Vùng Nước Hắc Ám

Chương 20: Màu nước 1

Buổi chớm tối một ngày cuối hè, cây cầu bắc qua kênh Shibaura đu đưa trong gió. Cả hai bên dòng kênh, các tòa nhà mới cũ chen vai thích cánh theo những hàng lối lộn xộn, và những cơn gió mạnh lùa vào khoảng không giữa chúng. Từ giữa cầu nhìn về phía Nam, tòa nhà thứ ba cáu đen những thứ trông như những vệt bồ hóng ở phía sau và tường bên. Khó nói được những vệt đen đó là bụi bẩn tích tụ sau nhiều năm dài hay là một thiết kế nhân tạo nữa.

Đến tận mùa hè hai năm trước, từng có một vũ trường tên là Mephisto trên tầng ba, bốn và năm của tòa nhà. Mỗi tầng lại có một lối vào riêng, và tùy tâm trạng khách có thể tự chọn vào vũ trường theo lối nào. Tầng càng cao, nhạc, trang phục và thiết kế nội thất càng cực đoan. Vũ công ở tầng năm hầu hết là những phụ nữ gần như khỏa thân, trên mình chỉ có bộ đồ da đen ngắn cũn cỡn gợϊ ɖụ©. Không thể gia nhập nhóm cuồng khích đó, nên hầu hết đàn ông tự hài lòng với việc ở cạnh đó mà ngắm họ.

Hồi đó, trong khu này, bạn không cần phải đi quá xa trước khi bắt gặp những phụ nữ bó chịt mình trong kiểu thời trang hành xác gợϊ ɖụ© đó. Họ thường đi dạo phố trong những bộ đồ mặc khi nhảy. Khi phải bắt tàu điện, họ mới khoác thêm áo khoác hoặc áo choàng không tay để che phần da thịt bị lộ.

Những phụ nữ mặc các loại y phục mà về lượng vải không hơn gì đồ lót đã biến mất cùng cú vỡ toác của nền kinh tế bong bóng Nhật. Tất cả bọn họ biến đi đâu ư? Ít nhất cũng biết được tung tích của một người trong số đó. Tên cô ta là Noriko Kikuchi, cô đã trôi dạt trở lại khu vực này. Kinh nghiệm từ những ngày nhảy nhót điên cuồng tại vũ trường Mephisto đã dạy cô niềm vui khi tự bộc lộ bản thân. Bởi thế cô trở thành nữ diễn viên trong đoàn kịch nhỏ và dưới vỏ bọc đó cô trở lại tòa nhà từng một thời làm mưa làm gió.

Tokyo là nhà của vô số đoàn kịch nhỏ. Dù vẫn được ước tính là khoảng ba trăm nghìn, nhưng thực tế việc xác định con số chính xác gần như bất khả. Nhiều nhóm tập hợp rồi giải tán sau chỉ một vở diễn, kết quả là mỗi lần tính toán lại nổi lên một con số tổng cộng hoàn toàn khác.

Nhiều trong số những đoàn nhỏ này chỉ là một nhóm các cá nhân đồng chí hướng thỉnh thoảng tụ tập biễu diễn trước một lượng khán giả ít ỏi chưa tới ba trăm người mỗi vở diễn. Nhưng đôi khi cũng có nhóm được diễn ở những nơi danh giá như Nhà hát Kinokuniya và Nhà hát Honda. Mục tiêu tạm thời của những người tham gia các nhóm này là được diễn ở những nhà hát nổi tiếng như thế.

Đoàn kịch Norioko đang làm việc có vẻ cũng bám lấy việc đạt được mục tiêu ấy. Với cái tên Kairin Maru nghe như tên tàu đánh cá, đoàn đang trên đà phát triển, đã thu hút được tới một nghìn năm trăm khán giả đến xem vở diễn gần đây nhất. Họ tin rằng thu hút được hai nghìn khán giả trong buổi diễn tới sẽ là tấm vé đưa họ đến Nhà hát Kinokuniya. Tất cả các thành viên của đoàn đều gửi gắm mọi hi vọng cho Giám đốc điều hành Kanzo Kiyohara, người đàn ông có sinh lực của một siêu nhân. Nếu đoàn xoay xở làm lớn hơn thì sẽ có thể gây được chú ý với giới truyền thông đại chúng, khiến cơ hội mà các diễn viên hằng mong ngóng càng trở nên gần tầm với hơn. Tương lai của các thành viên đoàn kịch bởi thế nằm trong lòng bàn tay tài giỏi của Kiyohara.

Sân khấu mà Kiyohara chọn để diễn vở tiếp theo chính là tòa nhà nằm giữa kênh Shibaura và đường cao tốc Metropolitan Số 1 – tòa nhà đến tận năm kia vẫn là nơi tọa lạc của vũ trường Mephisto. Âm thanh, ánh sáng và các thiết bị khác đều bị bỏ lại, biến nó thành địa điểm không phải hoàn toàn không phù hợp cho một sân khấu. Sau khi vũ trường bị phá sản, người ta đã gây áp lực với chủ tòa nhà buộc ông thậm chí phải cho thuê cả cơ ngơi đó làm chỗ tổ chức các sự kiện cộng đồng địa phương.

Nó chưa từng là địa điểm tổ chức thứ gì như một vở kịch quy mô. Quyết định đưa lên sâu khấu vở kịch đặc biệt đó hẳn cũng có kha khá rủi ro; một số thành viên chủ chốt của đoàn đã bóng gió tỏ ý phản đối lựa chọn này. Nhưng nghi ngại của họ đã biến thành lòng nhiệt thành hăm hở khi nhìn thấy kịch bản. Họ đánh giá cao kết cấu đa tầng của vở diễn, cách cấu trúc tòa nhà được sử dụng làm bối cảnh để gây các hiệu ứng ấn tượng. Khi mọi người trong đoàn đã đồng thuận, dù khi khởi sự có khó khăn đến đâu thì đó vẫn là một thử thách xứng đáng được đón lấy.

Kiyohara luôn khẳng định mình khác biệt bằng những hướng đi mới lạ và độc đáo. Anh tin rằng bối cảnh cho một vở kịch nên được thay đổi theo tình trạng nhà hát, và các buổi diễn cũng vậy. Diễn xuất của bất cứ đoàn kịch nào cũng có khả năng trở nên đơn điệu sau chừng chục buổi diễn.

Điều khiến các suất diễn của Kairin Maru khác biệt là đoàn đã cố tránh được cạm bẫy này. Được như vậy chủ yếu là nhờ Kiyohara không ngừng theo đuổi sự mới mẻ. Nhưng nghiệp diễn luôn đầy may rủi, trước đêm diễn chẳng thể đoán mọi việc diễn ra như thế nào. Khi buổi diễn mở màn ngày một tới gần, Kiyohara và các thành viên đoàn vừa tràn đầy mong đợi vừa chan chứa lo âu. Nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, con đường tới nhà hát Kinokuniya sẽ thênh thang mời họ dạo bước. Ngược lại, nếu buổi diễn hỏng bét, mục tiêu chung của họ khả năng sẽ tiếp tục nằm đó trêu ngươi ngoài tầm tay khá lâu nữa.