Bạn Cùng Bàn, Chúng Ta Làm Bạn Hơi Lâu Rồi Đấy!

Chương 33: Ngày đầu tiên ở quê

Tuy hôm qua ngủ ở một nơi hoàn toàn xa lạ nhưng mấy đứa bạn của tôi sáng nay dậy với tinh thần hết sức thoải mái, chắc do không khí ở miền quê hết sức êm dịu giúp ta có một giấc ngủ sảng khoái.

Ngay từ sáng sớm bà đã cho chúng tôi luyện tập thể dục khi dẫn một “đoàn quân” ra giếng làng để gánh nước. Đi đến đâu, mọi người chú ý đến đó vì" lực lượng" quá tinh nhuệ và đông đảo.

Tôi, Thư Huyền và Minh Anh phụ trách múc nước, còn ba chàng trai có nhiệm vụ gánh nước.Quả là giếng làng, nó bé nhưng nước luôn dồi dào, dùng cho cả làng nhưng không bao giờ cạn. Nước hết lại đầy, trong lành hơn cả nước lọc ở thành phố. Cũng như kiếp người, thế hệ trước mất đi thì có thế hệ sau nối dõi duy trì nòi giống, nước sáng nay hết,trưa lại đầy, không bao giờ để người dân nơi đây chịu cảnh thiếu nước.

Với những chàng trai khỏe khoắn, lực lưỡng kia chẳng mấy chốc bể nước của bà đã đầy, dự là chúng tôi có thể dùng đến hai ngày.

Nói rồi, bà như một người mẹ hiền nuôi đàn con thơ, phân công công việc cho mỗi đứa trước khi bắt đầu một ngày mới:

"Giờ ba đứa gái theo bà đi cấy lúa, còn ba chàng trai qua cánh đồng bên kia bắt ốc, trưa về bà làm ốc xào chuối cho ăn nghe không?’

Bà phân công quá hợp lí, chúng tôi đồng thanh “Dạ” rồi theo chân bà đi ra đồng.

Nếu như trên thành phố mỗi người mỗi việc, không ai biết ai đυ.ng ai thì ở quê, khi đến mùa, nhà nhà người người đều ra đồng, cùng làm chung một công việc. Đường làng vì chúng tôi mà hôm nay trở nên đông vui hơn mọi ngày. Mấy đứa trẻ nhìn chúng tôi cứ như người nước ngoài vậy, một đứa gọi một đứa ra xem. Huy Đức với tính hay đùa của nó, cứ nhìn thấy con nít nó lại vờ làm mặt nhăn, giậm chân khiến con người ta sợ chạy mất dép.

Đến đồng lúa của bà, thường ngày thì bà sẽ thuê người làm, nhưng giờ có chúng tôi nên bà cho họ nghỉ. Bà chỉ chúng tôi những động tác cơ bản khi cấy lúa, nhìn đơn giản đấy nhưng khi làm thì không hề dễ một chút nào.

Bà chỉ cần đứng một chỗ, quay người, tay liên tục cầm cây mạ dắm xuống đất là đã thành hàng thành lối. Minh Anh xung phong dùng sào cấy lúa , múc một cây thôi mà nó cho lên cả đám, đưa lên bờ, dần tách ra rồi mới cắm xuống đất. Thư Huyền nhìn tướng đứng cũng ra dáng lắm, nhưng cấy xong một hàng, nhìn lại thì cây nổi lên trên hết rồi. Còn tôi, đi một bước tưởng như mình bị lún sâu xuống dưới bùn luôn, khó nhọc di chuyển từng bước để cấy lúa, nhìn lại theo lời bà nói, chẳng khác nào vịt lội. Tôi liền nói với bà:

“Hình như bà giao trứng cho ác rồi, chúng cháu phá thì có chứ chẳng cấy được cấy lúa nào” Tôi cảm thấy có lỗi

“Lỡ mùa này lúc không được bội thu thì làm sao bà” Minh Anh ngồi tách cây mạ vừa nói

“Bà đoán được tụi bay như nào rồi, mấy tiểu thư này thì làm được gì chứ, nhưng không sao, bà muốn cho mấy đứa trải nghiệm thôi. Chúng ta có nền văn minh lúa nước mà, ai là người con gái Việt Nam cũng nên một lần ra đồng, cầm cây lúa lên xem nó như nào, thử trải nghiệm công việc của các bà, các mẹ ngày xưa xem cuộc sống dân mình ra sao con à”

“Bà hay quá, hình như cháu sắp làm được rồi, mấy cây này không bị bật gốc nữa bà ơi” Thư Huyền đang tự hào về thành quả của mình.

Tôi có cảm giác như có con gì đang bơi lội trong đám bùn mà tôi đứng, chân tôi có cảm giác nó lướt qua, hơi đau. Nhẹ nhàng đưa chân lên, mắt nhìn thấy thứ con vật vừa trơn vừa ác độc hút máu người ấy:

“Ôi mẹ ơi, con đỉa, bà ơi, con đỉa nó cắn cháu”

Tôi vừa hét vừa chạy ngay lên bờ, giãy giãy chân hết cỡ cho nó rơi xuống nhưng nó lì quá, không sai khi người ta nói dai như đĩa đói mà. Cuối cùng bà cũng ra tay bắt con vật chết tiệt đó ra cho tôi, máu nơi chân dần chảy ra, không đau nhưng mà nhìn máu chảy tôi sợ quá:

“Bà ơi có khi nào cháu chết vì mất máu không?” Tôi nhịn khóc hỏi bà

“Con bé ngốc này, mấy chục năm cuộc đời bà chưa nghe ai chết vì đỉa cắn cả, yên tâm đi, để bà lên đây hái lá cầm máu”

Thư Huyền và Minh Anh nhìn tôi trong điệu bộ mếu máo thì vừa thương vừa cười:

“Chưa bao giờ thấy Tiểu Nhi của chúng ta nhảy cao như vậy, một cái lên bờ luôn” Minh Anh vừa cười vừa trêu tôi

“Chắc đau lắm nhỉ, có để lại thẹo không?” Thư Huyền nhìn vết cắn rồi nói

“Không, đừng để lại thẹo mà, không thì mình nguyền rủa con đỉa đó mười tám kiếp không được đầu thai”

Bà từ xa quay lại với nắm lá trên tay, vò nát rồi đắp vào chỗ máu chảy, chẳng mấy chốc máu tôi đã được cầm. Công nhận những bài thuốc dân gian rất lành tính lại vô cùng hiệu quả.

Cuối cùng bốn bà cháu đành phải kết thúc công việc ở đây, về nhà chờ những chàng trai đưa thành quả về.

***

Chẳng mấy chốc, chưa thấy hình đã thấy tiếng của anh Khánh, Huy Đức và Phúc Lâm. Minh Anh chạy ra mở cổng, điều đầu tiên tôi nghe thấy là tiếng cười như mười năm mới được cười của nó. Ai ngờ, khi ba chàng trai bước vào thì không chỉ Minh Anh cười mà đứa đang tức tối vì con đỉa lúc nãy như tôi cũng quên hết những chuyện vừa xảy ra.

Mặt của ai cũng đầy bùn, áo quần thì lăn lấm, vẻ đẹp trai thường ngày bị bùn che lấp mất hết rồi, nhìn rất ra dáng những anh nông dân đi cày đồng về. Bà là người giữ bình tĩnh nhất:

“Đưa ốc bà xem nào, cũng khá đấy. Ba thằng này thế mà làm được việc hơn ba con bé nhỉ. Giờ đi vào tắm rửa đi kẻo mấy đứa nó ngồi cười cả ngày đấy”

Thấy chân tôi có miếng băng dán cá nhân, Phúc Lâm liền chạy đến với gương mặt lo lắng, cầm chân tôi lên hỏi:

“Cậu bị sao vậy, có đau lắm không?”

Dù biết đó là gương mặt lo lắng của Phúc Lâm nhưng tôi không nhịn được cười, cậu ấy hỏi đến lần thứ 3 mới trả lời được:

“Tớ bị đỉa cắn lúc cấy lúa, máu chảy nhiều nhưng bà đã hái lá cầm máu cho tớ rồi, chắc không để lại thẹo đâu”

“Ờ, vậy thì tốt, đừng để bị thương nữa nghe không!”

Cậu ấy định hôn lên tóc tôi nhưng tôi nhanh chóng đẩy Phúc Lâm ra vì bộ dạng này thực sự không nên. Vừa cười vừa nói:

“Cậu nhanh đi tắm đi kẻo tớ cười quên luôn Tổ quốc đây này”