Trời vừa hửng sáng đã đổ trận mưa to lại thêm gió đông khiến tôi rét run cầm cập. Bọn tôi bèn trú vào một mái hiên, chắc mẩm nơi này trước đã từng là một hàng chè đông đúc. Co ro trong tấm áo tơi, tôi đưa mắt nhìn mưa rơi rào rào trên mái lá rồi nói bâng quơ:
- Mươi ngày nữa là đến Tết ông Công ông Táo rồi, phải chi ta đuổi được bọn Thát đi trước lúc năm mới về ông nhỉ?
Góc bên kia, ông Đảm cũng tựa cột nhìn ra màn mưa mù mịt, giọng buồn buồn đáp:
- Ừm. Nhóc không nhắc thì ta cũng quên mất Tết thế nào rồi.
Lời ông nói làm tim tôi hẫng đi một nhịp. Tôi chợt nhớ ra, mấy chục năm qua ông cô độc sống ở ngôi chùa trên núi Thiên Thai, ngày đầu năm, giữa năm hay cuối năm cũng đều như nhau cả, làm gì có người thân để quây quần. Tôi bèn đến gần ông thỏ thẻ:
- Chừng thanh bình rồi ông đến ở hẳn với bọn cháu đi. Tết ở làng Vạn Niên vui lắm! Cháu sẽ đưa ông đi khắp nơi cho lũ trẻ đến chúc Tết, chỉ sợ lúc đó ông phải phát tiền mừng mỏi cả tay, rỗng cả túi!
Gương mặt nhiều nét khắc khổ giãn ra đôi chút, ông Đảm khẽ mỉm cười khiến tôi cũng vui lây. Tôi lại tựa cằm lên gối nhìn mưa, nghĩ về bao nhiêu chuyện cũ. Bốn năm trước, lão già có việc công ngay mồng một nên cho phép tôi đi chúc Tết một mình. Tôi ăn mặc thật đẹp, nhờ chị tết tóc thật xinh rồi la cà mãi đến chiều, khi về nhà thì lão đang mài mực viết mấy câu đối trong thư phòng. Tôi hớn hở khoe:
- Hôm nay em đến đâu cũng nhận được tiền mừng tuổi. Tiên sinh thấy không, người ta nói đầu năm ra ngõ gặp gái là xui xẻo, nhưng em đáng yêu đến mức mọi người đã quên cả việc kiêng cữ đấy!
Lão không ngẩng đầu lên, nhẹ giọng trách:
- Ta đã dặn phải tìm chỗ bóng râm mà chơi, em muốn chép phạt mấy quyển kinh?
Tôi há hốc mồm không hiểu cớ sự gì. Mãi một lúc, lão không nghe đáp mới dừng bút nhìn tôi, lại mất một lúc nữa, lão tỏ ra rất lo âu, nói tiếp:
- Rõ ràng mặt mũi vẫn tươi tỉnh, hay lại va đầu vào đâu đó mà quên mất mình là nam tử hán rồi?
Nghĩ đến đây, tôi chợt muốn đánh người, bèn vơ hòn sỏi dẹt dưới chân ném trên vũng nước mưa ngập như sông trước quán. Viên đá nảy hơn chục lần mới rơi tõm xuống. Nỗi bực dọc trong lòng cũng tan, tôi liếc sang ông Đảm xem ông có chứng kiến màn ném thia lia điệu nghệ của mình không để được dịp lên mặt. Không ngờ ông nhướn mày, xòe tay về phía tôi. Tôi ngơ ngác một lúc mới hiểu ý, chọn một viên đá khác đặt vào tay ông. Ông lão cúi người, hất nhẹ cổ tay, viên đá lướt lướt trên mặt nước tạo nên từng đợt sóng nhỏ rồi mất hút ở phía xa. Tôi không giấu được vẻ thán phục, nhìn ông trân trối:
- Quả nhiên là cao thủ!
Độc túc tráng sĩ không cười, ánh nhìn của ông tan vào trong mưa, mênh mang, buồn rười rượi. Tôi đánh bạo đoán mò:
- Công chúa giỏi món này lắm hở ông?
Ông lão không đáp, tôi nói tiếp:
- Cháu cứ nghĩ công chúa là một người rất dịu dàng hiền thục, xem ra không đúng lắm.
Ông nhếch mép cười:
- Bên ngoài rất mực thước đoan trang, tâm hồn lại là đứa trẻ lém lỉnh tinh quái. – Dừng một chút ông chợt nhìn tôi. – Thật không ngờ tên nhóc nàng ấy nhận nuôi và đứa bé mà tên nhóc ấy nhận nuôi lại giống y như đúc dù chẳng ruột thịt gì...
Suýt chút nữa hàm dưới của tôi cũng rơi xuống nước. Hẳn là vẻ mặt của tôi rất khó coi nên ông cụ liền nhận ra mình đã lỡ lời:
- Nhóc con không biết việc này sao?
Một vài sự kiện bắt đầu tự sắp xếp rồi gắn kết nhau trong đầu tôi. Hồi lâu, tôi nhìn ông lão một cách cực kỳ nghiêm túc:
- Chưa. Bây giờ thì ông nói cho cháu biết đi.
Cụ Đảm lại nhìn ra biển nước loang loáng bên ngoài, mấy lần định mở mồm nói lại thôi. Tôi biết ông đang cân nhắc vì tiết lộ việc của người khác là không đúng lắm, bèn chân thành nói:
- Việc nào tiên sinh kể thì cháu mới biết, còn lại cháu không dám hỏi thêm, cháu sợ người buồn... Nếu ông thấy không tiện thì thôi ạ, cháu chỉ tiếc vì không hiểu để chia sẻ được với tiên sinh.
Ông lão thở dài đánh thượt, đoạn nhìn tôi cười khẽ:
- Cho cháu biết cũng chẳng hại gì, ta nghĩ trên đời này chẳng ai muốn bảo vệ tên nhóc đó hơn cháu được.
Rồi ông bắt đầu kể những chuyện đã rất xưa, câu chuyện hòa vào tiếng sấm vang chớp giật, họa lại bức tranh loạn lạc những tháng năm triều đình đổi họ, chạy đến đâu cũng là gió tanh mưa máu.
***
Câu chuyện của ông Đảm vừa kể xong thì trời cũng dứt mưa, tôi vẫn yên lặng từ nãy đến giờ, đoạn khẽ khàng dắt ngựa ra ngoài, bình tĩnh nói với ông:
- Chúng ta đi nhanh hơn một chút được không ông, cháu không muốn để tiên sinh một mình thêm khắc nào nữa cả.
Tôi phóng ngựa như bay, nước mưa trên đường bị giẫm, bắn lên tung tóe. Trong đầu tôi chỉ nghĩ đến cảnh một đứa bé vừa ra đời đã lạc mẹ, suýt thì chết giữa loạn binh. Công chúa Thuận Thiên khi ấy vừa được gả cho Yên Sinh vương để đảm bảo quyền lực của họ Lý phải được chuyển giao trọn vẹn cho họ Trần, đã ôm đứa trẻ chỉ kém mình mười mấy tuổi ấy vào lòng, đã tránh mặt cả mẹ ruột mình một thời gian rất dài để khi gặp lại, chẳng ai biết đứa trẻ ấy không phải do công chúa dứt ruột sinh ra. Sinh mẫu của lão già vốn là một cô gái dân chài ở Cửu Liên, cùng quê với Trần Cụ, suýt nữa đã trở thành vợ của Trần Liễu – ngày chưa xảy ra biến loạn vẫn còn là một thường dân. Ông Đảm vốn luôn âm thầm theo dõi để bảo vệ cho công chúa đã phải đau lòng mà ra mặt hỏi bà rằng:
- Chấp nhận lấy Trần Liễu xem như vì vâng lệnh mẹ, nhưng bảo vệ đứa con hoang của hắn lại là ý nghĩa thế nào?
Công chúa mắt rơm rớm nói từng lời:
- Nếu ta không lấy một kẻ họ Trần, thì người ta lấy, dẫu là ai rồi cũng mang họa sát thân. Ta muốn chàng phải sống! – Đoạn bà kéo tay ông đặt lên cái má bầu bĩnh của đứa con vừa mới nhận nuôi. – Chàng nhìn xem, nhìn xem, đứa bé này kháu khỉnh đáng yêu biết mấy. Chàng họ Lý, ông Liễu họ Trần, các người vốn chẳng có ai hiểu được ta. Chỉ có đứa trẻ lạc lõng này, giờ ta nhận nó làm con nghĩa là trên đời có thêm một người hai họ, giống như chị em ta, thật giống chị em ta... - Công chúa cười dài như người mất trí.
- Nàng muốn bảo vệ nó đến vậy sao? Hai họ nghĩa là dù bên nào chiến thắng, mạng của nó vẫn được bảo toàn? Hoặc là, nàng mong khi nó lớn lên, dẫu họ Trần đã chiếm trọn giang sơn, nó cũng sẽ nương tay với người họ Lý?
- Có thể. Hoặc bên nào cũng nghi hoặc, bên nào cũng chẳng nhận làm thân, còn phải xem số mệnh của nó thế nào... - Công chúa lại ôm chặt đứa trẻ trong lòng, âu yếm vuốt ve. – Chỉ biết rằng từ giờ ta và nó sẽ chẳng ai cô độc nữa.
Khi ấy công chúa còn nhỏ hơn tôi của bây giờ, một người chưa kíp lớn lại dốc sức chăm lo cho một sinh mệnh nhỏ nhoi khác, thảo nào mà tình thương của lão già dành cho mẹ sâu sắc đến vậy. Tôi không rõ lão già có biết sự thật này không, chỉ thấy xót thương vô hạn.
Con do công chúa sinh ra còn có Tĩnh Quốc vương và Quang Khải, nhưng hai người họ đều được biết là con trai của quan gia, là huyết mạch cao quý của họ Trần, là hoàng tử vốn chẳng có ai dám khinh nhờn. Còn lão già của tôi một mình lớn lên trong vương phủ, nhìn Trần Doãn và Hưng Đạo vương có mẹ ruột thương yêu, sau đó người mẹ nuôi cũng không thể giữ được...
"Lúc ta còn nhỏ hơn em bây giờ, mỗi năm đến giao thừa đều rất vui. Sau đó, mẹ của ta bị người ta cướp mất."
Có lẽ vì gió tạt, mắt tôi cứ cay xè suốt dọc đường đi.
Từ lúc ấy mãi tận khi tôi xuất hiện trong đời, người đã trải qua sự cô độc khủng khϊếp ấy thế nào?
***
Bằng phép nhiệm màu nào đó, tôi đã vượt quãng đường dài từ Yên Bang đến Thăng Long chỉ trong vài ngày. Khi bọn tôi dừng lại, hai con ngựa lăn đùng ra ngủ say như chết, chẳng thiết tha gì ăn uống. Bọn tôi trú tạm trong một ngôi nhà nhỏ bỏ hoang, mà nói cho đúng hơn, giờ nơi nào ở Thăng Long cũng đều không một bóng người. Xem ra, quân triều đình không về cố thủ ở kinh sư, lánh sang nơi khác mà tôi không hề biết. Nghĩ cũng đúng, chiến lược cơ mật như thế vốn không thể để nhiều người hay, hoặc khi lệnh bỏ thành truyền đến Dưỡng Chân Trang, tôi đã sớm rời đi. Cũng may bọn tôi có mang theo lương khô nên không lo chết đói, vì trong nhà cả một hạt thóc cũng chẳng còn. Tôi đoán đây cũng là lệnh của quan gia không để lại chút lương thực nào cho bọn Thát. Tôi ăn qua loa một chút rồi lười nhác nằm rũ ra bàn.
- Ông mệt lắm không? Ước chi bây giờ có một chậu nước kinh giới, vỏ bưởi, gừng và hương nhu, cháu sẽ lao vào ngâm mình cả một ngày. – Tôi kéo đuôi tóc lên mũi ngửi. – Đi đường gió bụi, đầu tóc cứ bết cả vào, chẳng còn thoang thoảng mùi bồ kết, mùi hoa thơm như mọi ngày. Bọn giặc Thát quả là đáng chết!
Ông lão nhìn tôi cười cười cho có lệ rồi lại nhìn ra cửa sổ, tôi đoan chắc ông nhớ hương thơm trên tóc người xưa. Món tắm gội cầu kỳ ấy là lão già đã dạy cho tôi, lúc bé lão thường tự tay đun nước thơm cho tôi tắm, có lúc còn lôi tôi ra giếng sau gội đầu, bảo rằng con gái thì tóc phải thật dày, thật mượt. Tôi đồ rằng cái tiếng thích tắm thơm của Hưng Đạo vương mà người ở Vạn Kiếp hay đồn đãi cũng từ đấy mà ra. Vương vốn là võ tướng, tính tình khảng khái uy vũ, hành sự quyết liệt như chém đinh chặt sắt, cớ gì lại có cái thú phong nhã nhường ấy nếu không phải thuở bé được công chúa bày cho? Nghĩ thêm một lúc chuyện tắm rửa, tôi lại nhớ đến bài đồng dao kể xấu Quang Khải cách đây chỉ mới nửa năm, lại thầm phục tài thơ trác tuyệt của mình, cứ thế phá lên cười một mình.
Ông Đảm nhìn sang đầy lo lắng, tôi bèn tìm cách trấn an:
- Vài hôm nữa trở về nhà, cháu sẽ pha nước gội tóc cho ông để đỡ nhớ hương xưa, ông yên tâm nhé.
Ông lão ngượng ngùng lảng đi nơi khác, tôi lại len lén bật cười rồi nói tiếp:
- Người xưa có câu: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ". Ông với cháu một già một trẻ nghĩa là ở nhà hay ra đường gì cũng không sợ thằng nào hết! Ông thích mặc đồ màu đen, cháu thích mặc áo trắng, ông cháu mình giống như Hắc Bạch Vô Thường, là nỗi ám ảnh cho bọn Thát đấy! Chúng ta nhất định sẽ thắng trận rất nhanh!
Nói hươu nói vượn như thế mà cũng có thể khiến ông lão cười vui, tôi thật thán phục bản thân mình, lại nằm dài ra bàn nghĩ ngợi lung tung.
Khi về nhà, tôi nhất định sẽ bắt lão già để tôi gội đầu cho, để tôi hong khô tóc cho. Tôi muốn chăm sóc lão bằng tất cả những gì dịu dàng nhất mà lão đã sớm mất đi. Chỉ vài ngày nữa thôi, khi chúng tôi đã về nhà...
***
Chợp mắt một lúc cho hai con ngựa ngủ đẫy giấc, bọn tôi lại khăn gói lên đường. Nghĩ rằng quân Thát ít nhiều đã đến đây, chúng tôi chỉ dám đi trong ngõ hẹp, men theo lối tắt. Cũng may, những lần đến kinh sư tôi đều được lão già và Hưng Đạo vương dẫn đi khắp các đường ngang ngõ dọc nên cũng ít nhiều thông thạo. Mọi nơi đều chẳng một bóng người, tôi càng trông càng thấy đau lòng, càng thấy lo sợ. Thế giặc phải hùng mạnh nhường nào thì đội quân kiêu hãnh của họ Trần ta mới cam chịu bỏ Thăng Long? Thăng Long tráng lệ tụ hồn thiêng núi sông, Thăng Long kiên cố đứng vững qua bao lần thay triều đổi đại! Từ xa nhìn lại, nào cung điện nào lầu gác đền đài vẫn rực rỡ uy nghi nhưng Thăng Long hôm nay sao có vẻ gì hoang phế, điêu tàn. Là trời đứng gió hay vì một lẽ nào khác mà lá cờ trên đỉnh tường thành chẳng còn phần phật tung bay ngạo nghễ như mọi ngày nữa?
Đương cảm khái thì một tiếng khóc ré vang lên ở bên kia tường thành làm tôi giật bắn người. Tôi và ông Đảm nhìn nhau ra hiệu rồi mỗi người một hướng chạy vòng sang. Đúng như chúng tôi dự đoán, hai đứa trẻ con đang bị một tên giặc Thát dồn vào chân tường, vẻ mặt hắn vô cùng hung tợn, dáng người sừng sững ngồi trên một con ngựa chiến rất to, to hơn ngựa của ta nhiều, chỉ riêng bóng hắn đổ dài trên tường đã đủ nuốt chửng hai đứa trẻ. Gươm của hắn vừa vung lên, hai mũi tên của tôi và ông Đảm đã bắn tới từ hai phía, một vào bụng, một ngay cổ, hắn kêu lên một tiếng kinh hãi rồi trợn trừng mắt, ngã vật xuống. Tôi khoái chí nhảy sang ghìm cương con ngựa dữ, mất một lúc mới thuần phục được nó. Vứt sợi dây cương của Cụ Nhỏ sang cho ông Đảm, tôi nháy mắt bảo ông đổi ngựa. Với hai con ngựa chiến này, chúng tôi có thể đi nhanh hơn cả hôm qua.
Chợt nhớ ra còn hai đứa trẻ, tôi xuống ngựa hỏi thăm:
- Người nhà các em ở đâu, chị sẽ đưa về?
Bọn trẻ giương đôi mắt ướt nhìn tôi nom rất tội nghiệp, khẽ lắc đầu. Đứa lớn hơn lễ phép thưa:
- Bọn em là trẻ lang thang, thường ngày ai thuê gì thì làm nấy. Giờ mọi người đều đã đi lánh nạn, bọn em chạy theo không kịp nên chẳng biết phải đến đâu.
Tôi nhìn ông Đảm đầy khó xử, để chúng ở lại chẳng khác nào thấy chết không cứu, mà dắt theo thì chỉ thêm bận bịu, lại chưa biết đích đến là đâu, chẳng biết nơi ấy còn bao nhiêu nguy hiểm. Dường như hiểu được ý tôi, ông cụ trầm ngâm một lúc rồi đưa tay cho bọn trẻ đỡ chúng leo lên con ngựa của ông. Đoạn, ông quay sang bảo tôi:
- Làng Cổ Sở ở rất gần đây, ta sẽ mang bọn trẻ gửi cho người ở đó rồi đuổi theo cháu. Cháu từng bảo Cụ Nhỏ biết theo dấu bằng cách đánh hơi mà, nên cứ yên tâm đi trước. Ta nghĩ bọn thằng nhãi Cảnh giờ chẳng hội quân ở nơi nào khác Thiên Trường được.
Thiên Trường ở hướng đông, làng Cổ Sở hướng tây. Tôi không yên tâm để một cụ già tàn tật đi cùng hai đứa nhỏ nên cứ ngần ngừ, cụ lại nghiêm giọng:
- Lúc này đi đông người rất dễ bị phát hiện. Cháu chẳng đã nói không muốn tên nhóc ấy một mình thêm chút nào nữa sao? Hay cháu xem lão già này đã là phế nhân không có đất dụng võ rồi?
Tôi sợ ông cụ buồn lòng nên vội xua tay, chỉ chỉ vào cái xác tên lính giặc đang nằm trơ trọi giữa đường:
- Ông mới một mũi tên mà hạ đo ván tên khổng lồ này, ai dám bảo ông vô dụng?
Nói rồi thấy cũng chẳng còn cách tốt hơn, tôi bèn phân công:
- Để hắn nằm đây e là cũng không ổn, cháu đoán hắn là lính tiên phong đến dọ thám, bọn kia chắc sẽ sớm đến đây thôi, để cháu mang vứt đi đâu đó, kẻo chúng lại nổi điên lên chém gϊếŧ lung tung. Xong rồi cháu sẽ đi về hướng Thiên Trường, ông gắng đưa hai đứa trẻ về làng nhanh rồi đuổi theo cho kịp nhé. – Ngập ngừng một lát, tôi tiếp. – Ông đừng quên đã hứa sẽ để cháu gội đầu cho, còn phải nghe cháu chúc Tết để đưa phong bao mừng tuổi đấy.
Ông Đảm nắm chặt dây cương của cả hai con ngựa, miệng nở một nụ cười rất tự tin, hất hàm bảo tôi:
- Nhóc con lo lắng quá rồi. Giặc đến một tên thì ta gϊếŧ một tên, để chúng biết, lãnh thổ Đại Việt ta chỉ có đến được mà không về được.
- Đến được không về được! Đến được không về được! – Lũ trẻ hùa theo.
Tôi phì cười, vẫy vẫy tay chào rồi nhìn bóng ba người khuất dần xa. Còn lại một mình, tôi cũng phải rất vất vả mới lôi được gã rợ Thát lên ngựa, lấy rơm phủ lên trên, tìm đường tắt mà đi đến bờ sông. Dọc đường, tôi chợt nhận ra mình ngu dại, ngựa của bọn chúng tuy khỏe nhưng vừa nhìn đã nhận ra ngay, nhỡ chạm mặt giữa đường lại chẳng biết phải ăn nói thế nào cho thoát. Nghĩ mãi không xong, tôi đành tặc lưỡi cho qua, cũng như ông Đảm nói, gặp một tên thì gϊếŧ một tên, còn nghĩ gì đến chuyện lời qua tiếng lại.
Tôi đứng nhìn dòng sông Lô đỏ như màu máu, thấy không đành lòng để cái xác thối của tên giặc làm bẩn dòng phù sa của người dân, nhưng chẳng còn cách nào khác, tôi không có nhiều thời gian để lựa chọn, bèn đạp mạnh một cái rồi nhìn hắn bị nhấn chìm trong dòng chảy. Cũng là quân nhân, cũng vì quốc gia dân tộc mà chiến đấu, lẽ ra tôi đã có thể chôn cất hắn một cách tử tế hơn. Nhưng thôi, dẫu gì hắn cũng là kẻ xâm lăng, tôi thương tiếc chỉ tổ mất thì giờ, bọn xâm lăng thì chỉ đáng chết mất xác thế này thôi.
Buổi loạn lạc này, tôi tin hắn chỉ là kẻ đầu tiên chứ chẳng phải kẻ sau cùng. Khi kết thúc trận chiến, hẳn là những vụ lúa đầu tiên mùi sẽ rất tanh nồng.
Quay ngựa trở lại, tôi tìm đường rời khỏi thành, nhắm hướng Thiên Trường mà đi. Chưa gì đã nghe tiếng vó ngựa đuổi theo rầm rập phía sau, tôi chép miệng than thầm, quả nhiên là hồng nhan họa thủy, ở cùng cốc thâm sơn cũng sẽ có nam nhi lũ lượt rủ nhau kéo đến chiêm ngưỡng dung nhan. Ghìm ngựa nép vào một góc, tôi nhìn qua góc hẹp, hóa ra là Cụ Nhỏ, chỉ tại tôi có tật giật mình. Tôi huýt sáo một tiếng, nó liền chạy đến, vội vã đến mức suýt làm tôi ngã nhào. Tôi vuốt vuốt bờm nó định chọc ghẹo bỗng nhớ ra:
- Mày chạy đến đây, vậy ông Đảm đâu rồi?
Cụ Nhỏ giẫm mạnh móng xuống nền đất như muốn nói gì đó. Tôi liền nhảy lên lưng con ngựa của quân Thát rồi bảo nó:
- Dẫn đường!
Cụ Nhỏ chạy nhanh về phía tây Thăng Long, hướng ông Đảm đã đi cùng hai đứa trẻ. Lòng tôi cuồn cuộn một dự cảm không may, theo từng bước chân ngựa càng trở nên rõ rệt. Khi đến cổng một ngôi chùa nằm sâu trong nhỏ, tôi nghe bên trong vang tiếng khóc la, nhìn xung quanh thấy máu bắn tung tóe hai bên tường, tôi bèn vòng ra sau, tìm đường để lẻn vào.
Cảnh tượng bên trong khiến tôi suýt thét lên vì đau đớn và kinh hãi.
[1] Trích Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, bản dịch của Đoàn Thị Điểm.