Bàng Quyên trốn chạy vào rừng, lòng đau như bào, cắm phập lưỡi kiếm xuống đất, nước mắt giàn giụa, quay về phía kinh thành, dập đầu lia lịa, giọng lạc đi trong tiếng nấc nghẹn: “La huynh… cha…”. Bái xong, lại nghiến răng ken két. “Gian tặc Trần Chẩn nghe đây, thù này không báo, Bàng Quyên sẽ như cây này!” Nói đoạn, đứng phắt dậy, vung kiếm phạt đứt ngang một thân cây cỡ bắp tay bên cạnh.
Bàng Quyên vốn không phải là kẻ lỗ mãng. Thề độc xong, hắn ngồi xuống dựa lưng vào gốc cây, để đầu óc bình tĩnh trở lại, bắt đầu nghĩ cách báo thù. Hiện tại báo thù ngay chắc chắn không được. Thứ nhất, An Ấp là thiên hạ của Trần Chẩn; thứ hai, Bàng Quyên thân cô thế cô, dù có vào được trong phủ, e rằng cũng khó thành công.
Đại trượng phu báo thù, mười năm không muộn. Bàng Quyên suy đi tính lại, quyết định tạm thời ẩn náu, tìm cơ hội báo thù sau. Thế nhưng, tới đâu lánh nạn Bàng Quyên không biết, bởi lẽ từ nhỏ Bàng Quyên lớn lên ở An Ấp, ngoài An Ấp chẳng có họ hàng thân thích nào ở nơi khác.
Đang chưa biết phải làm sao, Bàng Quyên chợt nhớ La Văn đã từng nhắn lại, cha dặn nếu có chuyện gấp hãy tìm gặp chú ba. Bàng Quyên phấn chấn hẳn lên, bởi gần đây hắn từng nghe cha kể, ông vốn sống ở Đại Lương, cha mẹ đều sớm qua đời, chỉ còn một người em tên gọi Bàng Thanh sống ở phố Nam Nhai, là thợ đóng thùng, Bàng Quyên bèn quyết định tới Đại Lương tìm chú.
Sáng sớm hôm sau, Bàng Quyên tìm đến nếp nhà của người gác rừng, thấy trong nhà không có ai, bèn tự vào bếp lục đồ ăn, lại tìm được một bộ quần áo vải thô, bèn lấy mặc lên người. Thấy trên tường treo một chiếc mũ cỏ, lại lấy xuống đội lên đầu, sau đó móc vài đồng tiền đặt bên cạnh bếp, rồi lần ra khỏi rừng, đi về phía Đại Lương.
Đi chưa được bao lâu, Bàng Quyên tới một thị trấn nhỏ, nhìn thấy ở ngã tư có một đám người xúm đông xúm đỏ đang xem gì đó, cũng chen lên trước xem. Hoá ra có hai nha lại đang dán cáo thị, chân dung vẽ trên cáo thị rành rành là hắn, phía dưới còn ghi rõ quê quán, họ tên và tội trạng.
Bàng Quyên đọc kỹ tội trạng trên tờ cáo thị, cười khẩy một tiếng, kéo sụp vành mũ xuống rồi quay người bước đi.
***
Ngụy Huệ Hầu từ sau khi được công tử Ngang dâng tặng vương phục, ngày nào trước khi đi ngủ cũng mang ra thử, tham vọng xưng vương đã dâng cao hừng hực. Vào ngày đại triều mồng chín tháng năm, chính là ba hôm sau khi ngư dân và tiều phu kể lại chuyện nghe thấy phượng hót rồng ngâm, Huệ Hầu càng thấy trong người bứt rứt như lửa đốt. Chuông thượng triều đã ngân vang ba lượt, Ngụy Huệ Hầu vẫn mặc nguyên áo ngủ ngồi xếp bằng trong tẩm thất, trầm tư nhìn ra ngoài cửa, không hề có ý trở dậy.
Thái giám tư phục tay nâng triều phục, cúi đầu đợi sẵn bên cạnh, khẽ nhắc nhở: “Muôn tâu chúa thượng, chuông thượng triều đã ngân ba lần!”
Ngụy Huệ Hầu không thèm để ý, từ từ quay sang phía tỳ nhân, lẩm bẩm: “Hôm nay là đại triều ư?”
Tỳ nhân đáp: “Khởi bẩm chúa thượng, hôm ngay ngày mồng chín tháng năm, là đại triều, triều thần từ chức hạ đại phu trở lên đều đang đợi chúa thượng trong triều!”
Ngụy Huệ Hầu từ từ đứng dậy, đi tới đi lui vài bước, đột nhiên ngẩng đầu hỏi: “Sứ Tần Công Tôn Ưởng lên triều chưa?”
“Công Tôn Ưởng là ngoại thần, nếu không được chúa thượng triệu kiến, không thể lên triều!”
“Bảo ông ta lên triều ngay!”
“Lão nô lĩnh chỉ!” Tỳ nhân hiểu ý, cất giọng lanh lảnh truyền chỉ: “Chúa thượng có chỉ, truyền sứ Tần Công Tôn Ưởng lên triều nghe lệnh!”
Ngụy Huệ Hầu lại đợi thêm một lát, mới liếc nhìn thái giám tư phục. Thái giám vội vã đem triều phục lại, đang định thay cho Ngụy Huệ Hầu thì Ngụy Huệ Hầu trừng mắt quát: “Không phải bộ này!”
Thái giám tư phục ngạc nhiên, đứng ngẩn ra tại chỗ, tay nâng triều phục, mặt mũi ngơ ngác. Tỳ nhân thoáng ngẫm nghĩ một lát, rồi vội rảo bước tới tủ quần áo ở bên cạnh, lấy ra vương phục, vương miện và đai hia. Ngụy Huệ Hầu khẽ gật đầu, bước tới phía trước gương đồng.
Tỳ nhân đích thân mặc vương phục, đội vương miện, đi hia cho Huệ Hầu. Huệ Hầu đứng trước gương, ngắm nghía một hồi, gật gù hài lòng, lẩm bẩm như nói một mình, cũng lại như nói với tỳ nhân: “Quả nhân phục sức thế này thượng triều, liệu có khiến mọi người kinh hãi?”
Tỳ nhân lập tức phủ phục sát đất: “Lão nô khấu kiến bệ hạ!”
Thái giám tư phục và đám thái giám còn lại thấy vậy cũng đồng loạt quỳ xuống: “Khấu kiến bệ hạ!”
Ngụy Huệ Hầu ngắm nghía trước gương, tự tay chỉnh sửa vương miện, rồi nói với tỳ nhân: “Thượng triều!”
Trong sự hộ tống của đám thái giám, Ngụy Huệ Hầu mình mặc vương phục, bước tới cửa bên của đại điện, dừng lại ngoài cửa. Bá quan văn võ sớm đã đợi sẵn đứng đông nghịt trong triều.
Tỳ nhân bước lại bên ngai vàng, khẽ hắng giọng, rồi cất tiếng lanh lảnh: “Bệ hạ giá lâm!”
Vừa nghe thấy hai chữ “bệ hạ”, quần thần kinh hãi, ai nấy đều đứng ngây tại chỗ. Vẫn chưa hết ngỡ ngàng thì thấy Ngụy Huệ Hầu mình mặc vương phục, đầu đội vương miện, chân đi hia rồng từ sau điện bước ra, bước lên ngai vàng, từ từ ngồi xuống.
Toàn bộ triều đình im phăng phắc, không nghe thấy một hơi thở. Ngụy Huệ Hầu quét mắt khắp lượt quần thần, đặng hắng một tiếng, cất giọng sang sảng: “Chư vị ái khanh, từ thời Xuân Thu đến nay, Chu thất thất đức, lễ băng nhạc hoại, chư hầu không thể yên vị, bách tính không thể lạc nghiệp. Cho tới hôm nay, thiên hạ hỗn loạn, dân chúng khổ cực, bách tính chẳng khác nào chìm trong biển lửa. Nay có phượng hót ở Long Sơn, rồng ngâm ở Phùng Trạch, là điềm lành mà trời ban cho Đại Ngụy. Quả nhân quyết định thuận theo ý trời, chuẩn theo thỉnh cầu của Tần Công, từ hôm nay quay mặt về nam xưng vương, bên trong an định trăm dân, bên ngoài vỗ về bốn biển, tái tạo đời thịnh thượng cổ!”
Quần thần ngỡ ngàng như chưa hiểu, ai nấy vẫn đứng trân trân như khúc gỗ. Đám thái tử Thân, Chu Uy, Long Giả đưa mắt nhìn nhau, không biết phải làm gì.
Công Tôn Ưởng đứng cạnh Trần Chẩn, liếc mắt nhìn khắp quần thần một lượt, biết thời khắc hệ trọng đã tới, bèn bước lên một bước, dập đầu sát đất, hô lớn: “Sứ Tần Công Tôn Ưởng chúc mừng bệ hạ, chúc bệ hạ vạn thọ vô cương!”
Trần Chẩn, công tử Ngang thấy vậy, cũng đều bước lên một bước, dập đầu sát đất: “Vi thần (nhi thần) khấu kiến bệ hạ, chúc bệ hạ vạn thọ vô cương!”
Văn võ bá quan giờ mới định thần, cũng đều ngoan ngoãn dập đầu, đua nhau tung hô: “Vi thần khấu kiến bệ hạ!”
Ngụy Huệ Hầu khẽ gật gù, đưa ánh mắt lạnh lùng lần lượt quét qua mấy vị đại thần vẫn còn đứng nguyên tại chỗ. Thái tử Thân bước lên một bước, quỳ xuống. Hai người Chu Uy, Long Giả thấy vậy cũng quỳ xuống bái lạy, đồng thanh hô chúc mừng.
Ngụy Huệ Hầu phẩy khẽ hai tay: “Các khanh bình thân!”
Quần thần đồng thanh: “Tạ ơn bệ hạ!”
Quần thần đứng dậy, lần lượt trở về vị trí.
Ngụy Huệ Hầu lại nhìn khắp lượt quần thần: “Chư vị ái khanh, ai có tấu?”
Công Tôn Ưởng lại bước lên: “Vi thần Công Tôn Ưởng có tấu!”
“Ái khanh cứ nói!”
Công Tôn Ưởng dõng dạc nói: “Bệ hạ thương xót thiên hạ khổ nạn, quay mặt về nam xưng tôn, dốc sức xoay ngược làn sóng dữ, quả là may mắn cho muôn dân thiên hạ. Theo thiển nghĩ của vi thần, bệ hạ nên truyền hịch các nước, hội minh chư hầu trong thiên hạ, lựa chọn nơi tốt ngày đẹp, tế trời bái đất, minh thệ đăng cơ, chiếu cáo thiên hạ, khiến khắp gầm trời đều hoan hỷ. Bệ hạ cũng nên căn cứ vào vương chế các đời, mở rộng cung thành, tu sửa điển chương, quảng bá nhân đức, ban ân trạch cho muôn dân!”
Ngụy Huệ Hầu gật đầu lia lịa, quay sang Trần Chẩn: “Trần ái khanh!”
Trần Chẩn bước lên đáp: “Có vi thần!”
“Việc Công Tôn ái khanh vừa tấu là việc cấp bách trước mắt. Quả nhân phong khanh làm thượng khanh, tạm giữ chức đại tông bá, lo liệu các sự vụ nghi lễ điển chương.”
Trần Chẩn khấu đầu đáp: “Vi thân lĩnh chỉ! Đa tạ long ân của bệ hạ!”
Công Tôn Ưởng cũng tiến lên một bước dập đầu nói: “Vi thần còn có một thỉnh cầu.”
“Nói đi!”
“Tần Công có người con gái là Tử Vân công chúa, đã tới tuổi cập kê, rất mực ngưỡng mộ uy danh của thượng tướng quân. Tần Công mong ước được kết thông gia cùng bệ hạ, muốn nhờ Công Tôn Ưởng mai mối, vi thần khấu đầu mong bệ hạ ân chuẩn!”
Ngụy Huệ Hầu cười vang mà nói: “Tốt, tốt, tốt! Quả nhân chấp thuận thỉnh cầu của Tần Công! Năm xưa Tần Tấn kết thông gia, ngày nay Ngụy Tần kết thông gia, quả là giai thoại thiên cổ!”
“Công Tôn Ưởng khấu tạ long ân của bệ hạ!”
“Ái khanh miễn lễ!”
Công Tôn Ưởng cảm tạ xong, liền trở về chỗ.