Như Ý đỡ Thu Nhẹ đứng dạy, có vẻ như nàng ngồi rất lâu rồi nên đôi chân tê không đứng nổi, cô thở dài dìu nàng đi vào trong nhà rồi quay ra ngoài kêu lớn.
"Mấy đứa không chơi nữa, vào đây họp nào."
Thằng Mạnh năm nay lên mười rồi, rất ra dáng anh cả, là trợ thủ đắc lực của Như Ý, nghe thấy soái tỷ gọi vậy thì chắp tay chống hông lại và quát lên.
"Tất cả dừng lại."
Đám trẻ nghe vậy liền ngưng lại mấy trò chạy nhảy của mình rồi quay sang nhìn Mạnh. Mạnh nói.
"Chị Ý kêu tụi bay vào họp kìa."
Mười ba đứa trẻ liền chạy vào trong nhà mà Như Ý đang ngồi đợi. Nói là căn nhà cho sang miệng thôi, chứ nó cũng chả giống một cái nhà, cũng chẳng giống một cái tròi. Đơn giản, nó là nơi để bọn trẻ nghỉ ngơi, mà chị Ý của bọn chúng mỗi ngày sửa sang một chút, một chút. Để sự tạm bợ trong cuộc sống của chúng giảm bớt đi theo thời gian.
Ở vị trí dưới chân cầu, mỗi khi mưa lớn, hay thủy chiều về, lại cái ổ của bọn chúng đều bị ngập nước. Nên Như Ý có xây một cái gác, để bọn trẻ nằm trên đó. Còn cô thì nằm ở chiếc xe ba gác để ở dưới nhà, vừa canh chừng cho chúng ngủ, vừa để bảo vệ cái cần câu cơm của mình.
Cô chính là một người đa năng, đi lượm ve chai cũng phải có đầu óc. Cô luôn tìm tới những ngôi nhà bị phá bỏ, hay những công ty phá sản, giải thể... để nhặt nhạnh những thứ họ bỏ đi. Cái nào sử dụng được thì cô để cho tụi nhỏ dùng, cái nào bán được thì cô đem bán. Chiếc xe ba gác của cô ngày ngày trở đàn con hờ đi kiếm cơm ở từng khu vực khác nhau, rồi cô lại lái xe đi lang thang khắp thành phố tìm phế liệu.
Mỗi một tháng cô sẽ giao cho chúng đứng ở một vị trí đắc địa, có tiềm năng để xin được nhiều, cứ một tháng là chúng lại xoay đổi địa bàn cho nhau để không bị lờn mặt ở một nơi cố định. Và đặc biệt, vị trí ấy không có băng nhóm ăn xin nào khác được bén mảng tới. Năm đứa trẻ ăn xin ấy là những đứa nhỏ nhất, chưa lao động nặng nhọc được. Cô gọi chúng theo thứ tự là Đào, Lan, Huệ, Tuấn, Tú.
Còn lại tám đứa. Thì có ba đứa được cô cho đi học vào buổi sáng ở trên chùa, buổi chiều thì theo cô về nhà phân loại ve chai và nấu cơm cho tụi nhỏ ăn tối. Tên là Hoa, Quỳnh, Hương. Quỳnh là con trai. Ba đứa nhỏ này rất nhanh nhẹn thông minh, đi học về là phụ cô mọi việc đâu ra đấy, buổi tối thì sẽ dạy chữ cho các em, các bạn.
Còn lại năm đứa. Thằng Mạnh là đứa theo cô đưa các em đến địa bàn, mang cơm cho chúng ăn vào buổi trưa, và quản lý một đại lý vé số để phân phát cho bốn đứa còn lại đi bán. Tên của chúng lần lượt là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đông và Hạ là con trai.
Toàn bộ tên của chúng đều là Như Ý đặt cho, gọi vậy cho dễ nhớ. Như Ý cũng chạy vậy để xin giấy khai sinh cho chúng đoàng hoàng.
Sở dĩ việc quản lý tụi nhỏ lang thang kiếm sống được dễ dàng, là vì trong số những người từng ở dưới gầm cầu với cô, có Thanh Lam là người đã vượt qua số phận và đang làm thiếu tá công an.
Cô ấy là người đứng ra bảo kê cho băng nhóm của Như Ý lộng hành trên mỗi địa bàn để không ai dám bắt nạt.
Việc sinh hoạt của tụi nhỏ cũng không quá khó khăn. Vì Như Ý luôn lấy hình mẫu của Thanh Lam ra để làm một động lực cho tụi nhỏ cố gắng. Chỉ là những lúc có đứa đau ốm, hay căn nhà bị ngập nước, thì cô lại phải cố gắng thật nhiều để tụi nhỏ cảm thấy được an toàn.
Cuộc sống cứ đi theo nếp sinh hoạt như một lập trình sẵn, nếu có hoàn cảnh nào muốn tới xin cưu mang. Như Ý sẽ đánh giá sức khoẻ, và sự thông minh để tìm cho nó một công việc phù hợp. Nhưng hôm nay, người tới đây không phải một đứa trẻ. Mà là một cô gái mù yếu ớt đã đến tuổi trưởng thành.
Bọn trẻ ngồi nhìn chằm chằm vào cô gái, mà cô gái thì lại chả biết đang có những ai ở trước mặt mình. Như Ý bắt đầu giới thiệu một lượt về tụi nhỏ cho Nhẹ nghe. Sau đó, cô nói với tụi nhỏ.
"Từ ngày mai, Hoa, Quỳnh, Hương sẽ thay đổi lại lịch học ở trên chùa. Cái Hoa với cái Hương sẽ đi học buổi sáng, còn thằng Quỳnh xin các sư cho đi học buổi chiều. Để nhà còn có người vừa trông chừng chị Nhẹ, vừa làm việc thường ngày thay ca nhau. Còn thằng Mạnh thì sẽ đi lấy tăm về để cho chị ấy làm tăm cho người ta. Mấy đứa ăn xin, bán vé số sẽ mang tăm bán kèm thêm, được tí nào thì được, còn không được thì để giao lại cho cơ sở sản xuất. Nhất trí không?"
"Nhất trí."
Cả đám trẻ hô lên, khiến cho Nhẹ cảm nhận được những năng lượng thật tích cực ở nơi này. Nàng lắp bắp hỏi cô.
"Em... Em cũng có thể kiếm tiền được sao."
Cô nói to, dõng dạc.
"Được chứ. Ở nơi này, ai cũng khổ. Mọi người giúp nhau kiếm tiền để sinh tồn, chứ không ai kiếm tiền để cho người khác sinh tồn cả. Khoẻ mạnh, hay tật nguyền cũng đều cần phải kiếm sống. Phương châm sống ở đây chính là tàn nhưng không phế. Em hãy nhớ lấy điều đó, nó chính là bài học đầu tiên khi em tới đây và sống ở tập thể này"