Sắc Nét Chiến Cơ

Chương 19: Tái sinh

Ves xem lại chiếc CA-1A Nero của mình. Cậu không hẳn là tự hào với chiếc chiến cơ này, cho dù cậu học hỏi được rất nhiều từ chiếc Caesar Augustus trong khi lắp ráp nó. Những mẹo vặt mà cậu áp dụng cho chiếc Nero cũng chỉ giúp cậu chế tạo một chiếc Caesar Augustus tốt hơn thôi. Về mặt đó, coi như cậu cũng thành công phần nào. Khi Ves kiểm tra lại doanh thu của mình, cậu thấy chiếc Nero chỉ được bán duy nhất một lần với tổng giá tiền là 60.000 hiện kim mà thôi.

“Thôi thì mình cũng chả phải lo về khoảng tiền nguyên liệu thô cho mẫu thiết kế tiếp theo của mình nữa.”

Cậu cứ có cảm giác chiếc Nero của mình như một sản phẩm nửa mùa vậy. Giờ đây cậu đã trở lại với đầy ắp ý tưởng trong đầu, cậu liền muốn quay lại với mẫu chiến cơ này và nghiên cứu xem liệu cậu có thể chuyển hóa nó thành một chiếc chiến cơ cho phép phi công tiếp cận với yếu tố X hay không.

Ves kích hoạt Hệ Thống Thiết Kế Chiến Cơ và bật trang Thiết kế lên. Trang Thiết kế lưu trữ tất cả các thiết kế cũ của mình nên cậu dễ dàng tải bản thiết kế của chiếc Nero lên màn hình.

Cậu đưa ra nhiều sửa đổi dựa trên mục đích giảm giá thành và tăng độ hiệu quả của nó. Cậu coi chiếc Caesar Augustus chỉ là một cỗ máy không hơn không kém và sắp xếp lại các bộ phận bên trong mà không cần quan tâm đến cái cảm xúc huyền ảo không hề tồn tại của nó.

Ves không chắc cách làm việc như vậy có phải là cách tiếp cận chính xác hay không. Với kiến thức của cậu về yếu tố X, thì cảm xúc đóng một vai trò tối quan trọng. Mặc dù cậu vẫn chưa xác thực được cách tạo ra những cảm xúc này bên trong các cỗ máy khổng lồ, nhưng cậu vẫn có thể thử một vài suy đoán của riêng mình.

Đầu tiên, cậu giả thuyết rằng cảm xúc và mục đích của nhà thiết kế chiến cơ đóng một vai trò giúp kích hoạt yếu tố này. Nói cách khác, cậu phải truyền đạt cảm xúc của chính mình trong lúc thiết kế và cả lúc cậu tự tay chế tạo một chiến cơ. Lý do mà cậu nghĩ ra ý tưởng này bắt nguồn từ lúc cậu nhớ lại hoàn cảnh của mình khi thiết kế chiếc Luyến Thần.

Những nhà thiết kế lạnh lùng và khô khan khác hầu như không hề đặt chút đam mê nào vào thiết kế của mình, vậy thì làm sao lóe lên sự sống trong những chiến cơ này cơ chứ. Khi Ves thiết kế chiếc Bóng Ma, chiếc Du Mục và chiếc Nero, cậu chỉ tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa tổn thất của mình. Dù cậu luôn lạc quan với thành phẩm cuối cùng, nhưng cậu cũng không hẳn là đặt quá nhiều đam mê của mình vào công việc.

Mặc dù chiếc Luyến Thần có thể mang theo nhiều đồ chơi hàng khủng, nhưng nó đã được thiết kế dựa trên đam mê thật sự. Ves nhớ mang máng cảm xúc của mình trong lúc đó. Cậu trở nên phấn khích khi bán được sản phẩm đầu tiên và hoàn thành nhiệm vụ hướng dẫn thứ hai của mình. Cậu nhận được rất nhiều phần thưởng và nguyên liệu và cũng say sưa mua rất nhiều giấy phép bộ phận ảo. Với tâm trí tích cực lạc quan như thế, cậu liền bắt tay vào việc thiết kế một chiến cơ sặc sỡ để hiện thực hóa niềm vui và niềm đam mê tột độ của mình.

“Tất cả những điều này đều trùng hợp với cảm xúc của TheSeventhSnake khi thằng bé ấy thể hiện phong độ tốt nhất của nó.”

Ves nảy ra một ý tưởng táo bạo. Nếu như cảm xúc của nhà thiết kế, của chiếc chiến cơ, và của viên phi công mà kết hợp lại thì liệu nó có thể tạo ra yếu tố X hay không. Hầu hết mọi suy đoán về yếu tố X mà Ves đọc được đều chỉ tập trung vào chiến cơ và phi công của nó. Họ hầu như chẳng nhắc gì đến nhà thiết kế cả. Dù họ có làm thế đi nữa, họ chỉ vẫn tập trung vào mục đích vật chất của nhà thiết kế, chứ không phải nhu cầu cảm xúc của người ta.

Liệu thanh kiếm trong tay một chiến binh có tỏa sáng nếu như thợ rèn của nó chỉ chế tạo nó một cách qua loa thôi không?

Ves cũng không có bằng chứng nào hỗ trợ cho học thuyết của mình rằng bản thân người thợ rèn cũng góp phần không kém vào phương trình này. Theo những gì nhân loại đã biết, cảm xúc không phải là nguồn năng lượng hữu hình trong vũ trụ vật chất. Nội việc Ves có thể thiết kế và chế tạo chiếc Luyến Thần mà ngẫu nhiên thay lại vô tình phù phép nó bằng tà thuật hắc ám nào đó nghe thật là vô lý hết sức.

Không. Có lẽ bí ẩn nằm ở ý định và mục tiêu của cậu. Với cảm xúc mạnh mẽ của một nhà thiết kế chiến cơ hẳn đã mài giũa mục đích cao cả của cậu. Một chiến cơ được thiết kế để đấm xuyên qua thành trì của địch không chỉ sở hữu những chức năng vật lý giúp nó thực hiện nhiệm vụ đó, mà nó còn phải mang theo cái nhiệt huyết của nhà chế tạo nó nữa. Để rồi kết hợp với một viên phi công có cùng chí hướng, thì chiếc chiến cơ đó sẽ trở thành một sản phẩm kết tinh tinh thần của cả ba thực thể nằm trong cùng một cỗ máy này.

Để ban cho chiếc Nero một mục tiêu, Ves đầu tiên cần phải nhìn lại mục đích ban đầu của mẫu nguyên bản.

“Chiếc Caesar Augustus là sản phẩm tinh thần của một nhà thiết kế trẻ tuổi, được nuông chiều quá mức với mong muốn được phô trương bản thân.” Ves đúc ra kết luận khi cậu nhớ lại màn ra mắt của Jason Kozlowski. “Vào thời điểm đó, nó là sản phẩm toàn diện nhất ở thế hệ chiến cơ đương thời.”

Jason rõ ràng đã tung hết sức mình vào lúc đó. Tuy nhiên, anh ta sở hữu một thứ mà nhiều nhà thiết kế chiến cơ khác không có. “Anh ta cực kì đam mê thiết kế chiếc Caesar Augustus.”

Người thừa kế Công ty Động Học Hàng Không Quốc Gia đã đặt cược vào sản phẩm mà anh ta sẽ ra mắt trong vòng một tháng. Nếu Jason chỉ dành một tháng để sáng chế ra một mẫu thiết kế nguyên bản với vô số áp lực đè lên bản thân, thì cảm xúc của anh truyền tải vào tác phẩm của mình hẳn sẽ vô cùng sâu đậm.

“Mình đã khiến Caesar Augustus thất vọng.” Ves bất chợt nhận ra khi cậu nhớ lại thời điểm cậu chế tạo phiên bản ảo của chiếc nguyên bản và chiếc Nero. Mặc dù cậu lắp ráp chúng trong môi trường ảo, nhưng bởi vì hoàn cảnh ngoài đời thực của cậu đã khiến cho nỗi thất vọng và những khó khăn chồng chất mà cậu cảm nhận được hẳn đã bị rò rỉ sang thành phẩm của mình.

“Mình cần phải điều chỉnh tâm trạng của mình đã. Tái thiết kế chiếc Nero mà không cạnh tranh với niềm đam mê của Jason cũng chỉ mang lại một thất bại khác.”

Ves cảm thấy như thể cậu buộc phải bước lên sân khấu và bắt đầu diễn xuất mà không hề có chút kinh nghiệm nào. Thứ duy nhất cậu có thể làm là nhớ lại khoảng thời gian trẻ thơ và tươi sáng của mình, trước khi bước vào độ tuổi thiếu niên đầy âm u và tuyệt vọng. Cậu đã từng mơ ước được bước theo dấu chân của cha mình để trở thành phi công chiến cơ thực thụ, nhưng thực tế lại quá tàn nhẫn.

“Mình lúc đó thật ngây thơ. Nhưng lại hạnh phúc.” Cũng giống như cảm giác của Jason ba mươi năm trước khi anh ta vừa tốt nghiệp Estelon.

Tuy cậu khó mà hình dung được tâm trạng thời trẻ trung, ngạo nghễ của mình, nhưng Ves cũng phần nào gây dựng lại niềm tin vào bản thân. “Mình chẳng có gì vĩ đại để nhớ về hồi quá khứ cả, nhưng với sự trợ giúp của Hệ Thống, mình vẫn có thể mơ mộng những điều kỳ diệu mà mình sẽ được trải nghiệm trong tương lai.”

Đặc điểm chính của chiếc Caesar Augustus chính là toát lên sự tự tin tuyệt đối. Jason đặt niềm tin vào chiếc chiến cơ mà anh ta thiết kế là chiến cơ tốt nhất thế hệ đương thời. Nó vượt qua bất kì chiến cơ tiền tuyến hoặc chiến cơ tinh nhuệ nào khác trong cùng một phạm vi công nghệ bấy giờ.

Chỉ có những mẫu thiết kế thế hệ sau được các quốc gia bậc nhất bí mật phát triển, nghiên cứu cẩn thận mới có thể đánh bại nó trong một cuộc chiến công bằng, và những chiến cơ đó thường bị giấu nhẹm trước công chúng, chỉ được sử dụng trong những trận chiến khốc liệt nhất bởi các thiên tài của các đế chế rộng lớn thời bấy giờ.

Nói cách khác, chiếc Caesar Augustus có quyền được kiêu ngạo.

Sau khi kết hợp tâm trạng tự tin của mình với lối suy nghĩ kiêu ngạo và tự luyến đằng sau chiếc Caesar Augustus, Ves mới bắt tay vào điều chỉnh chiếc Nero. Đương nhiên, dưới góc độ cải thiện tính năng vật lý của nó, cậu chỉ có thể thực hiện một vài giải pháp hạn chế mà thôi. Cậu cũng chưa học thêm bất kì kỹ năng phụ nào khác kể từ lúc cậu thiết kế chiếc Nero. Cậu cũng không thể hoàn tác tất cả thành quả của mình bằng cách bắt chước Jason cho được.

Thay vào đó, cậu tìm cách mang lại sức hấp dẫn cho nó từ mẫu nguyên bản. Ban đầu Ves đã giải quyết được những điểm bất ổn trên áo giáp mà Jason đã đưa vào trên chiếc CA-1. Cậu từng coi chúng là những yếu điểm cẩu thả vô giá trị. Giờ đây cậu mới nhận thấy được đường nét tưởng chừng như vô dụng lại làm nổi bật tính cách độc đoán của nó.

Sau đó, cậu lại tập trung vào bên trong của chiến cơ. Những thay đổi mà cậu áp dụng để tạo ra chiếc Nero ban đầu chỉ là những sửa đổi tối ưu nhỏ lẻ. Nó giảm thiểu nguy cơ xảy ra lỗi thảm khốc và còn giúp cho cỗ máy dễ bảo trì hơn, nhưng ý tưởng cơ bản ở đằng sau những thay đổi đó đã khiến cho cỗ máy trở nên rụt rè hơn hẳn.

Cách Jason thiết kế chiếc CA-1 chính là tạo ra một cỗ máy tinh nhuệ, tập trung chủ yếu vào công lực mà không để tâm đến tính thực tế của nó. Ves đành phải dung hòa hai ý định trái ngược nhau bằng cách nào đó. Một là nhu cầu giảm thiểu độ khó trong việc bảo trì và sửa chữa cho chiếc Nero. Cái còn lại là bảo toàn tính chất hung hãn của chiếc Caesar Augustus.

Cách Ves quyết định áp dụng là hoàn tác một số thay đổi và triển khai một vài sửa đổi khác. Chiếc Caesar Augustus nhấn mạnh sự tự tin cao đến mức tưởng như muốn liều mạng. Còn chiếc Nero thì nhấn mạnh bản năng bảo toàn mạng sống của chính mình đến mức cảm giác như nó đã trở nên rụt rè và thấp hèn hơn nhiều. Cho nên, chiếc Nero Redividus phải tập trung vào khả năng kiên cường của hệ thống để đỡ đòn tốt hơn. Về cơ bản thì, Ves đã loại bỏ phần lớn sự kiêu ngạo vốn có trong mẫu nguyên bản của nó.

Do Ves cũng không thực hiện bất kỳ thay đổi trọng yếu nào, nên Ves liền cập nhật chiếc Nero của mình chỉ sau nửa ngày. Sau khi Ves hoàn thiện nét chấm phá cuối cùng, cậu để Hệ Thống đánh giá biến thể tái thiết của mình. Cậu khéo léo đặt tên nó là Nero Redividus, theo tên một huyền thoại hắc ám của một hoàng đế La Mã cổ đại đã sống dậy từ cõi chết. Ves thầm mong cậu đã thành công hồi sinh sản phẩm cũ của mình.

[Đánh giá Thiết kế: CA-1B Nero Redivivus.]

Tên biến thể: CA-1B Nero Redivivus

Bản nguyên gốc: Caesar Augustus CA-1

Nhà sản xuất gốc: Công ty Động Học Hàng Không Quốc Gia

Hạng cân: Hạng Trung-Nặng

Vai trò tiến cử: Tiên phong Tinh nhuệ

Giáp: A

Khả năng chuyên chở: C-

Thẩm mỹ: B

Độ bền: D

Hiệu suất Năng lượng: D+

Linh động: E

Hỏa lực: B+

Độ chắc chắn: E

Cơ động: D+

Thám thính: C-

Yếu tố X: E-

Độ lệch: 4%

Hiệu suất cải thiện: 3%

Đánh giá tổng quan: Một mẫu thiết kế tùy chỉnh hầu như không cải thiện gì mấy so với bản gốc. Mặc dù độ khó trong việc chế tạo và sửa chữa được cải thiện phần nào, nhưng biến thể này hầu như không mang lại lợi ích gì. Hiếm hoi trong số các biến thể khác, mẫu thiết kế này không loại bỏ yếu tố X của mẫu nguyên bản. Thay vào đó, nó vẫn giữ được sự hiện diện của bản gốc bên trong.

[Cậu nhận được 50 Điểm Thiết kế sau khi hoàn thành một thiết kế gốc của bản thân từ mẫu chiến cơ tiền hệ.]

[Cậu nhận được 100 Điểm Thiết kế sau khi thiết kế một chiến cơ sở hữu yếu tố X.]

“Tuyệt vời! Mình đạt được yêu cầu tối thiểu để nó hoạt động rồi.” Ves reo lên mừng rỡ, hạnh phúc vì cuối cùng mình cũng đã về đích sau bao nhiêu công sức mình đã bỏ ra. Số DP trời cho cũng giúp ích rất nhiều. Ít ra thì Ves cũng nhận được một số dấu hiệu cho thấy rằng Hệ thống đã xác nhận nỗ lực hình thành yếu tố X của cậu đã thành công. “Vậy mình đã không lãng phí thời gian của mình suốt mấy ngày qua.”

Ves đợi thêm chốc nữa, nhưng không có gì khác xảy ra. “Uh, Hệ thống. Tao làm xong nhiệm vụ rồi mà. Mày không thưởng thêm cho tao à?”

[Vui lòng tiếp tục lắp ráp mẫu thiết kế của cậu để hoàn thành nhiệm vụ]

Bất chấp những yếu điểm của chiếc Nero Redivivus, nó vẫn mang trong mình yếu tố X, nhưng thế vẫn chưa đủ. Cậu cần phải chứng minh sự tồn tại của nó bằng cách mang mẫu thiết kế ra ngoài đời thực.

“Tao khá chắc là nhiệm vụ nói rằng chỉ cần thiết kế một chiến cơ là đủ. Mày muốn tao hoàn thành hết từ đầu đến cuối à?”

Thôi thì tập luyện thêm cũng chẳng hề gì. “Vậy mình cứ làm luôn cho xong. Nhưng đầu tiên, mình cần sử dụng DP cái đã.”

Mặc dù doanh thu của các biến thể Fantasia đã có xu hướng giảm dần, nhưng tổng thời gian trôi qua cũng đủ để bán được hơn một trăm bản. Và tuy Ves mới bán một chiếc Caesar Augustus và một chiếc Nero, nhưng do chúng nằm ở hệ cấp cao hơn cho nên cậu lại thu được nhiều DP hơn. Cùng với lượng DP mà cậu nhận thưởng từ việc thiết kế chiếc Nero Redivivus, Ves đã tích đủ điểm để mua kỹ năng phụ Tối Ưu Hóa Giáp Hạng Trung I trong cây Kỹ năng.

“Mình thà mua nâng cấp cho kỹ năng Thành thạo Máy in 3D hơn vì mình vẫn gặp vấn đề chế tạo một vài bộ phận cho chiếc Caesar Augustus, nhưng mình thật sự cần phải học cách sử dụng áo giáp một khi mình nhận được giấy phép mới mới được.”

Dĩ nhiên đây là vấn đề về sự ưu tiên cho từng kỹ năng. Nếu cậu không cố gắng thành thạo hơn trong việc chỉnh sửa áo giáp, cậu có thể thất bại trong việc áp dụng lớp giáp mới cho chiếc Caesar Augustus. Lỡ như cậu mà làm hỏng thiết kế là coi như đi tong cái giấy phép.

Cậu kiểm tra lại Trạng thái của mình để xem có cái gì khác thay đổi không.

[Trạng thái]

Tên: Ves Larkinson

Nghề nghiệp: Chiến cơ Thiết kế gia cấp Học việc.

Chuyên môn: Không có

Điểm Thiết kế (DP): 74

Thuộc tính

Sức mạnh: 0.7

Độ khéo léo: 0.7

Sức bền: 0.6

Trí tuệ: 1.2

Óc sáng tạo: 1

Độ tập trung: 1.1

Năng khiếu Thần kinh: F

Kĩ năng:

[Lắp ráp]: Học việc – [Thành thạo Máy in 3D I] [Thành thạo Lắp ráp I]

[Kinh doanh]: Tập sự

[Tin học]: Vô dụng

[Kỹ thuật Điện dụng]: Học việc

[Toán học]: Vô dụng

[Cơ khí]: Tập sự – [Chế tác Ứng biến I] [Hiệu chỉnh Tốc độ I]

[Luyện kim]: Tập sự

[Phi Vật Lý học]: Vô dụng

[Vật lý]: Học việc – [Tối ưu hóa Giáp Hạng nhẹ I] [Tối ưu hóa Giáp Hạng Trung I]

Đánh giá: Tiến một bước vào cấp độ học việc.

Ngạc nhiên thay, cậu đạt được thêm chút lợi ích từ việc tập trung nghiên cứu này. Suốt thời gian cậu bỏ ra để tìm đọc và xem các cuộc phỏng vấn đã khiến cho Độ tập trung của cậu tăng 0,1 điểm. Những lý thuyết đa dạng nhưng nhỏ lẻ mà cậu tự học và tự đưa ra giả thuyết cho bản thân đều được Hệ Thống ghi nhận, dẫn đến sự xuất hiện của một kỹ năng phụ mới gọi là Phi Vật lý học.

“Có vẻ như mày thừa nhận rằng Phi Vật Lý học cũng có tồn tại.” Ves rụt rè đưa ra nhận xét với Hệ thống. Nó cũng chẳng buồn đáp lại.

Ves đành nhún vai rồi quay lại Cây Kỹ năng của mình và phát hiện nhánh Phi Vật lý học đang nằm trong điều kiện đặc biệt. Cậu có thể thoáng nhìn thấy biểu tượng của chúng, nhưng màn sương mù đã che khuất tên và phần mô tả mất rồi. Cậu cũng không thể tiêu DP để mở khóa chúng nữa. Có lẽ cậu không được phép gian lận để thành thạo yếu tố X rồi.

Điều này lại càng tăng thêm giá trị cho nó mà thôi.

Thôi kệ, cậu có thể tìm hiểu nó sau. Đầu tiên cậu cần phải chế tạo chiếc Nero Redividus để chứng minh giả thuyết của mình và hoàn thành nhiệm vụ đã.

“Đầu tiên, mình cần phải có tâm trạng phù hợp mới được. Mình không thể coi quá trình lắp ráp là việc đơn giản được đâu.”

Cậu bắt đầu chế tạo chiếc Nero mới tinh với tâm trạng tự tin và tin tưởng vào thành phẩm của mình. Làm được việc này suốt hàng giờ không phải là dễ. Ves thường xuyên nghỉ giải lao để giữ cho tâm trạng mình luôn sảng khoái. Thế nên cậu tốn gấp đôi thời gian để hoàn thành chiếc Nero Redivivus, nhưng sau khi đọc qua phần kiểm tra và chẩn đoán mẫu thiết kế thành phẩm, cậu nhận được một bất ngờ thú vị.

Bất chấp kỹ năng dò dẫm của cậu, chiếc Nero Redividus thật sự đã được cải thiện. Cấu trúc của nó có phần mượt mà hơn và không còn nhiều lỗi ảnh hưởng đến mức tiêu chuẩn nữa Sự cải tiến này đã hỗ trợ quá trình lắp ráp, giúp giảm thiểu thời gian mà Ves phải sắp xếp các bộ phận lại với nhau thành sản phẩm cuối cùng.

“Cuối cùng cũng xong.” Ves thở dài thườn thượt. Cậu ghé qua trang cửa hàng của mình, xóa mẫu Nero đầu tiên khỏi danh mục và thêm chiếc Nero Redividus để thế chỗ cho nó.

Hệ Thống cuối cùng trao Ves phần thưởng xứng đáng.

[Chúc mừng cậu hoàn thành nhiệm vụ. Con đường học hỏi yếu tố X vẫn còn dài và đầy chông gai. Có rất nhiều đích đến ở cuối chặng đường này. Cứ tin tưởng bản thân và tiến tới đích dành riêng cho cậu.]

[Cậu nhận được vé rút thăm ngẫu nhiên cho giấy phép sản xuất áo giáp hạng trung 10-năm. Vui lòng truy cập trang Rút Thăm để đổi vé của cậu.]

[Cậu đã nhận được gói nguyên liệu thô cho áo giáp hạng trung 200 tấn. Vui lòng truy cập Kho đồ để mở gói hàng.]

Ves tràn ngập niềm vui sướng. “Gần đây cái may mắn chó gặm của mình quá là bi đát. Lần này mong ông trời bồi thường cho mình. Mong là đừng có gặp cái chùa nào nữa.”