Giao Lộ Sinh Tử

Chương 40

Ngày nay, hầu hết các bệnh viện mới mở ở phía sau California đều trông giống như các đại lí bán lẻ thuê mặt bằng giá phải chăng, bày bán số lượng lớn thảm giảm giá hoặc hàng kinh doanh. Kiến trúc nhạt nhẽo tạo cảm giác việc chữa trị không thể diễn ra bên trong bốn bức tường đó.

Bệnh viện đa khoa của hạt, bệnh viện lâu đời nhất trong vùng, có lối ra vào uy nghi với hàng cột đá vôi và đường viền bao quanh mái ngói chạy dài khắp khuôn viên. Mới nhìn bạn cũng biết ngay các bác sĩ và y tá chứ không phải những nhân viên kinh doanh làm việc trong đó.

Hành lang chính có sàn lát gạch, không phải trải thảm, và mặt trước của bàn hướng dẫn trưng ra y hiệu chạm khắc bằng đồng.

Trước khi tới chỗ cái bàn, tôi bị Alice Norrie chặn lại. Đó là nhân viên có thâm niên mười năm của Sở Cảnh sát thị trấn Pico Mundo, chuyên ngăn cản các phóng viên và những người không phận sự đi vào hành lang.

“Ông ấy vào phòng mổ rồi, Odd. Ông ấy sẽ ở trong đó một lúc.”

“Bác gái đâu rồi?”

“Karla trong phòng chờ của khoa hồi sức tích cực. Người ta sẽ đưa ông ấy từ phòng mổ thẳng ra đó.”

Khoa hồi sức tích cực nằm ở tầng bốn. Tôi lên tiếng với giọng ngụ ý rằng bà ấy sẽ phải bắt giữ mới có thể ngăn cản được tôi. “Bác à, cháu sẽ lên đó.”

“Cậu không cần gây sự với tôi để lên đó đâu, Odd. Cậu có tên trong danh sách Karla đưa tôi.”

Tôi đi thang máy lên tầng hai, nơi đặt các phòng mổ của Bệnh viện đa khoa của hạt.

Tìm thấy phòng mổ xem ra thật dễ. Rafus Carter đứng canh ngoài cửa trong bộ đồng phục. Anh ta to lớn đủ để chặn đứng một con bò nổi điên.

Trong lúc tôi bước đến dưới ánh đèn huỳnh quang sáng rực, anh ta đặt tay phải lên báng súng đeo ở thắt lưng.

Anh ta quan sát tôi phản ứng lại sự ngờ vực của anh ta rồi phân bua, “Không có ý xúc phạm đâu Odd, nhưng chỉ có bà Karla đi dọc hành lang này thì tôi mới không đề phòng thôi.”

“Anh nghĩ bác ấy bị người quen bắn à?”

“Gần như là thế, điều đó có nghĩa chắc tôi cũng quen kẻ đó.”

“Bác ấy bị nặng không?”

“Nặng.”

“Bác ấy là người chống chọi ngoan cường,” tôi bắt chước câu thần chú của Sonny Wexler.

Rafus Carter nói, “Ông ấy còn giỏi hơn thế.”

Tôi trở vào thang máy. Giữa tầng ba và tầng bốn, tôi nhấn nút DỪNG.

Cơn run rẩy không kiểm soát được giũ sạch sức lực ra khỏi tôi. Với đôi chân quá yếu không thể đứng vững nữa, tôi trượt dài theo tường của buồng thang máy và ngồi bệt xuống bàn.

Stormy nói cuộc đời không phải sống nhanh sống vội hay sống vui ra sao. Sống là kiên nhẫn, là đứng trên đôi chân và cố hết sức tiến lên bất kể có chuyện gì.

Xét cho cùng, theo thuyết vũ trụ của nàng, cuộc đời này là trại huấn luyện binh lính. Nếu bạn không kiên nhẫn vượt qua mọi trở ngại của thế giới này và những vết thương do nó gây ra thì trong chuyến phiêu lưu quan trọng, bạn sẽ không đi tới được cuộc đời tiếp theo mà nàng gọi là “giai đoạn tại ngũ”, hay đến đích ở cuộc đời thứ ba mà nàng cho rằng sẽ đầy ắp niềm vui và hạnh phúc, nhiều hơn cả một cốc kem dừa anh đào sôcôla miếng.

Nói theo cách ẩn dụ thì bất kể mọi việc có chiều hướng xấu đi hay trở nên nặng nề đến đâu, Stormy cũng luôn đứng vững trên đôi chân của nàng; nhưng tôi lại khác, thỉnh thoảng tôi thấy mình cần phải tạm nghỉ để có được sự kiên nhẫn.

Tôi muốn bình tĩnh, tự chủ, mạnh mẽ, và đầy năng lượng khi đến gặp bà Karla. Bà cần sự động viên chứ không phải nước mắt cảm thông hay đau buồn.

Sau hai hay ba phút, tôi bình tĩnh và tự chủ được phần nào. Thấy vậy đã ổn, tôi đứng dậy, nhấn nút cho thang máy lên tiếp đến tầng bốn.

Phòng đợi ảm đạm, ngay dưới hành lang của khoa hồi sức tích cực, có bốn bức tường xám nhạt, sàn lát gạch lốm đốm màu xám và đen, ghế xám và nâu sậm. Không khí nói lên một điều: chết chóc. Người trang trí nội thất cho bệnh viện cần được ai đó vỗ một phát lên đầu.

Em gái cảnh sát trưởng, bà Eileen Newfield, ngồi ở một góc, mắt đỏ hoe, xoắn xoắn cái khăn thêu trong tay một cách bứt rứt.

Bên cạnh là Jake Hulquist, đang ngồi thì thầm trấn an. Ông ấy là bạn thân của cảnh sát trưởng. Họ gia nhập lực lượng cùng một năm.

Jake không mặc đồng phục mà mặc quần kaki và áo thun bỏ ngoài. Dây giày bung ra, tóc tai dựng đứng, xoắn chĩa tứ phía, trông như thể ông không có thời gian chải đầu sau khi nhận điện thoại.

Bà Karla trông vẫn như mọi khi: tươi tắn, xinh đẹp và bình tĩnh.

Mắt ráo hoảnh; bà không khóc. Bà đặt nặng vai trò là vợ một cảnh sát lên trên bản tính vốn yếu đuối của phụ nữ; chỉ cần ông Wyatt còn đấu tranh sinh tồn là bà sẽ không để rơi một giọt nước mắt nào, vì bà cũng đang cùng ông chiến đấu bằng tinh thần.

Lúc tôi bước qua ô cửa mở, bà Karla đến ôm lấy tôi và nói, “Hết hồn, phải không, Odd? Có phải thanh niên bọn con nói thế trong tình huống như lúc này không?”

“Hết hồn,” tôi đồng tình. “Đúng là vậy ạ.”

Nhận thấy tình trạng xúc động mạnh của Eileen, bà Karla đưa tôi ra hành lang để có thể trò chuyện. “Ông ấy nhận được cuộc gọi ở số điện thoại riêng, khi chưa đến hai giờ sáng.”

“Của ai vậy bác?”

“Bác không biết. Chuông chỉ làm bác tỉnh lơ mơ. Ông ấy nói bác ngủ tiếp đi, mọi chuyện đều ổn.”

“Bao nhiêu người có số điện thoại riêng đó?”

“Không nhiều, ông ấy không đi thay đồ mà rời phòng trong bộ đồ ngủ, nên bác nghĩ ông ấy không ra ngoài, vấn đề gì đó có thể giải quyết ngay tại nhà, và bác ngủ tiếp... đến khi tiếng súng đánh thức bác dậy.”

“Lúc ấy là khi nào?”

“Sau cú điện thoại chưa đến mười phút. Hình như ông ấy mở cửa chính cho người ông đang đợi...”

“Một người bác ấy quen biết.”

“... và ông ấy bị bắn bốn phát.”

“Bốn phát ư? Con nghe nói ba phát vào ngực mà.”

“Ba phát vào ngực,” bà xác nhận, “và một phát vào đầu.”

Nghe về phát đạn vào đầu, tôi muốn trượt dài theo bức tường và ngồi bệt xuống sàn lần nữa.

Thấy thông tin ấy làm tôi choáng váng nặng nề, bà Karla nói nhanh, “Không tổn thương não. Phát đạn ở đầu là nhẹ nhất.” Bà nở nụ cười thật lòng nhưng ngập ngừng, “Ông ấy sẽ lấy đó làm chuyện đùa cợt, con có nghĩ vậy không?”

“Chắc chắn bác ấy làm vậy rồi.”

“Bác như nghe thấy ông ấy đang nói nếu muốn bắn vỡ sọ Wyatt Porter thì phải bắn vào mông cơ.”

“Đúng là cách nói của bác ấy,” tôi tán thành.

“Mọi người cho rằng đó là phát súng kết liễu, sau khi ông ấy đã gục xuống, nhưng có lẽ tay súng đó hoảng sợ hoặc xao lãng. Viên đạn chỉ sượt qua da đầu ông ấy.”

Tôi gạt phăng, “Không ai muốn gϊếŧ bác ấy đâu.”

Bà Karla nói, “Lúc bác gọi cảnh sát và cầm súng xuống dưới nhà, kẻ đó đã đi mất.”

Tôi hình dung cảnh bà can đảm bước xuống cầu thang với khẩu súng trong tay, đi tới cửa chính, sẵn sàng nhả đạn vào kẻ đã bắn chồng bà. Như một con sư tử, giống hệt Stormy.

“Wyatt ở dưới nhà, khi bác tìm thấy thì ông ấy đã bất tỉnh rồi.”

Dọc hành lang, từ phía thang máy, một y tá phòng mổ mặc bộ đồ xanh lá cây tiến đến. Chị ta mang vẻ mặt xin-đừng-bắn-người-đưa-tin.