Trở Về Thập Niên 70 Làm Thú Y

Chương 45: Dặn Dò

Nhìn thấy người tình thân thương từ xa, Hà Hưng Gia vẫy tay gọi:

“ Đồng chí Trình Nhân, tôi có chuyện muốn nói với em.”

Hà Hưng Gia xưng hô như vậy làm Trình Nhân ngại quá trời quá đất, e thẹn đi về hướng của anh.

“Hôm nay anh phải tiếp tục lên huyện học thú y, nghĩ ít nhiều gì cũng phải sang chào em một tiếng, em không ngại chứ?” - Hà Hưng Gia vừa nói vừa nhìn biểu hiện của đối phương.

“Um … dạ!”

Biết Hà Hưng Gia sáng sớm đã lặn lội đến đây để tạm biệt mình, Trình Nhân rất cảm kích. Cô cũng muốn dặn dò anh vài điều giống những người yêu nhau hay làm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu nên tay cứ nghịch nghịch vạt áo mãi.

Thấy Trình Nhân không dám nhìn thẳng, ngại ngùng cắn môi không nói gì, Hà Hưng Gia mở lời dặn dò: “Trong thời gian này tốt nhất em đừng nên đi lên huyện khi không có việc gì cần nhé. Sau này nếu muốn gửi thư tín về cho gia đình thì bảo anh, anh gửi thay em. Được chứ?”

Hà Hưng Gia vẫn còn đề phòng với Tôn Viễn Siêu, không biết hắn ta còn muốn kéo dài vụ này bao lâu, vẫn nên để Trình Nhân lánh mặt thêm một thời gian thì hơn.

“Dạ vâng.”

“À đúng rồi, tối qua anh quên hỏi em, chuyện tin đồn của hai chúng ta em có đoán được ra ai không?”

“Ưm, em đang nghi ngờ có thể là Trâu Khải hoặc Chu Hồng. Khả năng cao là Chu Hồng nghe tin tức từ miệng Trâu Khải, sau đó lan truyền ra khắp nơi.” - Trình Nhân do dự mà nói ra suy nghĩ của mình cho Hà Hưng Gia nghe.

“Còn cô gái bên kia, cái người đang đứng kế Chu Hồng là ai?”

“Cô ấy là Tịch Nguyệt.”

“Em với cô ấy có thân nhau không?”

“Dạ … cũng không thân cho lắm, bạn bè xã giao thôi. Vì bình thường Tịch Nguyệt không thích giao tiếp, nên dù ở chung hai năm nhưng em với cô ấy cũng không nói chuyện nhiều.”

“Ồ, vậy sao.”

Nghe Trình Nhân nói thế, Hà Hưng Gia suy tư gì đó rồi nhắc nhở cô: “Anh nghĩ ngày thường em nên đề phòng cô ta một chút.”

Thấy vậy, Trình Nhân có chút nghi hoặc nhưng vẫn gật đầu cho anh yên tâm.

Nói chuyện xong xuôi, Hà Hưng Gia chào tạm biệt Trình Nhân lần nữa rồi xách tay nải tiếp tục lên đường.

Một lúc sau cũng tới được Trạm Chăn Nuôi, quả nhiên lần này trạm đã thay đổi người hướng dẫn. Đón tiếp các học viên là một ông chú trung niên họ Đỗ, nghe mọi người gọi ông ấy là Đỗ sư phụ. Khác với Lý Kỳ chỉ biết kiến thức về heo, Đỗ sư phụ quả nhiên là bậc thầy lão luyện, ông rất am hiểu về động vật, kinh nghiệm khám chữa bệnh cho gia súc vô cùng thâm sâu và phong phú. Tuy vậy ông rất điềm đạm kiệm lời, chỉ nói những điều cần nói chứ không hoạt ngôn và thân thiện như Lý Kỳ.

Mấy ngày tiếp theo, Đỗ sư phụ đã thông qua những ca khám chữa bệnh cho động vật ông từng tiếp quản mà truyền đạt lại kinh nghiệm cho học viên, nào là cách nhận biết thú bị bệnh cho đến triệu chứng, các biện pháp xử lý cũng như thăm khám. Qua những buổi học này, Hà Hưng Gia cảm thấy lời giảng của sư phụ họ Đỗ tuy ngắn gọn nhưng rất súc tích, giúp anh học được rất nhiều kiến thức quý báu về ngành thú y.

Dù ông có hơi trầm tính và khó gần, song anh cảm thấy sư phụ Đỗ vẫn đáng tin hơn so với ông hoàng thiến heo Lý Kỳ nhiều.

Có một hôm sau khi hết tiết, Đỗ sư phụ bày tỏ nỗi lòng với học trò: “Từ xưa đến nay bà con trong thôn nuôi gia súc, gia cầm toàn dựa trên kinh nghiệm. Ở nhà có ai bị ốm thì mình có thể biết ngay, nhưng con vật thì khác, khi bị ốm chúng phải cắn răng chịu đựng vì tụi nó không có ngôn ngữ không có tiếng nói. Gặp gia chủ nào để ý mới đi mời bác sĩ chân trần trong thôn đến xem. Khổ nỗi mấy ông bác sĩ đó chả ai đi học trường lớp chính quy, đều dùng kiến thức chữa người để chữa vật.”

Đỗ sư phụ bày ra vẻ mặt ủ rũ, tặc lưỡi mà nói tiếp:

“Chậc, rõ ràng trên huyện có Trạm Chăn Nuôi, nhưng có bao nhiêu người chịu mang gia súc đến trị bệnh, thế nên mới thường xuyên xảy ra trường hợp con vật bị chết oan uổng do không cấp cứu kịp thời.”

Nhưng Hà Hưng Gia thiết nghĩ, bà con cũng có nỗi khổ riêng của họ. Thứ nhất, đâu phải thôn nào cũng gần huyện, có những thôn cách huyện cả trăm cây số, vậy làm sao có thể vận chuyển một con heo hay con trâu đang bệnh lên huyện chứ.

Thứ hai, nếu nhìn từ góc độ của dân làng, họ xem những người của Trạm Chăn Nuôi đều là nhân viên công tác của chính phủ, đối với họ như vậy là quyền cao chức trọng lắm rồi, đâm ra người dân cũng vô thức mà rụt rè, ngại đối diện. Đối với bọn họ thêm một chuyện chi bằng bớt một chuyện, họ không muốn sinh phiền phức.

Đỗ sư phụ mới tâm sự hai hôm trước thì y như rằng hai hôm sau đã có người lên Trạm Chăn Nuôi nhờ thăm khám gia súc.

Vị khách này là đội sản xuất thôn Thạch Ma, tuy cũng nằm trong phạm vi quản lý của huyện Khúc nhưng lại trực thuộc công xã khác. Không giống thôn Đại Cương, thôn Thạch Ma ở khá xa trung tâm. Giả dụ quãng đường từ thôn Đại Cương lên huyện mất hai tiếng, thì người ở thôn Thạch Ma mất ba tiếng rưỡi mới đặt chân được tới huyện thành.