Làm Vợ Hai

Chương 19

Có lẽ vì mới trải qua mấy lần thập tử nhất sinh nên tôi nảy sinh tâm lý đề phòng, thấy bà cụ gọi thế thì vô thức ôm chặt lấy cổ Trần Lịch Xuyên. Lúc này, tay anh ta cũng cọ qua cọ lại trên bắp chân tôi, không lên tiếng, nhưng thông qua hành động ấy tôi cũng hiểu được ý anh ta muốn nói hãy yên tâm.

Chưa đầy nửa phút sau có tiếng dép loẹt quẹt từ phía ngôi nhà tranh vang lên, một ông cụ có mái tóc bạc trắng bước ra, vừa đi vừa nói: “Có việc gì mà bà gọi toáng lên thế? Tôi đã bảo rồi, không gánh được nước thì cứ để đó tôi làm, người đã yếu còn khăng khăng muốn gánh mấy thùng nước làm gì?”.

“Không phải gánh nước”. Bà cụ xua tay: “Có người bị thương, ông mau đến xem xem”.

“Ai cơ?”

“Người rơi từ trên núi xuống, bị thương. Cả hai đều bị thương”.

Lúc này, ông cụ mới nhìn thấy Trần Lịch Xuyên đang cõng tôi, ngẩn ra mấy giây mới bảo chúng tôi mau vào trong nhà. Thôn làng này chưa có điện, trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo chỉ thắp một cây đèn dầu cỡ lớn, ánh sáng không tốt lắm, nhưng bà cụ thắp thêm một cây nến nữa thì vừa đủ soi rõ vết thương trên cổ chân tôi.

Ở đó má.u đã đông đặc cả lại, từng mảng từng mảng đen ngòm, còn có mấy con măn mắt rừng ngửi thấy mùi tanh nên thi nhau bâu vào, trông vừa bẩn thỉu vừa đáng sợ.

Trong lúc ông cụ đi tìm kính lão thì bà cụ nói:

“Hai người gặp may đấy, ông nhà tôi là thầy lang”.

Tôi “Ồ” một tiếng: “Thầy lang của thôn này ạ?”.

“Đúng, cả thôn này chỉ có ông ấy là thầy lang thôi. Chữa bệnh giỏi lắm, người trong làng có bệnh gì đều đến đây để ông ấy chữa hết”.

Vừa nói đến đây thì ông cụ quay lại, sau khi nhìn rõ chân tôi mới lắc đầu: “Bị thương thế này chắc là gãy xương rồi”.

Trần Lịch Xuyên nói: “Có thể xử lý vết thương ngoài da cho cô ấy trước không ạ?”.

“Được, nhưng ở đây không có thuốc tê, sẽ đau đấy”.

Tôi gật đầu: “Không sao ạ, cháu chịu được. Nhờ ông xem giúp cháu với ạ”.

Ông cụ liếc qua sắc mặt xanh rợt của tôi, sau đó bắt đầu lôi hộp đồ bằng gỗ ra, bên trong có mấy chai nước thuốc gì đó và panh y tế, còn có cả một xâu kim rất to: “Hai người đi thế nào mà lại rơi xuống đây?”.

Trần Lịch Xuyên đáp: “Bọn cháu đi leo núi, trượt chân rơi xuống đây”.

“Vách núi dựng đứng thế này mà cô cậu cũng dám leo là giỏi đấy”. Ông cụ lấy ra một chiếc khăn trắng, tuy hơi cũ kỹ nhưng có vẻ sạch sẽ, để gọn gàng bên cạnh chân tôi: “Thôn này mấy chục năm qua không có người vào rồi, may mà cô cậu còn tìm được đường đến đây”.

Bà cụ đặt thau nước lên, lấy chai nước thuốc nhỏ vào đó mấy giọt rồi bảo: “Đúng đấy, ban nãy thấy họ mà tôi giật cả mình, còn tưởng gặp ma nữa”.

“Bà chỉ được cái thần hồn nát thần tính”.

Tôi thấy hai người này cũng có vẻ thật thà chất phác, lại tốt bụng giúp chúng tôi nên cũng dần giảm bớt đề phòng. Tôi hỏi: “Chỗ này lâu nay không có người vào ạ?”.

“Ừ. Ngày trước có con đường, nhưng hơn bốn mươi năm trước lở núi nên bít mất đường rồi, không đi ra ngoài được nữa. Mà bọn tôi ở tít trong này, chính phủ không biết đến nên sau đó cũng có ai đến mở đường để đi đâu, cứ sống thế suốt mấy chục năm nay thôi”.

“Không còn đường nào khác để ra khỏi thôn sao ạ?”.

“Có chứ”. Bà cụ nói nửa đùa nửa thật: “Đường cô cậu vừa mới xuống đó”.

Thôn này không có đường ra, bốn bề được bao bọc bởi vách núi dựng đứng, chỉ cần nghĩ đến thế lòng tôi đã đủ hoảng hốt. Nhưng quay lại nhìn Trần Lịch Xuyên thấy sắc mặt anh ta vẫn bình tĩnh tựa như núi, tự nhiên tôi lại nghĩ người nhiều tài sản như anh ta còn không sợ không về được, thì vô sản như mình còn sợ làm gì?

Lúc này, ông cụ thầy lang đã rửa tay xong, đi đến cầm chân tôi lên: “Tôi nghĩ mấy ngày tới cô cậu cũng chưa thể ra khỏi đây được, nên tôi sẽ nắn lại xương bàn chân bị trật khớp của cô ấy trước, sau đó mới khâu lại rồi nẹp cố định để xương tự liền lại về vị trí cũ, cô cậu thấy thế nào?”.

Trần Lịch Xuyên nhìn tôi, ý muốn hỏi tôi quyết định thế nào. Mà thật sự đã đến nước này, có người chữa cho mình đã là tốt lắm rồi, tôi không dám đòi hỏi gì hơn nên gật đầu: “Được ạ”.

Bà cụ đưa chiếc khăn sạch cho tôi: “Cắn vào đi, đau quá thì cố chịu đựng, đừng cắn vào lưỡi”.

Tôi nhận lấy, nói: “Vâng ạ”.

Ông cụ đặt một chân tôi lên giường, duỗi ra, sau đó thử lắc lắc cổ chân tôi mấy lượt. Lúc ấy đau nhưng tôi chịu được, nghĩ chút nữa ông cụ mới nắn xương gì gì đó, không ngờ còn chưa kịp chuẩn bị thì ông cụ đã đột ngột giật mạnh một cái, tôi đau đến mức dây thần kinh trên người như bị kéo căng lên, gai ốc khắp người đều dựng đứng.

Đau quá nên tôi không nhịn được, buột miệng hét một tiếng, đúng lúc này bỗng dưng có một bàn tay ấm áp siết chặt lấy bàn tay tôi.

Tay Trần Lịch Xuyên rất to, có vết chai, rất cứng rắn và vững chãi, lúc cầm tay tôi có cảm giác như bàn tay tôi lọt thỏm giữa lòng bàn tay anh ta, vừa đủ ấm áp để mọi nỗi đau trong lòng tôi dịu xuống, vừa đủ dịu dàng để tôi có thể yên tâm.

Răng tôi cắn chặt miếng vải trong miệng, nước mắt giàn giụa nhìn Trần Lịch Xuyên, lại nghe giọng anh ta trầm trầm bảo tôi: “Không sao rồi”.

Ông cụ tiếp tục lắc lắc cổ chân tôi, sau đó lại đến từng đầu ngón chân bị gãy của tôi. Mỗi lần động vào tôi đều có cảm giác muốn sống muốn c.hế.t, nhưng bởi vì có Trần Lịch Xuyên luôn nắm tay tôi, có anh ta nói “Không sao rồi” nên tôi không hét nữa, đau đớn thế nào cũng gắng gượng chịu đựng.

Một lát sau cuối cùng cũng nghe được tiếng ông cụ thở phào: “Được rồi, may là không có ngón nào bị gãy nát xương, bây giờ khâu lại là được”.

Trần Lịch Xuyên nhìn bàn chân đã trở về hình dạng ban đầu của tôi, lại nhìn vẻ mặt tôi, lát sau mới dời mắt sang mấy chiếc kim khâu vải to tướng để trong hộp đồ, hỏi: “Có cách nào giảm đau cho cô ấy không ạ?”.

“Ban nãy tôi nói rồi, ở đây không có thuốc tê đâu”. Ông cụ lại rửa tay vào chiếc thau bằng đồng ban nãy, nghĩ nghĩ một lát rồi đáp: “Nhưng có thể dùng thuốc phi.ện, nhựa của cây a.nh túc có tác dụng giảm đau tốt hơn cả moocphin”.

Tôi là người ở thời đại mới, còn là một luật sư, tôi rất phản cảm với chuyện dùng thuốc p.hiện, nhưng Trần Lịch Xuyên lại nói: “Vậy phiền ông cho cô ấy dùng loại thuốc đó, cảm ơn ông”.

“Không”. Tôi ngồi bật dậy, giọng nói vẫn run rẩy vì đau đớn: “Tôi không dùng thuốc phi.ện”.

Anh ta liếc tôi: “Hàm lượng ít thì không nghi.ện”.

“Tôi có thể chịu được”.

“Vết thương khắp chân em rất sâu, không giảm đau thì không thể chịu đựng được khâu sống”. Ngữ điệu của Trần Lịch Xuyên bình thản ôn hòa, nhưng cũng vô cùng cương quyết: “Khi cơn đau quá ngưỡng chịu đựng của con người, hệ thần kinh sẽ bị tổn thương, bây giờ không có thuốc tê thì dùng thuốc phi.ện để giảm cảm giác đau là tốt nhất, hiểu không?”.

“Nhưng thuốc phi.ện là chất c.ấm. Tôi không muốn dùng chất c.ấm vào người mình”.

“Vậy em biết moorphin được điều chế từ gì không?”. Ánh mắt anh ta sắc lạnh nhìn tôi: “Moorphin trong y học cũng xuất phát từ cây thuố.c phiện, mà thực ra nhựa cây anh túc 100% là Moorphin. Em nói xem trên đời này hàng ngày có bao nhiêu người bị ung thư đang hàng ngày tiêm moorphin?”.

Lúc trước tôi từng đến bệnh viện K, trông thấy rất nhiều bệnh nhân ung thư đang ngày ngày phải tiêm moorphin, bọn họ rất đau đớn, chỉ dùng moorphin mới có thể ngủ được, có người một ngày phải tiêm trên 10 mũi. Còn tôi, Trần Lịch Xuyên chỉ bảo tôi dùng một lần thôi!

Cuối cùng, tôi đuối lý trước anh ta, cũng không muốn tranh cãi về vấn đề này nữa, đành ngoan ngoãn nghe theo lời Trần Lịch Xuyên, dùng thuốc phiệ.n để giảm đau.

Ông cụ đi vào buồng trong, một lát sau mang ra một viên gì đó màu đen. Trần Lịch Xuyên nhận lấy, tách ra một miếng thật nhỏ, vo lại đưa đến miệng tôi, bảo tôi nhai thứ ấy rồi nuốt xuống.

Ban đầu tôi vẫn chần chừ không muốn, nhưng cuối cùng vẫn phải ăn. Vị thuố.c phiện từ từ tan dưới đầu lưỡi tôi, để lại một loại mùi vị ngai ngái đắng chát, mùi cũng rất khó ngửi.

Thế nhưng người ta nói ‘thuốc phi.ện là thuốc tiên’ quả không sai, chỉ qua một lát sau cơn đau của tôi cũng từ từ dịu xuống, sau đó còn cảm thấy người nhẹ bẫng, cũng không còn thấy mệt mỏi, y như chưa từng có vết thương nào trên người vậy.

Trần Lịch Xuyên hỏi tôi: “Thế nào rồi?”.

Lòng tôi vẫn có cảm giác bức bối khó chịu, không nhìn anh ta mà chỉ đáp: “Không còn đau nữa”.

Ông cụ chỉ chờ có thế, lập tức lấy chiếc kim ra hơ trên đèn để khử trùng, sau đó bắt đầu khâu chân tôi.

Tôi nhìn rõ ràng từng mũi kim to tướng chọc vào da thịt mình, sợi chỉ may quần áo thít lại những vết thương của mình, lại nhìn ngọn đèn dầu tỏa bóng hiu hắt xuống sàn nhà bằng đất nện, đột nhiên lại có cảm giác chúng tôi đang ở một nơi nào đó trong thập niên 70, 80, vừa nghèo khổ vừa lạc hậu, mọi thứ còn đơn sơ cũ kỹ hơn cả căn nhà cuối con ngõ đầy rêu phong của Trần Lịch Xuyên.

Lúc kim đ.âm vào, chân tôi vẫn chảy m.áu, bà cụ lật đật đi lấy vải mới, còn Trần Lịch Xuyên im lặng ngồi một bên thấm m.áu cho tôi, thỉnh thoảng nói vài câu gì đó với ông cụ.

Tôi nghe được ông cụ hỏi: “Trước đây cậu cũng từng hút thuốc phi.ện phải không?”.

Động tác của Trần Lịch Xuyên hơi khựng lại, anh ta ngẩng đầu lên nhìn tôi, thấy tôi vẫn nhìn mình thì ánh mắt liền trầm xuống. Lát sau, anh ta mới khẽ hắng giọng trả lời ông cụ: “Vâng, cách đây 15, 16 năm gì đó có hút”.

“Lúc đó khoảng mấy tuổi?”.

“19 tuổi”.

“Còn nhỏ như thế đã hút rồi à?”.

Trần Lịch Xuyên không đáp, chỉ cười: “Ở đây không phải người trẻ hơn cháu cũng hút thuốc phi.ện à?”.

Ông cụ kinh ngạc đáp: “Sao cậu biết?”.

“Cháu thấy ở bên ngoài bìa rừng có trồng cả một vườn anh t.úc, người lớn trong thôn không hút được nhiều đến vậy, hút hơn mười năm đã c.hế.t rồi. Mà chỗ này cũng không thể bán thuốc phi.ện ra ngoài được, nên đoán chắc phải cả lớn cả nhỏ mới hút được chừng đó”.

“Cậu thanh niên, có mắt nhìn tinh tường đấy”. Ông cụ lấy kéo cắt sợi chỉ to ở chân tôi, cười: “Nhìn cậu cũng không tầm thường đâu. Lúc trước hút xong bỏ được đúng không?”.

“Vâng”

“Nghiện mấy năm?”

“Hai năm”.

“Ồ”. Ông cụ gật gù: “Hai năm còn bỏ được, quá giỏi”.

Nói xong, ông ấy mới vỗ vỗ lên bắp chân tôi: “Được rồi, ngày mai tôi sẽ vào rừng hái thuốc cho cô đắp vết thương, ngày hôm nay chịu khó để vết thương hở như vậy một hôm”.

Tôi nói “Vâng” một tiếng: “Hôm nay chưa nẹp lại hả ông?”.

“Chưa, mai có thuốc thì nhanh liền xương hơn”.

“Cháu cảm ơn ông ạ”.

Bà cụ lúc này từ dưới bếp chạy lên: “Cơm nấu xong rồi, tối nay hai cô cậu ở lại ăn cơm nhé? Mà bị thương thế này còn đi đâu được. Ở lại ăn cơm cùng vợ chồng tôi rồi mai còn đắp thuốc”.

Tất nhiên là tôi cũng chỉ mong có thế, nhưng nhờ người ta chữa chân giúp, còn ăn nhờ ở đậu không nên tôi rất ngại: “Vâng ạ. Để cháu dọn cơm với bà”.

“Ôi chân thế thì dọn gì, cứ ngồi ở đó đi, tôi còn nấu thêm nồi canh nữa, xong xuôi lên là được ngay thôi”.

Trần Lịch Xuyên cũng định đứng dậy, nhưng ông cụ lại nói: “Cậu không định xử lý vết thương à? Bả vai cậu bị trật rồi”.

Nghe nói vậy tôi mới để ý, đúng là một bên xương bả vai của anh ta hơi gồ lên, chẳng biết là bị từ lúc xe rơi xuống vực hay là lúc tìm cách cứu tôi lên. Nhưng từ đó đến giờ chưa từng thấy Trần Lịch Xuyên kêu đau.

Anh ta thấy ánh mắt tôi nhìn sang thì gượng cười đáp: “À… vậy phiền ông nắn giúp cháu ạ”.

“Ngồi xuống đây, tôi nắn một cái là vào ngay. Với cả đầu cậu cũng chảy m.áu nữa, không bị thương sâu, nhưng vẫn phải rửa đi”.

Tôi nhanh nhảu đưa miếng vải ban nãy mình cắn cho anh ta: “Anh dùng đi”.

Trần Lịch Xuyên liếc tôi: “Không cần”.

“Khi vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người, thần kinh sẽ bị tổn thương”. Tôi nhắc lại lời ban nãy của anh ta, thậm chí còn định xin ông cụ thầy lang thêm một miếng thuốc phiện.

Nhưng kết quả là ông cụ nắn bả vai mà anh ta không hề kêu lên tiếng nào, thậm chí sắc mặt vẫn lạnh tanh như không, khiến tôi không khỏi cảm thấy vừa kinh ngạc vừa bái phục.

Nắn xong xương bả vai, Trần Lịch Xuyên đứng dậy xoay xoay cánh tay mấy vòng rồi bảo: “Cháu đi xuống bưng mâm giúp bà cụ”.

“Tay đau, không cần đâu”. Ông cụ gọi anh ta lại, nhưng Trần Lịch Xuyên đã đi xuống nhà dưới, một lát sau bưng một mâm cơm lên, trên đó chỉ có mấy món rau dưa, còn có một tô canh lõng bõng nước.

Bà cụ hơi xấu hổ nói: “Ở chỗ hai người không ăn thế này phải không? Ở chỗ này không ra ngoài được, bình thường chỉ ăn mấy món rau dưa, hôm nào có nhà làm thịt lợn thì mới có thịt ăn”. Nói đến đây, hình như bà cụ nghĩ ra chuyện gì đó nên lại ngẩng đầu hỏi ông cụ: “Hình như ngày mai đến phiên nhà cái Mơ làm thịt lợn rồi nhỉ?”.

“Không phải, là nhà ông Phúc”

“À à, nhà ông Phúc. Ngày mai tôi phải mang bì khoai đi đổi mấy cân thịt lợn mới được”.

Bữa cơm hôm ấy đạm bạc, nhưng có lẽ vì đói nên tôi ăn rất ngon, Trần Lịch Xuyên cũng không tỏ vẻ chê bai, chỉ mấy món rau dưa cũng ăn hết được hai bát cơm đầy.

Bà cụ cứ giục anh ta ăn thêm mãi, ông cụ cũng bảo Trần Lịch Xuyên uống thêm một chút canh, cuối cùng anh ta nể mặt mới múc thêm một tô canh nhỏ, cười bảo: “Lâu rồi cháu mới được ăn ngon như thế”.

“Thật à?”. Ánh mắt bà cụ sáng rực lên: “Mấy món này mà cậu cũng thấy ngon à?”.

“Ngon chứ, rất giống vị canh mẹ cháu nấu”.

“Mẹ cậu bao nhiêu tuổi?”.

Trần Lịch Xuyên uống một ngụm canh, đáp: “Mẹ cháu mất vừa tròn 20 năm”.

Bà cụ “À”, một tiếng, nói xin lỗi xong lại bảo: “Con trai của tôi nếu còn sống thì có lẽ cũng bằng tuổi cậu bây giờ. Năm nó mất mới chỉ 18 tuổi thôi. Cao ráo đẹp trai, y như cậu vậy”.

Ông cụ ở bên gõ đũa vào bát: “Cái bà này, lại nói linh tinh rồi”.

Bà cụ chấm nước mắt: “Tôi thấy cậu này giống con trai mình nên tự nhiên nhớ nó thôi”.

Trần Lịch Xuyên lấy khăn xô đưa cho bà cụ, còn gắp cho bà cụ một miếng rau ngon nhất, giọng nói hết mực ôn hòa: “Bác ăn đi”.

“Ừ, phải rồi, ăn thôi. Tự nhiên làm không khí mất vui”. Bà cụ cầm khăn trên tay anh ta, xua chúng tôi: “Mau mau, mấy đứa mau ăn đi”.

Ăn uống xong, vợ chồng thầy lang già trong núi sắp xếp cho chúng tôi ở căn buồng bên dưới. Bà cụ phủi sạch ga giường bằng vải hoa của những năm 80, cười bảo: “May quá, hôm qua tôi thấy trời nắng nên mang mấy đồ này ra giặt, hôm nay vừa đúng lúc cần dùng”. Nếp nhăn trên mặt bà xô lại, nhưng từng đường nét vẫn vô cùng phúc hậu: “Giường hơi nhỏ, hai người chịu khó ngủ tạm nhé, cần thêm chăn thì bảo tôi”.

Tôi vội vã xua tay: “Thế này là quá tốt rồi ạ, không cần thêm chăn đâu. Cháu cảm ơn bà ạ”.

“Ban nãy tôi có gánh nước về rồi, ở phía sau nhà có chỗ để tắm đấy. Cần tắm rửa thì cứ ra đó nhé”.

“Vâng, cháu biết rồi ạ”.

Bà cụ vẫn không yên tâm nên dặn dò chúng tôi thêm một lượt nữa mới để lại cây đèn dầu rồi lên nhà đi ngủ. Ở trong núi, người dân đi ngủ từ rất sớm, bà cụ vừa đóng cửa đã thấy ánh nến trên nhà vụt tắt, chúng tôi cũng không dám phí phạm dầu, nhanh chóng vặn nhỏ đèn lại.

Trong căn phòng đơn sơ chẳng mấy chốc chỉ còn một chút ánh sáng hiu hắt, Trần Lịch Xuyên phủi lại chăn đệm một lượt nữa rồi bảo tôi: “Tôi cõng em ra sau nhà đi tắm”.

Tôi đỏ mặt một hồi, cuối cùng lí nhí đáp: “Tôi không có quần áo”.

Vẻ mặt anh ta cũng có chút lúng túng, tuy nhiên ngay sau đó Trần Lịch Xuyên lại bảo tôi ngồi đợi một chút, anh ta ra ngoài bê thùng nước của bà cụ vào phòng, tiếp theo kiếm một cây sào nhỏ, vắt chiếc chăn lên, làm thành một phòng tắm nhỏ cho tôi.

Trần Lịch Xuyên nói: “Tắm tạm ở đây, rồi quấn chăn vào, tôi đi tìm thêm cái chăn khác”.

“Còn anh thì sao?”.

Anh ta không nói, chỉ bế tôi đặt lên chiếc ghế gỗ trong phòng tắm đó rồi mở cửa đi ra ngoài. Ở trong núi lạnh, không có máy nước nóng cũng như bình siêu tốc, tôi vội vàng tắm rửa rồi giặt sạch quần áo cũ, định mặc lại, còn chiếc chăn kia thì nhường cho Trần Lịch Xuyên, nhưng vừa định dậy lại nghe tiếng cửa mở.

Giọng anh ta vọng vào: “Em xong chưa?”.

Tôi nói: “Đợi một chút, gần xong rồi”.

“Đừng mặc lại quần áo ướt, tôi hỏi mượn bà cụ được hai bộ quần áo rồi”.

Chẳng biết do anh ta luôn hiểu được những gì tôi đang nghĩ, hay là Trần Lịch Xuyên quá thông minh để biết tôi muốn làm gì, mà bao giờ cũng cho tôi thứ tôi cần đúng lúc, khiến tôi không thể không cảm kích.

Tôi nhoẻn miệng cười, bảo anh ta: “Tôi biết rồi, anh đưa giúp tôi”.

“Có tự mặc được không?”

“Được mà”.

Một cánh tay đưa qua chiếc chăn trên sào, tôi nhận lấy quần áo, mặc vào người mới thấy rộng ơi là rộng, phải dùng tay để giữ lại chun quần. Nhưng được cái quần áo của bà cụ có mùi nắng rất dễ ngửi, giống như hương cỏ cây trong thung lũng.

Trần Lịch Xuyên bế tôi lại giường, đặt tôi nằm xuống rồi đắp chăn mới lên cho tôi, xong xuôi mới tự mình đi tắm. Anh ta cũng tắm sau tấm chăn đó, mặc quần áo của ông cụ, lại dọn dẹp cẩn thận mọi thứ rồi mới quay lại giường.

Tôi vẫn chưa ngủ, nằm gọn vào một góc nhìn anh ta. Lúc đầu cứ nghĩ Trần Lịch Xuyên mặc quần áo của người già chắc sẽ buồn cười lắm, nhưng anh ta quả thực là kiểu người điển hình cho mặc gì cũng đẹp. Chiếc áo sơ mi sọc cũ kỹ từ mấy chục năm trước khoác lên người anh ta lại giống như chuẩn bị trở thành model của năm nay, ngay cả quần dài bằng chất vải rẻ tiền khi ôm lấy đôi chân dài kia cũng phẳng đét, chẳng khác gì người mẫu.

Trần Lịch Xuyên thấy tôi cứ nhìn mãi mới hỏi: “Trông buồn cười lắm à?”.

“Không”. Tôi thành thật đáp: “Như mốt mới của năm nay vậy”.

“Lúc còn trẻ chắc ông cụ cũng là thanh niên chịu chơi lắm”. Anh ta nói đùa: “Ban nãy tôi hỏi mượn quần áo, ông cụ lục ra được từ đáy thùng bộ này cho tôi. Còn bảo đây là bộ ông từng mặc đi tán bà mấy chục năm trước”.

“Thật à?”. Tôi phì cười.

“Nhưng bà bảo quần áo bà mặc lúc ông đến tán thì hỏng từ lâu rồi. Chỉ còn bộ quần áo này cho em thôi”.

“Tôi mặc hơi rộng, ngày mai phải kiếm một cái dây chuối buộc lại mới được”.

“Tốt nhất là buộc cho chắc vào”.

“Không chắc thì anh nhìn chắc?”.

Trần Lịch Xuyên cười: “Thanh niên trong làng nhìn”.

Tôi không nói nữa, anh ta cũng tắt đèn rồi đi ngủ. Lẽ ra sau một ngày dài trải qua đủ chuyện, chúng tôi sẽ mệt đến c.hế.t đi, đặt lưng lên giường là phải ngủ ngay, nhưng có lẽ vì lạ nhà nên mãi mà tôi vẫn không thể chợp mắt được.

Một lát sau, tôi mới hỏi Trần Lịch Xuyên: “Nếu không ra được khỏi thôn này thì phải làm sao?”.

“Sẽ tìm ra cách thôi, đừng lo”.

Tôi gật đầu, nghĩ nghĩ một lúc lại nói: “Anh nói trước đây từng hút thuốc phi.ện hai năm, là lúc nào?”.

“Lúc đi vác chì trên này”.

“Những người vác cùng rủ hút à?”.

“Không phải”. Trần Lịch Xuyên trầm ngâm rất lâu mới nói: “Lúc đó bị đá lăn vào chân, gãy chân nhưng chưa về được. Mấy người phu làm cùng mới bảo hút thuốc p.hiện để giảm đau, đợi đến khi xuống núi được thì nghi.ện rồi”.

“Bao nhiêu lâu mới xuống núi?”.

“Một tháng”.

Tôi vừa mới bị gãy chân, chịu đau từ sáng đến tối đã cảm thấy gắng gượng không nổi, còn anh ta năm đó phải chịu đựng ròng rã một tháng, không có thuốc phi.ện đúng là không tinh thần nào chống đỡ được.

Tôi hít vào một hơi thật dài, hỏi tiếp: “Sau đó thì sao?”.

“Hội phu vác chì đó hầu như nghiệ.n hết, quản lý mỏ chì sợ bọn tôi bỏ trốn nên dụ mọi người hút thuốc ph.iện cả, không ai bỏ trốn được. Cứ thế ngày nào cũng hút, hơn hai năm, không vác chì nữa nên tôi cai”.

“Cai khó lắm phải không?”.

Anh ta lại im lặng, đến khi nghe tiếng mưa rừng rả rích bên ngoài mới nghe được tiếng đáp lại: “Ừ”.

Ngừng một lát, Trần Lịch Xuyên lại nói: “Chỗ thuốc hôm nay em dùng không nghi.ện được, đừng lo”.

“Tôi không lo nghiện. Tôi chỉ cảm thấy có rất nhiều thứ về anh mà tôi không biết”.

“Sợ tôi à?”.

“Không”. Tôi quay sang nhìn anh ta, lần đầu tiên chủ động nói một câu: “Là thương”.