.:. 07: Người cô độc nhất, chào đời vào ngày náo nhiệt nhất.:.
Kỳ nghỉ dài là vào thứ sáu tuần tới, tôi xin nghỉ buổi chiều trước một ngày, gọi Tưởng Trì đi theo mình xem căn nhà sắp thuê ở nông thôn. Tồi tàn thì tồi tàn thật: Hình chữ L, một bên là nhà ngói, một bên là nhà một tầng đã được sửa sang lại, bếp củi, không có điều hòa, ti vi đầu thu chảo. May mà đầy đủ vật dụng, có gạo mì cũng có điện nước, ở sân sau còn có giàn nho. Nghe người ta nói thỉnh thoảng sẽ có người ở, chủ nhà biết có thể cho thuê kiếm tiền thì vội vàng chuyển sang chỗ khác.
Trước khi xuất phát tôi mua một đống trái cây, nhờ đầu bếp trong nhà làm chút bánh bao thịt bò đề phòng ngày nào đó tôi không để mắt, Lý Trì Thư sẽ lại đối phó cho xong chuyện. Nếu em ấy hỏi tôi sẽ nói là mình thử nghiệm thất bại, để ở trong nhà cũng không ai động đến.
Lý Trì Thư khó tin chỉ vào chiếc túi trong tay tôi như không im được nữa trước thái độ kiếm cớ qua loa của tôi: “Nhãn với nho cũng là cậu làm thất bại?”
“…”
Tôi gượng gạo nói dối: “Trái cây là người khác tặng, mẹ mình bảo mình mang đến trường chia cho bạn bè. Mình chia cho bạn bè thân thiết xong hết rồi, đây là để lại cho cậu.”
Em ấy bất đắc dĩ nhận, nói “Cảm ơn cậu”, còn bổ sung: “Lần sau thật sự không cần làm vậy.”
“Ừ.” Tôi hăng hái gật đầu, “Lần sau ăn chung với cậu.”
“Hả?”
“Không có gì.” Tôi đẩy em ấy vào lớp, “Ăn không hết chia cho người khác. Mình còn có việc, đi trước nhé.”
Lý Trì Thư đi về chỗ của mình, ngoái đầu nhìn tôi hai lần, lần cuối tôi đợi em ấy ngồi xuống thì ra dấu môi dặn dò “Ăn cơm đúng giờ” mới rời đi.
Tưởng Trì mượn chiếc SUV của anh trai cậu ấy, chở một tủ lạnh kem với tôi đến nhà ở nông thôn.
Tủ lạnh không to, dù sao chỉ chuẩn bị cho một mình Lý Trì Thư, to hơn có lẽ sẽ bị thừa nhiều, rộng khoảng chừng bằng cái bàn nhỏ, cao ngang gối tôi.
Lái xe gần ba tiếng hai chúng tôi mới đến, gấp rút cắm điện cho tủ lạnh, giấu vào căn phòng nhỏ kế bên.
Tưởng Trì mệt khô cả miệng, tôi pha ấm trà cho cậu ấy, lá hồng trà do người ở đây tự tay phơi nắng, rắc một, hai lá trà vào ấm đun sôi, vừa thơm vừa giải khát.
Tôi rót trà vào nước nguội ướp rồi đưa cho cậu ấy, cậu ấy ngồi xổm dưới mái hiên rót một chén trà, phun ra ngụm bọt.
(*) Nước nóng rất dễ hoà tan thành phần gây chát và đắng, trà sẽ còn ngon hơn nữa nếu pha lạnh.
“Phụt phụt!” Mặt Tưởng Trì nhăn nhúm thành cái bánh bao, “Sao toàn là vụn trà thế này?”
Tôi tựa vào mép cửa, giẫm lên ngưỡng cửa cao bằng nửa bắp chân cười: “Tao không nỡ.”
“Không nỡ cái gì?” Tưởng Trì kháng nghị, “Người ta nói thoải mái sử dụng đồ vật ở đây còn gì, đến lúc đó tính chung với tiền nhà là được.”
Cậu ấy phất tay với tôi: “Đi, mày đi nhanh, pha ấm trà ngon lại đây.”
“Uống tạm đi,” tôi quay người đi chuyển đồ trong cốp xe, “Tao không ngỡ đun lá trà ngon, để tránh lúc Lý Trì Thư đến không còn cái uống.”
Chừng ba giây sau, tôi lách người sang một bên, chén trà của Tưởng Trì bay đến vị trí eo tôi trước đó.
Một bên là đồ dùng hàng ngày, một bên nguyên liệu nấu ăn, phân ra xếp vào hai cái va li trượt, cái nào cần để trong tủ lạnh thì để vào tủ lạnh có sẵn của nhà này —— Đa số là thịt, hiệu quả giữ lạnh của tủ lạnh ở đây không tốt nên để vào ngăn đông trong kỳ nghỉ dài cũng không thành vấn đề. Không mang theo nhiều đồ ăn, trước khi đến đây biết ở trước cửa là đất của chủ nhà, muốn ăn rau xanh với khoai tây có thể đào chúng.
Tưởng Trì ra giữa nhà nghỉ mệt xong quay vào tham gia cuộc vui.
“Dép lê, ly nước, khăn mặt… Chà!” Cậu ấy đứng khoanh tay ở phía sau tôi nhìn này nhìn kia, “Sủi cảo cũng được gói kĩ càng! Còn có bát với đũa! Mày tính cắm rễ ở đây xây dựng nông thôn mới à?”
Tôi không thèm để ý cậu ấy: “Lý Trì Thư thích sạch sẽ, em ấy không quen dùng đồ của người khác.”
“Ái chà chà cậu ấy không quen dùng…” Tưởng Trì rung đùi đắc chí cố gắng châm chọc, “Còn đồ của mày thì cậu ấy quen dùng? Mày là gì của cậu ấy?”
Tôi không lên tiếng, dọn dẹp xong từ từ đứng dậy, quay qua hỏi Tưởng Trì: “Mày nói xem tao là gì của em ấy?”
Tưởng Trì cúi đầu nghĩ ngợi: “Sao hồi nãy mày không lấy cốc nước này ra cho tao dùng?”
“…”
Ngày Lý Trì Thư đến vẫn do Tưởng Trì lái xe. Chịu thôi, cậu ấy thành niên sớm hơn tôi hai tháng, nghỉ hè đã lấy được bằng lái xe. Tôi lái thì vẫn lái được, nhưng nếu chạy trên đường sẽ chạy trong tình huống không có bằng lái.
Lý Trì Thư ôm túi xách căng phồng, ngồi ở ghế sau học thuộc từ vựng tiếng Anh. Còn tôi thì xách hai va li lớn.
Hôm nay em ấy vẫn mặc đồng phục học sinh trắng xanh, đi đôi giày vải thường bị giặt bạc màu, đọc sách thỉnh thoảng ngước mắt nhìn ngoài cửa sổ.
Đến lần thứ tám Tưởng Trì quan sát Lý Trì Thư qua gương chiếu hậu, tôi rốt cuộc không nhịn nổi nữa: “Nhìn đường nhìn đường! Mắt mày mọc trong gương à?”
Lý Trì Thư nghe âm thanh thì nhìn lên trước, tôi và Tưởng Trì ngồi trước đều im lặng.
Một lát sau, có lẽ em ấy nghĩ lần đầu tiên gặp Tưởng Trì, không nói chuyện thì không hay lắm.
Lý Trì Thư đóng sách giáo khoa lại, hắng giọng ngồi thẳng người dậy, gọi khẽ lên ghế điều khiển: “Tưởng Trì.”
“Ừ.” Tưởng Trì đáp lại ngay trong tích tắc, quang minh chính đại nhìn vào gương chiếu hậu, còn nhân cơ hội liếc mắt diễu võ dương oai với tôi.
Lý Trì Thư suy tư, mở đầu cuộc trò chuyện đầu tiên không quá cởi mở của em ấy với Tưởng Trì:
“Nghe nói cậu chơi bóng rổ bị thua hả?”
“…”
“…”
Tôi ngả đầu ra sau nhắm mắt lại.
… Lý Trì Thư của tôi ơi.
Lý Trì Thư yêu dấu, thiên tài bắt chuyện Lý Trì Thư.
“Mình, chơi bóng rổ, bị thua…” Tưởng Trì nhìn tôi, “À?”
Tôi nói: “Nhìn đường.”
“À mình nhớ ra rồi.” Tưởng Trì cười với gương chiếu hậu, nhìn đường, “Hôm thứ năm đó mà, trong tiết không có luyện chạy, thua thằng nhóc này mấy lần.”
Lý Trì Thư còn định nói tiếp, tôi mở mắt nghiêng đầu qua: “Cậu học thuộc bài xong chưa?”
Lý Trì Thư ngớ ra: “Chưa.”
“Hay là ngủ một lát đi.” Tôi mở hộc ở trước ghế, lấy chiếc thảm nhung cừu ra, “Hai tiếng nữa mới đến nơi, cậu cứ nghỉ trước đi. Điều hòa trong xe lạnh, nhưng không bật sẽ nóng, cậu cầm thảm đắp nhé.”
Tưởng Trì hừ một tiếng khinh bỉ qua lỗ mũi.
Lý Trì Thư ngả ra sau ghế ngủ đến cuối chuyến đi, mặt trời chói chang, tôi và Tưởng Trì xách đồ vào nhà xong hết thì mở cửa xe đánh thức em ấy.
“Đến rồi à?” Em mơ màng mở mắt ra, em đã ngủ say sưa, nhưng hình như cổ bị đau cứng cứ ôm cổ mãi. Xem ra hồi xưa em ấy kể lớp 12 rất mệt mỏi không phải là nói dối.
Tôi lấy thảm và túi xách giúp em: “Cậu vào trong ngồi đi, chốc nữa mình trải giường đệm rồi ngủ tiếp.”
Em ấy chà lòng bàn tay dụi mắt: “Để mình trải.”
“Đừng vội.” Tôi nhường em ấy bước ra, “Ăn xong rồi dọn.”
Tưởng Trì đi vào nhà vệ sinh rồi trở ra, một tay xoay xoay chìa khóa: “Tao vào xe đây.”
Tôi nói: “Chơi thêm lát nữa đi.”
Cậu ấy quay đầu: “Chơi cái gì?”
Tôi cười hai tiếng: “Ừ. Trên đường chú ý an toàn, đến nơi gọi tao.”
Cậu ấy ra hiệu “OK”, đóng cửa xe xong ló đầu ra từ cửa sổ: “À này, chỗ kia có chiếc mô tô, có việc gấp hai người lái nó hay gọi cho mình đều được. Nhưng nhớ nhờ người ta trả mô tô về.”
“Biết rồi.”
“Đi đây.”
Tôi tiễn Tưởng Trì, quay đầu lại nhìn, Lý Trì Thư còn ôm túi xách ngồi giữa nhà, thẫn thờ nhìn hồ dán mở ra như một trò chơi ở góc tường, chắc hẳn là của chủ nhà bỏ lại.
Tôi hỏi: “Cậu không đi lên lầu xem sao à? Những ngày kế tiếp phải sống ở đây, điều kiện không tốt.”
Em ấy hỏi: “Đây là nhà của ai?”
“Mình.” Tôi vươn tay kéo em ấy đứng dậy khỏi băng ghế, “Nhà của thế hệ trước trong gia đình, lúc nhỏ mình sống ở đây. Hàng năm cha mẹ mình phải về đây ở mấy ngày. Rủ cậu đi với mình, không thoải mái lắm đúng không?”
—— Thẩm Bão Sơn, mày nói dối càng ngày cành thuần thục điêu luyện.
“Không.” Lúc này Lý Trì Thư mới bắt đầu nhìn tứ phương, nói tiếp, “Cậu cũng từng sống ở ngồi nhà như thế này à.”
“Thật ra ngôi nhà này tốt lắm.” Tôi dẫn em ấy lên lầu, “Chỉ sợ cậu không quen thôi.”
“Không đâu.” Em ấy lắc đầu, tạm dừng, mím môi cười như không cười, kể, “Điều kiện nhà mình… thật ra tương tự với nơi này, ừm… tốt hơn nhà mình một chút.”
Xem ra Tưởng Trì kiếm căn nhà còn chưa đủ tồi tàn.
Tôi giả vờ hờ hững đáp lại: “Vậy à?”
Sao Lý Trì Thư biết được đây mới là mục đích của tôi.
Suốt bao năm ở quá khứ, vô số lần em ấy cất giấu dấu vết tăm tối ảm đạm ở tuổi thanh xuân của mình giữa những câu chữ trong lúc nói chuyện với tôi, nhưng trước nay chưa từng chịu kể rõ ngọn nguồn cho tôi biết. Dường như tôi chỉ biết là em đã từng sống nghèo túng, khốn khổ và cô độc, em luôn hiện lên trong tâm trí tôi với hình ảnh tưởng tượng một chiều.
Sau này tôi nhận ra thật ra mình biết rất ít về em. Đằng sau nụ cười dịu dàng của em che giấu quá khứ không muốn nhìn lại, sự nghèo đói mà thậm chí chính bản thân em cũng không muốn đối mặt và nhớ lại, giống như căn nhà cũ kỹ em sống 20 năm, em chưa từng chịu kể về nó nửa phần với bên ngoài.
Mỗi khi em nhắc về ngày tháng túng thiếu, nghèo rớt mồng tơi phải tiết kiệm tiền thời học sinh, tôi muốn đào sâu hơn, hỏi nhiều hơn thì em lắc đầu, dùng nụ cười điển hình nhất của em chặn người ta: “Anh không biết.”
“Thật sự nghèo nát.” Nụ cười của em ấy dịu dàng nhất, xa cách nhất, “Anh không thể tưởng tượng được đâu.”
Cho đến lúc này, tôi và em ấy đi qua rất nhiều năm, nhưng em ấy không chịu dẫn tôi về đó nhìn xem sao.
Em ấy khóa toàn bộ quá khứ chạm vào lòng tự tôn và tự ti làm bản thân đau đớn trong suốt mười mấy năm qua, kể cả năm 7 tuổi, một khi nhớ đến sẽ như đang rạch vết sẹo vào ngôi nhà kia.
Ngay cả tôi cũng trở thành người ngoài cuộc giống như Tưởng Trì, không thể chạm đến sự nghèo khó của em.
Nhưng Lý Trì Thư bị em ấy khóa càng khóa càng cô độc, càng không thể chạm vào càng khó phai mờ, cuối cùng hòa làm một với ngôi nhà hắc ám, nuốt chửng chính bản thân mình.
Thế nên em xem đi, Lý Trì Thư, em và Thẩm Bão Sơn cùng đứng trong ngôi nhà còn có thể tồi tàn hơn, anh ta cũng không xa vời chẳng thể với đến thế, giữa em và anh ta không có máng xối ngăn cách lớn đến thế. Anh ta cũng có thể chịu khổ với em, đi con đường của em.
Đừng nhốt Thẩm Bão Sơn ngoài cửa, Lý Trì Thư.
–
Tôi và Lý Trì Thư trải ga giường, em ấy đứng đối diện ấp úng: “Mình…”
“Chỉ có một phòng, chúng ta ngủ chung.” Tôi không chừa kẽ hở cho em từ chối, “Buổi tối cậu muốn ăn gì?”
“À… Gì cũng được.”
“Ăn sủi cảo nha.”
Em ấy ngớ ra: “… Sủi cảo?”
“Sủi cảo.” Tôi nghiêng đầu với em, “Cậu không muốn ăn?”
“Không phải.” Em gấp gáp đến độ thậm chí phất tay, “Sủi cảo… Ăn sủi cảo đi.”
Lý Trì Thư cất bước muốn đi: “Mình xuống làm cùng cậu.”
Tôi chặn em lại: “Cậu đừng đi, bây giờ cần đốt củi, đến lúc đó hun nóng mặt cậu.”
Tôi thấy em còn toan kì kèo thì nói thêm: “Một mình mình sẽ làm nhanh hơn.”
Lúc này Lý Trì Thư mới ngừng: “… Ừ.”
“Cậu ——” Tôi chỉ bàn bên dưới bệ cửa sổ, “Muốn đọc sách hay xuống chơi?”
Có lẽ là vì ngày đầu của kỳ nghỉ nên Lý Trì Thư thả lỏng hơn, ở trên lầu làm bài tập gần một tiếng, trời chập tối thì đi xuống, khi đó tôi đã băm xong thịt nhân bánh, bỏ thêm củi đốt lửa cho bếp, vừa đun sôi nước vừa gói sủi cảo.
Lý Trì Thư vịn cửa gỗ nhà bếp lấp ló đầu.
“Sắp cho vào nồi luộc rồi,” tôi ngẩng đầu nhìn em, “Đói à?”
Em ấy vẫn lắc đầu, hỏi dò: “Mình có thể đi vào nhìn không?”
Tôi dở khóc dở cười: “Vào đi, mình có chặn cậu đâu.”
Lý Trì Thư rảo bước đến chỗ thớt và một bàn nhân bánh, trong đáy mắt không giấu được nỗi mong đợi.
Tôi biết đó là do em ấy chưa từng ăn sủi cảo.
Có lẽ từng ăn nhưng đã là chuyện trước năm 7 tuổi, em ấy không nhớ.
Đến lúc chết, Lý Trì Thư bù đắp mang tính trả thù cho bản thân rất nhiều thứ: Máy pha cà phê đủ các kiểu dáng, mấy chục bộ đồ ngủ giá cả đắt đỏ nhưng mua về hầu như không mặc được mấy lần, các loại thảm trải sàn, cực nhiều tai nghe, cốc nước và đèn bàn không giống là hàng hiệu… Nhưng có một số thứ xưa nay em ấy không động vào, chẳng hạn như sủi cảo, chẳng hạn như sủi dìn.
Có lần em ấy thấy người nhà trong ti vi vui vẻ ăn sủi cảo thì nói về đề tài ấy với tôi ——
“Hồi còn nhỏ em muốn ăn mà bà ngoại không cho. Có năm ngày 30, bà quay về từ viện dưỡng lão, nói nấu ăn cho em, em nói muốn ăn sủi cảo thì bà mắng em một trận, khóc rất lâu. Nói mẹ chết rồi, còn ăn sủi cảo cái gì. Ngày hôm sau, bà trở về kia. Nhưng ngày hôm sau…”
Lý Trì Thư kể đến đây thì không nói nữa.
Ngày hôm sau là sinh nhật em ấy.
Mồng Một năm mới, người cô độc nhất chào đời vào thời khắc náo nhiệt nhất.
Lúc ấy nghe xong tôi an ủi em, nói hôm sau sẽ làm sủi cảo, em từ chối không cần đâu, em thật sự không muốn ăn.
Em sợ tôi giận nên cười giải thích: “Chỉ là bột mì và thịt thôi, tách ra thì vẫn ăn được, ghép chúng lại là thành sủi cảo nhưng ý nghĩa không giống. Mà em thật sự không cần phải ăn nó. Tuy hồi nhỏ là do bà ngoại không cho ăn, nhưng bây giờ em không muốn ăn thật.”
Tôi im lặng gói sủi cảo, ngước mắt lên đối diện với ánh mắt nôn nóng muốn thử của Lý Trì Thư.
Tôi hỏi: “Cậu muốn gói?”
Ánh mắt em ấy sáng rỡ, gật đầu: “Nhưng mình không biết gói.”
“Không biết mình dạy.” Tôi rút đũa ra chia cho em một khối bột, mô phỏng tư thế chỉ em, “Kẹp chút nhân bánh vào, đừng nhiều quá, thấm ướt đũa…”
Luộc chín sủi cảo thì trời đã tối, chúng tôi kê chiếc bàn nhỏ trên bậu cửa dưới mái hiên, trên xà nhà treo bóng đèn vàng phủ tơ nhện, Lý Trì Thư và tôi ngồi trên băng ghế nhỏ quanh một bàn sủi cảo ăn chúng.
Hơi nóng bốc lên trên đầu chúng tôi, tôi đứng ngả nửa người trên về phía Lý Trì Thư hỏi: “Ăn ngon không?”
Em ấy không chú tâm nói chuyện, hai tay bưng bát, miệng ngốn sủi cảo nhìn tôi gật đầu.
“Ăn từ từ thôi cẩn thận nóng.” Tôi cười, “Tiếc quá, không mang theo đồng xu.”
Em ấy nói không rõ lời: “Đồng xu?”
“Giấu đồng xu trong sủi cảo, người nào cắn được chúng sẽ bình an, cát tường như ý.”
Tôi chợt nhớ đến dây chuyền vàng trước ngực mình, đứng bật dậy.
“Cậu đợi mình 2 phút.”
Mặt dây chuyền là của người trong nhà mua năm tôi 12 tuổi bổn mạng, một chú hổ, ai đưa thì tôi quên rồi, sau này có một năm tôi tháo xuống đưa cho Lý Trì Thư —— Nhưng hiện tại nó còn đeo trên người tôi.
Tôi tháo nó xuống, xoa xà phòng rửa sạch mới chạy lại bàn ngồi xuống, đưa đến bên môi Lý Trì Thư: “Cắn đi.”
Lý Trì Thư còn đang nhai sủi cảo, nhìn mặt dây chuyền rồi nhìn mặt tôi: “Hả?”
“Cắn một cái.” Tôi lặp lại.
“À.”
Em ấy khó khăn nuốt đồ ăn trong miệng, uống một ngụm nước, khẽ há miệng cắn nhẹ lên con hổ.
Tôi bỏ mặt dây chuyền xuống bàn: “Người ta cắn bạc, cậu cắn vàng. Không chỉ năm sau, năm sau nữa, ba năm sau nữa, năm năm sau nữa đều phải thật bình an.”
Em cúi đầu nhìn chằm chằm mặt dây vàng một lúc mới vùi đầu cười, nhỏ giọng nói: “Cảm ơn cậu.”
–
Nơi Tưởng Trì tìm cái nên tồi tàn thì không tồi tàn, mà cái không nên tồi tàn lại tàn triệt để.
Ví dụ như tắm rửa, còn phải đun nước nóng.
May mà trong lúc ăn tôi đã đun một thùng cho Lý Trì Thư, em ấy đưa ra ý muốn rửa chén nhưng bị tôi thành công từ chối bằng mệnh lệnh đi tắm.
Đợi em ấy lên lầu tìm quần áo để thay và giặt xong đi xuống, tôi cũng gần rửa chén xong, thấy em đi thẳng ra nhà vệ sinh không quay đầu tôi hắng giọng gọi lại: “Cậu đợi một tí.”
Lý Trì Thư rất nghe lời dừng chân: “Sao vậy?”
Tôi lấy quần trong tay em rũ nó ra: “Quần đùi?”
“Ừ.” Ánh mắt em nhìn tôi chứa vẻ hoang mang không hiểu, “Của cha mình… Sao vậy?”
Lý Trì Thư cầm hai bộ quần áo để thay và giặt, nằm trong dự đoán của tôi, thời học sinh tất cả quần áo của em ấy hầu hết đều là của người cha quá cố, xuân hạ thu đông luôn có thể kiếm ra một vài thứ không vừa vặn nhưng có thể mặc lúc ngủ.
“Buổi tối trên núi nhiều muỗi lắm, mặc quần đùi sẽ bị chích.” Tôi quay người đi lên lầu, “Cậu đợi mình.”
—— Trong hai va li siêu to của tôi có một nửa là để chuẩn bị cho Lý Trì Thư.
Một tuần trước khi đến đây tôi đã nhờ thím phụ trách may quần áo ở trong nhà làm giúp tôi hai bộ đồ ngủ cho Lý Trì Thư, tôi biết rõ số đo từ trên xuống dưới của Lý Trì Thư còn hơn cả em ấy.
Lúc mang đồ ngủ may cho em xuống lầu, tôi ngoái đầu nhìn bộ quần áo kia của em ấy: To thùng thình, kích cỡ lớn hơn không biết bao nhiêu lần, màu xanh quân đội điển hình của các sạp ở thị trấn, chất liệu bằng vải sợi Polyester kín hơi nhất, cùng lắm là 15 tệ không đời nào trên 20.
Tôi lại nghĩ đến Lý Trì Thư mua một tủ quần áo nhãn hiệu xa xỉ, nhưng từ đầu đến cuối chỉ thích mặc bộ đồ ngủ bằng bông mua lần đầu tiên sau khi tốt nghiệp làm ổ ở trong chăn.
–
Ngày 1 tháng 10, trời quang
Ngày nghỉ đầu tiên, nộp đơn xin ở lại trường cho giáo viên, trường học không bóng người, trước quầy căn tin lầu một chỉ có một món ăn.
Làm hai đề Toán, một báo cáo tiếng Anh hàng tuần.
Bảy ngày nữa mới được nhìn thấy Thẩm Bão Sơn.
–
Ngày 1 tháng 10, trời quang
Hôm nay về nông thôn với Thẩm Bão Sơn, hóa ra là quê của cậu ấy, mình tưởng cậu ấy chưa từng sống ở nơi thế này.
Thẩm Bão Sơn làm sủi cảo cho mình, mình ăn mười ba cái, bao nhiêu năm rồi không được ăn sủi cảo, hình như đi theo Thẩm Bão Sơn sẽ có vận may rất tốt, lúc nào cũng có thể ăn những món mình rất muốn ăn. Cậu ấy còn bảo mình cắn mặt dây chuyền vàng của cậu ấy, là con hổ, cắn xong cậu ấy nói tương lai bốn, năm năm sẽ thật bình an.
Buổi tối mặc đồ ngủ của cậu ấy, cậu ấy nói là đồ khi còn bé bây giờ mặc không vừa, vì thế mang theo để mình mặc thử. Nhưng đúng là rất vừa vặn với mình, chỗ nào cũng vừa, mặc rất thoải mái.
Lúc ngủ quạt máy ở lầu hai không hoạt động, nóng bức, Thẩm Bão Sơn tìm khắp nơi ra được hai cây quạt nhựa, nhưng mình không có sức quạt lâu, ngủ thϊếp đi trong cơn nóng, khi tỉnh lại nhìn thấy cậu ấy đang quạt mát cho mình. Mình im lặng, hi vọng cậu ấy không phát hiện. Nhưng mà vô cùng cảm ơn cậu ấy.
Lần đầu tiên qua đêm đơn độc với Thẩm Bão Sơn, cậu ấy thật sự là một người cực tốt.
– – – – – – – –