Áng Mây Ngang Qua Bầu Trời

Chương 6: Tạm biệt

Triệu Khải đến nhà tôi vào ngày hôm sau. Tôi nói anh ấy rằng có thể để đến đầu tuần sau cũng được, nhưng anh ấy nhất quyết không chịu.

Chúng tôi ngồi đối diện với mẹ, không khí như kiểu đang ra mắt gia đình. Thật hài hước!

Tôi chưa bao giờ thấy Triệu Khải nói nhiều như thế. Anh ấy như dùng hết cả những kiến thức y học cốt lõi nhất để nói với mẹ tôi. Bà rất chú tâm lắng nghe, dường như cũng đang dần bị thuyết phục.

“Ra nước ngoài cần tiền.” Mẹ tôi nói.

Không để tôi lên tiếng, Triệu Khải lập tức nói.

“Dì không cần lo. Tiền con sẽ chi trả.”

Đây vốn không phải là thỏa thuận trước đó của chúng tôi. Tôi tròn xoe mắt, quay sang nhìn anh ấy. Mẹ tôi cũng vậy.

“Việc điều trị bệnh cho Tiểu Châu con sẽ nhờ đến chuyên gia con quen biết, sẽ không tốn kém nhiều. Việc duy nhất mà con muốn chính là dì có thể đi theo em ấy.”

Anh ấy thật sự rất có thiên phú trong việc thuyết phục người khác. Cuối buổi gặp mặt, mẹ tôi gửi cho Triệu Khải một ít cam rồi dặn tôi đưa anh ấy tới cổng tiểu khu.

“Sao anh lại nói như vậy với mẹ em.” Tôi vừa đi vừa hỏi.

“Nói gì?”

“Việc anh sẽ chi trả toàn bộ số tiền cho chuyến sang Mỹ đấy.”

“Đó là việc anh nên làm.”

Tôi thắc mắc ý trong câu nói của anh ấy là gì.

“Gia đình anh đã nợ em rất nhiều.”

“Nếu năm đó nhà bác không bỏ em thì thật tốt. Nếu vậy thì bây giờ anh đã có một cô em gái đáng yêu rồi.”

Nghe vậy sống mũi tôi có chút cay cay. Trước giờ tôi chưa từng oán trách họ, chuyện năm ấy chỉ là một sự cố.

Đến cổng tiểu khu, tôi vẫy tay tạm biệt anh. Trước khi đi anh ấy còn quay lại nói với tôi.

“Bác trai và bác gái vẫn luôn muốn gặp lại em.”

Tôi cười nhẹ, mang theo chút nắng.

“Em biết.”

Triệu Khải khuất dạng sau hàng cây. Tôi cũng muốn nói cho anh ấy biết là: tôi đã gặp họ, cách đây không lâu.

Chuyến bay đến Mỹ của mẹ tôi, Tiểu Châu và Triệu Khải sẽ cất cánh vào sáng ngày 3 của tháng 9. Tối hôm trước, tôi và mẹ có nói chuyện với nhau, rất lâu.

Bà lấy một chiếc hộp thiết nhỏ đã rỉ sét, chỉ còn thấy được một ít màu đỏ. Chúng tôi ngồi ở khoảng trống của căn bếp, nói đôi lời.

“Con biết từ khi nào?” Bà hỏi.

“Từ khi mẹ biết chủ nhiệm năm 12 của con là cô Liêu.” Đây chắc được xem là một lý do chính đáng nhất nhỉ.

Thật ra, đến tận khi tôi lập nghiệp và có công việc ổn định rồi thì mới biết được sự thật.

Mẹ tôi mở chiếc hộp ra, từ dưới những lớp giấy dày lấy ra một bọc tiền được gói cẩn thận. Bà đếm kĩ từng tờ, tôi phát hiện hình như chúng đã rất cũ rồi.

“Đây là tất cả số tiền mẹ có, kể từ ngày con còn bé cho đến bây giờ. Tuy không nhiều nhưng chắc chắn con sẽ cần đến.”

Bà dúi sấp tiền vào tay tôi, chúng khô ráo và không hề ẩm mùi mồ hôi giống như những lần tôi xin trước đó. Bà đứng dậy, vỗ nhẹ vai tôi rồi lặng lẽ đi vào phòng.

Từ đầu đến cuối tôi không nói gì cả. Im lặng cảm nhận. Cổ họng tôi nghẹn lại từng câu không thốt ra được gì cả. Tối đó tôi ôm mặt khóc nghẹn ở cầu thang trước của nhà.

“Anh làm thủ tục xong rồi.” Triệu Khải đi về phía chúng tôi.

Tôi dặn dò Tiểu Châu phải nghe lời mẹ và anh họ, tốt nhất là không nên làm điều gì không tốt. Ở nơi đất khách quê người không lường được gì cả.

Con bé gật đầu, mắt ầng ậng. Tôi vuốt tóc nó như lời tạm biệt. Khi thông báo chuyến bay còn 15 phút nữa cất cánh, chúng tôi ôm nhau. Chặt lắm!

Tiễn họ lên máy bay, tôi liền về nhà dọn dẹp sơ lại. Giấy báo nhập học của Liễu Hạ là vào ngày mai, 4 tháng 9.

Căn nhà giờ trống trãi đến lạ. Tôi quét sàn, rửa bát rồi thu dọn đồ cho vào một cái vali. Hôm nay là ngày cuối cùng tôi còn ở đây.

“Cháu gửi lại chìa khóa.” Tôi đưa chìa khóa cho bảo vệ.

“Lên đại học, cố lên nhé cháu gái.” Bác bảo vệ chúc tôi rồi lại cúi xuống nựng chú chó nhỏ.

Tôi cảm ơn bác, bắt chuyến xe sớm nhất đến sân bay.

Từ cửa sổ máy bay, tôi nhìn thấy được nơi tôi sinh ra và lớn lên dần thu nhỏ lại. Tạm biệt, hẹn gặp lại.

Theo dòng kí ức của tôi thì bây giờ tôi đến Liễu Hạ sớm hơn một năm, xác xuất gặp Từ Ngôn giảm xuống còn 60%. Đầu tiên chính là liên hệ với bên cho thuê để đi xem nhà mới.

“Anh đang ở đâu ạ?” Tôi hỏi đầu dây bên kia.

“Để anh gửi định vị cho em.”

Tôi bắt taxi ở sân bay.

“Phiền bác chạy theo định vị này giúp cháu ạ.” Tôi đưa điện thoại cho bác ấy.

Chốn đô thị phồn hoa Hải Ninh đúng là danh xưng như thật. Tòa nhà cao ốc sang sát nhau, cao đến tận trời. Những ngã đường, khu phố đầy các hàng quán và cửa hàng đồ hiệu. tôi choáng ngợp với bầu không khí ở đây.

Chính là bầu không khí của sự giàu sang và phú quý.

Xe đậu tại một con hẻm nhỏ, tôi trả tiền theo quãng đường đi được. Lúc xe rời đi, phía bên kia đường có người đang vẫy tay với tôi.

“Anh đến lâu chưa?” Tôi hỏi người trước mặt.

“Vừa đến thôi. Nào đưa đây anh xách cho.” Lục Thực Anh cầm lấy vali của tôi đi vào hẻm.

“Nhà ở đâu ạ?”

“Cách đầu hẻm khoảng 100 mét. Sắp tới rồi.” Anh ấy kéo vali chạy về phía trước.

Lục Thực Anh dừng lại ở trước một cánh cổng sắt màu xanh. Anh vội trút chìa khoá, mở cửa.

“Nội thấy bố trí ở bên trong rất phù hợp với yêu cầu của em đấy.”

Quả đúng như vậy. Cách bày trí đồ khiến tôi có chút vui vẻ với tone chủ đạo là màu kem.

“Đây là chìa khoá.” Anh ấy đưa chìa khoá cho tôi rồi nói tiếp.

“Có việc gì thì gọi anh, anh sẽ giúp. Em của Triệu Khải cũng giống như em của anh thôi.”

Tôi cảm ơn anh ấy rồi loay hoay với vali. Thật ra cũng không cần soạn gì nhiều cả, căn nhà này chỉ là để phòng cho trường hợp tôi không về kịp giờ giới nghiêm của kí túc xá thôi.

Chiều nay tôi sẽ đi nhận phòng.

Theo dòng kí ức thì năm tôi đi nhận phòng kí túc xá có va phải một cô gái, mà cô gái đó sau này lại chính là đối tác làm ăn quan trọng.

Không biết là liệu tôi nhập học sớm hơn thì có gặp cô gái đó không nhỉ?