Không còn cách nào khác, tôi chuyển sang thương lượng với cậu Đằng, rủ cậu hay là bây giờ hai đứa cứ cuốc bộ từ đây về nhà họ Huỳnh. Thế rồi cậu lại cằn nhằn, biểu tôi muốn về thì về một mình, nhà họ Huỳnh cách chỗ này đâu cũng gần chục cây số, cái thân tàn của cậu mà lết tới đó chắc trời cũng vừa kịp sáng rồi.
Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng tôi vẫn chọn ở lại đây cùng cậu Đằng, vợ chồng đồng cam cộng khổ, cùng sống, hoặc nếu có chết... thì cũng có người chết chùm.
Lúc này cậu Đằng đang hờ hững tựa người trước mũi xe, thở dài một tiếng, gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi sau một ngày trông coi vất vả.
Không lâu sau đó, tôi cũng bon chen chạy qua ngồi bên trái cậu. Mặc dù có cái điều hòa ba mươi bảy độ ở ngay đây, nhưng tôi vẫn liên tục xoa xoa hai bên bả vai vì từng cơn ớn lạnh ập đến. Nếu đúng như trong kịch bản thì ngay khoảnh khắc này, cậu Đằng sẽ ân cần hỏi tôi có lạnh không, tiếp đó sẽ cởϊ áσ khoác ra và choàng cho tôi. Nhưng không! Bây giờ cậu chỉ mặc mỗi cái áo sơ mi trắng, cởϊ áσ ra thì không phải lại rẽ sang kịch bản khác hay sao?
Chết thật! Sao tự nhiên mặt tôi lại nóng phừng phừng vậy nhỉ? Nóng lạnh thất thường thế này, chắc chắn là bị cảm rồi. Đúng vậy, tôi bị cảm rồi.
Tôi đưa hai bàn tay sờ lên đôi gò má đang ửng hồng, tiện thể len lén nhìn người đàn ông ngồi bên cạnh. Cậu Đằng vẫn ăn - ta - ni chiếc sơ mi trắng gọn gàng, tay áo xắn hờ hững lên đến cùi trỏ, để lộ mấy sợi "dây điện" rắn chắc. Tôi men theo dòng điện đó mà lia đôi mắt một cách nhịp nhàng, chầm chậm quan sát từng chi tiết nhỏ trên cơ thể cậu. Hình như cậu Đằng đang ngẩng đầu lên nhìn gì đó, chuyến hành trình của tôi cũng vì thế mà dừng lại trên trái cổ đang nhấp nhô của cậu. Người ta thường nói rằng trái cổ của đàn ông là nơi rất nhạy cảm, vậy nếu tôi thử chạm vào nó, không biết sẽ thế nào nhỉ? Thôi bỏ đi.
Di chuyển lên trên một chút, tôi mới phát hiện thật ra xương quai hàm, sống mũi, rồi tới đôi môi của cậu đều sắc nét chẳng khác gì độ phân giải 4K. Không biết mai này khi cậu về già, khi cậu sống đến một trăm năm sau đại dịch và trở thành ông cụ một trăm hai mươi lăm tuổi, liệu nhan sắc có còn mặn mà như bây giờ hay không?
Những câu hỏi bâng quơ của tôi bỗng dưng bị ngắt quãng khi cậu Đằng bất ngờ quay sang, bị bắt quả tang đột ngột như vầy, phải mất mấy giây tôi mới đưa tâm trí trở về với mặt đất, sau đó vội vàng ngoảnh mặt đi chỗ khác.
Dường như cảm nhận được cậu Đằng vẫn đang nhìn tôi, tôi liền nuốt nước miếng đánh trống lãng: "Cậu nhìn kìa, trăng đêm nay tròn ghê."
Sau điệu cười nhạt nhẽo của tôi, cậu Đằng lại tiếp tục ngẩng đầu lên trời.
Thì ra trăng đêm nay đẹp thật!
Hai bên đường, ngọn cây cao su vừa mọc thành hàng ngay ngắn, vừa trải dài bất tận giống như đường chân trời. Cái bóng tròn vành vạnh của mặt trăng treo trên đỉnh đầu trông như đóa hoa khổng lồ nở giữa màn đêm u tối. Những ngôi sao ngay gần đó cũng le lói cùng với trăng soi sáng cho hai tâm hồn đơn điệu dưới trần gian.
Tôi đã rất nhiều lần mơ về một đêm trăng như thế, mơ thấy tôi của thời thơ ấu, trên tay cầm chiếc đèn ông sao và được ba mẹ đưa đi chơi Trung thu như bao đứa trẻ khác, mơ thấy ba cõng tôi trên lưng, mơ thấy mẹ ở ngay bên cạnh, thầm thì kể cho tôi nghe về sự tích chú Cuội chị Hằng. Tiếc là vào một đêm trăng năm tôi lên mười tuổi, giấc mơ ấy đã không thể tiếp diễn khi ba mẹ bỏ tôi lại một mình trên thế gian này.
Lạ thật, mười ba năm rồi tôi mới bắt gặp một ánh trăng đẹp như hôm nay.
Lạ thật, chắc có lẽ vì trăng của một trăm năm trước còn hoang sơ và đẹp đẽ hơn trăng của một trăm năm sau.
Tôi bất giác hỏi cậu Đằng: "Cậu có tin là trên đời này có hai thế giới song song không?"
Cậu nhìn tôi một cách khó hiểu, nói: "Cái gì mà thế giới song song?"
"Tức là có một thế giới nữa giống hệt với thế giới mà tui và cậu đang sống, ở đó vẫn có cậu, có tui, có tất cả mọi người như ở đây. Nhưng mà ở đó tui sẽ không lấy cậu, không làm vợ của cậu hay mợ hai mợ ba gì hết, cậu cũng sẽ không lấy tui... và tất cả chúng ta đều hạnh phúc với cuộc sống riêng của mình." Tôi miệt mài giải thích.
"Thì?"
"Kể cho cậu nghe một bí mật... tui đến từ thế giới song song đó đó." Tôi ghé sát tai cậu, giả bộ như thể chuyện rất hệ trọng.
"Điên khùng."
Cậu Đằng chỉ nhìn tôi rồi đáp hai chữ cụt ngủn. Cũng không thể trách người đàn ông này được, bởi lẽ cậu làm sao biết tôi thật sự đến từ một nơi nào đó tương tự thế giới song song.
"Cứ cho là bây giờ cậu chưa tin đi, nhưng mà thí dụ, thí dụ nó có thật... thì cậu ước mình ở thế giới đó sẽ như thế nào?" Tôi hỏi tiếp.
Tôi thấy cậu Đằng hết nhìn xa xăm rồi đến nhìn lên trời, tựa như đang suy nghĩ câu trả lời, cuối cùng lại lặng im chìm vào màn đêm yên tĩnh. Tôi không hỏi cậu nữa, mỗi người đều muốn giấu cho mình những nỗi niềm riêng, có thể cậu đã ước mình cho dù là ở đâu đi chăng nữa, vẫn sẽ sống giàu sang sung túc như bây giờ. Cũng có thể ở trong nhung gấm lụa là quen rồi, biết đâu cậu lại ước ngược đời một chút, cậu ước mình chỉ là một nông dân bình thường, nhà tranh vách đất, cơm no ba bữa nhưng cuộc sống an nhàn thư thái đến cuối đời.
Còn tôi, kể cả trước đây hay hiện tại vẫn chỉ có một mong ước nhỏ nhoi rằng mình sẽ sống hạnh phúc cùng ba mẹ ở một thế giới khác. Tiếc là, nơi tôi đang ở chính là thế giới song song... và không có phép mầu nào tồn tại cả.
Trăng đêm nay rất sáng, nhưng sáng cũng vô ích. Giá mà nó có thể dẫn dắt, soi sáng cho tôi quãng đường tối tăm phía trước thì hay biết mấy, nhưng vô ích!
Tỉnh giấc lúc nửa đêm, tôi không thể nhớ được mình đã lên xe và ngủ ngon lành từ lúc nào, chỉ biết bên cạnh vẫn là cậu hai, còn chiếc áo gile màu đen của cậu cũng được đắp ngay ngắn quanh người tôi. Tôi dụi dụi đôi mắt, phóng tầm nhìn về đoạn đường dài bất tận, từ phía xa kia, một đốm sáng rồi đến hai đốm sáng đang chập chờn đung đưa, càng lúc càng tiến gần chỗ chúng tôi hơn.
Tôi chợt nhớ đến bộ phim kinh điển của biết bao thế hệ trẻ (trong đó có tôi) mang tên "Kính Vạn Hoa", mấy đốm sáng mà tôi vừa nhìn thấy cứ làm tôi liên tưởng đến tập phim "Con ma trên đồi cắt cỏ". Chỉ có điều, "ma" ở trong phim là giả, còn ở đây thì... tôi không chắc.
"Cậu hai... dậy... dậy liền đi." Tôi vỗ vai cậu Đằng lia lịa. Đợi khi cậu tỉnh táo hơn, tôi mới run run tay chỉ về phía trước.
Tôi lập tức theo cậu bước xuống xe, đốm sáng ban nãy bây giờ đã rõ hơn một chút, hình như có ai đó đang đốt đuốc lại gần chứ không phải thứ gì đáng sợ.
"Cậu hai, mợ hai, cậu mợ có sao không?"
Trái tim tôi như được hồi sinh trở lại khi nghe tiếng gọi của cụ Sang. Thì ra chẳng phải như tôi nghĩ, thì ra là cụ Sang và cụ Kiên nửa đêm nửa hôm đốt đuốc, đi xe kéo đến tìm chúng tôi.
"Khuya rồi mà hai đứa bây còn tới đây mần chi?" Cậu Đằng chống nạnh hỏi, tôi thấy cậu có vẻ hơi khó chịu thay vì vui mừng.
Cụ Kiên lễ phép thưa: "Dạ thưa cậu, tại ông bà thấy cậu với mợ giờ này chưa về nên biểu em với thằng Sang chạy xuống đây coi sao."
"Có mần sao đâu, hai đứa bây về thưa lại với ông bà là xe tao chỉ bị hư chút thôi, sáng mai tao sửa xong rồi về."
"Ơ kìa mình, xe mình bị hư chỗ nào thì sẵn có Sang ở đây, mình biểu Sang coi giùm chứ còn đợi chi nữa." Tôi chen ngang.
"Dạ đúng rồi đó cậu, cậu để em coi cho." Cụ Sang đưa bó đuốc cho cụ Kiên, xắn xắn tay áo ra vẻ thận trọng.
Tự nhiên nghe Sang nói xong, cậu Đằng đứng bên này cứ tằng hắng liên tục, nói: "Thôi khỏi đâu, tao coi kỹ lắm rồi... xe bị hư ắc quy, mày đừng có cãi tao."
"Mày nghe cậu nói không Sang?"
"Sang..."
Lời của cậu Đằng đối với cụ Sang lúc này chẳng khác nào nước đổ lá môn. Mặc kệ cậu Đằng ra sức can ngăn, cụ Sang cứ thế mà hăng hái nhảy vào trong xe, chưa đầy ba giây sau, xe của cậu Đằng đã nổ máy ngon lành như chưa có chuyện gì xảy ra.
"Ủa cậu hai, xe cậu vẫn chạy im re mà, có hư chỗ nào đâu cậu." Cụ Sang ló đầu ra ngoài cửa kính.
Cậu Đằng nghiến răng, âu yếm nói với Sang: "Chắc tại có mày, nên nó mới nóng máy đó, hiểu chưa?"
Bây giờ tôi mới hiểu ra vấn đề, đó là xe của cậu Đằng không bị làm sao cả, là cậu ta cố tình giở trò gạt tôi, muốn tôi có một đêm nhớ đời trong rừng cao su kinh hãi này. Vậy mà tôi còn suýt cảm động vì chiếc áo cậu đắp cho mình, vì chai thuốc cậu bôi, vì... đúng là tôi đã quá xem thường con người này rồi.
Suốt chặng đường trở về nhà, tôi không thèm nói với cậu Đằng câu nào, cũng đã nghĩ thầm trong bụng, cậu mà dám mở miệng nói chuyện là tôi sẽ chửi cho cậu một trận liền. Ai ngờ cậu cũng im lặng như thế cho đến khi về đến sân nhà họ Huỳnh. Chần chừ một chút, cậu Đằng xoay người xuống hàng ghế sau, lấy ra một cái cây cao chừng nửa cánh tay rồi đưa cho tôi.
"Gì đây?" Tôi hỏi.
"Tui nghe con Mận nói là mợ muốn trồng cây anh đào, sẵn có người quen đi công tác ở miệt dưới nên tui nhờ đem về cho mợ một cây."
"Cậu nói sao? Cây anh đào? Đây là cây anh đào đúng không? Có thiệt là cây anh đào không?"
Qua cái gật đầu nhẹ nhàng của cậu Đằng, tôi mới hay mùa xuân của mình thật sự trở lại rồi.
Tôi bỏ cậu Đằng ở đó, một tay ôm cây anh đào trong lòng, tay còn lại thì xách ống quần mà chạy thục mạng vào khoảng sân giữa nhà. Tiếp đó, tôi cẩn thận tính toán vị trí chính xác của cây anh đào trăm tuổi, rồi lấy cây cuốc của cụ Sang giấu trong bụi chuối để bới đất một cách nhọc nhằn.
Kể ra thì trăng đêm nay cũng không phải vô ích như tôi nghĩ, ít ra nó vẫn sáng hơn mấy ngọn đèn dầu gấp mấy lần, cũng góp một phần nhỏ trong công cuộc đào đất của tôi.
"Mợ không chờ tới sáng mai được hay sao mà đêm nửa hôm cũng ngồi trồng cây vậy? Chỉ có một cái cây nhỏ xíu mà mợ cũng mừng vậy sao?"
Mải lo nâng niu "sinh mạng" của mình, suýt nữa thì tôi quên mất sự xuất hiện của cậu Đằng ở đây, cũng quên luôn khi nãy mình đã khó chịu vì bị cậu gạt thế nào. Vừa đặt cây anh đào ngay ngắn dưới lòng đất, tôi vừa tranh thủ thỏ thẻ với cậu: "Mừng chớ sao không mừng, bây giờ cậu có cho tui mười cây vàng cũng không quý bằng cây anh đào này đâu. Nó sống thì tui sống, mà nó chết... thì tui cũng tiêu luôn."
Mặc dù tôi không chắc rằng cây anh đào là lối thoát duy nhất đưa tôi trở về thế kỷ hai mươi mốt, nhưng linh cảm vẫn luôn mách bảo tôi phải chăm sóc nó cho thật tốt, để nó an toàn mà lớn lên, để nó vững vàng sống đến một trăm năm.
Trăng vẫn tròn vành vạnh treo trên đỉnh đầu, dưới góc sân già nua này, tôi thấy rõ cái bóng cao lớn của cậu Đằng chống gậy in trên mặt cỏ, thấy bóng tôi ngồi co gối bên cây anh đào, thấy cả niềm hạnh phúc xa lạ đang dần chớm nở trong ngôi nhà cổ sắp sửa bị nhấn chìm bởi thời gian...