Chương 3
Chiều thứ Bảy, Sương nghỉ dạy.- Thưa cô, cô đi với con bây giờ. Bác Du đã đem xe tới rồi.
Nàng mỉm cười:
- Ba cháu nhớ kỹ quá.
- Cô đã xếp đặt đồ vào va li chưa? Để con mượn bác Du mang ra xe nghen cô.
Oanh nói xong chạy ra cửa. Sương nhìn theo nó, trong lòng thấy nao nao.
Cho đến bây giờ nàng cũng không ngờ là mình đã quyết định dời sang nhà ấy. Nàng còn nhớ rõ nét mặt ngạc nhiên của Ngọc và nhiều bạn đồng nghiệp khác khi nghe nàng nói sẽ dời ở bên nhà của Oanh. Với thái độ như thế, nàng biết không ai tán thành ý định của nàng mặc dầu họ không nói chi cả. Nàng biết rằng tất cả đồng nghiệp đều cho nàng là vớ vẩn hay mất bình thường. Họ không hiểu tại sao nàng lại dấn thân vào một gia đình rắc rối. Họ nghĩ thế cũng phải, vì chính nàng, nàng cũng không ngờ tại sao mình đồng ý nữa. Nàng nhớ khi quyết định, lý trí như luôn nhắc nhở nàng không nên đồng ý với Trần nhưng không hiểu có một sức mạnh vô hình nào lôi kéo làm nàng phải tuân theo.
Nàng khẽ rùng mình khi nghĩ có lẽ Trần, con gái nhỏ của chàng, ngôi nhà đổ nát đó có một ma lực nào quyến rũ làm người bị không thể nào chống đối lại được. Nàng nhớ lại một quyển truyện trinh thám nào thật rùng rợn đã viết một chuyện trong một lâu đài hoang phế, có gã đàn ông mù và một cô giáo... một người đàn bà loạn trí... Bây giờ hoàn cảnh của nàng đã gần giống như thế rồi, chỉ còn thiếu người đàn bà loạn trí thôi. Biết đâu lại chẳng có người đàn bà đó trong tòa nhà đổ vụn?
Oanh chạy trở ra, thở hào hển, má nó đỏ hồng lấm tấm mồ hôi, đôi mắt long lanh... Phía sau lưng Oanh là người đàn ông trạc 40, người dong dỏng cao, gầy gầy, ăn mặc rất đứng đắn.
Nhìn người đàn ông này, Sương bỗng nhiên thấy sợ đôi mắt ông thật sắc bén. Ông ta lễ phép:
- Thưa cô, tôi là tài xế của ông Trần. Ông ấy bảo tôi đến đón cô.
- Dạ cám ơn ông.
Sương đưa tay đeo cặp kính trắng lên mặt cho có vẻ chững chạc hơn, nàng chỉ vào trong:
- Va li tôi đã sắp xong rồi, bên trong đây.
Bác tài khệ nệ ôm chiếc rương đi trước, Sương qua từ giã dì Hai rồi ra xe luôn.
Sương ngồi kế Oanh nhìn những luống cải như chạy ngược ra về phía sau. Sương bỗng thấy bâng khuâng khi nhìn vườn tược cây cối hai bên đường, nàng không biết tại sao như vậy.
Con đường thật ngắn, xe chỉ chạy vài phút thì tới ngay. Nghe tiếng xe ngừng, chị Châu chạy ra mở cửa, chiếc xe chạy từ từ qua vườn hoa rồi dừng lại bên thềm nhà. Oanh nhanh nhẩu mở cửa:
- Cô đi với con vào phòng của cô nghen, cô coi vừa ý không? Còn va li để bác tài mang vô sau.
Vừa nói nó vừa nắm tay Sương đi thẳng vào phòng khách, miệng cười cười sung sướиɠ. Phòng khách vắng hoe, Sương theo Oanh đi lên gác.
Oanh bỗng nhiên đứng sựng lại, những nét vui tươi sung sướиɠ trên mặt nó biến đi thật nhanh chóng. Sương ngạc nhiên nhìn theo hướng mắt nó và đôi mắt nàng chạm phải một ánh mắt của người đàn bà khác.
Người ấy thật không giống với hình ảnh người mẹ ghẻ mà Sương đã nghĩ trong lòng. Khuôn mặt trái xoan dễ thương, đôi mắt trong sáng với hàng lông mi cong vυ't, đôi môi đỏ mọng. Gương mặt đó cái gì cũng dễ mến, nhưng thái độ thì lạnh lùng đến độ khắt khe. Vóc người tầm thước, ăn mặc lại rất đúng dáng vóc và thời trang trông bà ta chưa đầy 30 tuổi.
Sương hơi tiếc cho Trần, làm sao chàng ta thấy được những nét đẹp của vợ mình. Nàng chắc bà ta cũng không hiểu được tí gì với nàng qua cặp kính trắng nàng mang, bộ đồ quá đứng đắn của nàng đang mặc. Trông nàng cũng khắt khe đúng như một nhà mô phạm.
- Dạ chào cô... Hân hạnh được gặp cô.
Thấy bà ta có vẻ lạnh nhạt, Sương cũng đáp hững hờ:
- Dạ, không dám. Chào bà.
Bà ta mỉm cười khó hiểu:
- Oanh sẽ dẫn cô đến phòng dành riêng cho cô.
Bà ta tiếp với giọng thật khách sáo:
- Rất tiếc tại tôi bận nên không thể đón cô. Xin cô cứ coi như đây là nhà cô và Oanh như con cháu cô vậy.
Sương mỉm cười:
- Dạ cám ơn bà, cháu Oanh ngoan lắm.
Nàng nhận thấy trong đôi mắt to, đen láy của người đàn bà trước mặt thật đẹp nhưng cũng chứa một cái gì thật sâu sắc.
Sương tiếp:
- Tôi đã tìm hiểu Oanh. Nó rất ngoan ngoãn và biết vâng lời.
Bà ta hững hờ:
- Thế à.
Bà liếc nhìn Oanh. Sương nhận thấy tay con bé run lên khe khẽ trong tay mình. Nàng nắm chặt tay Oanh vào như ngầm bảo nó đừng sợ chi cả, đã có nàng. Trong phút giây đó, Oanh và Sương cảm thấy thương mến nhau nhiều hơn, sợi dây vô hình nào đó như đã có giữa hai người.
Bà Trần thong thả bước xuống thang, dáng đi thật khoan thai uyển chuyển. Nhìn dáng đi của bà, Sương cũng biết được bà đã quen sống trong cảnh quý phái phong lưu.
Từ phía dưới, bác tài mang chiếc rương lên, bà ta nhìn bác:
- Xong rồi bác ra xe chờ tôi nghen, tôi đi liền đây.
- Dạ.
Bác tài mang chiếc rương vào phòng Sương trong khi tiếng bà Trần lại lanh lảnh dưới nhà bếp:
- Chị Châu, đừng chờ cơm tôi nghen, trưa tôi không về.
Bước vào phòng Sương, Oanh tươi vui, liếng thoắng trở lại. Nó đưa tay chỉ cho nàng thấy nào là phòng riêng của ba nó, phòng mẹ nó và phòng Sương.
Nàng thấy từng lầu trên cũng trang trí rất khéo, chính giữa là một phòng khách nhỏ, chỉ có bộ sa lon, chậu hoa tươi trên bàn nhỏ, xung quanh là 4 căn phòng, bên ngoài là bao lơn dài.
Phòng của vợ chồng Trần kế sát nhau, kế đó là phòng Oanh và Sương.
Sương hỏi:
- Ba má không ở chung phòng à?
- Dạ, từ trước tới nay vẫn như thế. Căn phòng của cô khi trước dành cho khách.
- Gia đình cháu thường có khác à?
- Dạ ít khi có lắm. Lâu lâu chú Cao mới đến một lần, có khi cả năm mới tới.
Sương ngơ ngác:
- Chú Cao?
- Dạ, bạn của ba cháu đó. Chú ấy trồng trà trên Đà Lạt nên rất ít khi về đây.
Rồi nó chỉ quanh hỏi nàng:
- Cô thích phòng này không?
Nãy giờ Sương đứng ngoài cửa phòng mà không để ý đến bên trong, khi nhìn vào nàng ngạc nhiên hết sức. Không ngờ phòng mình lại đẹp đến như thế.
Trong phòng, đồ vật gì cũng xinh cả, dưới chân được trải đệm êm tất cả, hai cái cửa sổ gần giường ngủ của nàng. Một bàn phấn nhỏ và một cái bàn viết thật đẹp và đầy đủ. Tất cả màu xanh trừ khăn trải giường màu hồng mang đến cho ta cảm giác âm ấm làm cho vẻ lạnh lẽo của màu xanh xung quanh thành tươi mát đi.
Sương ngạc nhiên hơn hết là chiếc tủ gần giường, bên trên có chiếc đèn nho nhỏ bao lụa trắng đυ.c, cạnh đấy là chậu hoa, mà lại hoa hồng màu vàng.
Oanh lắc tay nàng:
- Cô thích không cô?
- Thích lắc Oanh à.
Sương tự nhiên thấy vui tươi, nàng nhìn ra cánh cửa thông với hành lang, trên thàng hành lang là những chậu cúc đang nở rộ như khoe mình dưới dương quang, bên dưới là vườn lài, với những đóa hoa trắng chen giữa lá xanh.
Oanh hỏi nữa:
- Cô thích thật không cô?
- Thật mà, cô thích lắm.
Rồi nàng ôm Oanh vào lòng:
- Oanh, trước kia phòng này trang trí như thế nào?
Oanh cười:
- Dạ, chỉ có tấm thảm dưới đất là cũ, còn tất cả đều là mới hết. Ba con chỉ dẫn cho các nhà trang trí, bắt họ phải làm như thế.
- Còn bức tượng?
Sương đưa tay chỉ một bức tượng điêu khắc trên một cái giá sát tường.
- Dạ, bức tượng ấy có lâu rồi. Trước khi ba cháu để trong phòng riêng, nhưng vì không nhìn thấy gì cả nên bảo mang qua đây.
Sương nhìn lại bình hoa trên đầu giường, rõ ràng là nhánh hoa hồng đó phải mua, vì ngoài vườn không có hoa hồng mà.
Sương bước lại ngồi bên cạnh giường, lòng hồi hộp lạ. Mùi hoa hồng thoang thoảng bay khắp phòng. Ánh nắng mùa thu chiếu ngang khung cửa sổ, hơi ấm tràn ngập khắp gian phòng.
Có giọng đàn ông trầm ấm:
- Cô hài lòng chứ cô Sương?
Sương giựt mình ngẩng lên nhìn, Trần đang đứng ngay khung cửa. Nàng không biết chàng đã đến hồi nào, có lẽ chàng đã nghe câu chuyện giữa Oanh với nàng rồi.
Sương đứng dậy, mặc dầu Trần không thấy gì nhưng nàng vẫn giữ lễ độ:
- Dạ, ông sắp đặt gian phòng thật đẹp.
- Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng tôi không biết họ có chọn màu sắc đúng theo lời tôi không?
- Dạ, màu sắc hợp lắm.
Nàng không ngờ chàng lại chọn màu hay đến thế.
- Tôi thật ngạc nhiên, ông chọn màu hay quá.
Trần gật đầu:
- Cám ơn cô, khi trước tôi cũng có biết chút ít trang trí, màu sắc.
- À...
Sương lại nhìn quanh gian phòng một lượt:
- Tôi thiết tưởng ông không nên quá lo như thế, ông làm tôi ngại thêm thôi.
Trần cười:
- Cô định viết văn, tôi nghĩ là mình phải tạo hoàn cảnh thích hợp cho cô để sáng tác chứ.
- Ông bảo tôi sắp viết văn à?
- Phải, cô đang thâu nhập tài liệu đó chứ gì?
Chàng cười tiếp:
- Cô cứ ở đây rồi cô sẽ có đề tài viết một truyện tiểu thuyết, có lẽ là một đề tài lạ.
Sương lắc đầu:
- Dạ...
- Đừng cãi nữa, tôi hiểu cô mà.
Sương lặng thinh, nàng nghĩ Trần là một con người tàn tật mà lại độc đoán.
- Ông ta bảo là hiểu mình, nhưng sự thật đã hiểu chưa.
Sương hơi ngướng mày, nàng không muốn cãi lẫy nữa. Nàng trở vào phòng, mở chiếc rương, chuẩn bị mang vật dụng ra sắp xếp cho có thứ tự.
Trần như chú ý lắng nghe:
- Oanh, con nên về để cô nghỉ ngơi.
- Dạ, ba cho phép con ở lại lo dọn với cô.
Sương cũng quay về phía Trần:
- Ông cho phép cháu ở lại giúp đỡ tôi một lát nghen. Có Oanh nói chuyện cũng vui.
Trần vừa chào Sương vừa nói:
- Vậy thì Oanh cứ ở với cô. Thôi, tôi về.
Rồi chàng lững thững bước ra khỏi phòng.
Sương mở cửa tủ áo, bên trong đã có sẵn những móc áo mới, nàng đưa cho Oanh, nó cẩn thận móc vô từng chiếc áo dài rồi đưa lại cho nàng máng lên.
Oanh vui vẻ:
- Cô có nhiều áo dài màu đẹp quá, màu hồng, màu xanh lục nè, màu vàng. Sao cô ít mặc quá con chỉ thấy cô mặc màu trắng, đen hay xanh đậm thôi.
Sương mỉm cười:
- Để làm cô giáo của Oanh.
- Nếu cô uốn tóc cao, bỏ kính xuống và mặc áo màu tươi thì chắc cô sẽ đẹp hơn nữa.
Oanh lại cầm một chiếc áo may bằng một loại hàng thật dắt tiền theo lối dạ hội ngoại quốc lên ngắm nghía mãi.
Sương cười:
- Thôi đi cô ơi, cô đừng dạy tôi làm đẹp nữa.
- Nhưng trước kia, cô mặc những chiếc áo ấy đẹp lắm phải không cô?
- Phải.
- Nhưng tại sao bây giờ cô không mặc nữa?
- Tại chưa có dịp, loại áo này mặc để dự tiệc, dự dạ hội, Oanh biết không?
Sương mắc chiếc áo vào tủ rồi kéo Oanh lại gần mình:
- Cháu có thích áo đẹp không?
Oanh gật đầu:
- Dạ thích lắm, mẹ cháu cũng có nhiều áo đẹp lắm.
- Còn cháu, sao cô thấy cháu chỉ mặc đồng phục học sinh không, ở nhà cũng vậy nữa.
Oanh cúi đầu, chà chà một chân lên tấm thảm trải đất, có nói nho nhỏ:
- Dạ tại cháu phải đi học mỗi ngày nên mặc như thế cho tiện. Nếu cháu có quần áo đẹp cũng không có dịp để mặc.
- À...
Sương chợt hiểu ra, nàng ngẩng đầu lên rồi tiếp tục sắp xếp quần áo vào tủ cho có ngăn nắp.
- Oanh, cháu phụ với cô sắp đồ vào tủ cho xong đi, rồi cháu đưa cô qua phòng cháu cô xem cho biết nghen.
Oanh gật đầu ngay:
- Dạ.
Một chút sau, Sương xếp xong tất ca rồi theo Oanh đi sang phòng của nó.
Gian phòng cũng khá rộng, cũng có màn, giường, bàn viết, tủ áo... Đâu đấy đều ngăn nắp, sạnh sẽ không khác gì một gian phòng của người lớn ở.
Sương cứ ngỡ rằng phòng của Oanh chắc phải bừa bãi, đồ chơi vứt tứ tung, sách vở nằm la liệt. Nhưng không ngờ trước mắt Sương, phòng của Oanh lại quá sạch sẽ, thật là ngoài sức tưởng tượng của nàng.
Sương gật gù khen:
- Oanh giỏi lắm, búp bê của cháu đâu?
Oanh lúng túng:
- Dạ... Búp bê... Hả cô?
Sương vui vẻ:
- Ờ... Những con búp bê đẹp mà cháu đặt tên cho chúng đó, hồi trước cháu khoe với cô đó.
Oanh lúng túng nhìn Sương không trả lời được Sương không hiểu ra sao cả:
- Sao vậy Oanh?
Nó chỉ cúi đầu lặng thinh.
Sương chớp mắt:
- Có gì cháu cứ nói thật ra cho cô nghe đi.
Oanh ngẩng lên nhìn nàng với vẻ ngượng ngùng. Nó ấp úng:
- Cô... Chắc chuyện ấy cô cũng biết rồi...
- Chuyện gì?
Nàng cầm tay Oanh kéo vào lòng mình rồi vào ngồi bên cạnh giường. Sương âu yếm vuốt má nó:
- Nói cho cô nghe đi Oanh.
Oanh im lặng hồi lâu, một lúc sau nó bước lại đầu giường, lật gối ra như tìm kiếm vật gì rồi mang lại trao cho Sương một cách rụt rè.
Sương ngạc nhiên hết sức, khi thấy đó là con búp bên loại rẻ 25 đồng, ngoài tiệm chạp phô, thế mà đã sứt mất một cánh tay, quần áo may bằng loại vải rẻ tiền nhất. Sương cau mày:
- Cái gì đây Oanh?
- Dạ búp bê của cháu!
- Cháu không bỏ à, nó cũ quá rồi mà. Còn mấy búp bê lớn của cháu đâu, búp bê đẹp đó.
Oanh ấp úng một lúc rồi như cố gắng nói:
- Dạ cháu chỉ có một con búp bê này... Còn những búp bê thật đẹp khác là tại... Tại... Cháu mơ tưởng nên cháu nói với cô như thế. Búp bê này cháu lượm được ngoài đường...
Oanh cúi xuống, vuốt vuốt lại quần áo cho con búp bê của nó. Sương lặng yên vuốt tóc nó không nói được một lời. Oanh là con của một gia dình giàu có mà phải bị thiếu thốn như thế này à?
Một lúc sau, Sương mới bảo Oanh:
- Nhưng con búp bê này cũng đẹp rồi cháu à, để khi rảnh cô sẽ may cho nó một bộ đồ đầm mới.
Đôi mắt Oanh sáng hẳn lên:
- Thật thế hả cô?
- Được rồi, cô sẽ may cho.
Sương lắc đầu nhìn Oanh hí hửng đem cất con búp bê tàn tật đó vào chỗ cũ. Sương cầm tay nó:
- Chiều nay chúng ta đi chơi nghen. Rồi tối học.
Oanh thích chí:
- A... Sung sướиɠ quá.
- Cháu xin phép ba đi, rồi mình sẽ đi.
Oanh chạy nhanh ra ngoài, về phía phòng Trần.
o0o
Nửa giờ sau, nó và Sương đứng trước căn nhà tiêu điều hoang phế mang tên "Hoàng Mai Trang".
Nhìn những bức tường đổ, những cây cột xiêu vẹo, Oanh nói giọng thật buồn:
- Cô... Người ta nói là ở đây nè... Lâu lâu có má cháu hiện hồn về.
Sương rùng mình:
- Ai nói vậy?
- Dạ, trong xóm ai cũng nói vậy. Phần đông là họ thấy má con hết vậy mà con không được thấy.
Nó nhìn trân trân ngôi nhà:
- Con đâu sợ ma, con chỉ muốn được nhìn má con, dù là ma đi nữa.
Sương nghẹn ngào:
- Không có ma đâu, người ta đồn bậy đó.
Oanh lắc đầu:
- Có thật cô à, ba con và mọi người đều biết thế.
Sương nhìn trân trân Oanh:
- Nhưng có ai trong nhà thấy không?
- Dạ có, tuần trước dì Châu đi ngang đây thấy bóng người đàn bà phất phới trong này, dì ấy sợ quá chạy tuốt về nhà, lúc đó tối rồi. Theo con, đáng lẽ phải lại dẫn má về mới phải hả cô?
- Không đâu cháu, cái đó có lẽ dì Châu quáng mắt, chứ không có ma cỏ gì đâu.
Nàng không ngờ người lớn lại bày đặt những câu chuyện như thế để cho Oanh nghĩ những chuyện không đâu.
- Thôi, mình về Oanh.
Oanh nhìn nàng:
- Cô, đừng sợ cô.
- Cô không sợ đâu.
- Má con hiền lắm.
- Tại sao cháu biết?
- Ba con nói với con như vậy.
Sương đứng ngẩn người nhìn ngôi "Hoàng Mai Trang" với những cột kèo, từng ốc hoang tan đổ nát. Thế mà trước đây, nó từng lành lặn, sang trọng, với người nữ chủ nhân đẹp đẽ, hiền lành, cùng người chồng có đôi mắt sáng, sống trong hạnh phúc êm đềm. Thế mà bây giờ...
Nàng khẽ liếc nhìn Oanh, nó cũng đang đứng ngẩn ngơ nhìn ngôi nhà như nàng, có lẽ có đang liên tưởng tới người mẹ thân yêu của nó hiện đang vất vưởng phía bên kia thế giới.