi nói: "Vì cháu trai bảo bối của tôi, chỉ ngoại lệ lần này thôi!"

Vài ngày sau, buổi sáng ngày tang lễ của ông cụ La, La Bảo Tài đặc biệt đưa ô tô đến đón ông nội, lo lắng tôi ở nhà một mình nên ông cũng đưa tôi đi cùng.

La gia đúng là giàu có quyền thế, nơi đặt linh cửu lớn bằng nửa sân bóng, còn có đội trống , dàn nhạc lễ, mười sáu thanh khiêng chạm đầu rồng sơn son thếp vàng, pháo hoa không dứt.

Người biết thì nói là tổ chức tang lễ, người không biết còn tưởng tổ chức tiệc tùng.

Tám giờ sáng, đến giờ di quan, theo lệ, ông nội ném một nắm tiền giấy ra khỏi cổng, người con ném vỡ chậu sành, quan tài được đưa ra khỏi nhà, rồi đến nơi đặt linh cửu buộc thanh rồng làm tang lễ.

Nhưng khi ông nội ném tờ tiền ra, chậu sành trong tay La Bảo Tài nặng nề rơi xuống đất, lăn mấy vòng vẫn không vỡ!

Trong dân gian có lời đồn, vong linh có chuyện chưa làm xong hoặc trong lòng mang chấp niệm nên hũ sành rơi xuống mới không vỡ. La Bảo Tài trong lòng chột dạ, kinh ngạc nhìn hũ sành trên mặt đất không biết phải làm sao.

"Cậu ngẩn ra làm gì, mau dập đầu lạy cha xin chuộc tội đi, rồi ném lại một lần nữa!" Thấy vậy, ông nội vội thấp giọng nhắc nhở La Bảo Tài.

Sau đó, ông ném ra ngoài cửa một nắm tiền giấy và hét lên: "Linh hồn của người chết không nên quyến luyến nhà cửa, Âm Dương không thể chung đường, ném chậu, di quan!”

La Bảo Tài đang lạy rối rít đứng dậy, nhặt chậu sành lên ném xuống, lần này chậu sành vỡ thành từng mảnh. Giữa tiềng trống, hơn chục người cùng nhau khiêng cỗ quan tai nặng trịch ra khỏi nhà chính của La gia, buộc chặt thanh đầu rồng, đặt con gà lên trên quan tài, đám tang bắt đầu khởi hành.

Lễ tang của nhà họ La vì muốn làm cho rình rang nên đã đặc biệt sắp xếp nghi thức “Tuần đường tẫn.”

"Tuần đường tẫn" là cách gọi ở đại phương, đám tang bình thường chỉ muốn đưa quan tài đến nghĩa địa một cách nhanh nhất và an toàn nhất, còn đám tang “tuần đường tẫn” thì noi theo các quan lại xưa đi tuần, nghĩa là khiêng quan tài đi xung quanh nơi người quá cố từng sống, để linh hồn người chết về thăm lại quê hương lần cuối cùng.

Lúc này, đoàn đưa tang đi đến một ngã ba đường, ông nội hét lớn: "Ngã ba đường gồ ghề đi chậm lại, cô hồn dã quỷ không được cản đường!"

Ông nội giơ tay ném một xấp tiền giấy lên không trung, khi tiền giấy sắp rơi xuống thì đột nhiên nổ tung, bay loạn như tuyết, khiến dân làng ven đường vỗ tay tán thưởng.

Nhưng vào lúc này, có sự cố xảy ra, một cơn gió thổi qua, sợi dây gai buộc vào cột rồng đột nhiên đứt lìa, quan tài lập tức rơi xuống đất!

Đoàn đưa tang dừng lại, mọi người nhốn nháo, ai cũng biết quan tài chưa đến mộ đã rơi xuống đất, ông nội sắc mặt nặng nề, quay người đi đến bên quan tài, đưa tay lên vỗ nhẹ: "La lão gia, người chết như đèn đã tắt , ân oán gì cũng nên buông bỏ, con cháu có lỗi lầm, lão cũng nên tha thứ!"

La Bảo Tài vội vàng cùng vợ quỳ xuống bên đường, khóc lóc xin lỗi.

Lúc đó tôi đang đi theo sau ông, thấy quan tài khẽ rung, tiếp theo là một luồng khí đen từ dưới quan tài phun ra, lượn vòng về phía đầu quan tài.

"Có chuyện rồi! Mọi người tránh ra, đừng vội!"

Sự việc xảy ra đột ngột, ông nội quên mất tôi đang đi theo ông, vội kéo vợ chồng La Bảo Tài đi, nhưng tôi vẫn đứng đó ngơ ngác, sững sờ nhìn quan tài.

Lúc đó tôi còn nghĩ: "Ông nội thường nói “ác quan tài”, chẳng lẽ hắc khí này là “ác quan tài” sao?"

Khi tôi kịp định thần lại, hắc khí như rắn trong nháy mắt đã xâm nhập vào cơ thể!

Tôi chỉ cảm thấy chóng mặt, người nhũn ra rồi ngã xuống đất......

.....................................................

Ghi chú:

- Mạn phi thiên vũ sái kim tiền: tiền bay nhảy múa như mưa trên trời