Giờ không phải là lúc ngẩn người ra đấy, thấy cả nhà đều bị tiếng ồn đánh thức, Lý Nhị Anh tranh thủ phân việc cho từng người: “Thằng tư, mày mau chạy đến nhà chú Thụ mượn xe kéo của đội sản xuất tới đây, còn mẹ ở nhà chuẩn bị đồ đi sinh. Nhanh lên, không có thời gian đâu, phải mau chóng đưa chị dâu mày đến bệnh viện huyện.”
“Còn thằng cả, lát nữa tới trên huyện, mày chạy ngay đến lò mổ thông báo cho thằng hai biết vợ nó sắp sinh rồi, bảo nó xin phép nghỉ để còn phụ giúp một tay.”
Nhận được lệnh từ mẹ, Hà Hưng Gia cắm đầu cắm cổ chạy một mạch tới nhà Hà Hưu Thụ. Sau khi thuyết minh tình huống, đai đội trưởng không nói hai lời liền đưa xe cho Hà Hưng Gia. Cũng may chị trâu đít bự lần trước được Hà Hưng Gia chữa trị nên hiện đã khoẻ lại rất nhiều, đối với việc kéo xe con con này chỉ là chuyện nhỏ.
Hà Hưng Gia đánh xe dừng trước cổng, cả nhà liền mỗi người một tay phụ giúp đưa Tần Phán Đệ lên xe. Sau đó vội vàng xuất phát đến bệnh viện.
Lúc tới được khu cấp cứu, Tần Phán Đệ đã bị cơn trở dạ hành hạ vật vã đau đến nỗi không nói nên lời. Thấy tình hình nghiêm trọng, các bác sĩ và y tá huyện không chần chừ nữa mà đưa cô lên băng ca đẩy thẳng vào phòng sinh.
Trong khi ở bên ngoài chờ đợi, bà Lý sốt ruột hối Hưng Quốc mau đi thông báo cho Hưng Dân, còn không quên kéo anh lại cẩn thận dặn dò:
“Xong rồi thì con đánh xe bò về trả cho thôn luôn. Không biết lần này Phán Đệ sẽ phải nằm viện bao lâu. Nhỡ mà trâu làng mất tích hay có mệnh hệ gì thì Hà gia đào đâu ra tiền mà đền, nó là gia tài của cả thôn chứ ít ỏi gì”.
Thành thử lúc này chỉ còn Lý Nhị Anh và Hà Hưng Gia ngồi ở trước của phòng sinh.
Một lát sau đã thấy bóng dáng Hà Hưng Dân hớt hải chạy tới, trên trán ướt đẫm mồ hôi. Cả ba lại tiếp tục chờ đợi trong thấp thỏm, trên gương mặt mọi người đều hiện rõ sự lo âu, âm thầm cầu xin trời Phật cho Tần Phán Đệ được mẹ tròn con vuông.
Thế nhưng đến tận chiều muộn mới nghe thấy tiếng “oe oe” của đứa trẻ. Lúc này đây mọi người cũng thở phào nhẹ nhõm. Em bé được y tá đẩy ra, là con gái, chỉ nặng vỏn vẹn có 2kg, bé tí còi cọc như một con mèo con, da dẻ nhăn nheo, vàng vọt, khiến ai nhìn vào cũng thấy xót xa.
Bác sĩ nét mặt căng thẳng rời khỏi phòng sinh, tìm gặp cha đứa trẻ và khéo léo lựa lời truyền đạt lại:
“Ca này sinh khó, đứa trẻ rất yếu. Hơn nữa sau này nếu muốn có con thì mẹ phải được chăm sóc và điều trị thật tốt.”
Nghe những lời bác sĩ nói xong, Hà Hưng Dân lặng thinh từ đầu đến cuối. Về phần Tần Phán Đệ, sau khi biết lại là vịt trời thì cảm thấy thất vọng vô cùng, làm mình làm mẩy nằng nặc đòi xuất viện mặc kệ tình trạng yếu ớt của cả mẹ lẫn con.
Hà Hưng Gia đứng một bên chứng kiến mà lòng không khỏi suy tư về chuyện lúc trước. Nếu như Tần Phán Đệ biết từ rày về sau mình khó mà mang thai được nữa, thì liệu có hối hận không khi hồi đó vì công việc mà sẵn sàng để cho người ta đẩy té ngã mình.
Người tỉnh táo để suy xét mọi chuyện nhất lúc này đây chắc chỉ có bà Lý, biết con dâu lần này sinh khó nên thay cô làm chủ, để cô ở lại nằm viện dưỡng sức thêm một ngày. Bà còn đuổi Hà Hưng Gia đi về trước, ở bệnh viện có bà và Hưng Dân chăm nom là đủ rồi.
Nghe vậy nhưng Hà Hưng Gia vẫn không về ngay, anh đi ra ngoài cổng xem có gì ăn không để mua về cho mọi người lót dạ. Bởi sáng giờ quần quật tới lui thành ra ai nấy cũng chưa có gì vào bụng. Nhưng khi đi đến sảnh, chẳng biết có phải tổ tiên mách bảo hay không mà Hà Hưng Gia lại lơ đãng nhìn vào khu Truyền Dịch. Và rồi anh vô tình bắt gặp Hà Hưng Nghiệp đúng lúc cũng đang ở đây.
Lần trước đi đưa đồ cho Hưng Nghiệp, Hà Hưng Gia có dặn rằng: nếu xong kỳ thi tuyển thì nhớ về nhà thăm mẹ một chuyến, kết quả chờ cả tháng trời mà chả thấy bóng dáng nó đâu. Lý Nhị Anh lúc ấy cứ đi ra đi vào, còn nhắc mãi không biết thằng Năm có thi đậu không, nhà mình là nông dân thấp cổ bé họng chẳng thể giúp gì được cho nó.
Hà Hưng Gia không ngờ lại gặp được thằng em trai quý hoá ở đây, bên cạnh nó vẫn là cô gái đó - con ông phó giám đốc xưởng dệt. Hà Hưng Gia đoán rằng cô này chắc là đang bị bệnh, vì trên tay trái vẫn còn ghim ống truyền dịch, mặt mày thì uể oải ủ dột, cứ đi đi lại lại trong phòng. Còn thằng Hưng Nghiệp chẳng khác gì công công, con nhỏ đi một bước thì nó tò tò một bước theo sau, một tay thì nâng bình dịch, tay còn lại thì cầm quạt phẩy phành phạch cho con đó không sót nhịp nào.
Hà Hưng Gia từng gặp Hưng Nghiệp đi cùng cô gái này một lần, lúc đó đã thấy Hưng Nghiệp đối với cô ta cử chỉ ân cần tử tế, lần này đây lại càng thêm che chở chiều chuộng, có thể nói là chiều như chiều vong. Trái lại với tính cách lạc quan, vô tư có phần vô tâm của nguyên chủ, Hà Hưng Nghiệp này đây từ nhỏ đã tự cho mình thượng đẳng rất hay ra vẻ thanh cao, chả bao giờ thấy thằng này chơi cùng với mấy đứa con nít trong làng. Trong trí nhớ của Hà Hưng Gia, thậm chí anh chưa bao giờ thấy Hưng Nghiệp chịu cúi mình hầu hạ ai. Nếu mà bà Lý thấy được cảnh tượng trước mắt không biết sẽ có cảm giác gì đây.
Hà Hưng Gia vừa suy nghĩ về Lý Nhị Anh, liền nghe tiếng của bà vọng lên từ đằng sau:
“Thằng kia, mẹ bảo mày về từ nãy giờ, sao mày vẫn còn ở đây?”