Năm lên ba, sau khi được cha cho học chữ, nàng đành lừa gạt hai năm rồi được chuyển tới nhĩ phòng phía đông phòng chính. Trên bàn trong phòng bày hai hai cuốn sách mà cha nàng chép tay, bên cạnh đó nàng vẫn theo mẹ học thêu thùa.
Còn về sách, rảnh nàng mới giở ra đọc.
Điều khiến Cát An vui vẻ là nàng rất có thiên phú về thêu thùa, mà mẹ nàng lại bằng lòng dạy cho nàng nên nàng càng có hứng thú. Hơn nữa kiếp trước, giáo sư Cát sợ nàng học hành áp lực ảnh hưởng đến tính cách nên cứ nghỉ hè là lại dạy nàng quốc họa, lấy nó để giải tỏa tâm tình. Mặc dù tài vẽ tranh quốc họa của nàng không được xuất sắc, song vẽ hình để thêu thì vẫn được.
Hình thêu sinh động, những thứ mà nàng thêu vô cùng khéo. Năm tám tuổi mẹ nàng cho nàng nhận một vài công việc.
Đến năm mười tuổi, năm mà Cát Hân Nghiên đập đầu vào giường rồi sống lại ấy, Cát An đã thêu được đồ trang trí, lót nghiên mực, lót bàn. Cát Mạnh thị toàn nhận những công việc nhỏ mà cần sự tỉ mỉ cho con gái, sau khi bán đi bà cũng góp lại thành bạc và bảo con gái cất đi.
Điều kì diệu là trong nhà trừ cha mẹ ra, không một ai biết Cát An nhận công việc thêu thùa. Cát Mạnh thị có ý muốn Cát An giành dụm tiền, Cát Trung Minh cũng không nhiều lời, đôi khi còn cho con gái ngoan của mình thêm tiền.
Cát An luôn bày ra gương mặt lạnh lùng, nàng ít khi cười, ba tẩu tẩu và đám vãn bối đều không dám chọc vào nàng. Còn về ca ca, nam nữ bảy tuổi đã không ngồi chung nên bọn họ cũng chẳng dám bước vào khuê phòng của nàng.
Từ lúc xác nhận Cát Hân Nhiên cũng sống lại, Cát An luôn hành sự cẩn thận. Cũng may Cát Hân Nhiên vẫn giống ngày xưa, nàng ta không thích lại gần nàng, cả ngày không giúp mẹ làm việc thì cũng ngồi trong phòng, lấy bút lông của cha chấm mực luyện chữ.
Như vậy càng hợp ý Cát An hơn, nước sông không phạm nước giếng, ai sống cuộc sống của người nấy.
“Đến giờ dậy rồi.”
Bên ngoài có tiếng gọi, Cát An lập tức trả lời: “Mẹ, con dậy rồi.”
Một tháng trước, cha nàng cứ than vãn con gái đã mười ba tuổi, đã đến lúc phải làm hai món trang sức cho ra hồn rồi. Chẳng qua mấy hôm trước trời âm u, thỉnh thoảng lại đổ mưa, trưa hôm qua mới hửng nắng. Buổi tối, cha nàng bèn nói với mẹ nàng rằng hôm nay sẽ lên huyện và đưa nàng đi cùng.
“Thế thì con nhanh chân nhanh tay lên, cha con đang cho lừa ăn ở sân sau rồi đấy. Đại tẩu cũng sắp nấu bữa sáng xong rồi.”
Cát An bèn xuống giường: “Vâng.” Nàng nhanh chóng chỉnh đốn lại áo trong, kéo áo bông xuống rồi lấy váy áo treo trên đầu giường mặc vào, sau đó lại khoác áo bông lên.
Chiếc áo bông này là nàng tự làm, vải chẳng tốn bao nhiêu tiền, toàn ghép lại từ những mảnh vải con mẹ nàng lấy ở hàng thêu, còn bông thì nhà nàng có sẵn.
Phủ Tề Châu nằm ở phía bắc của triều Đại Cảnh, khí hậu khá giống khí hậu của Sơn Đông trong kiếp trước, đầu tháng mười đã trở lạnh. Chiếc áo bông rất vừa người, mặc bên ngoài nên có thể giữ được nhiệt, khoác thêm một cái áo khoác qua mông nữa, rất ấm mà không bị béo.
Nàng thấy ổn nên cũng làm luôn hai chiếc cho cha mẹ.
Cát An cuốn hai lớp vải quanh chân, đi tất bông, cột chặt tất rồi đi giày. Nàng giậm giậm chân, mặt tỏ vẻ hài lòng. Giỏi thêu thùa may vá đúng là tiện cho nàng, không những có thể tự làm đồ mà còn không bao giờ thiếu vải vụn.
Đừng thấy chúng là vải vụn mà coi thường, chất lượng khá ổn và khá “đắt hàng” ở hàng thêu. Mẹ nàng làm việc tốt ở hàng thêu nên lần nào cũng được chia một ít.
Mấy năm nay mẹ nàng cũng hao tổn tâm tư vì gia đình. Không nhắc đến những cái khác, chỉ riêng áo bông mà mấy tiểu tử đang lắc đầu đọc bài ngoài kia cũng là nhờ bà.
Giờ một cuộn vải bình thường dài ba trượng hai thước, giá ba trăm tiền đồng. Một mẫu ruộng, mưa thuận gió hòa, một năm hai vụ bội thu mới thu hoạch được bao nhiêu chứ? Trừ tiền công, tiền thuế, tiền hạt giống, tiền ăn trong nhà ra thì mỗi năm một mẫu ruộng cũng chỉ được bốn trăm đồng thôi.
Đấy là trong nhà còn có hai tú tài, được miễn tiền thuế mười sáu mẫu ruộng mới được như thế.
Mẹ nàng mua hàng thứ đẳng của hàng thêu, một cuộn khoảng hai trăm đồng.
Hàng thứ đẳng của hàng thêu không đến mức không ai thèm mua như trong tiểu thuyết viết.
Vậy tại sao mẹ nàng lại mua được?