Lê Văn có vẻ xúc động.
- Tôi nghĩ là Phượng nói đúng. Nhưng mà... Chuyện như vậy là kết thúc thật rồi sao?
- Làm sao được? Trúc Phượng quay sang nhìn Lê Văn - Anh biết không? Anh Bội Quân đã đưa ra điều kiện, bắt ông ấy chọn một, hoặc là tôi hoặc là anh ấy. Đương nhiên là ông Huấn làm sao dứt được tình cha con được.
- Và thế là ông Huấn đã chọn con?
- Không phải là ông ấy, mà chính tôi quyết định - Trúc Phượng nói - Tôi nghĩ vì tình yêu phải hy sinh thôi.
Lê Văn ngẫm nghĩ.
- Nhưng mà Bội Quân đã có Hiếu Trinh rồi?
Trúc Phượng hỏi lại:
- Nhưng Bội Quân có yêu Hiếu Trinh không chứ?
Lê Văn lắc đầu:
- Hèn gì thấy thái độ của Bội Quân với Hiếu Trinh nó thế nào đấy, thì ra vì... Tôi đã sớm nhận ra điều này mà Bội Hoàng lại cãi tôi.
- Ai yêu ai thì cũng vậy. Phượng nói - Nhưng bây giờ tôi không muốn dính dấp bất cứ điều gì đến nhà họ Lê nữa.
- Nghĩa là cô sẽ không tham dự cả tiệc cưới giữa tôi với Bội Hoàng?
Phượng ngần ngừ một chút nói:
- Tôi nghĩ, nếu hai người có nhã ý mời, thì tôi cũng tham dự chứ.
- Đương nhiên là có mời. Lê Văn nói, nỗi buồn phiền nào đã vơi đi - Nhưng chắc chắc là Phượng phải đi nhé.
Trúc Phượng gật đầu, rồi đứng lại:
- Thôi nhé, tôi quay về. Riêng về chuyện giữa anh với Bội Hoàng, tôi nghĩ thì anh nên hiể cho cô ấy mà tha thứ. Như vậy mới gọi là tình yêu. Và từ đây anh cũng nên hạn chế đến đây, để cô ấy bớt nghi ngờ.
- Không lẽ tôi không được quyền có bạn?
- Chuyện đó tôi không biết, nhưng tôi biết, chính vì yêu anh nên Hoàng mới hay ghen như vậy.
- Phải chi đổi được tính của Phượng cho Hoàng thì hay biết mấy.
- Anh nói điên! Phượng đáp - Thôi tôi về, mẹ đang chờ cơm tôi ở nhà.
- Vậy thì cảm ơn Phượng. Nói chuyện với Phượng, bao nhiêu phiền toái như vơi hẳn.
Phượng lắc đầu:
- Đừng cảm ơn. Tự anh, anh tạo ra phiền toái cho mình. Bây giờ hãy cố mà về với Bội Hoàng đi.
- Vâng. tôi sẽ cố gắng làm theo lời Phượng để có lại tình yêu.
Rồi Lê Văn bước nhanh. Phượng nhìn theo mà ngỡ ngàng. Thật lâu mới phục hồi lại sự bình thản. Phượng chợt nhớ đến câu "Tình yêu là sự nhẫn nại lâu dài" Vậy ư? Và Phượng lầm lũi quay về nhà.
Nhưng có ai đó đã đứng chận phía trước. Phượng ngước mắt nhìn lên Trái tim chợt co thắt. Chí Huấn! mới qua có một đêm mà Huấn như già đi hơn mười tuổi, đôi mắt thụt sâu, mặt bơ phờ.
Huấn đưa quyển sách cho Phượng nói:
- Quyển sách này Phượng bỏ quên đằng ấy khá lâu. Hôm nay tôi mang đến cho Phượng.
- Cảm ơn anh!
Phượng đỡ lấy quyển sách, có cái gì nghèn nghẹn ở cổ.
- Ban nãy anh trông thấy Lê Văn vào nhà em, rồi hai người đi ra ngoài, nên anh tránh mặt.
- Nhưng anh đến đây còn chuyện gì khác không?
- Chẳng qua anh muốn đến đây xem em thế nào.
Ông Huấn ngập ngừng nói, như cả hai mãi mãi không còn gặp nhau nữa.
Phượng hỏi:
- Thế xe anh để đâu rồi?
- Anh đi bộ, Ông Huấn nói, mắt ông ta đỏ ngầu - Anh đã đến đây từ sáng sớm.
- Vậy à. Trúc Phượng thấy đau lòng - Anh đã ở đây mấy tiếng đồng hồ liền? Sao lại phải khổ như vậy?
Ông Huấn thở dài:
- Anh bức rức quá. Trúc Phượng, hẳn em không trách anh chứ?
Phượng lắc đầu. Trách gì? Tình yêu mà?
- Em không trách ai cả, chẳng ai sai sót trong việc này.
- Trúc Phượng, em cũng nên tha thứ cho cả Bội Quân. Ông Huấn ngập ngừng một chút nói - Em phải hiểu cho nó. Vì nó đã... yêu em Tất cả tội lỗi này đều do anh cả.
Trúc Phượng yên lặng:
- Nếu anh mà còn trẻ, hoặc gặp em sớm hơn thì...
Ông Huấn bứt rứt, nhưng rồi lại tiếp:
- Thôi, không nói chi những chuyện đó nữa. Trúc Phượng, em hãy hứa với anh là... hãy quên anh đi và trở về với những tháng ngày hồn nhiên cũ.
- Làm sao làm được điều đó? Nước mắt chợt nhiên chảy ràn rụa. Những ngày vui cũ à? Những tháng ngày hồn nhiên học trò. Khi tình yêu đến, nó đã lùi vào dĩ vãng xa xăm.
Nhưng Phượng vẫn cố trấn tĩnh. Phượng nói:
- Vâng, em sẽ cố gắng làm được điều đó.
- Anh cũng mong là từ đây về sau chúng ta vẫn còn được giữ cái tình bạn, nếu có thể được.
- Vâng, ta mãi mãi là bạn nhau mà.
Phượng lẩm bẩm. Ông Huấn tiếp:
- Từ đây về sau nếu có cần chuyện gì, có gặp rắc rối, em cứ tự nhiên đến tìm anh.
Rồi ông Huấn quay người bỏ đi. Ông bước như lẩn trốn không quay đầu lại. Phượng nhìn theo mãi cho đến lúc bóng ông Huấn mất hút ngoài đầu hẻm, rồi mới chậm rãi bước về nhà. Mọi thứ mất hẳn ý nghĩa với cuộc đời Phượng.
Vào đến nhà, Phượng thấy mẹ đứng bên khung cửa sổ nhìn ra, hai tô mì trên bàn đã nguội lạnh.
- Trúc Phượng, con ăn tiếp phần con đi chứ. Bà Thục Trinh nói, và nhìn Phượng với ánh mắt tò mò - Cái người đàn ông ban nãy là ai vậy?
Trúc Phượng nghĩ mẹ hẳn chưa nhìn thấy ông Huấn nên nói:
- Thì anh Lê Văn đấy.
Nhưng bà Thục Trinh lắc đầu:
- Mẹ muốn nói cái ông đã đưa quyển sách cho con đấy.
Phượng thở ra, không giấu giếm.
- À, ông Lê Chí Huấn đấy.
- Nhưng mà ban nãy con đã nói là cắt đứt mọi liên hệ với ông ta rồi cơ mà.
Trúc Phượng quay lại nhìn mẹ:
- Hình như mẹ không ưa ông ta?
Bà Thục Trinh đi lại phía bàn ăn, chỉ nói.
- Mẹ thấy thì ông ta không còn trẻ lắm. À mà ông ta là gì của Bội Hoàng vậy?
Trúc Phượng do dự một chút, đáp:
- Dạ là cha!
- Cha à? cha của Bội Hoàng - Bà Thục Trinh kêu lên - Trời ơi! Trúc Phượng, con có điên không?
Trúc Phượng cười buồn. Vâng có lẽ ta đã điên mất.
Suốt những ngày nghỉ tết, cuộc sống của Trúc Phượng rất bình thản, Nàng gần như chỉ ở trong nhà đọc sách, dạy Xuân Kỳ môn Anh Văn, rảnh hơn thì phụ mẹ làm bếp, Phượng như ngăn cách hẳn với cái ồn ào ngoài phố.
Bà Thục Trinh không hề đem chuyện của Phượng với ông Huấn ra kể lại cho chồng nghe. Người mẹ nào lại không là cánh chim dang rộng cánh che chở. Mọi thứ, mọi nỗi khổ đau của con bà sẵn sàng chia sẻ... và âm thầm theo dõi từng biểu lộ tình cảm của con mình. Thấy Trúc Phượng không ra ngoài, ông Huấn cũng không còn đến tìm, bà thấy yên tâm. Như vậy thì Trúc Phượng nó đã nói thật. Mọi thứ đã được dứt khoát! vậy thì càng tốt.
Trước hôm đi học lại hai ngày, khi bà Thục Trinh đi chợ về bà thấy trong thùng thơ có một tấm thiệp cưới. Bà mang vào cho Phượng.
- Thiệp cưới của Lê Văn với Bội Hoàng phải không?
Bà Trinh hỏi, Phượng đáp:
- Vâng, lễ cưới cử hành chiều nay mẹ ạ!
- Vậy à? Bà Trinh đặt giỏ đi chợ xuống, nhìn con gái thăm dò - Thế con có định đi dự không?
Phượng đáp:
- Dĩ nhiên, người ta mời là phải dự. Không dự người ta sẽ cho mình là trẻ con.
- Nhưng mà...
Bà Thục Trinh định nói gì đó lại thôi.
Trúc Phượng hiểu ý cười:
- Mẹ muốn nói chuyện ông Chí Huấn phải không? Mẹ đừng lo, chúng con cũng chưa tiến xa quá, chỉ là bạn.
- Đồng ý, nhưng chuyện đó chỉ có con và ông Huấn biết. Còn anh em Bội Hoàng, Bội Quân thì sao?
Trúc Phượng vẫn cười:
- Hôm nay là ngày cưới của Bội Hoàng cô ấy sẽ không để tâm đến chuyện nhỏ nhặt đó trong ngày hôm nay đâu mẹ...
Rồi Phượng cầm thiệp đi về phòng riêng. Để tấm thiệp cưới màu đỏ lên bàn, Phượng ngẩn ra. Có nên đi dự không? Phượng tự hỏi, lời của mẹ rõ là một cảnh giác hữu lý. Tối nay thế nào ông Huấn cũng có tham dự. Sự chạm mặt đó sẽ đưa cục diện đến đâu? có cả Bội Quân và Bội Hoàng. Nhắm có giữ được bình thản tự nhiên hay là sẽ làm nên chuyện cười? Nhưng nếu không đi thì cũng không được. Người ta đã mời, có nghĩa là đã bỏ qua hết, Mình không dự chỉ để vạch lưng cho người ta thấy là mình trẻ con, thiếu phong độ, mặc cảm...