Nghĩ đi nghĩ lại về chuyện uống nước mát, Yoshimi Matsubara nâng cốc thủy tinh lên phía bóng đèn huỳnh quanh trong bếp. Xoay xoay nó ngay trên tầm mắt, cô thấy những bọt nước li ti dập dềnh bên trong. Nhào lộn lên xuống cùng chúng, có lẽ thế, là vô số hạt bụi hẳn đã có sẵn trong nước hoặc sinh ra từ lớp cặn đáy cốc. Cô cân nhắc chuyện uống ngụm thứ hai, rồi nhăn mặt một cái, cô đổ cả cốc nước vào bồn rửa.
Đơn giản là nó có vị không quen. Đã ba tháng trôi qua kể từ ngày họ chuyển từ ngôi nhà thuê ở Musashino đến khu chung cư bảy tầng nằm trên khu đất trước đây là bãi chôn rác này, nhưng cô vẫn chưa quen vị nước máy ở đây. Cô đã phá lệ uống một ngụm, nhưng mùi kì lạ của nó, cái mùi thậm chí còn không hề giống mùi clo, xộc thẳng vào mũi và gần như luôn khiến cô chẳng thể nào uống hết cốc nước.
“Mẹ ơi? Mẹ con mình đốt pháo bông được không ạ?” Đó là tiếng Ikuko, đứa con gái gần sáu tuổi của cô, gọi với vào từ ghế sofa trong phòng khách. Con bé cầm trong tay một nắm pháo bông loại nhỏ mà đứa bạn ở trường mẫu giáo đã tốt bụng chia cho nó.
Hầu như bỏ ngoài tai lời xin xỏ của con gái, vẫn nắm chặt cái cốc rỗng trong tay, Yoshimi đang vẽ lại con đường mà dòng nước của họ đã phải trải qua từ sông Tone. Khi cô cố lần theo dấu vết cuộc hành trình đó trong đầu, băn khoăn không biết nó khác gì với dòng nước ở Musashino, hình ảnh một tảng bùn đặc quánh đen như nhựa đường chợt hiện ra. Cô không biết chính xác bãi đất này bị san lấp để xây dựng chung cư từ bao giờ, cũng không biết người ta đã uốn các đường ống nước từ đảo này sang đảo khác bằng cách nào. Nhưng cô biết rõ, nhờ một tấm bản đồ minh họa lịch sử vịnh Tokyo, rằng đến cuối những năm 1920 khu đất họ đang sống vẫn chưa hề tồn tại. Ý nghĩ rằng cái sàn không chắc chắn dưới chân mình có nền móng là rác rưởi của vài thế hệ khiến bàn tay cầm cốc của cô hơi lỏng ra.
“Mẹ!”
Đó là lúc chạng vạng một ngày Chủ nhật cuối tháng Tám. Bị bóng tối mỗi lúc một sâu thêm thúc giục, Ikuko nài nỉ mẹ. Khi Yoshimi quay mặt lại phía phòng khách, vòi nước vẫn chưa khóa.
“Không có chỗ để đặt pháo bông đâu con…”
Công viên bên dòng kênh trước tòa nhà của họ bị đóng cửa để sửa chữa xây dựng gì đó, và bởi quanh đó hoàn toàn chẳng có chỗ nào khác thích hợp, Yoshimi đinh nói “Không” với con gái. Nhưng rồi cô nhận ra họ chưa từng trèo lên nóc tòa chung cư này.
Hai mẹ con chạy ra cửa thang máy tầng bốn, mang theo một hộp diêm, một cây nến, và một túi nylon đựng pháo bông. Họ nhấn nút lên tầng rồi đứng chờ, buồng thanh máy đỗ xịch lại trong một tiếng cót két đau đớn.
Khi họ bước vào, Ikuko nói, bắt chước giọng một cô phục vụ thang máy: “Hoan nghênh, thưa quý khách. Quý khách muốn lên tầng mấy ạ?”
“Làm ơn cho lên tầng bảy,” Yoshimi chơi cùng con.
“Vâng, thưa quý khách.”
Hơi cúi đầu một chút, Ikuko quay người bấm nút lên tầng bảy, chỉ để phát hiện ra rằng nó không thể với tới. Yoshimi bật cười trước sự tuyệt vọng của cô con gái nhỏ: kiễng chân hết sức, với tay hết tầm, nút cao nhất mà con bé chạm tới được bằng ngón trỏ căng ra hết cỡ đó là nút tầng bốn. Đúng lúc đó, cửa thang máy bắt đầu tự động đóng lại.
“Tệ quá,” Yoshimi nói, và bấm nút lên tầng bảy.
“Hứ!” Ikuko hờn dỗi.
Cảm giác sần sần của nút bấm thang máy cứ bám chặt lấy Yoshimi, và một cách vô thức, cô lau ngón trỏ vào chiếc váy lanh. Lần nào dùng thang máy, bề mặt đen sì, phồng phồng của nút chọn tầng cũng khiến cô thấy u ám. Ai đó đã dụi đầu thuốc lá làm cháy sém các nút ghi số từ tầng một đến tầng bảy. Cho dù bảng hiệu CẤM HÚT THUỐC ngay kế bên chúng vẫn vô sự, không cái nào trong số dãy nút ban đầu là màu trắng ấy thoát khỏi những vết cháy sém. Mỗi khi băn khoăn không biết động cơ của những hành vi như vậy là gì, Yoshimi lại thấy lạnh gáy. Có lẽ điều này có gì đó liên quan đến nỗi giận dữ đang bị trấn áp nhằm vào cả xã hội – và ai dám chắc được rằng một ngày nào đó có trút lên con người hay không? Điều làm cô sợ hãi nhất là người đàn ông này (không hiểu sao cô lại quyết định người đó là đàn ông) cũng dùng chính cái thang máy trong khu chung cư họ đang sống. Là một người mẹ đơn thân luôn lo xa đến những điều tồi tệ nhất, cô không thể xua tan cảm giác âu lo của mình. Tuy vậy, cô đã chịu đựng đàn ông đủ rồi và không bao giờ còn muốn chung sống với một người nào nữa.
Suốt hai năm chung sống cùng chồng, cô chưa bao giờ có cảm giác được bảo vệ, dù chỉ một lần. Khi họ li thân bốn năm rưỡi về trước, rồi chính thức li dị một năm sau đó, thành thật mà nói thì cô thấy nhẹ cả người. Đơn giản chỉ là cô không thể thích nghi với việc chung sống cùng một người đàn ông. Có lẽ đó là truyền thống của nhà Matsubara. Cả bà ngoại và mẹ cô đều từng đi cùng một con đường ấy, và giờ, đến thế hệ thứ ba, nhà họ vẫn là một gia đình hai người chỉ có mẹ và con gái. Ikuko, con bé giờ đang nắm tay Yoshimi, có khả năng nhiều năm sau sẽ lấy chồng rồi làm mẹ, nhưng Yoshimi, bằng cách nào đó đã biết trước cuộc hôn nhân ấy sẽ chẳng lâu bền.
Khi thang máy dừng lại và cửa mở ra, vịnh Tokyo trải rộng trước mắt họ. Họ bước ra hành lang, thấy bốn căn hộ bên trái và bốn bên phải thang máy, nhưng không có cái nào trong số đó có dấu hiệu của người ở. Khu chung cư mười bốn tuổi này đang phải chịu đựng các hậu hiệu ứng của nền kinh tế bong bóng.
Vài năm trước, khi một dự án xây dựng tổ hợp nhà cao tầng trong khu vực này bất chợt từ trên trời rơi xuống, khu chung cư và các tòa nhà đa chức năng gần đó đã phải hứng chịu một đợt đầu cơ đất đai. Nhưng những người sống quanh đó chống lại việc di dời, và trong khi những nhà quản lí còn đang lúng túng thì bong bóng kinh tế nổ bụp, và dự án xây dựng cũng bốc hơi không dấu vết. Gần nửa trong số bốn mươi tám căn hộ trong tòa nhà đã được mua, nhưng không dễ gì bán lại; hai mươi trong số đó cuối cùng phải đem cho thuê với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Yoshimi đã nghe phong phanh tin này từ một người bạn kinh doanh bất động sản, cô luôn mơ ước có một ngôi nhà nhìn ra biển nên đã năm ngay lấy cơ hội, bỏ lại ngôi nhà thuê ở Musashino nơi cô từng sống rất lâu, rồi gieo mình vào một môi trường hoàn toàn khác tại khu đất mới cải tạo này. Đơn giản là cô khong thể tiếp tục ở lại căn nhà còn sặc mùi người chồng cũ, vả lại, giờ khi mẹ cô đã mất, khi Minato với nhiều dịch vụ chăm sóc trẻ em có vẻ thuận tiện hơn cho một bà mẹ đơn thân và cô con gái. Công ti xuất bản hiện Yoshimi đang làm việc lại ở gần Shimbashi, và tuyệt nhất là cô có thể tiết kiệm thời gian di chuyển đề dành cho con gái.
Tuy nhiên, khi chuyển đến, cô mới biết nhiều chủ nhà chỉ mua căn hộ như một khoản đầu tư. Họ chẳng bao giờ chuyển đến ở, và đến giờ hầu hết các căn hộ đã chuyển thành văn phòng. Hiển nhiên là đến đêm thì khu nhà gần như chẳng còn một ai. Có khoảng năm hay sáu người độc thân thuê nhà ở đây, cả tòa nhà chỉ có duy nhất một gia đình sống ở tầng bốn – phòng 405, căn hộ của Yoshimi. Quản lí tòa nhà từng kể với Yoshimi rằng trước đây cũng có một gia đình có cô con gái trạc tuổi Ikuko sống ở tầng hai, nhưng năm ngoái họ đã chuyển đi vì chuyện bi kịch nào đó. Từ đó trở đi, chẳng còn thấy đứa trẻ nào ở tòa nhà này nữa, đến tận khi Yoshimi và Ikuko chuyển đến ba tháng trước.
Yoshimi sục sạo khắp tầng bảy bỏ không để tìm một cầu thang dẫn lên sân thượng. Nó ở đó, ngay bên phải thang máy, sân thượng chắc chỉ ngay phía trên. Nắm tay con gái, Yoshimi trèo lên những bậc thang bê tông dốc đứng. Cạnh buồng động cơ thang máy sừng sững một cánh cửa sắt trông rất nặng nề. Nó không có vẻ gì là bị khóa, và khi Yoshimi thử xoay quả đấm cửa rồi đẩy một cái, cánh cửa liền mở ra, dễ dàng đến không ngờ.
Trên này không đủ rộng để được gọi là sân thượng. Đó là một nơi chật hẹp, diện tích không quá bốn mươi mét vuông, bao quanh là lan can cao ngang thắt lưng, bốn cột bê tông nhô lên từ bốn góc. Yoshimi sẽ phải để mắt đến con gái khi con bé ra chỗ rìa sân thượng – dường như chỉ trọng lượng của cái đầu thôi cũng đủ khiến bạn ngã lộn cổ nếu dám nhìn xuống dưới.
Trong buổi chiều nhập nhoạng dịu dàng lặng gió, trên cái cầu tàu nhô ra khoảng không này, Yoshimi và Ikuko cùng đốt pháp bông. Tia lửa đỏ lóe lên trong bóng tối đang trở nên thăm thẳm. Phía dưới bên phải, vùng nước tối thẫm của dòng kênh lấp lánh ánh đèn đường phản chiếu, đối diện là cây cầu sắp hoàn thành nối Shibaura và Daiba, cầu Cầu Vồng. Đỉnh cây cầu treo, viền bằng những ngọn đèn tín hiệu đỏ, nhấp nháy như pháo bông thật.
Từ trên cao, Yoshimi thu cảnh vật vào tầm mắt, còn Ikuko cầm trên tay pháo bông dây nhấp nháy, hét lên vì thích thú. Đúng vào lúc khi cả mớ pháo bông chuyển thành tro tàn, và hai người đang định quay xuống, thì họ phát hiện ra thứ đó, gần như cùng lúc với nhau. Trước đó họ đang tựa lưng vào tường tum, trong tum là lối cầu thanh bộ còn trên nóc là bể nước chung của cả tòa nhà; trong cái rãnh nhỏ chạy dưới bức tường ấy có cái gì đó trông như một chiếc túi xách tay. Trông nó không giống như bị ai đó đánh rơi mà cứ như được cố tình để đó. Nói cho cùng, ai có thể đến chỗ như thế này mà làm rơi túi cơ chứ?
Chính Ikuko nhặt lên. Con bé khẽ kêu lên ngạc nhiên rồi ngay lập tức nhảy bổ tới vồ lấy cái túi. “Là mèo Kitty,” nó nói.
Khó mà trông thấy gì trong bóng tối, nhưng trong luồng sáng đèn đường từ dưới hắt lên, họa tiết mèo Kitty hiện lên rất rõ trên cái túi vải vinyl rẻ tiền. Bề mặt vải ninyl đỏ chéo mềm nhãn và biến dạng ngay trên tay con bé.
“Đưa cho mẹ ngay,” Yoshimi gắt lên. Cô tiến đến chỗ Ikuko khi con bé đang cố mở phéc mơ tuya ra xem bên trong có gì, và lấy được cái túi khỏi tay con bé.
Hồi còn khỏe, mẹ Yoshimi thường dẫn Ikuko đi dạo trên những ngọn đồi quanh Musashino, và thường trở về với mấy thứ đồ bỏ đi. Cũng tự nhiên thôi khi những người phụ nữ thuộc thế hệ mẹ Yoshimij cho rằng người hiện đại vứt các thứ đi quá sớm. Chuyện là thế đấy. Điều khiến Yoshimi không thể chịu đựng nổi là ý nghĩ chính con gái cô cũng đang lục lọi trong đống rác, và cô rất hay cãi vã với mẹ về chuyện này. Khi nuôi dạy Ikuko, Yoshimi không hề mệt mỏi đóng đinh vào đầu con bé một nguyên tắc đơn giản về chuyện nhặt nhạnh các thứ. Bất kể là cái gì, không phải của mình thì con không được lấy. Mỗi lần Yoshimi nói ra điều này và nghiêm mặt nhìn con, cô sẽ nhăn mặt phản ứng: “Nào, đừng có cứng nhắc thế chứ…”
Lấy được cái túi ra khỏi tay con gái, Yoshimi không biết phải làm gì với nó nữa. Mặt vải truyền ra cảm giác lổn nhổn của những thứ bên trong. Yoshimi, gần như một kẻ ưa sạch sẽ đến lập dị, không cần mở cái túi ra đã quyết định rằng hành động tốt nhất là xuống báo với quản lí tòa nhà. Cô lập tức xuống văn phòng của ông ta dưới tầng một.
Quản lí toàn nhà, Kamiya, là một người góa vợ đã lâu, làm quản lí tòa nhà này và sống luôn tại đây đã mười năm nay, từ khi về hưu ở một công ti vận tải. Cho dù công việc này thu nhập không cao lắm, nhưng lại có chỗ ở miễn phí, rõ là một thỏa thuận lí tưởng cho một ông già sống một mình.
Ngay khi Yoshimi đưa cho ông cái túi, Kamiya liền mở nó ra và đổ hết mọi thức trong đó lên bàn làm việc. Một chiếc cốc nhựa đỏ chóe in hình mèo Kitty giống cái túi. Một con ếch nhựa chạy bằng dây cót có chân được thiết kế đạp được. Một con gấu nhỏ với phao tròn. Rõ là một bộ đồ chơi ba trong một dùng khi tắm.
Ikuko gào ầm lên và bắt đầu với lấy mấy món đồ chơi đó, nhưng nó rụt tay lại ngay khi mẹ lừ mắt nhìn.
“Thật là kì quặc hết sức,” viên quản lí trầm ngâm. Điều khiến ông băn khoăn không phải có người để quên một cái túi trên sân thượng, mà là chuyện tìm thấy một bộ đồ chơi hiển nhiên phải thuộc về một đứa nhóc trong tòa nhà này.
“Ông có thể dán thông báo và thử tìm chủ nhân của nó,” Yoshimi gợi ý. Có lẽ người chủ sẽ thấy và tới nhận lại túi.
“Nhưng đứa trẻ duy nhất ở trong tòa nhà này là né Ikuko – đúng không, Ikuko?” Ông già tìm kiếm sự đồng tình từ con bé. Nó vẫn đứng cạnh mẹ, không rời mắt khỏi cái túi Kitty và chiếc cốc đỏ. Nét mặt Ikuko thể hiện quá rõ là nó khao khát có cái túi đến thế nào. Con bé muốn có nó: cả cái túi lẫn đồ chơi. Bực mình trước ánh mắt thèm thuồng của con gái, Yoshimi túm lấy vai nó và bắt con bé đứng xa khỏi cái bàn.
“Ông đã nói là có một gia đình từng sống ở tầng hai…” Yoshimi ướm hỏi.
Kamiya bất ngờ ngước lên và nói: “À, phải.”
“Chẳng phải ông đã nói họ có một cô con gái tầm năm sáu, tuổi hay sao?”
“Đúng thế. Đúng. Nhưng đã hai năm rồi.”
“Hai năm? Tôi tưởng ông nói là năm ngoái họ mới chuyển đi.”
Viên quản lí khom người xuống và bắt đầu gãi mắt cá nhân sồn sột. “À, phải. Đến tận hè năm ngoái họ mới chuyển đi.”
Yoshimi nhớ là ba tháng trước hồi cô mới chuyển đến, viên quản lí đã bảo cô là gia đình sống ở tầng hai vừa chuyển đi năm ngoái vì có chuyện bất hạnh gì đó đã xảy ra trong nhà. Yoshimi đoán chính là họ, vì một lí do nào đó, đã để quên cái túi trên sân thượng.
Nhưng mà, cả cái túi lẫn mấy món đồ chơi nhựa không có vẻ gì là bị dãi nắng dầm mưa cả năm trời trên mái nhà. Cái túi Kitty – không một vết bụi hay cáu bẩn, vẫn mới tinh như thể vừa được rinh về từ cửa hàng – bác bỏ suy đoán rằng nó đã bị bỏ quên lâu đến thế.
“Thôi được rồi. Tôi sẽ thử bày nó lên bàn một thời gian xem có ai đến nhận không.”
Người quản lí đã tìm cách kết thúc cuộc nói chuyện như thế. Đằng nào thì nó cũng chỉ là một cái túi rẻ tiền, và chuyện họ có tìm được chủ nhân của nó hay không thì cũng chẳng khiến ông quan tâm lắm.
Tuy vậy, Yoshimi không rời khỏi chỗ đang đứng trước bàn. Thay vào đó, cô đưa tay nghịch mái tóc xoăn màu hạt dẻ của mình, lưỡng lự không biết có nên nói ra những gì đang nghĩ trong đầu hay không.
“Ikuko này, nếu người chủ không xuất hiện, thì cháu có thể lấy cái túi, thế nhé?” ông Kamiya đề nghị và mỉm cười với Ikuko.
“Không, như thế là không đúng. Nếu người chủ không đến nhận, hãy vứt cái túi đi,” Yoshimi từ chối lời đề nghị với một cái lắc đầu kiên quyết. Sau đó cô rời văn phòng của viên quản lí, đẩy lưng Ikuko cứ như đang đẩy con bé tránh xa khỏi một vật mang bệnh truyền nhiễm.
Nhưng Yoshimi vẫn thấy có gì đó không yên tâm khi họ đi thang máy lên nhà. Cô đã cố tránh chủ đề của cái gọi là bi kịch được cho là đã rơi xuống đầu gia đình kia. Dù sao đi nữa, cô cũng không muốn mình trông giống một kẻ coi việc nói chuyện về bất hạnh của kẻ khác làm nguồn vui. Nhưng câu hỏi đó cứ thôi thúc cô, và cô khao khát muốn biết thực ra chuyện bất hạnh của gia đình đó là gì.
Hôm sau là thứ hai. Sáng hôm đó Yoshimi chải tóc lâu hơn thường lệ. Cô có thể nghe thấy bài hát dạo đầu của một chương trình tivi dành cho thiếu nhi từ phòng khách. Giai điệu này có chức năng như một tín hiệu thời gian, chỉ rõ rằng trong buổi sáng cụ thể này cô còn vô số thời gian nữa, tha hồ thong thả trước khi đi làm. Cô sẽ đưa Ikuko đến trường mẫu giáo lúc chín giờ, rồi từ đó bắt xe buýt đi hai mươi phút đến cơ quan ở Shimbashi. Thời gian và công sức để đi làm ở đây thật chẳng là gì so với hành trình đi đi về về rắc rối của cô trước đây. Điều đó khiến việc cô chuyển đến đây thật đáng giá. Ví thử họ vẫn cứ ở lại Musashino, cô sẽ chẳng thể nào đưa Ikuko đi mẫu giáo, và đương nhiên không thể đi làm. Lúc nào cô cũng có thể tìm được việc làm, nhưng chẳng có mấy khả năng là cô sẽ tìm thấy một công việc nào tốt như vị trí hiện tại của cô ở bộ phận đọc thẩm định trong một công ti xuất bản. Công việc không chỉ cho phép cô cống hiến hết mình cho thế giới ngôn từ được in trên giấy, một trong những đam mê của cô, mà cô còn chẳng bao giờ phải làm quá giờ hay dính dáng nhiều đến những người khác. Trên hết, thu nhập cũng khá ổn. Ikuko bước vào mang theo một sợi ruy băng hồng và nhờ mẹ buộc lại tóc. Con bé vừa buộc xong, nhưng nút thắt lại lỏng và tóc nó xõa ra, gần như phủ kín vai.
Khi chạm tay vào tóc con gái, Yoshimi chợt hết sức ngạc nhiên khi thấy con bé đã thừa kế gen của cô một cách không lẫn vào đâu được. Thật kì lạ một sự thật hiển nhiên như thế lại chưa từng khiến cô chú ý cho đến tận bây giờ. Trong tấm gương ba mặt đối diện, gương mặt hai mẹ con trông giống nhau y hệt: cũng mái tóc xoăn màu hạt dẻ ấy, cũng làn da rám nắng ấy, cũng những đốm tàn nhang dưới mắt ấy. Một gương mặt thuộc về một phụ nữ khoảng ba mươi lăm, còn gương mặt kia là của một bé gái sắp sáu tuổi.
“Mì tôm…” Cô nhớ hồi cấp ba có một cậu con trai từng nhìn cô rồi tuyên bố rằng tóc cô trông giống như có ai ụp cả bát mì lên đầu cô vậy. Hồi đó cô ghét mọi thứ của mình, từ mái tóc xoăn tự nhiên, gương mặt, những đốm tàn nhang, đến cơ thể gầy guộc. Hồi cấp ba đã có bao nhiêu anh chàng từng nói với cô rằng họ say mê cô như điếu đổ nhỉ? Cô chưa từng nghĩ đến chuyện đếm nữa. Cô không hiểu họ thấy cái gì ở mình, và đành kết luận rằng tiêu chuẩn về cái đẹp của cô hoàn toàn dị biệt so với những người khác. Mọi người đều bình luận về vẻ đẹp của gương mặt nhỏ nhắn dễ thương, mấy đốm tàn nhang và mọi thứ khác của cô, cả mái tóc nâu xoăn tự nhiên nữa, rất hiếm người Nhật nào có mái tóc ấy. Đơn giản là cô không hiểu. Khi bọn con trai thấy cô thờ ơ, chúng xoay sang chế nhạo mái tóc màu râu ngô ấy sau lưng cô. Có rất nhiều cô gái khác xử lí chuyện này tốt hơn cô, cứ nói gì tùy thích mà chẳng có tí tẹo nguy cơ bị nói xấu sau lưng nào. Hiromi, một cô bạn cùng lớp ở cấp hai, là một ví dụ điển hình của những người như vậy.
Giờ với mái tóc đã buộc lên gọn gàng, Ikuko nói câu “Cảm ơn” thật nhanh với chính hình ảnh mình trong gương hơn là với mẹ nó, rồi lại nhảy tót vào phòng khách xem tivi. Yoshimi không thể dò ra dấu vết nào về vóc dáng cũng như hành vi của người chồng cũ trong hình ảnh Ikuko. Ít nhất đó cũng là điều may mắn của cô. Cô chưa từng tìm thấy cái gì thú vị trong sự hợp nhất về mặt thể chất giữa đàn bà và đàn ông. Từ duy nhất cô dành cho việc đó là “thống khổ”. Nhưng trên thế giới này chẳng bao giờ thiếu các cuộc nói chuyện về chủ đề tìиɧ ɖu͙©. Cô đơn giản là không thể hiểu nổi. Có lẽ một rào cản chẳng thể vượt qua nào đó đã tách cô ra khỏi những người khác. Cô và những người khác khác nhau về mọi thứ, từ chuyện những yếu tố nào sẽ tạo nên cái đẹp và sự xấu xí đến những những định nghĩa về khoái lạc và đớn đau. Thế giới mà cô cảm nhận được hầu như dị biệt với thế giới mà những người khác nhìn thấy.
Khi chồng cô nhận ra vợ mình chẳng mấy mặn mà với việc thỏa mãn nhu cầu của mình, anh ta thường viện đến các giải pháp đơn độc, rồi sẽ quăng giấy thấm bừa bãi dưới ghế sofa. Có lần đầu ngón tay cô từng dính phải chất nhầy nhầy ấy khi tình cờ nhặt một viên khăn giấy vo tròn lên vào buổi sáng hôm sau. Hình ảnh đờ đẫn của nét mặt anh ta khi được thỏa mãn cực điểm hiện ra trong đầu cô, choán hết chỗ dành cho sự mong muốn hiểu được nó. Những lúc như thế, toàn thân cô thường run lên vì ghê tởm và khinh miệt.
Giọng cô phát thanh viên tivi quen thuộc vọng vào từ phòng khách nhắc Yoshimi nhớ rằng đã đến lúc phải đứng dậy.
Ikuko xô mạnh cửa và chạy vù đến thang máy để nhấn nút xuống trước mẹ nó. Khi ra khỏi thang máy, cách duy nhất để họ có thể ra khỏi tòa nhà là đi lối cửa chính, qua phòng bảo vệ. Cái túi đỏ đang ở trên bàn. Yoshimi và Ikuko nhìn thấy nó cùng một lúc. Cái túi Kitty mà họ tìm thấy trên sân thượng tối hôm trước nằm trên bàn, phéc mở tuya vẫn đóng, trên có tấm biển đề:
Xin cho biết bất cứ thông tin nào về chủ chiếc túi này
Kamiya, quản lí tòa nhà.
Cho dù viên quản lí có vẻ đã làm theo đề nghị của cô, không hiểu sao Yoshimi vẫn nghĩ rằng rất khó có khả năng chủ nhân chiếc túi sẽ xuất hiện.
Thay vì mang tới chút thời gian thư giãn sau mùa hè khắc nghiệt, tháng Chín bắt đầu với nhiệt độ tăng vụt lên mức kỉ lục. Suốt ba ngày nóng nực bất thường, cái túi đỏ chóe in hình Kitty vẫn chình ình trên chiếc bàn đen trong văn phòng của người quản lí. Khi Yoshimi thấy cái túi lúc cô bước qua đó mỗi buổi sáng và tối, cô có cảm giác mình như nạn nhân của một chứng ám ảnh không sao giải thích nổi. Chiếc túi đỏ rực dường như biểu tượng cho ngọn lửa. Rồi, như thể để chứng minh suy nghĩ này của cô là đúng, khi chiếc túi biến mất khỏi cái bàn, cái nóng oi bức cuối hè có dấu hiệu giảm bớt. Người chủ đã đến nhận chăng? Hay đơn giản là người quản lí đã tự ý vứt nó đi? Dù thế nào thì cũng chẳng quan trọng. Chiếc túi chẳng liên quan gì đến cô nữa. Tuy nhiên lại có một lo lắng mới nổi lên chiếm chỗ của nó. Cô đang phải chịu đựng một đợt suy nhược liên quan đến công việc. Sau quãng nghỉ dài sáu năm, cô lại một lần nữa phải đọc thẩm định tiểu thuyết mới của một nhà văn viết truyện bạo lực mà cô nhớ quá rõ. Sếp của cô giao bản đọc thẩm định ngay khi cô vừa đến công ti sáng hôm đó.
Công việc của cô là tìm lỗi trong bản thảo. Để làm được điều đó, Yoshimi phải đọc đi đọc lại tác phẩm một cách tỉ mỉ. Sáu năm trước, cô hoàn toàn không được chuẩn bị tinh thần để đọc một bản thảo khác của tác giả ấy và cuối cùng chuyện đó đã khiến cô bị chấn thương tâm lí. Cú sốc khủng khϊếp đến nỗi đẩy cô sát bờ vực của sự suy sụp thần kinh. Những cảnh tàn bạo được mô tả trong tác phẩm khắc sâu vào tâm trí cô và thậm chí còn hành hạ cô dưới dạng những cơn ác mộng. Cô suýt nữa phải nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ tâm lí trong nỗ lực nhắm giúp mình thoát khỏi những ảnh hưởng có hại khi làm việc với cuốn tiểu thuyết đó. Đôi khi cô phải chịu đựng những cơn buồn nôn đến kiệt quệ, chán ăn và giảm gần bốn cân. Cô cũng thường xuyên không thể phân biệt được ảo giác và thực tế.
Cô than phiền với biên tập viên phụ trách dự án đó, yêu cầu được biết vì sao công ti lại đi làm sách của một tác giả như vậy. Với thái độ ngạo mạn, biên tập viên, một anh chàng mới tầm hai lăm tuổi, giải thích rằng họ không có quyền phàn nàn. Sách của tác giả này bán chạy và đó là tất cả lí do.
Lời nhận định này chỉ nhắc lại cho Yoshimi một lần nữa rằng rào chắn giữa cô và mọi người cao đến đâu. Cô thấy thật khó tin khi người ta lại sẵn sàng trả cả đống tiền để đọc một tiểu thuyết kinh tởm như vậy. Đám đông đang chen chúc nhau bên kia rào chắn có đầu óc hoạt động dựa trên những nguyên tắc khác hẳn với cô. Như thể thế còn chưa đủ, năm sau cô lại sốc tiếp khi chợt thấy cuốn sách y hệt, chỉ khác là đóng bìa mềm và do nhà xuất bản khác ấn hành, trên giá sách của chồng ở nhà. Khoảnh khắc khi ánh mắt cô chạm vào nó, Yoshimi bị một cảm giác gần như kinh hoàng xâm chiếm, theo sau đó là hình ảnh chồng cô đang thưởng thức những ảo tưởng đẫm máu mà cuốn sách gợi nên. Điều đó làm quyết tâm li dị chồng của cô bằng được càng thêm sâu sắc.
Sáng thứ Bảy sau đó Yoshimi lại bắt gặp cái túi Kitty đỏ. Lần này, cô vô tình thấy nó ở khu vực đổ rác dành cho người thuê nhà. Cô đi vứt mấy thứ rác không cháy được và đã nhấc nắp cái thùng rác lớn bằng nhựa polyethylene ra. Cái túi đỏ bị nhét giữa hai túi nylon đen. Cho dù cô đã dừng lại trong giây lát để chăm chú nhìn cái túi, việc đưa ra kết luật cái túi đã đến đây bằng cách nào không có gì khó khăn. Viên quản lí đã vứt nó đi vì tin chắc người chủ của nó sẽ chẳng đời nào xuất hiện. Như thể chưa có chuyện gì xảy ra, Yoshimi chất cái bao tải chật cứng rác đã phân loại của mình lên trên cái tùi đỏ rồi đậy nắp thùng rác lại.
Lẽ ra mọi chuyện nên kết thúc ở đấy. Cái túi nên bị chất lên xe rác cùng số rác không cháy được còn lại với định mệnh là tạo nên một lớp mới trong bãi chôn rác.