Trọng Sinh Tên Ta Là Lâm Đại Ngọc

Chương 16

Chương 16
Ban đêm nằm mơ học mười loại bệnh đã thành lệ, ta biết muốn làm một đại phu giỏi, học từ thực tế dù bao nhiêu cũng không đủ. Bởi vậy, cho dù mạch tượng hay phương thuốc của một loại bệnh ta đã thuộc nằm lòng, vẫn muốn ở trong mộng nghiên cứu thật cẩn thận. Bởi vì mỗi lứa tuổi, mỗi thể chất, mỗi hoàn cảnh đều có thể gây nên những bệnh chứng khác nhau, dùng thuốc cũng phải khác biệt.

Lúc tỉnh lại, cảm giác người bị đè nặng, vừa mở mắt, hoá ra là Tương Vân đang ôm ta ngủ. Nàng từ nhỏ đã quen ngủ cùng nha hoàn, bởi vậy sinh ra thói quen ôm người ngủ chung, ngay cả ta lúc trước cũng vậy. Thời đại này không có gối ôm, quả thật bất tiện.

Bởi vì đã biết vận dụng Trường Sinh khí, cho nên cơ thể không thấy mệt mỏi. Hơn nữa, vận khí cả đêm còn khiến công lực tăng thêm một bậc. Nằm một lúc, ta lại nhắm mắt ngủ tiếp, mấy ngày nay giấc ngủ cũng được tận dụng để học tập, chưa được ngủ đúng nghĩa.

Trời sáng, Tương Vân vẫn đang say giấc, ta nửa tỉnh nửa mơ cảm giác được Bảo Ngọc vào phòng, thấy cánh tay Tương Vân rơi ra bên ngoài chăn, liền thở dài: “Ngủ mà cũng hiếu động như vậy.” vừa nói vừa nhẹ nhàng đắp chăn cho nàng.

Ta xoay người hỏi hắn: “Sao tới sớm vậy?”

Bảo Ngọc cười nói: “Còn sớm gì nữa, còn không mau ngồi dậy mà xem?”

Bên ngoài quả nhiên đã sáng từ lâu, liền nói với Bảo Ngọc: “Huynh ra ngoài trước đã, để bọn muội thay quần áo xong hãy vào.”

Bảo Ngọc nghe xong, liền xoay người ra ngoài.

Ta đánh thức Tương Vân, Tử Quyên, Tuyết Nhạn cùng mấy nha hoàn cũng vào hầu hạ bọn ta rửa mặt chải đầu, thay y phục. Bảo Ngọc chả hiểu sao lại trở vào.

Thấy chúng ta đang chải đầu, hắn lại quấn lấy Tương Vân đòi được nàng chải đầu cho. Tương Vân bị hắn làm phiền, chỉ đành chiều theo. Ta cười thầm, cảm thấy đứa nhỏ Bảo Ngọc này, có mới nới cũ, nhìn thấy ai ưng ý là quấn ngay lấy. Đối với Đại Ngọc vẫn duy trì tình cảm thân thiết lâu như vậy, đã là đặc biệt rồi.

Ta khoác thêm áo choàng, đi ra ngoài hít thở không khí trong lành. Bảo Ngọc vừa giúp Tương Vân soi gương, vừa nói với ta: “Lâm muội muội, mặc thêm áo đi, buổi sáng còn lạnh.”

Ta mỉm cười gật đầu, chân vẫn bước ra ngoài. Đi lại một chút, đang định quay về, chợt nghe thấy Tập Nhân đang nói chuyện với Bảo Thoa, trách Bảo Ngọc đối với bọn tỷ muội không có chừng mực lễ tiết. Lời này hợp với suy nghĩ của Bảo Thoa, hai người còn nói chuyện thêm vài câu. Ta xoay người tránh ra, phong nguyệt bảo giám trong tay áo chợt nóng lên. Lấy ra xem, thấy hiện một bài thơ thất ngôn (bảy từ) liền nhớ tới bài thơ Đại Ngọc trào phúng chê cười Bảo Ngọc. Phong nguyệt bảo giám quả thật là vật tốt, ta nhìn thì thấy chỉ thị và thi từ, người khác nhìn vào lại chỉ là mặt gương bình thường.

Tập Nhân khó chịu với thói quen của Bảo Ngọc, ta coi như không biết, cũng không rảnh mà để ý. Tương Vân là cô gái thẳng thắn, không hay nghĩ ngợi sâu xa, hoàn toàn không biết có người nghĩ này nghĩ kia về mình. Chẳng mấy khi nàng đến chơi, cứ dẫn đến đám tỷ muội giải buồn vẫn hơn.

Ngày thứ hai, lúc đến phòng Bảo Ngọc, quả nhiên thấy bài thơ ai vãn của hắn:

“Đốt hoa, tán xạ, trong khuê các mới hết lời khuyên can lôi thôi;

Huỷ sắc đẹp của Bảo Thoa, lấp khiếu thông minh của Đại Ngọc, dứt hết tình ý,

Trong khuê các mới không có kẻ xấu người đẹp chênh lệch nhau;

Thôi sự khuyên can, sẽ không lo nỗi sâm thương xích mích;

Huỷ hết sắc đẹp, sẽ không còn mối luyến ái vấn vương;

Lấp khiếu thông minh, mới không còn vẻ tài tình quyến rũ.

Kia bọn Thoa, Ngọc, Hoa, Xạ đều là những kẻ chăng lưới, đào bẫy để cám dỗ hãm hại người vậy.”

Vì thế cầm bút chép lại bài thơ thất ngôn kia:

“Bỗng dưng múa bút ấy kìa ai

Tập tọng Nam Hoa học mấy lời

Chẳng biết tự mình không kiến thức

Lại đem lời xấu vội chê người!”

Xong bỏ bút lại, đi thỉnh an lão thái thái.

Đang nói chuyện sinh nhật Bảo Thoa, Tương Vân mang theo một ít đồ nữ hồng nàng làm ở Sử gia, tính đem tặng làm lễ vật mừng sinh nhật Bảo Thoa. Lão thái thái cũng thích nàng ổn trọng chín chắn, bỏ ra hai mươi lượng bạc để Phượng tỷ làm lễ sinh nhật cho nàng.

Đến ngày hai mươi mốt, trong nhà tổ chức một buổi xem kịch, cũng không có khách lạ, chỉ có dì Tiết, Bảo Thoa, Tương Vân.

Lão thái thái để Bảo Thoa chọn vở trước, Bảo Thoa dựa theo sở thích của lão thái thái, chọn một vở trong Tây Du Kí. Sau đó mới đến mọi người chọn. Các vở cứ lần lượt mà diễn. Đến khi tiệc rượu bắt đầu, lão thái thái lại bảo Bảo Thoa chọn kịch, nàng chấm ”Lỗ Trí Thâm say rượu làm nhộn ở núi Ngũ Đài.”

Bảo Ngọc ghét nhất nghe những vở hát ầm ĩ, thấy nàng chọn vở này có vẻ không vui, liền oán trách mấy câu.

Bảo Thoa bèn chỉ cho hắn chỗ hay của vở kịch, lại đọc bài văn “Kí sinh thảo”, nguyên là lời hát của vở diễn, hắn mới cảm thấy hay, ta ở cạnh nghe cũng cảm thấy thú vị.

“Anh hùng lau nước mắt,

Tử sĩ tiếc chi nhà.

Lạy di đà, cắt tóc dưới toà sen Phật.

Hết duyên pháp, chớp mắt thành ly biệt,

Trần trùi trụi, đi về không vướng víu.

Tìm đâu tá, nón mưa áo khói một mình đi?

Mặc kệ ta, giày rơm bát vỡ theo duyên đến!”

Tan diễn, Giả mẫu thích hai đứa bé đóng vai nữ và vai hề, liền sai người gọi vào, một đứa mới chín tuổi, một đứa mười một. Mọi người đều bảo đáng thương, Giả mẫu thở dài, bảo người đem đồ ăn và hai quan tiền thưởng cho chúng.

Phượng tỷ đến bên cạnh người đứa bé đóng vai nữ, cười nói: “Đứa nhỏ này hoá trang rất giống một người, mọi người biết là ai không?”

Ta biết Phượng tỷ lại lôi ta ra trêu chọc, hài tử này quả thật cùng Đại Ngọc có vài phần tương tự. Người khác biết ý không nói, chỉ có Tương Vân thiếu tâm nhãn, không nghĩ ngợi nhiều thốt ra: “Là giống Lâm tỷ tỷ.”

Mọi người nghe xong cười rộ, ta cũng mỉm cười: “Thật không? Ta đến nhìn xem!”, rồi gọi đứa trẻ đến bên cạnh, nắm tay nó ngắm nghía. Đứa trẻ này xem ra số mệnh cũng vất vả, ta thầm thở dài, cười nói với lão thái thái: “Lão thái thái, nếu thật sự giống như vậy, con cũng phải thưởng cho nàng một chút!”

Lão thái thái vui vẻ đáp: “Thưởng thế nào tuỳ ý con.”

Lão thái thái vừa dứt lời, Tử Quyên liền cầm một phong bao đưa lại, ta đưa cho nó. Đứa bé định dập đầu tạ, bị ta kéo lại: “Ta không lớn hơn ngươi bao nhiêu, lễ này không nhận nổi, ngươi đi ra khấu đầu với lão thái thái là được.”

Lão tổ tông thấy vậy càng hài lòng, tiệc rượu kết thúc vui vẻ.

Vốn dĩ nghĩ ta cùng Bảo Thoa ngày thường cũng thân thiết, muốn cùng nàng mừng sinh nhật riêng. Không ngờ hôm nay lại kết thúc muộn thế này, đành phải thôi, chỉ tặng cho nàng một túi hương ta mới làm gần đây. Ta bình thường chỉ hay đọc sách, ít khi làm mấy thứ này. Đồ nữ hồng làm rất mất thời gian, rèn luyện kiên nhẫn là chính, mấy món đồ này làm ta tốn không ít công sức. Bảo Thoa biết tính ta, hiểu rõ để có túi hương này đưa cho nàng là muôn vàn khó khăn, cho nên cũng rất hoan hỉ.

Tối đó, không biết Bảo Ngọc cùng Tương Vân lại cãi nhau cái gì, Tương Vân đòi về nhà, bị ta giữ lại, căm giận trốn trong phòng ta. Một lúc sau, Bảo Ngọc đến, Tương Vân không thèm nhìn đến hắn. Muốn nói chuyện với ta, ta lại thấy đã khuya, bèn ngăn: “Có chuyện gì để mai nói.”

Bảo Ngọc có chút mất hứng, ta cũng không để tâm. Hài tử cũng lớn rồi, không nên quá dung túng như trước đây.

Hôm sau, Tập Nhân đến tìm ta, đưa cho ta tờ giấy Bảo Ngọc viết gì đó, còn nói Bảo Ngọc ở trong phòng không nghe ai nói chuyện. Hoá ra là vài câu kệ, ta cầm lấy đưa cho Tương Vân, lúc đó Bảo Thoa cũng đến, chúng ta cùng nhau xem:

“Người chứng, ta chứng, lòng chứng, ý chứng.

Đã không có chứng, mới gọi là chứng.

Không có gì chứng, mới là chỗ đứng.”

Bên dưới còn có một khúc “Kí sinh thảo”:

Không phải ta không phải người,

Theo ai nhưng chẳng biết ai?

Tha hồ đi lại không vướng mắc,

Vui vẻ hão huyền thôi cũng mặc.

Thân sơ ai có kể làm chi!

Trước đây lận đận bởi duyên gì?

Bây giờ nghĩ lại thật vô vị!”

Bảo Thoa vừa thấy, nói ngay: “Hỏng rồi, hắn lại nghĩ ra cái gì rồi. Đều tại ta hôm qua đọc Kí sinh thảo cho hắn mà gây hoạ. Sáng mai gia hoả này ăn nói khùng điên, lại thành ta đầu sỏ mất thôi.” Nói xong cho người đốt tờ giấy này đi.

Ta không cản, còn nhớ Đại Ngọc cũng vì chuyện này mà châm chọc Bảo Ngọc mấy câu, liền dắt tay các nàng nói: “Đi theo muội, muội có biện pháp.”

Nói rồi cùng đến phòng của Bảo Ngọc, lấy vài câu hỏi hắn: “Bảo Ngọc, muội hỏi huynh, quý nhất là “bảo”, bền nhất là “ngọc”, huynh có gì quý, có gì bền?”

Hắn chẳng qua giận dỗi chúng ta không có để ý đến hắn, nay thấy chúng ta đều đến nói chuyện, trong lòng cũng hoan hỉ. Bị ta nói mấy câu càng không thốt lên lời, liền hồ đồ nói mấy câu đó là hắn đùa giỡn mà thôi. Nói xong, bốn người lại hoà hảo thân mật như cũ.

Chợt có người đến báo, nói nương nương làm một câu đố đèn, lão gia cho gọi chúng ta đến đoán. Còn nói mỗi người làm một câu đố đưa vào trong cung. Chúng ta nghe xong, đều đi đến phòng lão thái thái. Câu đố viết ở một cái đèn lụa trắng, tiểu thái giám còn nói: “Các vị tiểu thư đoán xong không cần nói ra, chỉ viết trên giấy, đồng loạt đưa vào cung, nương nương muốn tự xem.”

Bọn ta nhìn kĩ, là bốn câu thơ bảy chữ, không có cái gì mới lạ. Đoán xong, viết lên giấy, mấy kiểu đố đèn này ta không thạo, may có phong nguyệt bảo giám, việc đạo văn cũng suôn sẻ.

Mọi người đều viết ra giấy, gấp lại để lên khay cho thái giám mang vào cung.

Buổi chiều, đã thấy thái giám quay lại truyền khẩu dụ, nói trừ Nghênh Xuân và Giả Hoàn, mọi người đều đoán đúng. Lại đem đáp án Nguyên phi đoán câu đố của mọi người, có đúng có sai. Còn nói Giả Hoàn làm câu đố không có nghĩa, cho nên không đoán. Giả Hoàn hậm hực, bất quá ta vốn không ưa mẹ con Triệu di nương, cho nên cũng không buồn quan tâm.

Lão thái thái thấy Nguyên Xuân có hứng, liền sai người làm một cái đèn lớn, viết hết những câu đố của mọi người lên đó để cùng đoán.

Giả Chính tan triều, thấy lão thái thái vui vẻ, cũng liền tới góp vui. Bọn tỷ muội cùng Bảo Ngọc thấy Giả Chính, bèn cẩn thận lễ nghi. Rượu uống được ba tuần, Giả mẫu liền giục hắn về nghỉ.

Giả Chính muốn dỗ mẫu thân vui vẻ, cũng đi qua đoán mấy câu đố ghi trên đèn. Giả Chính đoán hết một lượt, rồi trầm mặc không nói. Ta biết, hắn cảm thấy chúng ta ra câu đố không bình thường, cho nên trong lòng buồn bực không vui. Lão thái thái lại khuyên hắn đi nghỉ, hắn liền đi. Kì thật, Giả Chính là người linh mẫn, đã dự cảm được một hồi phong ba sắp đến. Chỉ là hắn cứ mặc kệ như vậy, nếu hắn quan tâm một chút, Giả phủ cũng không đến mức mục nát nhanh như vậy.

Mấy ngày sau, Nguyên Xuân hạ chỉ, cho tỷ muội cùng Bảo Ngọc đến ở trong Đại Hoa viên. Chúng ta có thể tự chọn vườn, đương nhiên ta phải ở Tiêu Tương quán, khung cảnh cũng rất hợp, thanh u yên tĩnh, đằng sau có một vườn trúc, ta muốn luyện kiếm cũng tiện.

Ngày qua ngày, mỗi đêm đều chăm chỉ học tập trong mộng, các dạng bệnh lí cũng tăng lên. Từng căn bệnh ngày càng phức tạp, bệnh chứng ngày một nhiều, đôi lúc bị loạn. Ta chỉ có thể đọc càng nhiều sách càng tốt.

Một ngày, phong nguyệt bảo giám chỉ thị ta ra vườn táng hoa, ta đọc dòng chữ trên mặt gương mà đen mặt. Nhưng đây là việc làm tiêu biểu của Lâm Đại Ngọc, không đi không được. Cầm túi the, vai vác cuốc, cầm chổi đi lại quét được không ít hoa rơi trên nền đất, đến bên dòng suối nhỏ, thấy Bảo Ngọc tay cầm sách, tay thả hoa vào trong nước. Ta biết, hắn là đọc “Tây sương kí”, nhưng cũng không phá, càng không hứng thú. Một người hiện đại kiến thức rộng rãi, sao có thể để ý một quyển sách bị coi là sách bất chính cổ đại.

Bảo Ngọc thấy ta táng hoa cũng rất cao hứng, liền cùng ta thu thập hoa chôn xuống đất.

Ta diễn xong một màn này, thuận lợi đi về.

Lúc ta ở hiện đại, cảnh táng hoa này cũng thấy rất lãng mạn duy mĩ.

Chỉ là hiện tại, y thuật chưa học xong, võ công cũng dang dở, tương lai còn phải tính toán nhiều. Hơn nữa, cũng không lấy đâu ra lắm tâm tư như Đại Ngọc, cho nên hoa rơi hoa rụng gì cũng không nhìn ra thương cảm hay tủi phận gì hết. Được chỉ thị làm việc này, khiến ta cảm thấy giống hài kịch nhiều hơn.

Đang cười một mình, liền thấy Hương Lăng đến tìm, nói Phượng tỷ đến, Tử Quyên cũng đang tìm, liền vội trở về.

*Những tình tiết trong truyện nguyên bản thuộc chương 18 – 23 trong Hồng Lâu Mộng, mọi người nên đọc để hiểu thêm, nhất là chương 22, viết về những câu đố đèn, sẽ hiểu vì sao Giả Chính không vui. Mình có link ở đây. Mấy bản dịch thơ mình chỉ dùng lại thôi. Dạo này truyện bắt đầu nói về cuộc sống của Đại Ngọc ở Giả phủ, thơ cũng nhiều lên, lại phải ngồi đọc nguyên bản để tìm mấy bài thơ dịch cho đúng, thật mệt chết người ta mà.