Chương 28: Xảo thành Cửu Chuyển
Nhìn vào lưng lão, Tiết Thiếu Lăng phẫn uất, hét to :- Đứng lại! Nếu ngươi có thực tài, hãy giải khai huyệt đạo cho ta đi, rồi đọ sức với ta thử xem!
Chàng chưa buông dứt câu, Cửu Nghi tiên sinh thoăn thoắt bước chân trên mặt nước, trổ thuật Thủy Thượng Hành lướt đi.
Nhờ chàng hét to, thân hình chuyển động, tay liền được giải khai huyệt đạo, nhưng chín huyệt khác trên mình, vẫn còn bị chế ngự như cũ.
Tay cử động được, nhưng thân hình không cử động được, phỏng có ích gì?
Dù chàng có phẫn uất, cũng cầm như vô ích, bởi Cửu Nghi tiên sinh đã đi rồi, có mắng cũng chẳng ai nghe. Do đó, chàng lắng dịu tâm tình lại, nghĩ cách đối phó với tình hình.
Điều trước hết cần làm, là phải giải huyệt cho mình, nhưng có chắc gì chàng làm nổi việc đó không?
Cửu Nghi tiên sinh đã cho chàng biết, thủ pháp của lão, trên đời này chỉ có một mình lão là hóa giải được thôi. Bởi “Cửu âm phong huyệt” là một tà công, chỉ có hạng người trong cánh bàng môn tả đạo mới chuyên luyện, những cao thủ chánh phái không cách gì hóa giải nổi.
Cho nên, dù hiện tại có cả Hắc Thánh Thần Tiêu Du Long Tang Cửu, hay Nhất Bút Âm Dương Trương Quả Lão, họ cũng đành bó tay, hà huống là chàng?
Cửu Nghi tiên sinh trả lại cho chàng chiếc Trúc tiêu, đủ biết lão tự tin vô cùng. Lão ấy có niềm tin như vậy là tình trạng của chàng kể như vô cứu rồi.
Song còn nước còn tát, Tiết Thiếu Lăng còn có đến chín hôm nữa kia mà!
Thời gian chín hôm dù ngắn, vẫn chưa phải là cấp bách, nếu không cấp bách thì chưa đến nỗi tuyệt vọng. Dù biết khó thành công, chàng vẫn cố làm, cố tìm mọi cách mà làm, đến giờ phút chót ra sao thì ra.
Đã học được thuật “Vận khí quá huyệt” chàng cũng học luôn thuật “Vận khí xung huyệt”.
Thuật trước dùng phòng vệ các huyệt đạo, thuật sau dùng để xung phá các huyệt đạo bị phong bế.
Có chủ định rồi chàng làm ngay theo chủ định.
Nhờ Cửu Nghi tiên sinh xếp đôi chân chàng trước khi đi, vả lại chàng ngồi nên tư thế đó rất thuận tiện cho chàng vận công điều tức.
Chàng nhắm mắt lại định thần, điều hòa hơi thở, bắt đầu vận khí chuyển qua các huyệt đạo.
Vô ích, chân khí đi đến các huyệt đạo bị điểm liền vội trở lại như gặp phải bức tường sắt chắn ngang, không làm sao xung phá nổi.
Tiết Thiếu Lăng thở dài :
- Lão ấy không nói ngoa! Thuật vận khí xung huyệt không thể giải nổi thủ pháp “Cửu âm phong huyệt” của lão!
Chàng lại mở mắt ra nhìn quanh lôi động.
Động rộng lớn vô cùng, mường tượng một cánh đồng hoang, nhưng sao tối như đêm dài vô tận, viên minh châu dù chiếu sáng, chỉ soi sáng được phạm vi độ hai trượng tròn thôi.
Như vậy còn mong gì quan sát cảnh vật xung quanh? Mắt không dùng được, tai lại bị tiếng động ầm ầm, không còn nghe ngóng âm thinh nào khác nữa. Mắt và tai trở thành vô dụng, chàng lại dùng tâm trí suy tư.
Suy nghĩ một lúc, chàng lại thử vận khí một lượt nữa xem, rồi ba lượt, bốn lượt, nhưng qua mỗi lượt, chân khí vừa nhóm tụ là tiêu tan liền.
Vận khí mãi vô công, chàng cảm thấy chân lực tiêu hao nhiều, tuy nhiên, chàng không nản chí, mệt thì nghỉ, khỏe thì vận khí, chỉ còn cách đó, làm cầu may thử xem, chứ không chắc gì được mãn nguyện, bất quá chàng nghĩ không lẽ ngồi lỳ chờ phút giây trôi qua, chờ cái chết?
Chàng nghĩ :
- “Có thể tại ta nóng nảy, muốn xung phá chín huyệt đạo cũng một lúc nên phân tán chân khí đí chín nơi, thành ra yếu chăng? Bây giờ, ta gom chân khí ở một chỗ, xung phá từng huyệt một, áp lực tăng gấp chín lần, biết đâu ta chẳng toại ý?”
Chàng lại theo cách đó mà làm, song không thể nhóm tụ một số lượng chân khí cần thiết.
Chàng đã phí rất nhiều công phu, trải qua không biết bao nhiêu thời gian, tình trạng y nguyên không tiến chút nào.
Trong động, bóng tối phủ trùm quanh năm suốt tháng, thời gian là một đêm dài vô tận. Tiết Thiếu Lăng ức độ mình vào đây có hơn một ngày đêm rồi.
Trong khoảng thời gian dài dặc đó, chàng đã cố gắng vận công, nhưng không thu thập được một kết quả nhỏ nhặt nào, đã vậy lại còn lao lực vô cùng.
Chàng không còn hy vọng gì xung khai các huyệt đạo bị bế tắc, nên không cần tiếp tục vận khí nữa, chỉ điều tức để lấy lại sức khỏe được phần nào hay phần ấy thôi.
Qua một lúc, chàng nghe bụng đói như cào.
May mà lúc vào động, chàng đã chuẩn bị lương khô, hiện còn mang trong mình, chàng lấy ra ăn, ăn no rồi tinh thần sảng khoái trở lại.
Chàng nhìn quanh mình thấy chiếc Trúc tiêu và hạt minh châu còn đó, liền cầm chiếc Trúc tiêu định thổi một khúc.
Ánh minh châu chiếu soi rõ thân trúc tiêu, trong khoảnh khắc, chàng đã ghi nhận rõ ràng tiêu khúc đầu tiên.
Chàng bèn thổi lên khúc đó.
Chàng còn lạ gì nhạc khúc này, song trái với điệp khúc thông thường, điệp khúc của Vô Danh đạo trưởng có phần dồn dập hơn nhiều. Tiết Thiếu Lăng thổi muốn đứt hơi mà không sao làm cho tròn âm điệu như ý muốn.
Chàng vừa thổi vừa nghe tiếng tiêu kỳ lạ vô tưởng, không thành âm điệu gì cả.
Chàng nhớ lại, trước đó Cửu Nghi tiên sinh cũng thổi tiêu khúc đó, mà sao nghe du dương vô cùng, còn chàng thì cũng không phải tay mơ, dù gì vẫn được Hắc Thánh Thần Tiêu Du Long Tang Cửu truyền dạy, há chẳng thổi được một khúc tiêu sao?
Trong động, tiếng vang ầm ầm như sấm dậy, song nếu là sấm thì cũng phải có lúc ngừng, còn tiếng vang ầm ầm này lại liên tục, bất cứ phút giây nào cũng không dứt ầm ầm.
Nhưng, mặc cho tiếng vang phát lên, Tiết Thiếu Lăng không cần lưu ý, chàng bắt đầu thổi lại khúc tiêu, chàng chăm chú nghe tiếng tiêu thổi.
Dần dà, chàng không còn nghe tiếng động ầm ầm nữa, dần dần chàng nghe tiếng lớn hơn, đến cuối cùng thì chỉ còn tiếng tiêu vang dội bên tai chàng, động đá không còn tiếng vang nào ngoài tiếng tiêu nữa. Và lạ lùng làm sao, tiếng tiêu càng lúc càng kỳ diệu vô tưởng, chỗ kỳ diệu đó làm cho chàng như tỉnh ngộ, như thông suốt một vấn đề nan giải...
Đột nhiên, chàng nghe trong cổ họng nhột nhột, không dằn được, chàng đằng hắng lên mấy tiếng, đoạn nữa mới thổ ra một búng máu.
Hiện tượng đó do chàng chú tâm thổi tiêu, dùng làn công lực thổi tiêu, làm cho khí huyết đã bị Cửu Nghi tiên sinh điểm huyệt phong bế bựt ra như nước vỡ bờ.
Đồng thời chàng cảm thấy huyệt Vỹ Long bị xung phá thành thông suốt như cũ.
Dĩ nhiên chàng phải mừng rỡ vô cùng, lập tức buông tiêu xuống vận khí xung phá tiếp huyệt Linh Đài liền theo đó.
Nhưng chàng thất vọng ngay, vẫn như lần trước chân khí vận chuyển đến huyệt đạo là bị bật dội trở lại liền không thể nào vượt qua nổi.
Đến lúc đó chàng mới biết vì một ngẫu nhiên may mắn huyệt Vỹ Long bị xung khai chứ chẳng do một công phu nào của chàng cả.
Mà sự ngẫu nhiên không phải mỗi lúc mỗi có, thành ra chàng cưỡng cầu vô ích.
Chàng chưa chịu tin như thế, cố làm mấy lượt nữa xem sao, song lượt nào cũng như lượt nào, chàng chẳng thu được một kết quả nhỏ nhặt.
Chàng hết sức lấy làm lạ, đặt nhiều nghi vấn tìm hiểu nguyên nhân sự khai huyệt Vỹ Phong.
Vừa rồi chàng chỉ thổi tiêu, có vận khí bao giờ đâu, thế mà chỉ mửa một búng máu, huyệt đạo bị xung khai liền, hay là sự xung khai này có liên quan đến tiêu khúc?
Chàng đã nghe Cửu Nghi tiên sinh bảo, chiếc trúc tiêu từng được Vô Danh đạo trưởng truyền tinh khí từ hơn tám mươi năm qua, nó đã trở thành một vật báu vô giá trong võ lâm. Như vậy, nó có chỗ diệu dụng của nó từ lâu rồi chàng không hề biết đến.
Chàng biết làm sao được chỗ diệu dụng của nó, bởi chàng có hiểu chủ nhân của nó là Vô Danh đạo trưởng đâu?
Tiết Thiếu Lăng liền cầm chiếc tiêu lên, thổi lại điệu khúc đó. Cũng như lần trước, chàng hết sức chăm chú thổi, gia dĩ chàng rành sử dụng nhạc khí này nên dễ dàng đưa điệu khúc vào chỗ nhập điệu.
Nhưng thổi một lúc, chàng không thấy có sự gì khác lạ xảy ra, trừ huyệt đạo bị xung khai vừa rồi, các nơi khác vẫn bế tắc như cũ.
Bây giờ chàng không còn tin tưởng chỗ liên quan giữa tiêu khúc và sự xung khai huyệt Vỹ Long nữa.
Thất vọng Tiết Thiếu Lăng buông chiếc tiêu xuống.
Làm cái việc vô công đó chàng đã tốn hết nửa ngày, cơn đói lại cào cấu dạ dày, chàng lấy lương khô ra ăn, ăn xong không biết làm gì cho qua thời gian, lại lấy khúc tiêu lên, nghiên cứu đến điệu khúc thứ hai, nghiên cứu kỹ một lúc lại thổi.
Thổi một lúc bất giác toàn thân rung chuyển, chàng lại mửa máu đen, huyệt Linh Đài không cần chàng vận khí xung khai mà tự giải khai, thông suốt như thường.
Tiết Thiếu Lăng hoàn toàn thức ngộ lý do sự xung khai của huyệt đạo, chàng mừng rỡ vô cùng.
Thì ra mỗi khúc tiêu có cái nhiệm mầu xung phá một huyệt đạo. Không do dự, chàng tiếp tục thổi khúc thứ ba.
Chàng lại mửa máu đen, huyệt Ngọc Chẩm được xung phá như hai huyệt trước.
Cứ qua mỗi lượt thổi một điệu khúc thì chàng nghỉ một chút và mỗi lần thổi lên một điệu khúc là có một huyệt đạo nữa bị xung phá.
Lần lượt, chàng thổi đúng bảy khúc, lần lượt bảy huyệt đạo bị xung phá, sau các huyệt Vỹ Long, Linh Đài, Ngọc Chẩm, đến các huyệt Bách Hội, My Tâm, Toàn Cơ và Cự Quyết.
Dù bất cứ ai trong trường hợp của chàng cũng mừng rỡ không tưởng.
Còn lại hai huyệt cuối cùng là Khí Hải và Trung Cực, chàng tiếp tục thổi luôn khúc thứ tám và thứ chín, kết quả y như mong muốn.
Vừa lúc đó chàng nghe giọng cười của Cửu Nghi tiên sinh vọng đến, tiếp theo là một câu nói đầy vẻ hài lòng :
- Tiểu huynh đệ quả nhiên ngộ tánh cực cao, chỉ trong một thời gian ngắn đã lãnh hội được Cửu Chuyển huyền công. Hiện tại không nên vọng động, hãy ngồi yên một chỗ thổi lại từ điệu khúc thứ nhất đến thứ chín, thổi liên tục không ngừng nhé!
Tiết Thiếu Lăng giật mình, không ngờ chín điệu khúc đó lại là bí quyết của Cửu Chuyển huyền công, thảo nào mà chiếc trúc tiêu được gọi là Cửu Chuyển tiêu.
Như vậy, rõ ràng Cửu Nghi tiên sinh điểm huyệt phong bế các kinh mạch của chàng là có hảo ý thành toàn cho chàng, chàng đã không hiểu hảo ý đó, lại ngờ cho lão là có dã tâm chiếm đoạt báu vật!
Nhớ lại những lời mình sỉ vả tiên sanh thậm tệ Tiết Thiếu Lăng thẹn quá, vội quay về phía giọng nói, ấp úng :
- Tại hạ có ngờ đâu tiên sanh có nhã ý thành toàn cho, vừa rồi có thái độ hết sức thô bỉ.
Cửu Nghi tiên sinh cười ha hả :
- Tiểu huynh đệ nhắc lại làm chi việc đó? Hãy luyện công đi, hiện tại chỉ mới lãnh hội được bí quyết thôi, cần phải tập luyện cho thật thuần thục thì mới có thể sử dụng.
Tiết Thiếu Lăng không dám chần chờ, bắt đầu vận nội công liền. Trước đó, thổi từng điệu khúc một rời rẻ, chàng không thấy gì khác lạ ngoài cái việc các huyệt đạo bế tắc được xung phá.
Nhưng bây giờ thổi liên tiếp trọn chín khúc không ngừng nghỉ ở chỗ nào Tiết Thiếu Lăng nghe chân khí càng lúc càng phát sang dồi dào lưu chuyển khắp cơ thể càng lúc càng mạnh.
Có lúc chàng cảm thấy thân mình như vọt bổng lên cao có lúc lại cảm thấy rơi xuống thấp, có lúc nghe lạnh lùng vô tưởng, liền theo đó lại cảm thấy nóng bỏng như đắm mình trong nước sôi, rồi nghe như muôn mũi nhọn đâm vào ngũ tạng.
Trong thời khắc thổi chín khúc tiêu chàng trải qua đủ mọi cảm gi?, những cảm giác đó chuyển biến hết sức đột ngột, nếu chàng không dè dặt thì nguy hại đến bản thân ngay, trong võ thuật người ta gọi là “Tẩu hỏa nhập ma”.
Những cảm giác đó giao chuyển sôi động một lúc rồi đâu lại trầm lặng đó, khí huyết trở lại bình thường.
Khí huyết vận hành theo nhịp độ bình thường, là tâm thần ổn định lắng dịu hoàn toàn. Trong khi vận công mà thần định, tâm linh là đạt đến mức độ “vong ngã”. Đến mức độ đó phải dừng lại, nếu cứ tiếp tục chàng sẽ nhập hỏa mà diệt luôn.
Cửu Nghi tiên sinh lại tán :
- Hay lắm. Tiểu huynh đệ đã thành công rồi đó! Đáng mừng cho tiểu huynh đệ vậy!
Tiết Thiếu Lăng ngửng mặt nhìn ra thấy Cửu Nghi tiên sinh đã đứng trước mặt cười thoải mái.
Chàng vội vã đứng lên vòng tay cung kính thốt :
- Tiên sanh cao đức thành toàn cho, tại hạ xin ghi nhớ suốt đời!
Cửu Nghi tiên sinh bật cười ha hả :
- Có gì đâu! Ân sư đã chỉ dạy bảo lão phu tiếp trợ tiểu huynh đệ luyện công, nên tìm cách đưa tiểu huynh đệ vào, lúc nãy có nói đến hạn định chín hôm, là dự đoán thời gian lãnh hội bí quyết của tiểu huynh đệ, không ngờ tiểu huynh đệ lại thành công sớm hơn, nhờ cái ngộ tánh cực cao, chỉ luyện trong bảy ngày là thuần thục.
Tiết Thiếu Lăng giật mình :
- Đã bảy ngày qua rồi?
Cửu Nghi tiên sinh cười nhẹ :
- Phải! Trong bảy hôm đó, lão phu vẫn ở quanh đây, nghe tiểu huynh đệ thổi tiêu. Có lẽ tiểu huynh đệ cho rằng chỉ vài hôm thôi à.
Tiết Thiếu Lăng gật đầu :
- Đúng vậy! Tại hạ tưởng chỉ một vài hôm là cùng.
Cửu Nghi tiên sinh vẩy tay :
- Mình rời Lôi động đi thôi, tiểu huynh đệ ạ!
Cả hai lại theo đường cũ, trở lại Thạch Điền, đến trước ngôi lều cử Cửu Nghi tiên sinh.
Tiết Thiếu Lăng vòng tay vái :
- Trong mấy hôm nay, tại hạ quấy nhiễu Tiên sanh một cách qua đáng lắm rồi, lòng không khỏi áy náy, không tiện lưu lại lâu, tại hạ xin cáo từ...
Cửu Nghi tiên sinh lắc đầu :
- Không! Không thể vội như thế được. Tiểu huynh đệ phải vào nhà...
Tiết Thiếu Lăng nhìn thẳng vào mặt tiên sanh :
- Tiên sanh còn điều gì dạy bảo?
Cửu Nghi tiên sinh cười mỉm :
- Tiểu huynh đệ đã quên là vì lý do nào mình đến đây chăng?
Tiết Thiếu Lăng lắc đầu :
- Quên làm sao được? Tại hạ đến đây để thỉnh giáo tiên sanh về hai vấn đề nan giải.
Cửu Nghi tiên sinh lại cười mỉm :
- Mà lão phu đã nói đến hai vấn đề đó chưa? Lão phu đã nói như thế nào?
Tiết Thiếu Lăng thầm nghĩ :
- “Lão ấy quên hết rồi chăng?”
Chàng liền thuật lại những điều tiên sanh nói. Tiên sanh gật đầu :
- Tiểu huynh đệ nhớ kỹ đó! Nhưng lại quên điều trọng yếu!
Tiết Thiếu Lăng lấy làm lạ :
- Tiên sanh có nói đến điều trọng yếu nào đâu?
Cửu Nghi tiên sinh lại cười :
- Lão phu có nói là, tiểu huynh đệ nhờ ân sư chỉ điểm mà đến được nơi này, đó là một điều khiến lão phu không thể nào không thỏa mãn tâm nguyện của tiểu huynh đệ. Nhưng trước mắt còn nhiều sự việc, không thể nói ra sớm, lão phu phải tóm lược lại trong một phạm vi nhỏ, chắc tiểu huynh đệ không quên.
Tiết Thiếu Lăng a lên một tiếng :
- Phải rồi! Vậy mà tại hạ quên mất.
Cửu Nghi tiên sinh vuốt râu, cười :
- Bây giờ đã đến ngọ rồi, mình vào nhà, dùng cơm rồi sẽ nói chuyện tiếp.
Lão vừa nói vừa ngẩng mặt nhìn trời.
Tiết Thiếu Lăng nhìn theo, bất giác nhếch nụ cười khổ. Ở đây, tận trong lòng Cửu Nghi động, chung quanh là vách đá, bên trên là vách đá, còn có trời mây gì mà bảo là nhìn trời? Chàng không nhìn được, nhưng tiên sanh lại nhìn được, có phải là một sự kỳ quái không?
Cửu Nghi tiên sinh đưa Tiết Thiếu Lăng vào gian phòng khách, bảo chàng ngồi đó, còn mình thì bước ra sau.
Không bao lâu, lão trở lại, hai tay khệ nệ bưng một chiếc mâm, trên mâm có cá, có thịt, có măng, có rau đặt chung quanh một nồi cơm lớn.
Món ăn không cầu kỳ, sang trọng gì, song đã bày hôm liền chỉ ăn toàn cơm khô, uống toàn nước suối, gặp một mâm cơm thế này, kể ra cũng hấp dẫn lắm rồi, Tiết Thiếu Lăng ăn ngon lành.
Tiên sanh mỉm cười nhìn chàng :
- Tiểu huynh đệ cứ ăn no, no rồi còn phải ăn thêm vài chén nữa, dự phòng trong một đêm một ngày sắp tới không có cái gì ăn đấy.
Tiết Thiếu Lăng lấy làm lạ :
- Tiên sanh định bảo tại hạ đi đâu nữa?
Cửu Nghi tiên sinh lắc đầu :
- Không phải như vậy đâu! Lão phu nhận thấy tiểu huynh đệ dấn bước trên giang hồ không hơn 3 tháng mà đã gặp nhiều biến cố suýt mất mạng mấy lần. Tiểu huynh đệ chưa chết là địch còn theo dõi mãi. Muốn tránh con mắt dòm ngó của địch, tiểu huynh đệ phải am tường thuật cải sửa dung mạo. Song hiện tại, dù tiểu huynh đệ có được Tang Cửu truyền thụ thuật đó một cách tường tận, cách sử dụng cũng vẫn còn để lộ nhiều sơ hở. Mới nhìn tiểu huynh đệ thì thiên hạ còn lầm chứ nhìn lâu thấy rõ chỗ giả tạo. Huống chi địch toàn những tay ghê gớm nhãn lực hơn người?
Lão dừng lại một chút rồi tiếp :
- Tiểu huynh đệ muốn truy cứu thân thế, lai lịch mình thì phải bôn tẩu giang hồ, và như vậy lại càng âm thầm hành động, nếu ỷ y vào thuật còn non nớt đó, không khéo một sớm một chiều địch sẽ phát hiện chân tướng, thì nguy với chúng. Cho nên lão phu tưởng, tiểu huynh đệ nên đổi bộ mặt khác...
Tiết Thiết Lăng giật mình :
- “Đổi bộ mặt? Đổi như thế nào? Trên đời này có ai đổi bộ mặt được?”
Cửu Nghi tiên sinh điềm nhiên :
- Nói đổi bộ mặt, bất quá là một cách nói mà thôi, chứ thực ra, chỉ là một phương pháp cải sửa dung mạo, có điều hơi khác biệt một chút. Chỗ khác đó, là một khi thoa thuốc vào mặt rồi, chỉ có lão phu mới có thể rửa sạch, dù năm năm, mười năm, lão phu không rửa cho, thì diện mạo vẫn y nguyên như lúc mới thoa.
Lão cười nhẹ :
- Nên nhớ là chỉ có lão phu mới có thể rửa sạch thôi nhé! Và khi thoa thuốc đó rồi, đừng mong ai phát hiện ra chân tướng nổi!
Cải sửa dung mạo! Sư phụ chàng cũng ân cần dặn dò như thế, rồi giờ đây Cửu Nghi tiên sinh cũng dặn dò như thế!
Tại sao cả hai vị tiền bối lại cùng ý tưởng với nhau như vậy? Có lẽ mặt chàng giống với mặt người nào đó, mà người đó lại bị địch theo dõi chăng?
Chàng hoang mang vô cùng, vội hỏi :
- Diện mạo của tại hạ có gì bất lợi chăng, lại cần phải biến đổi?