Tiêu Tương Cô Tịch

Chương 25: Hoa rơi hữu ý

- ---------------------

Nghe tin Cục Tuyết bế quan, tôi buồn buồn tủi tủi.

Dẫu sao, lần đầu đến Thanh Khâu xa lạ, tôi và Tiểu Chước chẳng biết đi đâu cả. Hơn nữa, có Di Phong ở đây, việc tìm gặp Cục Tuyết cũng không phải chuyện khó. Chỉ cần chờ đợi chàng xuất quan là được.

Năm năm tháng tháng, tôi chẳng biết mình sẽ tiếp tục chờ đợi đến bao giờ. Bởi vì thần tiên mỗi khi bế quan đều vô cùng nhẫn nại, có người quy ẩn hơn trăm năm vốn lẽ là chuyện thường. Nhưng tôi thầm cảm thông cho chàng, vậy nên không cần thiết phá tanh bành cái hang động đó nữa.

Nghĩ đến tháng năm dài vô tận, một kẻ vô công rồi nghề như tôi thật sự quá nhàm chán. Lại nhìn dáng vẻ nhàn nhã uống trà của Di Phong, một tay nâng lên tách hổ quang, tay kia mân mê chùm hoa tuyết, dưới gốc lê đặt một ấm hồng trà thơm phức, tôi sầu thêm mấy phần.

Một lúc sau, hít hà hương vị trà mê hoặc, tôi vui vẻ chớp mắt: “Tôi từng đọc sách, thấy người xưa có câu ‘Nhất bôi xuân lộ tạm lưu khách, lưỡng dịch thanh phong kỷ dục tiên’ (Một chén trà xuân tạm giữ khách, cuộc sống thanh bạch muốn thành tiên). Công tử đã là tiên, vậy muốn giữ chân khách, có thể mời tôi một tách trà hay không?”.

Tôi không giỏi chữ nghĩa, chỉ thấy tài chèo lái của mình có tiến bộ hơn hẳn: “Hơn nữa, tôi thấy thưởng thức trà cũng có vẻ thú vị”.

Nâng cốc trà ngang cằm, Di Phong thoáng nhìn tôi. Đôi mắt hạc dao động: “Cô nương thấy mình đang là khách?”.

“Đúng vậy. Thanh Khâu này đâu phải tôi khai phá, núi Tiêu Tương đâu phải tôi mở đường? Đương nhiên tôi là khách”.

“Thật tình, nếu theo lời của cô, lại là ta phi lễ. Ta vốn dĩ đâu hề coi là vậy”.

Di Phong nhàn tản nhấp thêm một ngụm nước, nâng tay phủi hoa trên vai áo. Giữa tảng đá, một chiếc tách hổ quang đặt vào bàn tay tôi. “Nhưng mà, nhìn tướng số của cô, ta không nghĩ cô nương lại có thú thưởng trà”.

Tôi uống mãi, uống mãi đến khi cạn đáy ấm, cuối cùng vui lòng ngẩng mặt lên: “Công tử nói đúng lắm, tôi chẳng bao giờ có hứng thú thưởng trà. Chẳng qua, ngồi nhìn công tử chậm rãi thế, trong lòng nhất thời sinh ra nỗi sốt ruột, nên uống thay công tử cả thể vậy”.

“…”.

“Dẫu sao, mỗi ngày đều thưởng trà cũng là một cách hữu hiệu dùng để gϊếŧ thời gian”. Nhớ lại chuyện lúc sáng, tôi ngẫm nghĩ. Bây giờ Di Phong đã trở thành tân thái tử Hồ tộc rồi, bất luận ra sao không phải trai ế nữa, ngược lại, các nữ nhân Thanh Khâu mà biết tôi ngang nhiên sàm sỡ vị thái tử của họ, nhất định sẽ nghiền tôi ra cháo. Một vài người thì tôi chẳng e ngại, nhưng cả đoàn người cùng thay trời hành đạo, chắc chắn phải lưu tâm. Không chừng, tôi sẽ bị đuôi hồ ly làm hắt hơi đến chết.

Tự dưng hơi chột dạ: “Công tử yên tâm, tôi chẳng bỏ của chạy lấy người được đâu. Chuyện vừa xong, là do tay của tôi vô tình không chủ đích, nếu làm tổn hại thanh danh của công tử, cùng lắm thì tôi chịu trách nhiệm là được. Nhất ngôn cửu đỉnh, ít nhất cho tới khi…”

“Ba ngày…”. Tôi đang định nói tiếp vế sau, theo suy đoán thì biết đâu Cục Tuyết sẽ bế quan lâu lắm. Nhưng, Di Phong đã cắt ngang lời tôi, trong ánh mắt đều là sự trầm tư không rõ.

“Đại ca chỉ bế quan ba ngày. Bởi ngày mai, là ta phải đấu với huynh ấy”.

Hồ ly đều chịu lạnh rất giỏi, hơn nữa Di Phong là người ưa lối sống an nhàn. Vì vậy, khi còn là Nhị hoàng tử Thanh Khâu, thay vì chọn đình viện xa hoa, hắn đã ở Tiêu Tương sơn này rồi.

Ẩn hiện trong rừng hoa lê có một ngôi nhà sàn trúc cao ngất, khuôn viên xanh tươi mát mẻ, muốn lên phải đi cầu. Ngôi nhà ấy nằm ở cuối cây cầu trúc cheo leo, mỗi khi băng qua cầu sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh hoa rơi phủ kín lối, tựa như thảm nhung tuyết, cánh hoa xoay tròn trên mặt suối như thơ. Còn có tiếng gió ngàn vi vu, đượm hương trúc và mưa bụi thanh mát.

Nghe nói năm xưa, chính Di Phong tự tay chặt trúc để dựng nhà, chọn làm nơi quy ẩn của hắn. Bấy giờ, tôi mới cảm thán bản thân thật sáng suốt, bởi vì lúc đến Tiêu Tương đã không tò mò leo hết cây cầu dốc đứng, còn dài dằng dặc đó. Chẳng có gì đặc biệt.

Tuy thế, căn nhà đứng giữa sắc hoa thoạt nhìn lại nhỏ xinh vô cùng, tôi cũng không rõ vì sao những gốc lê và cả rừng trúc quanh đây lại cao lớn đến vậy. Di Phong chỉ giải thích, dựng nhà phải phong thuỷ mà thôi.

Ánh sáng của viên dạ minh châu hắt nhẹ lên cửa sổ, tôi trằn trọc không sao ngủ được.

Khẽ bước chân xuống giường, đây là trên lầu hai, gió đêm lùa qua rèm lụa, mang theo mùi hương hoa dịu dàng. Bóng tối trùm lên rừng lê một tấm trường bào đen tịch mịch.

Tuy Thanh Khâu đã ước định ngôi vị thái tử, nhưng màn tranh tài ngày mai tất không thể tránh khỏi.

Thông thường, ba ngày sau khi vừa đăng vị, tân thái tử sẽ phải trải qua một thử thách sống còn: tỉ thí tiên thuật với các hoàng tử khác. Chỉ cần người đó trăm trận trăm thắng, có bản lĩnh phá giải được bí cảnh thất truyền, sẽ vinh dự kế thừa ấn ký tiên diễm độc nhất vô nhị dành riêng cho thái tử Hồ tộc, tăng thêm cả đạo hạnh, từ xưa đến nay càng cao quý muôn phần.

Những hoàng tử còn lại không có khả năng nhận tiên diễm, nhưng thắng trận, hiển nhiên tu vi được tăng thêm. Có lẽ, Cục Tuyết định tranh thủ cơ hội hiếm có này để phục hồi tu vi, vậy thì tôi nên cầu chúc cho chàng.

Sau loạn yêu tinh hơn năm vạn năm trước, chưa một vị thái tử nào vinh hạnh có tiên diễm Hồ tộc. Nếu tính ra, trong vòng hai mươi vạn năm qua cũng chỉ duy nhất có một người xuất chúng, tiếng thơm lưu lại trong thiên sử. Sở dĩ, tiên diễm ấy tượng trưng cho quyền lực tối thượng, bởi người sở hữu nó thừa sức thống trị hồ ly khắp bốn bể tám cõi, cho dù là hồ ly ngoài lãnh thổ Thanh Khâu, một tay che mệnh trời.

Gió vẫn xào xạc thổi, đêm lạnh càng sâu hơn.

“Cục Tuyết, tôi không sao ngủ được. Ngay lúc này, chàng cũng đang thức giấc, phải không?”.

Chỉ là lời độc thoại, vốn dĩ không tiếng người hồi đáp. Tôi nhìn cây cầu trúc sâu thẳm, cứ thế đêm dần tàn…

***

Trang Chu mộng điệp, sáng sớm tinh mơ, tiếng suối chảy xa xa khiến tôi chợt bừng tỉnh.

Giữa ban công sương mờ, tôi thấy thấp thoáng một bóng người đang ngồi tựa trên ghế. Chiếc đèn l*иg ven cửa lay lắt, nghiêng ngả theo cơn gió, người đó mặc y phục màu xanh men ngọc, tà áo dưới thân thêu hoạ tiết trúc diệp, là một chàng công tử phong nhã, ôn hòa như ánh trăng.

Phải rồi, tôi đang ở Thanh Khâu thơ mộng - quê hương của Hồ tộc. Đây là núi Tiêu Tương, bên trong Sương Hồ cốc, còn có một ngôi nhà sàn trúc nữa… nam nhân trước mắt tôi chính là tân thái tử.

Trước kia, trong đám bằng hữu bám bụi lâu năm của Nguyệt Lão, tôi đã từng gặp qua mấy nam nhân Hồ tộc. Những hồ tiên đó mỗi người một vẻ, nhưng đa phần mang nét đẹp yêu mị hoặc mê hoặc chúng sinh, các tiên nữ không ai rời khỏi mắt. Thậm chí các nàng còn vui vẻ cá cược, đoán xem thái tử Thanh Khâu nhìn yêu mị cỡ nào.

Tiếc là, dáng vẻ nho nhã của Di Phong chẳng liên quan gì cả.

Lại nói, Di Phong dường như rất hợp với áo tím nhạt và màu xanh men ngọc. Khi đặt chân đến đây, tôi để ý rằng tủ quần áo của hắn ở trên lầu ba chủ yếu là hai sắc màu đó. Còn tôi chỉ ưa chuộng màu thanh thiên dịu mát, có đôi khi tôi diện màu be sữa nhẹ nhàng.

Có quãng thời gian bảy năm sống ở Nguyệt Chi quốc, tôi đã thấy nhiều thi nhân làm thơ mơ mộng về tiên cảnh Thanh Khâu.

Vậy nhưng, khi đặt chân đến đây, tôi lại thấy những vần thơ đó đơn thuần không sao lột tả hết. Thơ ca thường cao siêu thoát tục, đôi khi mang đậm chất phi lý, vậy nên chẳng ai nói, sáng sớm ở Thanh Khâu khiến người ta buồn ngủ.

Bình minh còn chưa tới, Di Phong biến thành một ngọn gió, kéo tay tôi lôi đi.

Thực ra ban đầu tôi ngủ gật mấy lần, thế nhưng tâm lý sợ bị thả xuống khiến tôi không dám làm bậy nữa.

Mỗi nơi Di Phong đi qua đều có gió nhẹ thổi, sóng trúc xanh mượt lay động dưới chân tôi. Ven bìa rừng, đàn bướm hoa ùa ra, sương đêm đọng trên lá còn chưa kịp tan hết. Tôi xoè tay, thích thú ướm thử vầng thái dương đỏ rực nhô lên từ đằng đông, tựa như một nụ mai đỏ đang vươn mình trong tuyết. Quang cảnh này dường như giống những buổi sáng tinh khôi ở trong phủ Nguyệt Lão, tôi nằm trên thảm mây màu đỏ, ngước nhìn Cửu Trùng Thiên cao cao sáng rỡ khắp tầng trời.

Nơi ấy có Nguyệt Lão, có Vũ Vũ, có tơ hồng… và tuổi xuân của tôi.

Thuở xưa tôi trẻ người non dạ, một bụng không ưa gì Nguyệt Lão, vậy mà giờ đây lại rất muốn trở về.

Sau khi dạo một vòng ngắm cảnh, Di Phong đưa tôi quay trở lại Tiêu Tương. Núi Tiêu Tương bao gồm ba đỉnh lớn, ngoại trừ đỉnh nằm giữa(*), cao và hẹp nhất chính là đỉnh đầu tiên, non xanh như chọc xuyên màn trời.

(*): Có rừng hoa lê và rừng trúc, nơi ở của Di Phong.

Cưỡi gió từ đằng xa, bây giờ tôi mới có dịp được tường tận chiêm ngưỡng. Vốn dĩ, không để ý trên đỉnh non cao đó, ẩn trong đám mây dày đặc chính là một phiến đá xanh khổng lồ.

Giữa mặt đá, hàng chữ cổ ‘Tiêu Tương sơn’ được khắc rất trang trọng, uy nghiêm. Dường như từng nét chữ, nét mực đều quy tụ bao dáng vẻ sông núi. Nhìn những vết rêu và trầm tích đã nhuốm màu thời gian, tôi nghĩ, phiến đá này phải tồn tại ở đây rất lâu, rất lâu rồi.

Nhưng mà… đây mới là cửa núi, vậy thì hôm qua tôi dắt Tiểu Chước lên nhầm đường, hi hi.

“Mỗi buổi sớm bình minh, ta đều ở đây để tịnh tâm một chút. Yên cô nương, cô xem Thanh Khâu này nhìn có đẹp hay không?”.

Tôi ngẩn ngơ nhìn xuống. Ở độ cao này, rất dễ dàng chiêm ngưỡng toàn tiên cảnh Thanh Khâu.

Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu(**)… giang sơn thu lại trong tầm mắt, tôi thấy dòng xuân thuỷ tươi mát như hàng mi uốn lượn, biết bao toà tiên sơn đang nép mình trong đó. Xa xa, có cánh buồm ngoài khơi cô độc, lặng lẽ xuôi theo những bãi bồi bên bờ. Gió hát khúc trường ca, khói tía và sương mù toả ra từ trăm nghìn rặng núi, xoá nhoà cả tầm nhìn.

Dường như Thanh Khâu đang nhẹ nhàng thức giấc.

Sớm bình minh năm ấy, phải chăng tâm trí tôi vẫn còn nhớ rõ… giữa ráng hồng chiếu rọi đỉnh Tiêu Tương, Di Phong gảy khúc nhạc ‘Cao sơn lưu thuỷ’ âm vang mà tuyệt mỹ. Ẩn sau làn hoa khói, một đôi uyên ương hồng hạc đang múa lượn trên bầu trời sâu thẳm. Chàng ta ngoảnh đầu cười, mặc cho gió thổi phồng tay áo. Cứ êm đềm như thế, tiếng đàn ngân vang mãi, vang mãi, xuyên qua mấy tầng mây…

Trong tiếng đàn, giọng của ai nhẹ như gió thoảng.

“Yên cô nương, từ giờ trở đi, hãy coi Thanh Khâu này là quê hương của nàng”.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị? Yên ba giang thượng sử nhân sầu(***), thứ gì là quê hương?

Tôi ngửa mặt lên trời, không hiểu vì sao nước mắt đột nhiên rơi.

Biệt tài của Di Phong là gảy đàn gọi gió, đôi khi thông qua tiếng gió ấy có thể cảm nhận vạn sự trong nhân gian, muôn vàn tâm sự của thế nhân cũng vậy. Bởi vậy, đối với tôi, công tử ấy mới nói những câu động lòng người như thế.

Mà nam nhân cạnh tôi luôn điềm nhiên như nước, rốt cuộc không thấy hắn lo lắng, cũng không đả động gì về chuyện tỉ thí chiều nay. Cả buổi trưa, tôi luôn tỉnh như sáo, đến khi tỉnh dậy đã quá nửa buổi chiều.

Tôi hớt hải chạy ra ngoài, đã thấy hai tiên nga đứng canh bên thành cầu: “Cô nương, bên ngoài không được tiện! Thái tử căn dặn cô ở đây đợi người”.

Chẳng kịp đôi co nhiều, tôi điểm huyệt ngủ cả hai người bọn họ, nhảy lên mây đi mất. Coi như trả đũa chuyện Di Phong lén lút điểm huyệt ngủ của tôi.

Phía bắc Thanh Khâu có một thung lũng ngập cỏ thơm, rất đông tiên nhân đang kề vai quần tụ. Tôi đưa mắt nhìn quanh, vẫn không thấy bóng hình Cục Tuyết. Chỉ biết để đảm bảo công minh, an toàn, đám tiên nga nói rằng thái tử và Đại hoàng tử đều được thả vào một huyễn cảnh trong suốt. Sau khi trận đấu này kết thúc, huyễn cảnh sẽ tái hiện lại chân thực trước mặt các chúng tiên.

Tôi không biết phải làm gì, chỉ âm thầm đánh giá cao sáng kiến của Hồ tộc. Có lẽ, bọn họ sợ nát bấy đám hoa cỏ quý xung quanh mà họ đã mất công gieo trồng. Bất chợt, tiếng kết giới bị vỡ cùng một tiếng nổ vang khiến tôi giật nảy mình, trên không trung không rõ là ai đang rơi xuống.

Bóng áo màu men ngọc… người đó là Di Phong.

Vẫn là con người đó, ôn nhuận như ngọc, thanh tao như trúc, ưu nhã tựa lan, thế nhưng trong giờ phút như này, tôi không thấy được vẻ nho nhã mọi khi của hắn nữa. Thêm một tiếng chói tai, hắn nửa quỳ tiếp đất, ở nơi khoé miệng nôn ra một ngụm máu đỏ thẫm. Điều kinh sợ hơn cả, chuỗi ám khí đâm ở cổ Di Phong chỉ chút ít nữa thôi sẽ cắt ngang động mạch, máu tràn ra ướt đẫm cả vai áo. Tiếp theo một tràng ho sặc sụa, bao gồm cả máu tươi.

Còn Cục Tuyết? Tôi hốt hoảng nhìn lên, ngay sau đó bắt gặp ánh mắt lạnh như băng của chàng.

Vân Phi.

Chàng thản nhiên hạ xuống, quét ánh mắt nhìn xung quanh một lượt, tầm mắt ấy lướt qua tôi tựa như người xa lạ, thậm chí lạnh buốt khiến người ta rùng mình. So với trận huyết chiến nằm bên bờ Thiên vực, đây là lần đầu tiên tôi thấy chàng hạ thủ còn vô tình hơn thế. Cõi lòng tôi lạnh toát.

Cục Tuyết mà tôi biết, ngay cả một Triêu Hoàng ngốc nghếch đòi tỉ thí với chàng, chàng vẫn điềm đạm không chấp nhặt với gã. Khi Thừa Ức muốn hạ độc hại chàng, cùng lắm chỉ bị treo vài ngày. Hai người lạ như họ chưa một ai mất mạng, chàng chính là kiểu người sống ôn hoà như thế, bình tĩnh nhưng vẫn rất bao dung. Không phải người đã kề dao vào cổ tôi năm ấy, không phải, càng không phải người nổi ý muốn thủ tiêu Di Phong để đoạt lại tiên vị…

Cục Tuyết thắng rồi, nhưng tôi lại run sợ cả chàng.

Chưa kịp để tôi định thần lại, chàng bẩm báo gì đó với hai người đang ngồi trong thuyền hoa, rồi xoay người đi mất. Sau ấy, Chiêu Từ Đế Phi bước ra khỏi thuyền hoa, chỉ ra lệnh đưa thái tử trở về. Chẳng ai thăm nom Di Phong cả, chiếc thuyền cũng vội vàng rời đi.

Chỉ còn vài tiên nga phụng sự, tôi mông lung bước lại gần Di Phong, bước chân nặng nề như có ngàn tảng đá. Vừa thấy tôi xuất hiện, đồng tử hắn co mạnh: “Tịnh… Cô nương, cô tới đây làm gì?”.

Ra là định gọi tên của tôi.

Tôi buồn bã lắc đầu: “Rõ là công tử đang rất đau, còn gắng gượng như thế?”.

Di Phong im lặng, dường như có tia sáng mềm mại len lỏi trong mắt hắn. Đôi mắt Di Phong đột nhiên trở nên rất trầm lặng, như mặt nước Tây Hồ mênh mông khói sóng, khiến người ta vô thức nín thở, muốn chết chìm trong đó.

“Đừng cử động, coi chừng vết thương càng lúc càng nặng hơn”. Sống mũi tôi cay cay, đành cố nén một hơi thật sâu để nói tiếp: “À, lại quên không thông báo. Có người ban nãy tự ý điểm huyệt ngủ của tôi, công tử nghĩ xem, tôi nên trả đũa họ thế nào?”.

“Vậy sao?”. Di Phong toan phì cười, máu tươi lại chực trào không ngớt. Tôi nhìn gương mặt giống Cục Tuyết thở ra: “Ta biết rằng, hai tiên nga không thể ngăn cản cô nương được”.

“Đúng, bọn họ không cản bước được tôi. Chữ ‘Yên’ trong tên tôi là khói, mà khói thì tản mác mơ hồ, vô tung vô ảnh, mấy ai nào quản được?”.

“Tịnh Yên…”, như nghĩ ra được thêm điều gì, Di Phong bình thản nhắm mắt lại, lau đi vệt tơ máu ngang cằm. Cuối cùng lại bất ngờ thổ huyết, những đốm máu loang lổ khiến mắt tôi chợt hoa lên: “Trận này ta thua rồi. Nhưng cho dù kết quả thế nào… ta là người giữ tín, cô nương còn là khách của ta, chắc chắn sẽ có người quay về căn nhà trúc tìm cô”.

Nói ra những lời này, Di Phong đã mất hết khí lực, bóng áo xanh khuỵu xuống như vách núi đổi dời.

Sau trận tranh tài ấy, Di Phong phải ở ngôi nhà trúc mấy ngày để tịnh dưỡng. Đến sáng ngày thứ năm, khi tôi xuống thung lũng hái thảo dược, tình cờ gặp một đám tiên nga đang thì thầm bàn tán.

Tiên nga ôm chậu nước nói nhỏ: “Không ngờ đã qua năm ngày rồi, tôi vẫn còn sợ hãi. Thái tử và Đại hoàng tử xưa kia ra trận cùng Đế Quân cũng nhiều, nhưng tôi chưa từng sợ đến vậy! Các cô thử nghĩ xem, hôm trước hai người họ đối đầu ác liệt đến thế, có phải vì… khi xưa Vân Phi được phong vị thái tử, Di Phong từ chối tỉ thí tiên thuật không?”.

“Có thể chứ. Hơn nữa một trăm năm về trước, thái tử Vân Phi bị phế truất, mấy ai mà không hề ôm hận?”.

“Nhưng người sai là phế thái tử Vân Phi, năm ấy, Đế Quân cũng đã rất tức giận. Dường như thái tử Di Phong được lòng người nhiều hơn, dịu dàng lại điềm đạm, tiếc là chẳng hiểu sao Đế Phi không ưa chàng ta lắm. Ai cũng thấy bà ấy ưu ái Đại hoàng tử hơn hẳn”.

Một người dè dặt đáp: “Đừng nói bậy. Bình thường hai người họ có quan hệ khá tốt, nhưng chuyện tranh đấu đâu thể nào nhân nhượng, huống hồ là sự kiện trọng đại. Chúng tiên đang tái hiện lại huyễn cảnh hôm đó, kết quả sẽ sớm truyền ra thôi”.

“Tuy tôi thích Vân Phi, nhưng phải công nhận rằng, trận tranh tài này không công bằng cho lắm. Huống hồ thái tử Di Phong… thái tử vừa mới như vậy mà…”.

Tôi dỏng tai, muốn nghe lỏm thêm chút, thế nhưng, mấy tiên nga đó nghe có người ở đâu đi đến, vội im bặt không nói thêm gì nữa.

Tiểu Chước là linh vật hóng hớt giỏi nhất mà tôi có bên mình. Đang ngồi dưới gốc lê, con chim ấy từ đâu vội đáp xuống đầu tôi: “Chủ nhân, kết quả trận đấu vừa được truyền rộng rãi ra toàn thể Thanh Khâu rồi! Tiểu Chước vừa đi hóng được chút, người không tò mò sao?”.

Tôi ngáp dài, tỏ vẻ không quan tâm đến nữa. Mới phất tay định cho nó ẩn thân, Tiểu Chước đã vội tuôn ra hết: “Chủ nhân, mọi người luôn nghĩ là Đại hoàng tử đã thắng, nhưng tất cả lầm rồi! Nếu ám khí của Vân Phi suýt cắt đứt động mạch của Di Phong, thì… thì chiều hôm ấy Vân Phi trở về, mới phát hiện sau gáy mình cũng trúng một chuỗi ám khí bén nhọn, ám… ám khí đó của thái tử Di Phong, chỉ chút ít nữa thôi sẽ đâm vào tử huyệt! Thế nên trận đấu ấy vốn bất phân thắng bại!”.

- -----------------------

(**): Bài thơ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng - Lý Bạch.

(***): Bài thơ Hoàng Hạc lâu - Thôi Hiệu.