Không Dễ Bắt Nạt

Chương 89: Truyền máu

“Bệnh nhân mất máu cần truyền máu, xin hỏi ở đây ai là người nhà bệnh nhân?!”

Y tá bất chợt xô cửa đi ra, hai tay cô ta dính máu, đôi mắt sáng màu dáo dác tìm kiếm xung quanh.

Tư Truy hốt hoảng đứng lên, nhanh chóng chạy lại, không hỏi nhiều mà chỉ nói: “Tôi là người nhà bệnh nhân, nếu cần thì hãy lấy máu của tôi!”

“Hiện kho máu của chúng tôi đang dùng cho một bệnh nhân khác nguy kịch hơn, tạm thời không đủ để cấp cứu cho bà đây. Giờ cô đi theo tôi làm xét nghiệm xem nhóm máu có tương thích không, mau lên!”

Y tá nói rồi đi mất hút, bước chân cho thấy cô ta rất vội.

“Nghiêu, em sẽ không sao…”

Tư Truy không có thời gian cân nhắc, chỉ kịp nhắn nhủ một câu với anh liền đuổi theo cô ta. Bùi Nghiêu nhìn bóng lưng với bước chân gấp gáp của cô, cuối cùng quyết định theo sau.

Kết quả xét nghiệm cho thấy Tư Truy cùng nhóm máu với bà Trịnh, hoàn toàn có khả năng thực hiện truyền máu. Trước khi được đưa vào phòng bệnh, Bùi Nghiêu nắm tay cô, nhẹ nhàng nói một câu: “Thả lỏng, anh sẽ đợi em!”

Ánh mắt tin cậy đầy mãnh liệt của anh khiến Tư Truy bớt căng thẳng hơn, trong đầu chỉ tồn tại duy nhất ý niệm đó chính là cứu bà Trịnh.

Khi mũi kim nhọn hoắt đâm sâu vào da thịt, Tư Truy dường như không cảm thấy đau. Cô nghiêng đầu nhìn hình bóng lờ mờ của bà trên bàn phẫu thuật, lát sau chậm rãi khép mắt lại. Từng chút từng chút máu được rút ra và cứu giúp kịp thời cho việc phẫu thuật…

Không biết đã trôi qua bao lâu, chỉ biết khi tỉnh lại, Tư Truy đã được chuyển vào phòng bệnh. Màu trắng quen thuộc của bệnh viện cùng với ánh nắng chan hòa khiến cô có chút chói mắt, phải mất một lúc mới thích ứng được.

Bùi Nghiêu ngồi cạnh nắm chặt tay cô, bấy giờ thấy cô đã tỉnh liền nở nụ cười nhẹ nhõm. Anh đứng lên, trước tiên kiểm tra thân nhiệt cho cô rồi mới mau chóng ra bàn lấy nước.

“Anh… mẹ em…”

Tư Truy vừa thốt lên lập tức cảm nhận được cổ họng mình đang khô khốc, trong miệng không có một chút nước nào. Vì vậy, khi anh đưa nước đến, cô cúi đầu uống lấy uống để, uống xong mới dễ chịu hơn.

Sau khi đã đặt cốc nước gọn sang một bên, Bùi Nghiêu mới ôn tồn trả lời cô: “Mẹ em không sao, giờ bà ấy đang nằm trong phòng hồi sức.”

Trên mặt Tư Truy chợt ửng lên tia mừng rỡ, cô lẩm bẩm: “Tốt rồi… không sao rồi…”

Cô rất vui vì có thể cứu bà vào những lúc như thế này, nếu không cứu được bà thì cô sẽ day dứt cả đời. Cô cứu bà không chỉ bởi bà là mẹ cô, mà còn là do cô không thể trơ mắt nhìn bà chết, dù bà từng đối xử với cô tệ đến thế nào.

Thấy cô như vậy Bùi Nghiêu cũng nhẹ lòng hơn, chuyện của cô sẽ do cô quyết định, anh không can thiệp vào. Kể cả chuyện cứu người, trừ phi cô cho phép, bằng không anh sẽ luôn ủng hộ cô.

Anh xoa xoa cánh tay với vết kim tiêm của cô, đoạn dịu giọng mở miệng: “Mệt không? Anh mua gì cho em ăn nhé?”

Lời anh vừa dứt, Tư Truy chưa kịp đáp thì đã có một giọng nữ vang lên ngắt lại: “Sao phải mua đồ ở ngoài? Đồ ăn ngoài không tốt, mẹ mang canh bổ tới cho con dâu đây!”

Là Lâm Tịch, thông tin của bà lúc nào cũng nhanh nhạy. Nhận được tin cô cùng mẹ ruột đều phải vào phòng phẫu thuật cho nên bà liền gọi Cố Man Châu và A Sinh đến, nấu canh nọ hầm canh kia bồi bổ cho cô.

Đối với sự quan tâm từ bà, Tư Truy vô cùng cảm kích. Lâm Tịch là người như vậy, đã xác định ai là con dâu của mình là nhất quyết tới cùng không thay đổi. Không chỉ mỗi phương diện này mà bất kì phương diện nào trong cuộc sống, bà cũng luôn có chính kiến, lập trường riêng. Hơn nữa, bà cũng có biết chút ít về hoàn cảnh của cô, ở trước mặt cô chưa bao giờ nhắc đến những vấn đề nhạy cảm khiến cô tổn thương…

“Dì… dì ạ!”

Bà bước vào, Tư Truy lúng túng muốn ngồi dậy nhưng bà đã bảo cô không được động. Cô đành ngoan ngoãn nghe theo, một đôi con người trong suốt liếc qua liếc lại nhìn bà.

Lâm Tịch nhìn sắc mặt nhợt nhạt của cô, đau lòng nói: “Tiểu Nghiêu, mẹ thấy trạng thái của Tiểu Truy hơi yếu ớt, con chú ý săn sóc con bé, ăn nhiều cho lại sức…”

Vừa nói bà vừa cúi đầu mở tô cháo bò bằm trong tay ra, sau đó đưa nó cho Bùi Nghiêu. Anh nhìn tô cháo, không nhanh không chậm múc một muỗng lên thổi phù phù.

Mùi thơm ngát lan tỏa, từng hạt gạo bung nở nấu chung với thịt bò, bên trong còn có vài loại gia vị. Tư Truy ăn từng muỗng do anh tỉ mỉ thổi nguội rồi đút, trong lòng cảm động đến ứa nước mắt.

Lâm Tịch để lại không gian cho đôi trẻ, bà khép cửa lại, sang phòng mà bà Trịnh đang nằm. Bốn bề tĩnh lặng, bà đánh giá người đàn bà trên giường, khuôn mặt đen đúa, hốc hác, lộ rõ sự mệt mỏi. Hai gò má nhô cao khiến khuôn mặt ấy trông nhọn hơn, đường nét ngũ quan có điểm giống với Tư Truy.

Bà bỗng thở dài, thực ra bà rất thông cảm cho hoàn cảnh của bà Trịnh. Cùng là phụ nữ, tâm lý của họ có phần giống nhau. Thế nhưng đó không phải là cái cớ để vin vào mà hạ thấp hay làm khổ cả con gái mình. Trong chuyện này, người sai là bà Trịnh… sai hơn nữa chính là Trịnh Nhất.

Những điều mà Lâm Tịch biết được về gia đình Tư Truy qua điều tra và lời kể của Bùi Nghiêu khiến bà phần nào thấm thía được. Trên đời này, còn rất nhiều người mệnh khổ, mỗi người đều cái khó của riêng mình, chỉ là cách giải quyết của họ đều không giống nhau. Có người chọn cắn mãi không buông, mang theo thù hận đến hết đời, cũng có người lựa chọn buông bỏ tất cả làm lại từ đầu… Như Tư Truy, cô đã không màng đến sự lạnh lùng, cay nghiệt của bà Trịnh mà chọn cứu bà. Nếu trong một giây phút cô vị kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình thì có lẽ bà Trịnh đã không nằm đây.

Lâm Tịch ngồi đó thêm một lúc nữa, đang định rời đi thì bà Trịnh tỉnh. Bà ta hé mắt nhìn, cảm giác đau đớn từ vùng bụng truyền tới khiến bà ta bất giác rêи ɾỉ.

“Đừng cử động, bà vừa làm phẫu thuật xong.”

Lâm Tịch đè tay bà Trịnh lại, hai người phụ nữ nhìn nhau. Bà Trịnh khó hiểu hỏi: “Bà… là ai?”

“Tôi là mẹ của Bùi Nghiêu, người đang quen con gái bà.”

Bà Trịnh thẫn thờ nghĩ, “Là… cậu ta sao? Người đã đưa Tư Truy về nhà?”

Bà mơ hồ nhớ lại cảnh tượng trước khi mất đi ý thức, bởi vì cá cược quá độ, thua nhiều dẫn đến nợ nần. Mà Trịnh Nhất trong lúc quan trọng lại bỏ của chạy lấy người, bà ta không hay, cứ thế chơi li bì đến tối rồi đến khuya, cuối cùng vướng vào rắc rối suýt nữa mất mạng. Cũng may chạy được, sau đó gặp Bùi Nghiêu, dường như xảy ra chuyện gì đó khiến bà ta ngất đi…

Bà Trịnh sờ lên vùng bụng âm ỉ, khó khăn lên tiếng hỏi: “Tôi bị làm sao vậy?”

Lâm Tịch nhíu mày đáp: “Bà bị sỏi mật, trong lúc phẫu thuật mất rất nhiều máu, may mà có Tư Truy… con bé đã truyền máu cho bà.”

Lời của Lâm Tịch khiến cho bà Trịnh không ngừng rúng động, bà cụp mắt, khóe mi cay xè, vừa áy náy vừa tội lỗi, cảm xúc lúc này một lời khó tả.

“Tư Truy ấy à, con bé ngoan lắm. Tôi không biết gia đình bà tại sao lại đối xử tệ với con bé, hay vì khúc mắc gì, nhưng tôi chỉ mong bà hãy yêu thương con bé hơn một chút, chiều chuộng con bé hơn một chút, hoặc chỉ cần cho con bé một sự quan tâm dù là nhỏ nhoi…” Nói rồi, Lâm Tịch bỗng chốc không kiềm được nước mắt: “Nhớ lần đầu gặp, Tư Truy rụt rè hơn bây giờ rất nhiều. Con bé cẩn thận, tỉ mỉ, giống như sợ làm phật lòng người khác. Bà có biết lúc đó suy nghĩ của tôi là gì không? Tôi nghĩ một cô bé tốt như vậy, ngoan như vậy, lễ phép như vậy chắc hẳn phải được giáo dục rất tốt. Ba mẹ con chắc cũng yêu thương con bé lắm. Nhưng chỉ khi tôi hiểu rõ về hoàn cảnh của Tư Truy thì tôi mới biết, đằng sau nụ cười ấy, con bé đã phải nỗ lực rất nhiều…”

“Bà… bà đừng nói nữa!” Bà Trịnh đột nhiên lắc đầu biểu thị không muốn nghe.

Tuy nhiên, Lâm Tịch thiết nghĩ đã nói thì nói cho chót. Hôm nay, bà phải làm cho bà Trịnh tỉnh ngộ, để nhận thức được lâu nay bản thân đã sai trái thế nào.

“Tôi nghĩ một cô gái mới 21 tuổi thôi thì sẽ non nớt, nhưng con bé lại biết điều hơn tôi tưởng. Bà hiểu không, là biết điều đấy… Một con người phải sống trong lo sợ, dằn vặt đến thế nào mới sống như vậy? Thậm chí, con bé còn mắc chướng ngại tâm lý, không dám bắt tay với người khác… Bà Trịnh, người lớn từng là trẻ con nhưng trẻ con chưa bao giờ là người lớn. Năm xưa, nếu bà bớt khắc nghiệt hơn với con bé thì bây giờ, chưa chắc Tư Truy lẫn bà phải khổ như vậy…”

Lâm Tịch rấm rứt lấy khăn tay chấm lên khóe mắt của mình, từ lần gặp Tư Truy ở bệnh viện, khi cô nép người vào trong góc, từ chối cái bắt tay từ Bùi Phưởng thì bà đã biết, cô lúc nào cũng sống trong thấp thỏm, biết được ngày hôm nay nhưng không biết được ngày mai. Bà đã tự hỏi tại sao một cô gái có nhân cách, phẩm giá như vậy lại không được hưởng sự đối xử công bằng và tử tế chứ? Thì ra… sau nó là cả một lý do không thể nói hết bằng lời.

Có thể thấy cuộc nói chuyện này đã tác động không nhỏ đến bà Trịnh, từng câu từng chữ sắc bén tựa như nhát dao đâm vào lòng bà, như cái cuốc đào xới tất cả kí ức đen tối bị vùi sâu ấy lên. Tiếng khóc, tiếng hét, tiếng mắng chửi hay kể cả những đòn roi đau đớn… mọi thứ đều quá sức chịu đựng đối với một đứa trẻ.