Thập Niên 70: Em Gái Là Một Đại Mỹ Nhân

Chương 3: Xuyên không

Trần Lộng Mặc thu ô lại, rũ nước trên ô, mới theo sau mẹ đi vào nhà, cô không nói gì, khóe môi hiện lên ý cười nhàn nhạt, nghe mẹ càm ràm.

"Con nhóc này, chỉ biết cười, tính tình hiền lành chẳng biết giống ai, con gái phải ghê gớm một chút, nếu không sẽ bị thiệt..."

Trần Lộng Mặc đi vào phòng bếp giúp mẹ một tay, nghe vậy thì rũ hàng mi dài xuống.

Tính của cô không hiền lành, chỉ là kiếp trước lăn lộn vất vả trong xã hội, chịu nhiều thiệt thòi mới mài ra dáng vẻ vô hại hiền lành như ngày hôm nay.

Đúng vậy!

Chính là kiếp trước!

Không biết vì nguyên nhân gì, không biết là do bước ngoặt nào, cô chỉ nhớ tám ngày trước, trong một trận động đất, để cứu mẹ viện trưởng đã có tuổi, cô đã bị chôn vùi trong đống phế tích.

Một lần nữa mở mắt ra, Trần Lộng Mặc 28 tuổi ở năm 2023, đã biến thành Trần Lộng Mặc 15 tuổi ở năm 1970.

Nguyên thân nghe đâu lúc sinh ra bị kẹt trong bụng mẹ quá lâu, nên tâm tính vẫn như đứa trẻ 3 tuổi.

Điều khác biệt duy nhất giữa nguyên thân và đứa trẻ con là cô không khóc không quấy, cả ngày chỉ ngồi ngây ra một chỗ.

Nhưng những người bên cạnh thấy đây chính là biểu hiện của sự ngu đần.

Vì thế, Quý Mạt và Trần Đức Mậu đã tìm kiếm không biết bao nhiêu bác sĩ, cầu bao nhiêu là phương thuốc dân gian.

Nhưng Trần Lộng Mặc sống lại không cảm thấy cô bé này ngu đần, cô thậm chí còn có một cảm giác mãnh liệt, nguyên thân chính là mình, mình chính là nguyên thân.

Lúc trước cô bé này trông đần độn vô tri, giống một cái xác không có linh hồn trọn vẹn hơn...

"... Hỏi con đó? Ngây ra cái gì?" Quý Mạt vỗ con gái một cái.

Trần Lộng Mặc tròn mắt, hàng mi vừa dài vừa dày như cánh quạt nhỏ, cô mờ mịt nhìn mẹ:

"Gì ạ?"

"Tối nay hầm ít cá muối, hay là chiên cho con hai quả trứng gà?"

"Không cần đâu ạ, cá muối là đủ rồi, không phải còn có củ cải sao?" Tuy điều kiện gia đình tốt, nhưng cũng không thể sống xa xỉ như vậy, dễ bị người ta để ý.

Nghĩ đến đây, lại nhớ đến lời ra tiếng vào nghe được trong khu nhà ở mấy ngày nay, Trần Lộng Mặc nhíu mày, thử hỏi:

"Mẹ ơi, vừa rồi con đến nhà thím Tú Trân xin nước tương, cứ cảm thấy thím có gì muốn nói với con."

Câu này không phải nói dối, không chỉ thúm Tú Trân, thậm chí toàn bộ các gia đình quân nhân khác trong khu nhà ở đều vậy.

Có lẽ do lớn lên ở cô nhi viện, cho nên Trần Lộng Mặc khá nhạy cảm với tâm trạng của người bên cạnh.