Nghe Nói

Chương 5: Góc Nhìn Của Giang Thời Ứng

Sắc trời ảm đạm, ánh chiều tà le lói, tia nắng cuối cùng chiếu xuống mặt đất hòa làm một thể với cát vàng. Trường An vẫn liễu xanh hoa thắm như ngày nào nhưng chốn Mạc Bắc, cái se lạnh của mùa đông đã sớm ùa về.

Ta nhìn một ngày cô đơn dần tan vào bóng tối, đột nhiên rất muốn biết nàng đang làm gì.

Ta không nhớ nổi hai ta đã quen biết như thế nào, dường như từ khi có ký ức, nàng đã xuất hiện bên cạnh ta rồi. Chúng ta cùng nhau học vỡ lòng, cùng nhau đến thư viện,… Nàng nhỏ hơn ta 3 tuổi, lúc ta tập viết bảng chữ mẫu, nàng còn chưa học được cách cầm bút. Dù vậy, nàng vẫn khóc lóc đòi ở lại bên cạnh ta, sau đó bôi mực dính khắp cả người.

Nghĩ đến khuôn mặt bị bôi vẽ thành mặt mèo kia, ta không kìm được cong khóe môi, làm thân binh bên cạnh giật nảy mình. Ta lúng túng nghiêm mặt, khiển trách hắn không tập trung khi tuần tra. Thân binh hết sức xấu hổ chủ động lãnh trách nhiệm gác đêm tối nay.

Đuổi đi đám thân binh đáng ghét kia, ta lại hồi tưởng thời niên thiếu của ta cùng nàng. Khi nàng khoảng 10 tuổi, nàng ăn nhầm điểm tâm có độc. Lúc phát độc vô cùng hung hiểm, sắc mặt nàng trắng bệch như tờ giấy, lại gắng gượng bảo ta không cần lo lắng. Thế nhưng ta làm sao mà không lo lắng cho được, nàng hẳn còn chưa biết loại độc đó đáng sợ đến mức nào. Dù cho sau này phát hiện lần trúng độc đó có điểm vô cùng đáng ngờ nhưng ta vẫn nhịn không được mà sợ hãi. Người em gái ta yêu thương nhất suýt chút nữa vĩnh viễn rời xa ta.

Từ năm 10 tuổi đến 18 tuổi, ta luôn cho rằng thứ tình cảm đó là tình huynh muội. Ta đáp ứng mọi yêu cầu của nàng; phòng binh khí mà ta nghiêm cấm người ngoài tiến vào, nàng lại có thể tùy ý nghịch ngợm đao kiếm mà ta yêu quý nhất; ta không thích có người ở bên cạnh khi đang luyện võ, nàng lại có thể ngồi đợi ở võ trường đến mức ngủ quên; năm 15 tuổi, nàng không chịu gọi ta là “ca ca”, dù trong lòng bất đắc dĩ nhưng vẫn để mặc nàng gọi tên ta. Ta luôn nghĩ rằng những ngoại lệ này đều là tình huynh muội.

Năm Xương Ninh thứ 14, ta được lệnh đi dẹp giặc cướp, lại gặp nạn ở Lăng Châu.

Ta thật tình biết ơn Sở Thanh Thanh. Không có nàng, ta có thể đã chết nơi dã ngoại Lăng Châu. Lần đầu tiên ta gặp được một cô gái hoạt bát, can đảm, không chịu ràng buộc, gò bó giống như nàng. Lại thêm việc nàng đã cùng ta chung sống một đêm. Nàng có thể không rõ hậu quả của việc này nhưng ta lại không thể giả vờ như không hiểu. Thế là, ta hứa hẹn sẽ cưới nàng làm vợ.

Khi đó, ta còn chưa biết mẫu thân cùng Tô phu nhân đã đính ước bằng miệng cho hai nhà, cũng chưa rõ tình cảm của mình. Tuy nhiên, ta đặt tay lên ngực mà tự hỏi, ngay cả khi đã biết về hôn ước, sợ rằng ta cũng không thể bỏ mặc Sở Thanh Thanh bị ta hủy đi thanh danh mà chậm trễ chuyện một đời. Cho nên, ngay từ khi mới bắt đầu, đây vốn đã là một ngõ cục.

Sau khi hồi kinh, hôn sự của ta và Sở Thanh Thanh bị tất cả mọi người phản đối. Mẫu thân và muội muội thay nhau khuyên ta: Sở Thanh Thanh tự tiện đào hôn, dù cho không có ta, thanh danh của nàng cũng đã bị hủy hoại. Thế nhưng việc nào ra việc đó, Sở Thanh Thanh là ân nhân cứu mạng của ta, ta không cho phép bản thân làm ra chuyện vong ơn phụ nghĩa như vậy được.

Sau đó, ta từng nhìn thấy Tô Khanh Từ tại Giang phủ. Mấy ngày không gặp, nàng gầy đi rất nhiều. Ta vốn tưởng nàng cũng không biết về hôn ước giữa hai ta, nhưng xem ra không phải thế. Ta cẩn thận từng ly từng tí giấu diếm nàng, chính vì không muốn để việc từ hôn tổn thương đến nàng. Đáng tiếc, người mà ta không muốn tổn thương nhất, cuối cùng lại là người bị tổn thương nặng nề nhất.

Sau khi thành thân, ta phát hiện Sở Thanh Thanh cũng không phù hợp với mình như ta đã nghĩ. Nàng quá thẳng thắn, nhiều lần xung đột với mẫu thân, ta không thể không đứng giữa hai người họ mà hòa giải. Nàng quá dễ mềm lòng, lại không có chủ kiến, quản không được Giang phủ hơn trăm người, ta chỉ có thể dùng quân pháp giúp nàng lập uy.

Thê tử của ta hẳn phải là một người dịu dàng, ngoan ngoãn, thông minh, có thể trấn an mẫu thân, muội muội, cũng có thể răn đe hạ nhân mới đúng.

Ta đột nhiên cảm thấy kinh hãi. Vị thê tử trong tưởng tượng của ta lấy hình mẫu từ ai đây?

Giữa lúc ta bị chuyện gia đình, chuyện triều chính quay đến choáng váng, ta nhận được tin nàng đính hôn.

Nàng sắp lập gia đình. Đứa em gái được ta che chở từ nhỏ đến lớn, không đành lòng làm trái bất kỳ yêu cầu nào sắp gả cho một người đàn ông xa lạ, mang một dòng họ khác, cùng một người đàn ông khác chung sống cả đời.

Nỗi đau bất chợt cuối cùng cũng khiến ta hiểu được rằng: Ta chưa từng xem nàng là em gái. Thay vì trao nàng cho người khác, ta càng muốn giữ nàng lại bên cạnh, để ta tự mình bảo vệ nàng, chăm sóc nàng, dùng cả đời này mặc nàng càn quấy.

Loại thức tỉnh này đến quá muộn màng.

Vài ngày trước nàng thành thân, ta thao thức suốt đêm thâu. Nhưng vào ngày nàng bước lên kiệu hoa, ta lại thϊếp đi một cách kỳ lạ. Trong giấc mơ, ta thấy Giang phủ khách khứa đông nườm nượp, ta thấy mình mặc hỉ phục đỏ rực, chậm rãi vén hỉ khăn của nàng lên.

Cảnh trong mơ quá mức chân thực, càng khiến ta đau thấu tim gan khi tỉnh lại. Ta tự mình đẩy nàng ra xa, giờ đây mơ một giấc mơ như vậy thì có ích lợi gì? Ta thật khinh thường bản thân.

Thế nhưng giấc mơ ngày càng trở nên chân thực. Ta thấy nàng ngồi dưới hiên nhà trò chuyện cùng mẫu thân; nàng ngồi kẻ mày trước gương trang điểm; nàng quấn lấy ta đòi học võ nghệ, nàng chống cằm nhìn ta chăm chú khi ta xử lý quân vụ, cho đến khi ta không chịu nổi, phải ôm hôn nàng, kết thúc màn quấy rầy dai dẳng,…

Giấc mộng chi tiết đến mức ta thậm chí còn nghi ngờ đâu là mơ, đâu mới là hiện thực. Phải chăng đó mới là cuộc sống mà hai ta nên có?

Ta không cách nào cho thê tử Sở Thanh Thanh một người bạn đời mà nàng nên có, cũng không thể đối mặt với Tô Khanh Từ đã gả làm vợ người, càng không muốn nhìn thấy tên Trần Kha đã thế chỗ của ta kia. Ta bắt đầu mê muội cảnh trong mơ, thậm chí còn ghen ghét với chính mình đang được ở bên nàng nơi mộng cảnh.

Ta biết mình không thể cứ tiếp tục như thế này được nữa. Trách nhiệm của ta là bảo vệ quốc gia, chứ không phải tự mài mòn ý chí trong giấc mộng hư vô.

Ta tự xin xuất chinh đến Mạc Bắc, Thanh Thượng rất nhanh chóng chấp thuận. Trước khi rời kinh, ta đưa Sở Thanh Thanh đến Từ An Tự. Nàng đến đây cầu xin điều gì, lòng ta biết rõ. Nhưng cả đời này của ta, nhất định sẽ phụ lòng nàng.

Ta ở bên ngoài chờ đợi. Thị lực của ta rất tốt, từ xa đã nhìn thấy xe ngựa của nàng. Ta nhìn nàng từng bước một đi về phía ta. Vốn tưởng rằng tâm đã tĩnh lặng như nước, lại vì sự xuất hiện của nàng mà gợn sóng, dâng thành sóng biển ngập trời. Nàng đứng cách ta gần như vậy, lại thận trọng mà xa cách hỏi ta “Có khỏe không?”

Ta muốn nói cho nàng biết, tháng ngày của ta trôi qua thật tồi tệ. Vì rời xa nàng, ta không thể không đi đến biên giới xa xôi. Cuối cùng, ta chỉ có thể đáp “Tất cả đều ổn.”

Ta không sợ gió cát, không sợ chiến tranh, chỉ sợ nàng sống không yên bình, sợ nàng ở nhà chồng phải chịu ấm ức, sợ trượng phu của nàng không yêu nàng, không bảo vệ được cho nàng, sợ nàng một thân một mình đối mặt với sóng gió tương lai.

Khanh Từ, ta yêu nàng còn sâu hơn sinh mệnh, lại thà rằng nàng vĩnh viễn cũng không biết được.