Làm Vợ Hai

Chương 12

Thẩm phán tuyên bố phiên tòa tạm nghỉ giải lao để hội đồng xét xử nghị án. Vừa rồi dốc sức chống trả một trận, thần kinh tôi cũng đã căng như dây đàn, thậm chí khát khô cả miệng cũng quên luôn uống nước, mãi đến khi hội đồng xét xử lui vào trong rồi mới có cảm giác thở phào.

Mẹ và bố tôi tranh thủ nhào lên chỗ anh trai nói chuyện, tôi hơi ngột ngạt, định ra ngoài kiếm một ít nước uống nhưng lúc đứng dậy lại thấy bên công ty Vạn Thịnh phát nước. Nói là tài trợ cho những người đến phiên tòa xét xử ngày hôm nay.

Tôi cũng được phát một chai nước mát, liếc mắt sang chỗ Trần Lịch Xuyên thấy anh ta đang cúi đầu xem gì đó trên điện thoại, vẻ mặt rất chăm chú, thỉnh thoảng đầu mày còn hơi cau lại.

Ở vị trí này, tôi có thể thấy rất rõ sống mũi của anh ta, rất cao và thẳng, sườn mặt cũng góc cạnh, yết hầu rõ ràng, vầng trán sáng sủa. Khi ngồi giữa cấp dưới, trông anh ta rất nổi bật, hoặc cũng có thể là do dáng người anh ta rất hoàn hảo nên dù có đứng ở đâu cũng sẽ trở thành điểm nhấn.

Rất đẹp, rất điềm đạm và toát ra hơi thở của một người chín chắn và lịch sự, giống như lời của Nhung nói.

Nhưng tại sao chồng tôi lại là kẻ thù của tôi chứ?

Tôi thở dài một tiếng, mở nắp uống một ngụm nước mát xong rồi quay đi, tiếp tục tranh thủ thời gian để nghiên cứu tài liệu. Lát sau khi bố mẹ tôi nói xong rồi, tôi mới đi về phía anh cả, gõ gõ tay xuống vành móng ngựa trước mặt anh ấy, khẽ nói: “Hôm nay anh biểu hiện rất tốt, em chờ thịt xiên nướng của anh”.

Anh cả nhìn tôi, mặt mày tỉnh bơ: “Chà, không biết là luật sư gia đình hôm nay lên tòa oai như vậy”.

“Lát nữa anh phối hợp tốt thì em còn có thể oai hơn đấy”. Tôi nhoẻn miệng cười: “Nhớ thành khẩn khai báo và xin thẩm phán giảm nhẹ hình phạt, biết chưa?”.

“Rồi rồi biết rồi, em lắm mồm quá”.

Tôi xùy một tiếng, vừa đứng thẳng dậy thì hội đồng xét xử cũng đi vào, mọi người nhanh chóng ổn định chỗ ngồi, xong xuôi thì tiếp tục bắt đầu phiên tòa.

Giai đoạn này, thẩm phán xét hỏi việc anh trai tôi đập phá tài sản của công ty Vạn Thịnh, thống kê số tài sản thiệt hại và hỏi anh cả có mục đích gì khi mang hu.ng kh.í đến đó để tìm Trần Lịch Xuyên, đồng thời đập phá đồ đạc.

Anh cả rất ngoan ngoãn nghe lời tôi, lễ phép trả lời thẩm phán: “Tôi với anh ta có mâu thuẫn, lúc đó uống rượu say vào tôi không tự chủ được hành vi, chỉ muốn tìm anh ta dọa một trận. Tôi không có ý muốn g.iế.t anh ta”.

“Mâu thuẫn của hai người là gì?”.

Anh cả không đáp, thẩm phán nhắc lại: “Mâu thuẫn của hai người là gì?”.

Anh cả quay đầu Trần Lịch Xuyên một cái, rồi lại liếc qua tôi, tôi đã dặn anh ấy nói đến chuyện hồi nhỏ của hai người, ý muốn thẩm phán hiểu theo hướng bọn họ ghét nhau qua những chuyện nhỏ nhặt nhưng không đến mức muốn g.iế.t. Tuy nhiên, đúng lúc này chị Nhu lại từ bên ngoài bước vào, làm thay đổi toàn bộ kế hoạch của tôi.

Chị Nhu không nhìn anh cả mà đi thẳng vào hàng ghế bên bị hại, ngồi xuống. Lúc đầu anh cả vẫn hy vọng chị Nhu đến vì anh ấy, nhưng thấy chị ấy ngồi gần Xuyên thì không khống chế được, đứng bật dậy hét to: “Thằng kh.ốn Trần Lịch Xuyên”.

Hai người công an lập tức gô cổ anh ấy lại, còn tôi, tôi nghĩ là công sức của mình xong rồi!

Tôi lập tức đứng dậy: “Thưa hội đồng xét xử, thân chủ tôi và tổng giám đốc tập đoàn Vạn Thịnh, anh Trần Lịch Xuyên có mâu thuẫn từ lúc nhỏ. Hai người có một quãng thời gian lớn lên bên nhau, không tránh khỏi mâu thuẫn từ những chuyện nhỏ nhặt. Nhưng không trầm trọng đến mức có thể g.iế.t nhau bằng hu.ng kh.í nguy hiểm như vậy”. Không còn con đường nào khác, tôi buộc phải quay lại nhìn Trần Lịch Xuyên: “Tôi nói có đúng không, anh Xuyên”.

Lúc nói mấy lời này, trong lòng tôi xác định chỉ có 50% hy vọng, mặc dù anh ta nói sẽ không nhúng tay vào vụ kiện này của anh trai tôi, nhưng lại cũng không nói là sẽ giúp tôi. Giờ tôi buộc Xuyên phải trả lời thế này, chưa chắc anh ta đã chịu nói những lời có lợi cho tôi.

Thế nhưng, rất may mà sau vài giây suy ngẫm, anh ta cũng gật đầu, nói: “Phải”. Trần Lịch Xuyên nhìn tôi, ánh mắt sâu thăm thẳm: “Không đến mức g.iế.t nhau bằng h.ung kh.í nguy hiểm”.

Nhưng anh ta có thể g.iế.t c.hế.t anh trai tôi bằng thủ đoạn, tôi hiểu ánh mắt anh ta muốn nói vậy.

Mà tôi cũng đã lường trước được điều này cho nên mới thêm vào năm từ: Bằng hu.ng kh.í nguy hiểm. Tôi dần dần đã học cách nắm bắt được tâm tư của Trần Lịch Xuyên, còn anh ta dần dần cũng hiểu được nhiều ý tứ của tôi và nhẫn nại với tôi hơn. Có thể nói, trong phiên tòa này chúng tôi phối hợp rất ăn ý, dè chừng vừa đủ, tấn công vừa đủ, cũng quyết liệt vừa đủ.

Thẩm phán nhìn không ra quan hệ của chúng tôi, chỉ quay sang hỏi anh cả: “Bị cáo có hối hận vì hành vi của mình không?”.

Anh tôi vẫn phừng phừng lửa giận nhìn Trần Lịch Xuyên, muốn há miệng nói Không, nhưng cùng lúc này tôi lại khẽ hắng giọng gọi: “Anh Vũ”.

Phía bên này còn có bố tôi, mẹ tôi, còn có cả tôi, tôi hy vọng anh tôi sẽ biết cân nhắc nặng nhẹ thay vì phá hủy cuộc đời mình vì tình yêu với một người không đáng, cho nên dù biết hành động này của mình rất phản cảm nhưng vẫn làm.

Thẩm phán nghiêm giọng nhắc nhở tôi: “Đề nghị luật sư của bị cáo trật tự, tôn trọng sự nghiêm minh trên tòa án”.

Tôi vội vàng xin lỗi: “Xin lỗi hội đồng xét xử, tôi sẽ chú ý ạ”.

Anh cả thấy tôi bị mắng, có lẽ vì việc thương tôi đã ăn vào máu của anh ấy nên lúc này cũng từ từ bình tĩnh lại. Anh ấy nhìn mấy người nhà tôi lủi thủi ngồi ở băng ghế dài một lượt, nhìn cả nước mắt của mẹ tôi, cuối cùng mới cúi đầu, nói một câu: “Tôi hối hận. Kính thưa thẩm phán, tôi rất hối hận. Mong thẩm phán xử nhẹ tội để tôi còn được về sớm chăm sóc cha mẹ già. Tôi chưa lấy vợ, lại là con trai duy nhất trong gia đình, tôi muốn làm lại cuộc đời, phụng dưỡng cha mẹ tôi”.

Lúc này, trái tim tôi mới được thả lỏng thật sự, cảm giác như khối đá đè nặng trong lòng rút cuộc cũng vỡ ra vậy.

Cuối cùng, thẩm phán tuyên anh trai tôi tội “Cố ý gây thương tích”, phạt tù giam 12 tháng, tuyên đền bù cho người bảo vệ kia số tiền hai trăm năm mươi triệu đồng, đền bù cho công ty Vạn Thịnh một trăm tám mươi triệu đồng. Mẹ tôi nghe xong thì òa lên khóc, bố tôi là người từng trải nên bình tĩnh hơn, cứ ôm lấy mẹ tôi nói: “Thế là tốt rồi, thế là tốt rồi. Một năm trôi qua nhanh thôi”.

Tôi nhìn anh cả, cũng muốn khóc, cũng muốn xin lỗi vì không thể cãi cho anh ấy được án treo, nhưng anh cả lại mỉm cười nói: “Cơm Nắm, em làm rất tốt rồi”.

Hai mắt tôi cay xè: “Anh cả”.

Anh tôi bị mấy người công an dẫn đi, lúc ra đến cửa còn ngoái đầu lại bảo tôi: “Cơm Nắm, chăm sóc bố mẹ cho tốt. Cơm Nắm, anh cả tự hào về em. Hôm nay em giỏi lắm”.

Tôi chạy theo anh ấy cho đến khi bị giải lên xe thùng mới thôi, sau khi chiếc xe ấy đi khuất rồi, tôi lại chui vào nhà vệ sinh, ở trong đó bịt miệng khóc, nước mắt rơi tung hoành không một tiếng động.

Ngày hôm nay tôi đã tận mắt chứng kiến thế nào là anh cả tôi một thời oai phong coi thường người khác, giờ chính thức biến thành tù nhân, đứng trước thẩm phán cũng cúi đầu nói ‘Tôi hối hận’.

Ngày hôm nay tôi đã tận mắt chứng kiến cha mẹ già của tôi ngồi co ro ở hàng ghế chờ bên bị cáo, người khóc đến sưng cả mắt, người thì bạc nửa mái đầu đau đớn nhìn con trai. Tiền không thế không, đơn độc chỉ biết dựa vào đứa con gái kém cỏi này.

Ngày hôm nay tôi đã tự đứng trên tòa tranh cãi biện luận cho anh trai tôi, mặc dù một năm đã là án phạt nhẹ nhất, nhưng giờ phút này tôi vẫn không tránh khỏi cảm thấy bất lực.

Gia đình tôi tại sao lại biến thành như ngày hôm nay chứ? Anh trai tôi đi tù, bố mẹ tôi phá sản, tôi làm vợ hai của người đã đẩy gia đình tôi đến con đường này. Tại sao chứ?

Tôi rất đau đớn, nhưng lại không hận nổi Trần Lịch Xuyên. Tôi biết so với nỗi đau của tôi thì anh ta mới là người phải gánh chịu tổn thương nhiều hơn, là gia đình tôi đối xử không tốt với anh ta trước. Nhưng nếu cứ thế này thì một ngày nào đó tôi cũng sẽ hận anh ta mất.

Lúc đó tôi cũng sẽ đỏ mắt nhìn anh ta, nói cả đời này tôi sẽ không tha thứ cho anh. Hận thù – thù hận cứ xoay vòng mãi. Cuối cùng chẳng ai thoát được khỏi vòng luẩn quẩn đó cả.

Nhưng tôi phải làm thế nào đây?

Tôi cứ trốn ở trong nhà vệ sinh khóc mãi, khóc mãi, khóc đến khi cảm thấy rơi nước mắt đủ rồi mới đứng lên, rửa mặt thật sạch rồi ra ngoài.

Tòa nhà hội trường xét xử đã không còn bóng người, chỉ có một mình tôi thất thểu đi trên hành lang. Lúc qua một ngã rẽ, đột nhiên lại thấy có một bóng lưng đứng tựa vào tường hút thuốc, đây là lần đầu tiên tôi thấy Xuyên hút thuốc. Nhưng anh ta cũng chẳng để tôi nhìn lâu, lập tức dập thuốc ném vào thùng rác gần đó.

Anh ta không hỏi tôi tại sao mắt lại đỏ, chỉ thở hắt ra một tiếng: “Về thôi”.

Tôi gật đầu, cũng không hỏi tại sao đến giờ vẫn còn đợi tôi, chỉ lững thững đi theo anh ta ra bãi đỗ xe, suốt chặng đường chẳng hé miệng thêm câu gì.

Cho đến khi xe chạy được một quãng, Trần Lịch Xuyên có nói với tôi: “Em nói lần đầu tiên thua kiện ở Pháp, em trốn vào một góc vừa khóc vừa uống rượu. Lần này lần đầu tiên tranh tụng ở Việt Nam, em thắng kiện nhưng vẫn khóc”. Anh ta dừng ở một ngã tư đèn đỏ, khẽ hỏi: “Khóc xong rồi, giờ có muốn uống rượu không?”.

Tôi nhìn anh ta, hốc mắt vừa hết đỏ giờ lại bắt đầu cảm thấy cay xè, cổ họng cũng nghẹn lại. Lúc ấy, trái tim tôi vừa cảm thấy ấm áp, cũng vừa cảm thấy bi thương, không rõ rút cuộc tình cảm của mình và Trần Lịch Xuyên cho đến cùng là cảm giác gì.

Mãi sau này tôi mới biết, đó là cảm kích, là yêu, yêu không lối thoát, yêu đến thảm thương, yêu đến giày vò, yêu đến bi kịch, yêu đến đau lòng!

Tôi quay đầu đi, lặng lẽ đáp: “Lần đầu tiên tranh tụng ở Việt Nam, tôi vẫn thua đó thôi”.

Anh ta cười, nói một câu rất giống anh cả: “Hôm nay trên tòa oai phong lắm”.

“Anh thấy thế thật à?”. Tâm trạng tôi vẫn không tốt, vẫn tiu nghỉu nhìn đường: “Lúc tranh luận, tôi vẫn run lắm. Còn quên cả mấy phần nữa”.

“Luật sư của tôi nói khung hình phạt nhẹ nhất của anh em là ba năm, em có thể khiến thẩm phán tuyên án một năm nghĩa là em rất giỏi”. Anh ta xoay bánh lái xe, giọng nói rất điềm đạm êm tai: “Trong một thời gian ngắn mà có thể thu thập được nhiều tài liệu giá trị phục vụ cho việc tranh biện như thế cũng là rất giỏi, không hổ danh tiến sĩ Luật ở Pháp. Hôm nay về sẽ thưởng cho em”.

Lần đầu tiên được khen như vậy, tôi có chút xấu hổ, lúng túng mấy giây mới hắng giọng đáp: “Thưởng gì cơ?”.

“Một chầu rượu”.

Tôi cười: “Ông chú gia trưởng không cấm vợ sa đọa nữa à?”.

“Chỉ một hôm nay thôi”.

Tôi bĩu môi: “Đúng là đồ gia trưởng”.

Trần Lịch Xuyên không đáp nữa, khóe miệng khẽ cong cong, ánh mắt chuyên chú nhìn về con đường phía trước. Lúc này đã là bốn giờ chiều, ánh nắng chói chang của mùa hè rọi lên gương mặt của anh ta, vẽ lên đó những đường nét sáng chói lóa. Đẹp như một bức tranh.

Phải rồi, từ nhỏ từng đường nét của Trần Lịch Xuyên đã rất đẹp, thậm chí mấy chị con gái cạnh nhà cũng thích anh ta, cả buổi đến chỉ nhìn Xuyên chứ không nhìn anh cả tôi, cho nên anh cả mới thường xuyên đánh anh ta để ra oai với mấy chị gái đó.

Tôi hít vào một hơi thật sâu rồi nói: “Cảm ơn anh”.

“Vì chuyện gì?”.

“Vì lúc đó đã đứng về phía tôi”. Là lúc trên tòa, tôi hỏi anh ta có phải không, rất may là Trần Lịch Xuyên đã nói phải.

Nhưng anh ta không thừa nhận, chỉ bảo: “Tôi không đứng về phía em, tôi chỉ nói sự thật”.

Tôi cười: “Ừ, là sự thật”.

Không lâu sau xe dừng lại ở một quán thịt nướng nho nhỏ, bên ngoài trông hơi chật chội và cũ kỹ nhưng rất đông khách, mới gần năm giờ chiều mà người ra vào đã kín bưng cả quán.

Tôi vừa bước xuống xe đã ngửi thấy mùi thơm lừng của thịt bay đến, từ vị giác đến dạ dày đều lập tức kêu réo òng ọc. Lúc này mới nhớ ra từ sáng giờ ngoài mấy ngụm nước của Vạn Thịnh phát cho, tôi chưa có gì vào bụng, đói đến mờ cả mắt rồi.

Tôi quay đầu hỏi Trần Lịch Xuyên: “Ăn thịt nướng ở đây à?”.

“Ừ”. Anh ta đáp: “Em muốn ăn gì thì vào gọi đi. Ngồi ở vỉa hè ăn cho thoáng”.

Tôi nghĩ ngồi ở vỉa hè ăn thế này có khác gì tôi mua thịt xiên nướng ở gánh hàng rong đâu, sao lúc trước anh ta không cho ăn mà giờ lại chủ động đưa tôi đến ăn?

Trong lòng tôi thắc mắc là thế nhưng nhìn thấy số thịt nướng thơm ngon kia thì cũng ngay lập tức quên phứt đi, nghĩ được ăn là tốt rồi, hơi đâu mà thắc mắc. Tôi sung sướиɠ gọi liền bốn năm đĩa rồi lại quay về ghế chờ, chỉ một loáng sau chủ quán đã bưng một khay đồ và vỉ than nướng đỏ au ra, cười tươi:

“Thịt đến rồi đây, thịt đến rồi đây. Thịt chỗ tôi là ngon nhất khu này đấy, còn sạch nữa, không có hàng đông lạnh đâu nhé”.

Ông chủ nào mà chẳng quảng cáo thế, tôi không tin, chỉ cầm miếng dưa dưới bàn nhai rộp rộp. Xuyên thì lại rất lịch sự, nhận xong khay thịt kia còn nói “Cảm ơn”, sau đó bảo tôi ngồi xa ra một chút.

“Cầm cả đĩa dưa sang kia ăn, than nóng, muội than bay vào mắt”. Anh ta nói.

Tôi bảo: “Tôi quên gọi rượu rồi. Anh uống rượu gì?”.

“Vodka đi, ngâm đá”.

“Được”.

Một lát sau, rượu được mang ra thì thịt cũng vừa vặn chín tới, Xuyên ngồi cắt thịt còn tôi thì rót rượu. Ly đầu tiên, tôi chúc anh ta:

“Chúc mừng chúng ta hôm nay lên tòa đều thành công. Bị hại được bồi thường, bị cáo được nhận bản án thấp nhất trong khung hình phạt”.

Trần Lịch Xuyên mỉm cười, cạn ly với tôi: “Chúc mừng luật sư của bị cáo bào chữa thành công”.

“Cảm ơn bị hại, cạn ly”.

Có những chuyện số phận sắp đặt rất buồn cười, ví dụ như bị cáo là anh trai tôi, còn bị hại là chồng tôi, ví dụ như vừa rồi còn tranh cãi nảy lửa trên tòa, bây giờ đã có thể cùng nhau ngồi uống rượu như thế này.

Tôi có rất nhiều điều muốn nói với người đàn ông kia, nhưng giữa tôi và anh ta có một hố sâu ngăn cách quá lớn, tôi không thể nào vượt qua được. Cả buổi, tôi chỉ có thể chúc Trần Lịch Xuyên hết chén này đến chén khác, ly thì chúc anh ta đã thành công, ly thì mừng anh ta có đã sự nghiệp vững vàng, ly thì lại cảm ơn vì bên Vạn Thịnh không tiếp tục làm đơn phúc thẩm.

Xuyên lặng lẽ uống hết mấy ly tôi chúc, lại gắp thịt cho tôi: “Uống nhiều rồi, ăn đi, không thì em sẽ say đấy”.

“Tôi say thì anh sẽ đưa tôi về nhỉ?”.

“Ừ”

“Thế anh say thì ai đưa anh về?”.

“Tôi gọi Taxi”.

“Lúc trước đã bao giờ anh say chưa?”.

“Rồi”.

“Lúc say hay nhớ đến ai?”.

Động tác của anh ta hơi khựng lại, Trần Lịch Xuyên ngẩng đầu nhìn tôi, rất lâu sau mới nói: “Nhớ đến người mà tôi không thể gặp lại được”.

Tôi nghĩ đó là cha mẹ anh ta, lòng phút chốc lại đau nhói: “Chắc anh buồn lắm nhỉ?”.

Anh ta không đáp, tôi lại tiếp tục lảm nhảm: “Lúc trước tôi uống rượu say hay nhớ nhà. Ở Pháp không chạy về nhà được. Bây giờ tôi say, có thể về nhà nhưng tôi lại không dám về”. Sống mũi tôi cay cay, tôi nhìn anh ta: “Người thân sống không tốt, tôi nhìn thấy sợ đau lòng không chịu được”.

Trần Lịch Xuyên rút một tờ khăn giấy, lau nước mắt cho tôi: “Em bảo tôi phải làm sao?”.

Tôi không dám nói ra câu “Đừng trả thù nữa”, vì như vậy quá không công bằng với anh ta. Trần Lịch Xuyên chịu đau đớn đủ hai mươi năm, nói anh ta vì tình thương đồng loại hay lòng nhân từ mà buông bỏ mọi thù hận, đổi lại là tôi, tôi cũng không làm được.

Sau cùng, tôi nói: “Người phải làm sao là tôi. Tôi sẽ thử tìm cách”.

“Ừ”. Anh ta đặt khăn giấy vào tay tôi: “Ăn đi”.

Tửu lượng của tôi không tốt lắm, uống hết nửa chai đã say rồi. Tôi cũng chẳng nhớ hôm đó mình nói với Trần Lịch Xuyên những gì, chỉ biết mãi đến khi trời tối mịt anh ta mới kéo tôi đứng dậy ra về, tôi nhìn đống thịt nướng, vẫn vùng vằng đẩy anh ta:

“Tôi chưa ăn xong thịt nướng”.

“Nguội hết rồi, về nhà ăn thứ khác”. Anh ta kiên nhẫn ôm lấy tôi, kéo tôi lại.

“Tôi không muốn ăn thứ khác, tôi muốn ăn thịt nướng. Hôm trước anh còn ném thịt xiên nướng của tôi. Anh phải đền cho tôi”.

Buổi tối quán vỉa hè rất đông khách, mấy người ngồi bàn bên kia thấy tôi kêu la làm loạn như vậy ai cũng nhìn. Xuyên cũng cảm thấy mất mặt, nhưng vẫn nhỏ giọng dỗ tôi: “Được rồi, về nhà rồi đền”.

“Anh đền cái gì?”.

“Đền thịt xiên nướng”

“Mấy xiên”.

“5 xiên”.

Tôi mím môi: “Không được, phải mười xiên”.

Có người nào đó nhẫn nhịn đáp: “Ừ, mười xiên”.

Tôi vỗ vỗ vai anh ta, hoàn toàn quên sạch mình là ai, vênh mặt đáp: “Mau ngồi xuống, cõng tôi”.

Hồi nhỏ thường là anh cả cõng tôi, anh ấy có rất nhiều tiền, mỗi lần tôi nói thích ăn kem sẽ cõng tôi ra phố, mua cho tôi ba cây kem đủ màu sắc, tôi để dành về nhà ăn, nhưng về đến nhà thì chỉ còn lại ba cọng gỗ, kem chảy ướt hết tay.

Tôi tiếc của nên khóc toáng lên, anh cả lại lật đật chạy đi mua kem. Mẹ tôi không dỗ được tôi, chỉ có Trần Lịch Xuyên bảo tôi trèo lên lưng, sau đó cõng tôi ra sau vườn đi bắt mấy con dế, lấy nó làm đồ chơi cho tôi.

Tôi rất thích dế, quên cả khóc, cũng quên cả mấy cái kem. Lúc anh cả cầm kem về thấy tôi đang nằm bò dưới thảm cỏ nghịch mấy con dế Trần Lịch Xuyên bắt thì bực bội dẫm c.hế.t chúng, còn mắng tôi: “Ai bảo em lại gần thằng mọi rợ đó hả? Còn chơi mấy đồ bẩn thỉu này nữa”.

Tôi nhìn mấy con dế bị dẫm thành một đống be bét, ấm ức nằm lăn ra đất ăn vạ: “Anh ấy không phải thằng mọi rợ, dế cũng không bẩn. Anh cả trả đây, trả dế cho em đây”.

Anh cả không thèm để tâm đến tôi, vứt kem, chạy lại đánh Trần Lịch Xuyên.

Kết quả là một tuần sau đó tôi không thèm nhìn anh ấy, anh cả không dỗ được tôi, cuối cùng lại bắt Trần Lịch Xuyên chạy ra sau nhà đào dế, mang ba con dế to tướng đến làm lành: “Cơm Nắm, đừng giận nữa. Anh cả bắt dế lại cho em này”.

Tôi thấy mấy con dế thì lòng đã mềm nhũn xuống rồi, nhưng vẫn giả vờ đáp: “Không cần”.

“Thôi mà đừng giận nữa, anh bỏ ba con dế này vào trong hộp cho Cơm Nắm chơi nhé. Buổi tối nó kêu cho Cơm Nắm nghe nữa”.

“Không cần”.

“Thế anh phải làm sao thì Cơm Nắm mới tha thứ?”.

Tôi quay lại nhìn anh cả, bắt anh ấy nói Trần Lịch Xuyên không phải đồ mọi rợ.

Anh cả đứng phắt dậy, nhất quyết không đồng ý, tôi vẫn lì lợm giận dỗi, cuối cùng nửa ngày sau cuối cùng anh cả phải chịu thua, không cam tâm hét to: “Thằng kh.ố.n đó không phải đồ mọi rợ, được chưa?”.

Tôi cầm hộp dế ném anh cả, sau đó cũng không thèm giận dỗi nữa…

Tôi say rượu, những ký ức mơ hồ vụt qua đại não, bỗng dưng lại có cảm giác những ngày ở quá khứ là những ngày tươi sáng nhất với tôi. Có anh cả chiều chuộng tôi, cha mẹ yêu thương tôi, Trần Lịch Xuyên cũng lặng lẽ đứng một góc nhìn tôi.

Nhưng hiện thực như bong bóng xà phòng, phút chốc đã tan vỡ, tôi nhớ đến bây giờ anh cả đang ở trong ngục tù liền khóc to: “Anh cả. Cơm Nắm không giận anh cả nữa, Cơm Nắm lấy dế. Anh cả mau mau về với em đi mà”.

Có người nào đó ôm lấy tôi, không nói gì hết, chỉ ôm thôi. Trên người anh ta có mùi nước xả vải trong lành, còn có cả mùi của rượu Vodka và sữa tắm, nhẹ nhàng êm dịu, cũng rất thơm.

Tôi vẫn lăn ra khóc, người ấy vẫn kiên trì ôm tôi. Một lúc rất lâu sau tôi mệt rồi, mới nghe giọng của anh ta nói: “Cơm Nắm, ngủ đi”.