Mười Hai Ấn Chú

Chương 3: Thằng Trung Tàu

Mười hai ấn chú

Giống như bao nhiêu đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở một vùng thôn quê khác, tuổi thơ của Hoàng gắn liền với đồng ruộng, với con trâu, con bò, với những buổi chiều chạy nhảy khắp nơi, dọc trên triền đê thả diều rồi đánh bi, đánh đáo cùng với lũ bạn trong làng mà đứa nào cũng đen nhem nhẻm. Bọn trẻ con ở tuổi Hoàng nghịch ngợm và phá phách lắm. Hồi bé mà, ai mà chẳng có một tuổi thơ vô cùng dữ dội. Hoàng cảm thấy may mắn vì mình được sinh ra ở quê, được tận hưởng, được trải nghiệm những điều mà các bạn cùng trang lứa sinh ra ở thành phố không có. Mấy thằng trong xóm từng đốt đống rơm nhà ông Thuyên, từng thi nhau ném đá vỡ mái ngói hố xí của nhà bà Tám, cũng từng đi hái trộm hoa quả, đào trộm củ khoai, củ sắn, bẻ vội bắp ngô non ngoài đồng của nhà người ta rồi mang lên đồi nướng ăn với nhau mồm miệng thằng nào thằng nấy đen xì xì nhọ nhem, nói chung là nghịch, nghịch nhưng mà vui. Thế nhưng cũng không phải trò nghịch ngợm nào của tuổi thơ cũng đều vui như thế, có những trò vui nó khiến ta nhớ mãi và đọng lại trong đầu những kỉ niệm đẹp nhưng cũng có những trò nghịch ngợm, những trò tưởng chừng là vui thì nó mang lại những hậu quả vô cùng tai hại, nghiêm trọng mà mỗi khi nghĩ đến vẫn luôn cảm thấy hối hận và áy náy trong lòng. Trò nghịch ngợm đó vẫn cứ ám ảnh trong lòng Hoàng, trở thành một câu chuyện buồn mà Hoàng chỉ ước rằng nếu thời gian quay trở lại thì bản thân sẽ không bao giờ hành động như thế. Đó là một bài học, một câu chuyện buồn của thuở thiếu thời gắn liền với một thằng bạn trong xóm nhỏ nơi gia đình Hoàng ở câu chuyện về thằng Trung tàu!

Thằng Trung tàu đẻ cùng năm với Hoàng, thậm chí là cùng ngày cùng tháng luôn, ấy là Hoàng dựa theo ngày tháng ghi trên giấy khai sinh chứ thực tế hắn có biết gì về bố mẹ mình đâu, hỏi thầy Thất bao nhiêu lần thầy cũng chẳng nói, bà con làng xóm chỉ bảo Hoàng là con của họ hàng thầy, được thầy mang về nhà nuôi từ lúc còn đỏ hỏn, có khi còn chưa đầy tháng nữa.

Bởi vì ông nội thằng Trung, ông Diển là người Hoa di cư về đây cái thời cải cách văn hoá bên Trung Quốc rồi định cư tại làng, nó lại có đôi mắt híp rất đặc trung của người tàu, nên đám bạn vẫn gọi nó là thằng Trung tàu. Tuy là người gốc Hoa nhưng Trung ngố ngố lại vô cùng thật thà, khác hẳn với người ông, người bố khôn lanh của nó. Thằng Trung tàu luôn là chủ đề giải trí của bọn trẻ trong làng, nếu như thiếu nó thì cuộc gặp gỡ của lũ lít nhít trong làng không thể nào mà vui vẻ được. Bởi vì ngố ngố nên Trung hay trở thành đối tượng bị chơi khăm. Có lần thằng Tùng xui nó nhảy vào vườn nhà ông Hoà để ăn trộm ổi cho cả lũ ăn mặc dù biết tỏng ông Hoà đang rình ở sau bờ tường và thằng Trung bị ông vả cho mấy cái bạt tai đau điếng. Có lần thì thằng Tí xui nó trêu con chó đẻ nằm trong ổ nhà thằng Đạt thì nó bị con chó xồ ra ngoạm cho khóc váng cả làng nước lên. Thậm chí có lần Hoàng còn đố nó tu hết một chai Lavie rượu đinh lăng mà thằng Đạt ăn trộm của bố mang ra lớp để nghịch và thằng bé đã phun ra một bãi rồi nằm phệt ra ngay. Nghĩ thì cũng tội.

Những trò chơi khăm với thằng Trung càng lúc càng phải gọi là tăng level, để rồi thì.. câu chuyện buồn cũng đến.

Đó là một ngày hè cuối tháng 4.

Buổi chiều hôm đó, Hoàng và mấy thằng đang chơi ở bãi đất hoang gần nghĩa trang liệt sĩ. Đang chơi vui thì tự dưng thằng Đạt rủ mấy thằng ra hồ nuôi cá của làng để mà bắt cá cờ.

Hồi đó, đám trẻ tuổi Hoàng mê cá cờ lắm. Mấy con cá cờ đuôi to, vảy màu lấp lánh. Khi bắt được thì chúng thường thả vào chai Lavie nuôi rồi cho ăn cám con cò.

Nghe thấy thằng Đạt rủ thì thằng nào thằng nấy đều hứng khởi hò reo rồi chạy một mạch tới hồ. Bấy giờ cũng khoảng 3- 4 giờ chiều gì đó. Hồ này rất rộng, nó có một đoạn vũng ngập khá nông chỉ cao ngang mắt cá chân và ở chỗ đó thì cá cờ cứ phải gọi là nhiều vô kể. Bắt cá được một lúc thì thằng nào thằng nấy người ngợm lấm lem.

Đang định ra về thì tự nhiên thằng Tùng chỉ tay vào chỗ góc hồ rồi nói

- Ê bọn mày, có thích đi khám phá không?

Cả đám tò mò nhìn theo, ở góc hồ có một cái hố hay là cái đường hầm gì đó khá lớn bị cây cối bịt lại. Cái đường hầm này nối từ hồ sang khu cánh đồng của mấy thôn bên cạnh dùng cho việc tưới tiêu gì đó. Nó được trát bê tông, chạy xuyên trong lòng đất dài vài chục mét và chẳng biết là người ta đã đào nó từ khi nào cả. Có mấy đứa đã biết cái đường hầm này từ khá lâu nhưng chưa bao giờ dám chui vào khám phá. Mấy thằng nghe thằng Tùng rủ thì tò mò mà hò nhau tới gần. Đến nơi, thằng Tùng chỉ tay vào bên trong nói

- Đi xuyên qua đường hầm này là cánh đồng, anh tao bảo trong đây nhiều cá lắm. Hay là anh em mình chui vào xem thử rồi đi sang bên kia đi!

Cả bọn nghe vậy thì hào hứng ngay.

Cảm giác khám phá này thúc đẩy trí tò mò của lũ trẻ con một cách kì lạ. Và thế là cũng chẳng cần bàn bạc gì thêm, cả đám lũ lượt nối đuôi nhau vạch cây chui vào bên trong cái đường hầm cấp nước tưới tiêu mà chẳng biết rằng sẽ có một kết cục kinh hoàng chờ đợi mấy đứa ở ngay phía đằng trước.