Về Thời Bao Cấp, Phát Phiếu Bé Ngoan

Chương 8: Món quà vô giá

Anh ba đi đằng trước, cô theo đằng sau. Cả hai băng qua mấy con đường nhỏ rồi ra đường lớn. Cuối cùng là đi qua hai cái ngã ba mới đến được nơi mà anh ba muốn dẫn cô tới. Đây cũng là lần đầu tiên cô chân thật quan sát về cuộc sống nơi đây nhiều đến vậy. Mọi hôm cô chỉ đi từ nhà đến ủy ban làm việc, rồi lại về nhà. Quãng đường ngắn, mọi thứ cô thấy gói gọn chỉ trên một con đường.

Phương tiện chủ yếu của mọi người là xe đạp, lâu lâu lại có một hai chiếc xe lơ. Cái câu “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ” cũng là để nói về con xe này. Hóa ra chiếc lơ trong câu nói kia cũng chỉ là một con xe đạp nhưng mà nó lại là con xe hiếm, là mơ ước của bao thanh niên, bao gia đình thế hệ này. Nhưng mà bây giờ là thập niên 80 xe máy cũng xuất hiện lâu rồi nên “Mặt rỗ đi lơ không bằng thằng gù đi cup” bây giờ là thời đại của xe cup mất rồi. Nhìn chung là cuộc sống cũng đã khá hơn thập niên 70 nhiều.

Nói đâu xa nhà của thân chủ cũng được xem là khá. Trong nhà có quạt máy tai voi, có tivi sony, ngay cả đài cassetle cũng tậu được. Dù con tivi sony màn hình trắng đen mờ căm, mà ngoại hình thô kệch xấu xí trong mắt Vân Anh nhưng cũng là thứ xa xỉ với nhiều người ở thập niên 60-70. Năm ngoái anh cả mua đài cassetle sony màu đỏ mới cóng với cái bàn là Liên Xô. Mấy thứ vừa tốn tiền vừa phí điện đó dù mẹ Vân càm ràm nhiều nhưng mẹ cũng vui và thích lắm. Thế nên mẹ Vân rất tự hào về anh cả.

Nhắc đến điện thì phải nói đến một phương tiện phổ biến thời này nữa, đó chính là tàu điện. Vân Anh chưa từng thiwr nên cô không biết cảm giác ngồi trên tàu điện ngắm nhìn phố phường sẽ ra sao. Vậy nên cô tự hứa với lòng một ngày nào đó cô sẽ thử một lần trải nghiệm, có điều cô hơi lo ngại số lượng người trên con tàu đó… có vẻ hơi đông quá mức cho phép.

Trên đường cũng không vắng vẻ như tưởng tượng, ngược lại là đằng khác. Có mấy hàng nước mà mấy chú mấy bác hay ngồi phì phèo với ống thuốc lào cùng mấy ông bạn. Đi một đoạn là lại gặp một chỗ bơm xe đạp do mấy bác lớn tuổi mở ra để kiếm sống. Rồi rất đông những hàng gánh những con xe đạp chở theo cả tá đồ. Người dân bình dị chủ yếu là mặc áo vải dài tay, quần cũng dài nốt, không thì áo thun đi kèm quần tây. Nam thì mũ cối, nữ thì nón lá, không thì khăn trùm. Người qua người lại trông rất tấp nập.

Anh ba dẫn cô đến một cửa hàng nhỏ, trên tường treo cái bảng to tướng màu vàng, ở đó ghi một chữ “điện” lớn kế bên là mấy dòng như “quạt, mô tơ, máy bơm, tivi”. Vân Anh quay sang nhìn anh ba dò hỏi.

“Sao anh dẫn em tới đây vậy?”

Cô cứ tưởng anh sẽ dẫn cô tới của hàng mậu dịch hay chí ít là cửa hàng may nào đó. Tại vì anh bảo sẽ mua quà tặng cô cơ mà. Song tự nhiên anh dẫn cô đến cửa hàng sửa chữa đồ điện khiến cô có chút thất vọng.

“Vào rồi biết.” Anh kéo cô vào trong, tự nhiên nói lớn.

“Có ai ở nhà không ạ?”

Từ bên trong có một bác lớn tuổi vén màn đi ra, bác ấy nhìn hai anh em nheo mắt rồi như nhận ra điều gì đó, ông bác vui vẻ nói lớn.

“Thằng cu Phong con ông Sơn phải không? Ôi lâu quá rồi bác mới gặp cháu, trông càng lớn càng đẹp mã quá ta.” Bác vui vẻ mời hai anh em vào sâu trong nhà, nơi có bộ bàn ghế gỗ tiếp khách rồi còn tận tình rót trà mời cả hai.

“Dạ bác, lâu lắm rồi cháu mới có dịp ghé thăm cả nhà. Đây là bé út nhà cháu, nay cháu dẫn nó sang kiếm thằng Hùng.” Anh ba lễ phép nhận lấy tách trà rồi quay sang giới thiệu cô. Vân Anh mỉm cười, cúi người lễ phép chào hỏi, rồi mới dám vào ghế ngồi.

“À kiếm thằng Hùng phải không? Để bác đi kêu nó, nó chui rúc trên lầu cả ngày rồi.”BÁc ấy đi rồi anh ba mới quay sang giải thích cho cô.

“Đây là nhà của thằng bạn anh. Nó vừa đi Liên Xô học về, nhà nó với nhà chúng ta quen biết lâu rồi, bác Tùng bố của thằng Hùng cũng là bạn của bố.”

“Vâng ạ.” Vân Anh ngoan ngoãn gật đầu. Có lẽ hai nhà chỉ là bạn bè xã giao bình thường, tại vì trong ký ức của thân chủ hoàn toàn không có chút thông tin nào. Mà cách anh ba giới thiệu nghe qua cô cảm thấy thân chủ cũng chẳng biết gì về người bạn tên Hùng và gia đình của anh ta cả.

Lúc anh Hùng xuống bác trai có việc nên bảo hai anh em cứ tự nhiên như ở nhà, bác ấy có việc đi trước. Bác trai đi rồi, anh ba mới bắt đầu hỏi han sức khỏe, rồi lại tám chuyện trên trời dưới đất với người bạn từ phương xa mới về. Bọn họ trò chuyện hăng say đến mức Vân Anh như không tồn tại. Mãi một lúc sau anh ba mới chợt nhớ đến sự hiện diện của cô, anh có hơi lúng tùng cười trừ trước cặp mắt lên án của Vân Anh.

“Nãy tờ cũng có giới thiệu với cậu rồi đấy, bé út nhà tớ. Cái đứa mà tớ đề cập trong thư gửi cậu đấy.” Vân Anh tròn mắt khó hiểu nhìn anh rồi lại nhìn anh Hùng. Hình như cô trở thành nhân vật chính trong câu chuyện của hai ổng lúc nào không hay. Anh Hùng cười rồi lấy trong ngăn bàn ra một chiếc hộp.

“Gớm khổ tôi biết rồi ông ơi. Đây cái ông dặn mua đây.’ Anh Hùng đẩy chiếc hộp về phía anh ba. Anh ba lại mang chiếc hộp ấy đẩy về phía cô. Rồi cả hai người nhìn cô với cặp mắt mong chờ. Cô lúng túng nhìn anh ba cầu cứu, nhưng anh chỉ hất cằm hồi đáp.

“Hả?” Trong đầu cô có hàng ngàn dấu chấm hỏi to đùng, mà anh hất cằm như vậy anh hiểu làm sao được.

“Mở ra đi, quà của em đó.” Anh ba bất lực nhìn cô bật cười.

Hóa ra là quà cho cô, Vân Anh chạm vào chiếc hộp. Cái hộp giấy cứng cáp màu đen bên trên hình như có khắc chữ. Cô nheo mắt nhìn rồi mới nhận ra món quà này là gì. Trên hồ đề chữ “Seiko” đại diện rõ ràng cho một hãng đồng hồ.

“Sen ko năm phai chém cạnh đó nha.” Anh ba cười, vui vẻ nháy mắt nói với cô.

Vân A dĩ nhiên biết đó là đồng hồ, nhưng cô cũng hiểu món quà này đắt giá thế nào. Đồng hồ Seiko với người hiện đại có thể thuộc hàng bình dân, nhưng đây là thập niên 80, là thời bao cấp thiếu ăn thiếu mặc. Cô chẳng biết anh đã tiêu tốn bao nhiêu tháng lương để đổi lấy thứ này cho cô. Chẳng biết nước mắt từ đâu lại dâng trào nơi khóe mi. Cô không biết gì cả, chỉ biết rõ ràng anh ba thương cô thế nào, biết rõ ràng cô phải hạnh phúc như thế nào khi được anh và cả nhà yêu thương như vậy.

Hai chàng trai thấy Vân Anh nước mắt lăn dài trên mi bắt đầu bối rối. Bọn anh lúng túng kẻ dỗ dành người quay trái rồi lại quay phải không biết phản ứng ra sao. Bọn anh chưa từng nghĩ đến viễn cảnh này. Sau một hồi xúc động Vân Anh mới bình tĩnh hơn, cô cười ngọt ngào luôn miệng cảm ơn anh ba rồi còn cảm ơn luôn cả anh Hùng.

“Cảm ơn hai anh rất nhiều. Ôi đồng hồ đẹp quá.” Đập vào mặt cô là chiếc đồng hồ mặt vuông, màu bạc, dây kim loại cứng cáp nhưng chẳng hề thô kệch ngược lại là rất nhỏ gọn. Nhìn qua là biết hai chàng trai này đã phải chọn lựa kỹ càng, tinh tế như thế nào để tặng cho cô rồi.

“Có đắt lắm không anh?” Dù rất thích nhưng cô cũng cảm thấy tiếc tiền hộ anh. Dù sao thì nhà cô cũng không phải giàu có gì cho cam, anh tiêu tiền như vậy là hơi lố tay.

“Lúc trước ai bảo rằng lúc muốn có một chiếc đồng hồ hửm? Anh của em xém bán mạng vì em đấy, với thằng Hùng còn phải lăn lê bò lết khắp nơi mới mua được con đồng hồ với giá rẻ hơn thị trường lại còn là phiên bản dành cho nữ mới chịu cơ.” Anh ba yêu chiều cốc đầu cô. Quả thật thân chủ từng đề cập việc cô ấy mong muốn có một chiếc đồng hồ với anh ba. Đó cũng là một phần lý do khiến cô vừa nãy xúc động như vậy. Cô xúc động và tình cảm của hai anh em rất tốt… đặc biệt vô cùng tốt.

Lời của tác giả: Tác giả vẫn buồn.