Bạn Cùng Bàn, Chúng Ta Làm Bạn Hơi Lâu Rồi Đấy!

Chương 70: Lớp 12

Đêm đó, khi mọi người đã về hết, phòng cũng được dọn dẹp quay trở lại nguyên trạng. Nhưng Phúc Lâm vẫn không chịu về, ngồi lảm nhảm:

“Giờ anh chính thức bước sang tuổi 18 rồi, chờ em lớn nữa là ok”

Lưu manh vẫn muôn đời lưu manh, tôi đang chơi game cũng vì câu nói đó mà bỏ trận đấu, quay sang véo cậu ấy cho bỏ cái tật đó:

“Không được nói những điều đó nữa nghe chưa, Hoàng Nhi đang còn bé bỏng lắm”

Phúc Lâm chỉ nhân cơ hội này, chạy đến ôm mặt tôi, hôn chụt một cái, dùng giọng dễ thương nói:

“Ừ, bé bỏng thì được hôn thôi. Em không biết anh thích con nít hả, việc đó đồng nghĩa với việc anh cực thích em đấy”

Không biết cậu ấy học đâu ra những lời này nhỉ, lúc nào cũng rót mật vào tai tôi thế này chắc tôi bị viêm tai mất thôi.

Bỗng cậu ấy nắm tay tôi lên, hôn vào đó, nhìn tôi nói:

“Mọi thứ trên người em đều là của anh, hãy luôn giữ gìn cẩn thận, anh không muốn bị hư hại đâu.Vì vậy không được để bị thương, cũng không được để người khác đυ.ng vào mình”

Tôi biết cậu ấy đang muốn nói đến điều gì, liền nở nụ cười để Phúc Lâm an tâm, nhẹ nhàng nói:

“Ừ, em biết rồi, hôm đó chỉ là bất ngờ thôi, ngay sau khi vào cánh gà, em lau ngay lập tức mà. Anh biết tập thể quan trọng hơn cá nhân đúng không?”

Phúc Lâm đang bôi thuốc cho tôi, chỉ gật gật xem như đồng tình với ý kiến này. Nhân tiện đây tôi cũng tò mò vì sự xuất hiện của cậu ấy hôm đó, liền hỏi:

“Sao hôm đó anh về sớm vậy?”

Chẳng cần chần chừ, cậu ấy nói luôn:

“Ngày cuối cùng của cuộc thi, anh nghe Huy Đức nói chiều đó em phải thay Thu Hà biểu diễn, phải ở lại cả buổi trưa, anh lo lắng không biết em có ổn không và muốn được trực tiếp nhìn em lên sân khấu nên đã tự mình bắt xe về trong ngày. Còn team của anh thì đến ngày mai mới về”

Thấy cậu ấy quan tâm đến mình như vậy, tôi liền cảm thấy áy náy. Dùng giọng nói chân thành nhất có thể để gửi đến Phúc Lâm:

“Chắc anh mệt mỏi lắm nhỉ,thi đấu mất rất nhiều sức lực, chưa được nghỉ ngơi lại phải chạy về với em. Khi về đến lại thấy được một màn như vậy, anh tức giận cũng là chuyện dễ hiểu.”

Tôi định nói tiếp, nhưng môi ai đó đã chặn môi tôi lại, nhìn tôi bằng ánh mắt đầy yêu thương, nhẹ nhàng nói:

“Anh không mệt, nhìn em tỏa sáng trên sân khấu là anh vui rồi. Anh chỉ làm vậy vì nhớ em quá thôi”

Sau khi nghe xong câu nói đó, phòng tôi như ngập tràn trong hương vị tình yêu, giờ phút này, chẳng cần gì nữa, chỉ cần hai ta ở bên nhau mỗi tháng ngày là được.

Tình yêu là vậy đó, tim đập khi chợt bắt gặp một ánh mắt chính là biểu hiện của tình yêu, nhưng để kết nối hai con người lại với nhau đấy chính là nỗi nhớ. Vì nhớ nên mới mong gặp nhau, vì nhớ nên muốn nói vạn lời yêu thương cho đối phương được hiểu lòng mình, vì nhớ nên mới ước rằng có thể ở bên nhau trọn đời trọn kiếp không rời xa.

* * *

Năm cuối cấp, chúng tôi ngoài thời gian nghỉ ngơi cần thiết ra thì còn lại chỉ biết vùi đầu vào sách vở. Môn Anh rồi môn Văn, Toán rồi Hóa, đi từ Sử đến Địa, môn nào cũng đều phải chú tâm.

Thời gian học hành, cắp sách mười hai năm xem như năm nay là năm gặt hái thành quả và khẳng định kiến thức của bản thân.

Ngày lễ trưởng thành, lần cuối cùng khoác lên mình tà áo dài. Tôi lại ngắm mình trong gương, xoay một vòng, chợt nhận ra bản thân đã lớn từ lúc nào.Vẫn những nét đặc trưng trên khuôn mặt nhưng hình như mọi thứ đều có nét trưởng thành hơn. Có một điều đáng buồn là, mọi thứ đều thay đổi, ngoại trừ chiều cao của tôi, sao thế nhỉ?

Cùng hội bạn thân của mình tung tăng trên con đường quen thuộc đã đồng hành suốt bao ngày tháng, có những ngày trời nắng như đổ lửa, đi học về chỉ muốn lao nhanh vào nhà tắm. Cũng có lúc trời rét như âm không độ, lười biếng chẳng muốn rời giường, đến lúc đi trên đường nhìn ai cũng vừa nói vừa run. Lại khi những ngày trời mưa quên mang áo mưa, chỉ biết đội mưa về nhà,dù phóng xe nhanh cỡ nào về người cũng như chuột lột.

Con đường ghi dấu bao nhiêu kỉ niệm, bao câu chuyện của chúng tôi vẫn mãi ở đây, nhưng chúng tôi sắp đi trên con đường mới rồi. Con đường này, không chắc sẽ bằng phẳng nhưng chắc chắn sẽ có nhiều bài học để tôi nên người.

Bước vào cổng trường cấp III mình gắn bó ba năm, không còn sự ngỡ ngàng của hồi lớp mười, chẳng phải sự tự tin của lớp 11, cũng không phải sự thân quen của đầu lớp 12, mà bao trùm lên là cảm giác quyến luyến chẳng muốn rời xa. Nơi lưu giữ thanh xuân của tôi, của những ngày ngồi học miệt mài quên cả thời gian, của những buổi sinh hoạt vui nhộn, của những lúc trốn tiết đi chơi. Tất cả đều ở lại, chỉ có chúng tôi là phải ra đi. Bởi ai rồi cũng phải lớn, chim nhỏ đã đến ngày mọc đủ lông đủ cánh bay đến chân trời mơ ước.

Nhìn lần lượt từng gương mặt quen thuộc, những người thầy, người cô ba năm chăm bẵm chúng tôi như con cái. Họ trao đi kiến thức đâu cần trả công, chỉ với một mong mỏi duy nhất là những đứa con ngây dại mình dìu dắt sẽ thành người tốt, có thể ứng dụng được những kiến thức đã tiếp thu vào cuộc sống, xây dựng xã hội.

Ngồi lại vị trí quen thuộc, bao nhiêu kí ức của hơn 1000 ngày ở đây tái hiện rõ không sót một chi tiết,từ ngày chọn chỗ, đến khi phải chia xa Ngọc Hằng,để thành bạn cùng bàn với Phúc Lâm. Từ xa lạ trở nên thân quen, chỉ cần một câu nói, một hành động, một bước chân, tất cả mọi thứ đều thay đổi.

Nhớ lắm những tiết học Toán căng não xử lí từng phương trình, mò mẫm mãi vẫn không giải ra vì quên đặt điều kiện của X. Làm sao quên được tiết Văn, nơi tâm hồn thi sĩ của tôi được thầy giáo khơi gợi, bùng cháy như lửa cây Xà Nu trong "Rừng Xà Nu"của Nguyễn Trung Thành. Lại nói về môn tiếng Anh, cô giáo đẹp nhưng độc, cả lớp chỉ vì một câu đố phát âm của cô mà gãi đầu mãi không bạn nào trả lời được.

Môn Sử thì học về kháng chiến chống Pháp xong qua chống Mĩ quên luôn. Môn Địa cảm thấy dễ nhất là dùng Atlat, còn lại thì như người mù đường vậy, đi mãi chẳng biết tỉnh nào có gì nổi bật. Làm sao quên được những tiết học thể với thầy “Huấn luyện viên ma quỷ” được,khi mà lúc nào học xong người không đau cơ bụng thì đau chân, bạn đau tay vì chống đẩy quá nhiều, bạn còn ốm luôn vì phải phơi nắng.

Mỗi môn học đều có những kỉ niệm riêng mà bây giờ ngồi kể chắc cả ngày không thể nói hết.Nhưng có một điểm chung đó chính là chúng tôi đã sống đúng lứa tuổi của mình trong những năm tháng thanh xuân đấy, không vì thành tích mà làm những điều không hay không phải, tuy tinh nghịch nhưng không quá trớn, rất muốn cảm ơn cô nhưng lại không dám vì ai cũng ngại bày tỏ bản thân.

Khi những quả bóng bay được thả lên trời, cũng là lúc ước mơ của chúng tôi được chắp cánh bay đi. Giờ đây, chợt cảm thấy, mình không thuộc về nơi này nữa rồi.

Chúng tôi, những cô cậu học trò đứng trước ngã rẽ của cuộc đời mình, đang thầm cảm ơn thầy cô đã dìu dắt, cảm ơn ngôi trường đã ghi lại bóng hình ai đó tung tăng ở sân trường, cặp đôi nào đó đang giận dỗi người đi trước, kẻ theo sau ra nhà xe, bạn nam nào đó đang thầm nhìn trộm người mình thương trong tiết học để khi bạn nữ kia nhìn lại thì bất chợt giật mình, hỏi rằng liệu cô ấy có biết rằng mình thích cậu hay không. Bạn nữ nào đó đang khóc vì điểm kiểm tra không như ý muốn. Bạn nam đang bị phạt vì không làm bài tập. Lớp học nào đó đang tranh thủ lúc cô giáo ra khỏi lớp để bày trò nghịch ngợm.

Đứng cùng các bạn,nơi gốc phượng đang nở rộ, hoa rơi đỏ rực cả một góc sân, nhìn lại ngôi trường lần cuối, cố gắng lưu giữ nét phấn của thầy cô in hằn trên bảng đen, nhớ chỗ ngồi của mình, nhớ cả cái cầu thang ngày ngày khó nhọc bước đi, nhớ cả cái cửa sổ khiến cả lớp cãi nhau chỉ vì không biết nên đóng hay nên mở. Nhớ căn tin, nơi cứu đói cho bao người không kịp ăn sáng.Nhớ ghế đá, nơi cậu và tớ cùng ngồi khi thì tập trung thảo luận bài toán, khi thì cùng nhau trêu đùa.

Tất cả, dù mười năm, hay hai mươi năm nữa, có lẽ vẫn ở đây, nhưng chúng tôi phải đi xa rồi…