Ngay sau buổi họp kế hoạch tác chiến, kế hoạch của "bất tiếu quân sư" Dương Nhạc liền được thực hiện.
Ngay ngày hôm sau, Cảnh Lan đã lập được một đội một ngàn binh tinh nhuệ, lập thành Hắc Xà quân.
Hắc Xà quân lấy chi nhánh của Nam Trì thương hội là điểm trú quân, hàng ngày chia nhau trà trộn trong dân chúng, hành hiệp trượng nghĩa.
Dân chúng được cứu, rối rít cảm ơn. Khi hỏi thăm danh tính, liền nhận được đáp án "Thanh Trì Đồng Tước nghĩa quân".
Chỉ sau một tuần, toàn dân đã biết đến sự tồn tại của nghĩa quân này.
Lúc này, Bạch Cáp quân và Nam Trì thương hội, cùng các cựu thần của Nhữ Cơ âm thầm lan truyền bài hịch của Thượng Quan Đình đại công chúa.
Dân chúng liền biết, nghĩa quân và Nam Trì thương hội đều là của Công chúa. Tức thì một trận huyên náo diễn ra.
Đại Công chúa là nữ nhi mà lại dám lĩnh binh khởi nghĩa!!!
Nhưng mà, Nam Trì thương hội tạo cho họ công ăn việc làm, giúp họ cuộc sống ổn định.
Nam Trì Đồng Tước quân khắp nơi cứu giúp bọn họ khỏi móng vuốt của triều đình Sĩ Đạt.
Chỉ xoắn xuýt một hồi, dân chúng đều đồng lòng đi đến một kết quả.
Nữ nhân thì sao! Miễn là biết chăm lo cho đời sống của người dân, miễn là biết thương xót người dân sống khổ cực, thì là một quân chủ tốt rồi!
Chưa kể, công chúa làm được những việc này, cũng thật sự rất tài giỏi!
Thế là, người người nhà nhà bắt đầu âm thầm hành động. Nam nhân thì tự giác, nữ nhân thì khuyên chồng, con trai gia nhập nghĩa quân.
Nghĩa quân trà trộn làm nhiệm vụ đến đâu, đều được người dân che chở, giúp đỡ đến đó.
Huyện chủ của một số Huyện nghe được tiếng gió, lập tức cho người đi điều tra, chưa nhận được kết quả thì người được phái đi đã bị diệt khẩu, còn được Hắc Xà quân "ghé thăm".
Không chỉ Huyện chủ, những người xấu có ý chống đối nghĩa quân, báo cáo lên triều đình Sĩ Đạt đều bị khống chế kịp thời.
Chỉ trong vòng một tháng, cả hai châu Ái Châu và Thương Châu đều cơ bản được kiểm soát. Chỉ còn chờ một phát súng chính thức từ Nam Trì Đồng Tước quân.
Đồng thời, số lượng binh gia nhập cũng tăng lên, đã vượt qua con số năm mươi vạn, tiến dần đến bảy mươi vạn binh.
Bên này, Xuân Hạnh và Cảnh Dĩ liền ra sức thu gom nguồn lực dành cho cuộc chiến.
Năm đó, Minh Châu chuẩn bị nguồn lực cho bốn trăm vạn binh, nhờ có Khánh Niên trang và Phủ Quận chúa (đứng đằng sau là Yến gia) chống đỡ mới có thể đảm đương được.
Hiện tại tuy chỉ có bảy mươi vạn binh, nhưng Nam Trì thương hội mới xây dựng được nửa năm, quả thật có chút quá sức.
May mắn là, sau khi bài hịch của Công chúa được lan truyền, lần lượt các hộ dân, thương nhân của Nhữ Cơ tìm đến thương hội, bày tỏ tâm ý muốn hỗ trợ cho nghĩa quân.
Xuân Hạnh và Cảnh Dĩ vui mừng khôn xiết, đồng thời cũng cảm thán, Quân sư nhà mình thật sự mưu tính chu toàn.
Một tháng sau, nghĩa quân chia thành hai nhánh.
Nhánh thứ nhất do Thượng Quan Đình trực tiếp chỉ huy, phó soái là Cảnh Lan, Chu Tiễn, quân sư sở tại là Kính Thập Nhất, ở lại binh doanh Thanh Trì, dẫn dắt ba mươi lăm vạn binh.
Nhánh thứ hai do Tề Hoành làm đại nguyên soái, phó soái là Trọng Âm, Cảnh Ý, quân sư sở tại là Âu Dương Thành, dẫn dắt ba mươi vạn binh âm thầm hành quân đến căn cứ huyện Phụng Tiên tập kết.
Ngày mười tám tháng tám năm Vĩnh Khánh thứ hai tính theo lịch Nam Quốc, Thanh Trì Đồng Tước quân chính thức phất cờ đồng thời ở cả hai nơi là Ái Châu và Thương Châu, cùng đánh lên hướng bắc.
Lúc này Đô Đốc ở các châu mới nhận được tin báo, nhanh chóng xuất quân tiếp chiến.
Nhờ có công tác chuẩn bị trước đó, các Huyện chủ không bị đổi, thì cũng là khoanh tay đứng nhìn, Đô Đốc của các châu căn bản không thể liên lạc.
Chưa kể, nghĩa quân nhận được sự ủng hộ to lớn từ dân chúng khắp các nơi, hành quân vô cùng thuận lợi.
Nghĩa quân lấy thế như chẻ tre, đánh một đường hướng đến Hàn Châu.
Năm ngày sau khi nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa, Triều đình Sĩ Đạt mới nhận được tin báo.
Thất Hoàng Tử gầm thét cho quân đi đàn áp, đồng thời viết thư cầu cứu Sĩ Đạt.
Nghĩa quân tiến công đến ngày thứ mười hai thì gặp phải đội quân tiếp chiến của triều đình Sĩ Đạt, tốc độ liền chậm lại.
Phía bên này, Thượng Quan Đình gặp nhiều khó khăn, do cả nàng và các tướng lĩnh đều là lực lượng non trẻ, không có kinh nghiệm thực chiến nhiều.
Lúc này Dương Nhạc liền ra mặt. Tuy cũng không có nhiều kinh nghiệm chiến trường, nhưng khả năng tính toán và bày kế của hắn được chính Nghiêm Cẩn công nhận, không phải là nói chơi.
Nghĩa quân tiến đến Huyện Tinh Tú thì gặp quân Sĩ Đạt chặn lại. Quân Sĩ Đạt thấy đánh không lại liền rút vào trong thành, đóng cổng, chờ viện binh.
Buổi tối, Thượng Quan Đình cùng mấy người Dương Nhạc bàn đối sách.
Thượng Quan Đình bức bối.
"Chết tiệt! Chỉ cần đánh qua cổng thành là đến ranh giới Hàn Châu rồi!
Quân của Tề Hoành bên kia cũng dự tính mấy ngày nữa là đến điểm hội quân.
Chúng ta cần nhanh lên!"
Chu Tiễn lúc này cũng nóng nảy.
"Bọn Sĩ Đạt này chẳng khác nào rùa rụt cổ! Con mẹ nó đánh không lại liền rút vào trong thành cho chúng ta ăn canh bế môn!"
Dương Nhạc nhìn hai cái người tính nóng như lửa này một chút, rót trà cho cả hai, trên mặt cũng chẳng tỏ vẻ gì.
Kính Thập Nhất nhìn sư phụ của mình, bình tĩnh hơn nhiều.
"Sư phụ, người đã có đối sách chưa ạ?"
Dương Nhạc lúc này mới nói với hắn.
"Thập Nhất, con đánh giá tướng lĩnh của đối phương như thế nào?"
Kính Thập Nhất ngẫm nghĩ một hồi mới đáp.
"Cả Sa Đạt và Lôi Chính đều là người dũng mãnh, nhưng lại có vẻ là mãn phu, khá là tàn bạo, có chút nóng nảy.
Về bản chất cũng không tính là đối thủ lợi hại."
Dương Nhạc vừa ý gật đầu. Sau đó, liền nhìn bản đồ.
"Theo khoản cách này, quân Sĩ Đạt muốn chi viện thì cũng là ba ngày nữa mới đến kịp.
Trong lúc đó, chúng ta phá trận là được, không cần nóng nảy."
Tình thế nghĩa quân đang rơi vào bị động, nhưng chẳng biết tại sao đêm đó, quân sĩ lại nghe được tiếng cười truyền ra từ chủ trướng.
Sáng sớm hôm sau, Chu Tiễn dẫn theo ba trăm binh, phóng thẳng đến cổng thành. Khi còn cách khoản nửa dặm thì dừng lại.
Quân Sĩ Đạt nghe vậy thì tập trung lên thành nhìn ra, chưa hiểu ra sao, đã nghe tiếng Chu Tiễn mắng.
"Sa Đạt! Ngươi là con rùa rụt đầu! Đánh không lại thì trốn, có gì là hảo hán!
Có ngon thì ra đây! Đánh tay đôi với ta!"
"Lôi Chính! Uổng cho ngươi là một tướng quân! Lâm trận bỏ chạy!
Con mẹ nó mất mặt!
Ta khinh!!!!"
"Sa Đạt! Ông nội ngươi đến! Mau ra đây đón tiếp!"
...
Lần lượt từng người, mắng câu nào cũng cực kỳ khó nghe.
Quân binh thấy vậy liền vào bẩm báo với Sa Đạt và Lôi Chính.
Sa Đạt nghe xong nổi giận đùng đùng, mang quân ra ứng chiến.
Kết quả, Chu Tiễn vừa thấy cổng thành có dấu hiệu mở ra, liền thu quân chạy về doanh trại.
Sa Đạt thấy vậy, sợ đuổi theo sẽ trúng kế, đành nghẹn khuất đứng đó một hồi, không cam tâm đóng cổng thành.
Ai ngờ, chưa qua một canh giờ, bên ngoài lại vang lên tiếng mắng chửi ầm ĩ.
Lần này đổi thành Cảnh Lan, mắng còn khó nghe hơn Chu Tiễn lúc sáng.
Sa Đạt lại giận dữ đem quân ra đánh, Cảnh Lan cũng rút quân về trại.
Lần này Sa Đạt không giải tán quân nữa, cho quân đứng chờ sẵn trong cổng thành, định bụng chỉ cần Đồng Tước quân vừa xuất hiện sẽ lập tức lao ra đánh chết mấy tên tiểu tử kia.
Ai ngờ chờ một lúc là hai canh giờ không thấy động tĩnh.
Không còn cách nào, Sa Đạt cho quân lui về nghỉ.
Nhưng quân chỉ vừa lui về một khắc, bên ngoài lại vang lên tiếng mắng chửi.
Sa Đạt phun ra một búng máu, tức chết hắn a!
Lần này hắn quyết tâm kiềm lại, để mặc Đồng Tước quân mắng chửi.
Nhưng hắn và Lôi Chính đã đánh giá thấp khả năng chọc chó của quân Đồng Tước.
Canh ba nửa đêm, bên ngoài lại vang lên tiếng mắng chửi.
Vì là ban đêm, nên tiếng mắng đặc biệt lớn, ai ai trong thành cũng có thể nghe rõ ràng từng chữ.
Dân chúng trong thành trước đó đã được tẩy não, cũng không phiền hà gì, trực tiếp lấy bông nhét tai, bình tĩnh đi ngủ, mặc kệ bên ngoài.
Đến giữa canh ba, Lôi chính không chịu nổi mở cổng thành dẫn binh ra tiếp chiến, chỉ nhận lại gió bụi mịt mù cùng tiếng cười trêu tức của quân Đồng Tước.
Hắn đứng tại chỗ hồi lâu, ngẩng đầu lên trời gầm lên.
"Con mẹ nó! Cảnh Lan! Chu Tiễn! Có gan thì đừng có chạy!
Đám tụi bây rồi sẽ chết trong tay ông!!!"
Một đêm ba lần như vậy, quân Sĩ Đạt trong thành không được nghỉ ngơi đủ, ai cũng khó chịu trong người.
Đặc biệt là Sa Đạt và Lôi Chính, mặt mày âm trầm như gϊếŧ người đến nơi.