Bữa sáng của ba người được dọn ra trên thảm cỏ dưới tàng phượng vĩ, đây là khu vực người ngoài không được tổ chức tiệc tùng. Sự e ngại của Thời Niệm chỉ biến mất khi Tần Chinh xác nhận rằng mình đã xin phép bộ phận quản lý. Trên tấm bạt nhỏ được trải trên cỏ, một nhà ba người chung tay bày biện cho buổi picnic đầu tiên của họ.
Người có tâm trạng háo hức nhất chính là Tần Đình. Trong nhiều năm liền đây là lần đầu tiên cậu bé được ra ngoài tự do và thoải mái như vậy. Tâm trạng trập trùng khi nhìn Thời Niệm rơi nước mắt ban nãy của cậu bé đã được nụ cười của cô xoa dịu kịp thời. Cả Thời Niệm cũng thế. Nước mắt mang theo tất cả những nghẹn ngào tích tụ trong lòng khiến cô cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều, cũng buông lỏng tinh thần hơn so với lúc trước. Cô cảm thấy biết ơn sự bầu bạn lặng thầm của bố con Tần Chinh, cũng cố gắng lấy lại sự vui tươi để không làm Tần Đình lo lắng.
Đứa trẻ này lớn lên trong sự bất an và cô độc, hy vọng một thời gian nữa nó sẽ mở lòng mà chia sẻ với họ về những bí mật đang che giấu trong lòng nó.
Bánh bao mà Bích Chi làm thật sự là danh bất hư truyền, vừa mở lớp giấy gói thì hương thơm sực nức đã xông vào mũi. Cả một buổi sáng vận động hơi nhiều, lúc này cả Thời Niệm và Tần Đình đều đã đói meo. Tần Đình trước nhất vứt bỏ sự e dè thường ngày, vội vàng cầm một chiếc bánh lên ăn ngay. Vẻ thỏa mãn hiện rõ trên khuôn mặt với hai gò má căng phồng của cậu bé thực sự đáng yêu vô cùng khiến Thời Niệm cứ muốn véo một cái.
Nhìn gò má căng phồng và biểu cảm đầy thỏa mãn của Tần Đình,Thời Niệm bật cười cầm một chiếc bánh lên định cắn ngay một miếng. Bàn tay to lớn với nhưng khớp xương cứng cáp của Tần Chinh vội ngăn cô lại, anh rút chiếc bánh trong tay cô ra rồi thay bằng một chiếc bánh khác.
- Trong nhân bánh kia có tôm nõn, chiếc này là nhân thịt bằm củ cải. Em cầm lấy này!
Thời Niệm ngẩn ra nhìn chiếc bánh đang nàm trong tay mình, lúc này mới nhận ra số bánh này được đánh dấu bằng hai loại ký hiệu khác nhau. Loại Tần Đình vừa ăn được đánh dấu bằng một chấm xanh, cái nằm trong tay cô thì có màu đỏ. Thật đúng là thần thông quảng đại, anh ấy còn biết cả việc cô bị dị ứng tôm.
Lúc Thời Niệm học cấp ba từng có một lần được cho mấy cân tôm, sau khi ăn cô đã bị dị ứng, cả người phát ban ngứa ngáy rồi khó thở dữ dội. Cũng nhờ người hàng xóm bên cạnh phát hiện kịp thời đưa vào bệnh viện nên cô đã qua cơn nguy hiểm. Từ đó cô luôn đề phòng và kiêng cữ tuyệt đối thứ hải sản nhiều chân này.
Thời Niệm loáng thoáng nhớ lại mình chỉ đề cập qua thư một lần duy nhất với Tân Thành, không ngờ việc nhỏ nhặt này mà anh ấy lại kể cho Tần Chinh nghe. Có thể thấy tình đồng đội lẫn tình bạn giữa họ không phải tầm thường.
- Em có gì muốn hỏi à?
Tần Chinh ở đối diện nhìn chằm chằm biểu cảm ngỡ ngàng của Thời Niệm, ngay lúc anh vừa định mở miệng giải thích thì cô gái ngồi trước mặt anh khẽ lắc đầu.
- Em cũng đoán được rồi. Là Tân Thành kể với anh, đúng không?
Tần Chinh sựng lại một giây rồi gật đầu ác cười nhẹ:
- Xem như là vậy cũng được.
Câu nói không đầu không đuôi này cũng không được Thời Niệm chú ý mấy, bởi vì ánh mắt cô đã bắt đầu đuổi theo những cánh hải âu đang vờn trên sóng.
...
Thêm một vài tuần ở lại khu tập thể, Thời Niệm đã dần dần hòa nhập với hoàn cảnh và con người nơi đây. Bích Chi là một người phụ nữ tỉ mỉ và dễ gần, cô ấy đã hướng dẫn cho Thời Niệm rất nhiều về quy định và cung cách sinh hoạt nơi đây. Dần dà Thời Niệm cũng trở nên cởi mở hơn rất nhiều, có dịp cuối tuần còn đi chợ mua thức ăn cùng cô ấy.
Hôm nay là thứ bảy, sau khi gửi Tần Đình và cậu con trai chín tuổi Tô Bách Việt của Bích Chi sang nhà hàng xóm nhờ trông, hai người lại tản bộ ra chợ. Đó là một khu chợ quê nhỏ bày bán nông sản và tôm cá vừa đánh bắt được trong buổi đêm, trời vừa hừng sáng đã họp chợ rất nhộn nhịp. Hầu như nhà nào trong khu tập thể kia cũng ra đây vào cuối tuần để mua thức ăn dự trữ, Bích Chi cũng không ngoại lệ. Có sự hướng dẫn và chia sẻ bí quyết từ cô ấy, dần dần Thời Niệm cũng học cách chọn mua và trả giá như một người nội trợ thực thụ.
Trên đường trở về, túi lớn túi nhỏ đều bị Bích Chi giành lấy đặt trên xe đẩy tay để vận chuyển trở về. Hai người bước đi chậm rãi, rủ rỉ trò chuyện về việc mang thai sinh con. Dù sao việc Thời Niệm là vợ sau của Tần Chinh không phải là bí mật gì, Bích Chi cũng biết đây là lần đầu tiên Thời Niệm mang thai, vì vậy luôn giải đáp thắc mắc cho cô rất nhiệt tình .
Nói tới nói lui một hồi lại tới chủ đề vì sao quyết định làm vợ quân nhân, Thời Niệm được dịp thỏa mãn sự tò mò của mình:
- Chị Bích Chi, khi chị lấy anh Tô, có bao giờ chị nghĩ đến cuộc sống chung đυ.ng thì ít mà xa cách thì nhiều này không?
Bích Chi cười hiền, chỉ cho Thời Niệm nhìn về phía trạm gác phía trước, nơi có một binh lính đang ôm súng đứng trang nghiêm trong bộ đồng phục thẳng thớm.
- Chị không hề suy nghĩ tới chuyện ấy. Lấy một người chồng quân nhân chính là mộng tưởng suốt thời thiếu nữ của chị. Từ lúc quen anh ấy, quyết định lấy anh cho đến phút giây này chị cũng chưa từng hối hận. Khi xưa là sự ngưỡng mộ xen lẫn chút hư vinh con gái, bây giờ là sự kính ngưỡng và trân trọng. Giữa bọn chị không chỉ có tình yêu mà còn có cả trách nhiệm. Anh ấy gánh trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc trên vai, thế thì chị sẽ cố hết sức để trở thành hậu phương vững chắc của anh ấy.
Thời Niệm nghiêng đầu suy nghĩ một lúc, bước chân cũng bắt đầu thả chậm lại:
- Em cũng nghĩ giống như chị. Chỉ là vì hoàn cảnh đặc biệt của mà em cũng ngại ngần trong việc giao phó cuộc đời mình cho một người đàn ông. Em và bố đứa bé quen biết nhau qua thư từ nhiều năm, đã sớm tìm được sự đồng cảm. Anh ấy cầu hôn, dĩ nhiên là em nên đồng ý.
Khi bước vào giai đoạn gặp gỡ Tân Thành, đã có lúc cô nghĩ mãi về sự khác biệt tính cách lúc trước và sau này của anh. Trong thư anh cho cô cảm giác có hơi trầm tĩnh và cứng rắn, dĩ nhiên cũng có lúc mềm mại khi cần thiết. Còn lúc tiếp xúc trực tiếp với Tân Thành, cô lại ngỡ ngàng nhận ra ngoài nhiệt huyết tuổi trẻ ra, anh đã đánh rơi phần nào sự trầm ổn và quyết liệt ấy rồi. Điển hình là sự trù trừ thiếu quyết đoán trước mặt mẹ ruột của Tân Thành, thứ đã đem lại cho cô không ít phân vân trước ngưỡng cửa hôn nhân.
Bích Chi còn muốn khuyên Thời Niệm gì đó, nhưng lúc quét mắt về phía sau lưng cô lại có chuyện khiến Bích Chi phân tâm. Nãy giờ cô vẫn chú ý thấy có một người phụ nữ che chắn kín mít cứ như theo dõi bọn họ, suốt quãng đường từ chợ về đến nhà cũng không để bị tụt lại phía sau. Cô ấy kéo lấy Thời Niệm ra hiệu, cô chỉ vừa chực quay đầu thì cái bóng kia vội vàng lẫn vào trong đám đông. Thời Niệm nhìn bóng lưng ấy, trong lòng toát lên một cảm giác quen thuộc.
Bích Chi cũng không dám lang thang bên ngoài, cô vội vàng kéo Thời Niệm trở lại nhà. Cả tuần nay doanh trại có huấn luyện khép kín, Tô Dữ và cả Tần Chinh đều không quay về nhà. Trong nhà hiện giờ chỉ còn toàn phụ nữ và trẻ con, bọn họ tốt nhất là nên yên phận ở trong khu vực an toàn này.
Thế nhưng đâu phải cây muốn lặng là gió sẽ ngừng. Đến tối ngày thứ hai, Thời Niệm nhận được tin nhắn từ nhà chồng gọi đến. Bà Tần vì nhớ nhung cháu trai bảo bối tới mức ngã bệnh, đã thông báo rằng sẽ cho người tới đón Tần Đình. Thoạt nhìn việc này cực kỳ đơn giản và bình thường, ai biết được chuyến đi này lại kéo theo bao nhiêu sóng gió cho cuộc đời bọn họ.