Xuyên Không Trở Thành Lão Thái Thái

Chương 33: Phiên ngoại về cuộc đời của lão Quốc công (Phần 1)

Phụ mẫu ta mất sớm, đường bá và đường bá mẫu đã nuôi lớn ta. Đường bá của ta là người đọc sách, nhưng ông ấy không muốn tham gia thi cử, cũng không muốn được đồng hương tiến cử, nói là "không muốn làm quan dưới triều đại của người Hồ Di”, vì vậy cả nhà ta luôn trong tình trạng bữa đói bữa no.

Năm ta mười bốn tuổi, trai tráng khỏe mạnh ở quê nhà bị bắt đi lính, khi đó đường huynh của nhà đường bá mới mười sáu tuổi, thân hình gầy gò yếu ớt đến mức có thể bị gió thổi bay còn ta thì chỉ cần uống nước cũng cao lớn, ta nghĩ tới nghĩ lui, quyết định mạo nhận tuổi mình bằng đường huynh để đi lính.

Dù sao đi lính cũng không lo chết đói, ăn uống đảm bảo no, mỗi tháng khi được phát lương bổng, ta đều nhờ người cầm về cho gia đình, chỉ hi vọng “khí khái” của đường bá sẽ không gây ra điều gì đáng tiếc.

Cuộc sống trong doanh trại rất buồn tẻ nhưng ta phát hiện ra mình rất thích hợp với cuộc sống đơn điệu này. Mỗi ngày đều thao luyện một lần, luyện thư pháp, luyện võ, đi tuần doanh trại và cả... Gϊếŧ người.

Thật ra ta rất thích đọc sách nhưng vóc dáng cao to, làn da ngăm đen của ta khiến người khác thường chủ quan cho rằng ta là hạng “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”. Cuối cùng ta cũng hiểu nỗi khổ của ngài Trương Phi. Tiếc rằng, ta không biết vẽ mỹ nữ, nếu không ta nhất định sẽ vẽ mấy bức tranh rồi đốt cho hắn, coi như là an ủi.

Sở Duyệt, quan giám sát hồ sơ trong doanh trại, nhận ra tham vọng của ta nên đã mang cho ta các sách binh thư và lịch sử, dạy ta về binh pháp và các loại chiến lược. Ta rất biết ơn hắn, coi hắn như người thầy tốt, người bạn hiền của mình, không hề giấu nhau thứ gì.

Đến năm ta hai mươi bốn tuổi, ta đã leo lên được tới chức “giáo úy uy vũ”, Sở Duyệt cũng giành được một chức vụ quan trọng về hậu cần, giàu đến mức khiến các huynh đệ trong doanh trại chỉ hận không thể đêm nào cũng trùm bao tải đánh hắn một trận.

Đôi khi ta nghĩ, hắn cố tình kết giao với một người bạn tốt như ta liệu có phải là do lo lắng sẽ có ngày hôm nay hay không?

Ta đã hai mươi bốn tuổi rồi. Ở quê nhà của ta, đến tuổi này vẫn chưa lập gia đình quả là điều hiếm thấy. Đường bá mẫu cho người gọi ta về nhà, báo rằng đã tìm được mấy cô nương đồng hương cho ta, muốn ta đi xem mặt làm quen xem sao.

Ta luôn cảm thấy cưới thê tử là một chuyện rất phiền phức, cuộc sống của một người đàn ông độc thân cũng khá tốt. Còn Sở Duyệt thì luôn cảm thấy tính ta chẳng có gì thú vị: Vào quán cơm, những món ăn mà mọi người cho là ngon thì ta lại chẳng có cảm xúc gì nhưng đến lúc phải hành quân thì rau hư cơm trấu ta cũng thấy không có gì khó ăn. Những cô gái mà người khác cho là xinh đẹp, ta lại cho rằng chẳng qua cũng chỉ có hai con mắt, một cái mũi và một cái miệng, không có gì xinh đẹp lộng lẫy hơn người khác.

Tất nhiên, dáng người của người đó ra làm sao thì ta vẫn có thể nhìn ra được. Ta cũng không phải người mù!

Những cô gái mà đường bá mẫu tìm cho ta đều là những người nhà nghèo không sống nổi hoặc là những cô gái quá lứa lỡ thì không lấy được chồng. Ta không quan trọng tuổi tác hay gia cảnh của đối phương như thế nào nhưng bản thân ta luôn cho rằng muốn lấy nhau thì đôi bên phải cùng bằng lòng mới được. Ta không có ngoại hình ưa nhìn lại còn là lính nghèo, con gái nhà người ta luôn nhìn ta bằng ánh mắt như thể “thôi thì đành chịu khó một chút cho xong việc” hoặc là “bán mình nuôi gia đình”, biểu cảm ấy khiến ta khó chịu vô cùng.

Cho đến một ngày, ta gặp được Khưu Băng.

Ta sẽ không bao giờ quên dáng vẻ nàng cau mày chạy tới, ngăn cản thân thích muốn chiếm phòng ở của nhà nàng.

Nàng không la hét ầm ĩ hay khóc lóc kêu la lớn tiếng mà chỉ lạnh lùng nhìn chằm chằm vào gã đường huynh đó, kể từng câu từng chữ về tất cả những gì phụ thân nàng đã làm cho gia đình lúc sinh thời, kể chi tiết kỹ càng đến mức một ngày xây mấy viên gạch, trồng bao nhiêu khoảnh ruộng đều được kể rành mạch rõ ràng. Ánh mắt khinh thường của nàng giống như một con dao, ngay cả ta đã quen với việc chém gϊếŧ cũng trở nên phấn khích.

Có lẽ do ta đi lính lâu nên điên rồi. Ta cảm thấy dường như bản thân mình đã tìm thấy người phụ nữ mà mình muốn chung sống suốt đời.

Ta nhờ đường bá mẫu tới nhà Khưu Băng cầu hôn, mang theo hai mươi lạng bạc ta dành dụm được trong quân doanh. Khưu Băng đã hai mươi tuổi, sống ở nhà với em trai và người mẹ ốm yếu, cuộc sống rất khó khăn. Dù ta đã lớn tuổi nhưng ta không có thói hư tật xấu gì, lại sẵn sàng đón em trai và mẫu thân của nàng đến sống cùng. Ta xây một ngôi nhà lớn ở quê, tin rằng nàng sẽ không từ chối.

Ta làm như vậy có phần như thể lợi dụng người ta nhân lúc khó khăn, ta biết với điều kiện của bản thân thì có lẽ sẽ không cô nương nào từ chối ta. Binh pháp có câu: “Lợi dụng tình thế, lấy cương thắng nhu.” Ta thực sự coi việc cưới vợ như đang đi đánh trận vậy.

Đường bá mẫu trở về, vẻ mặt có phần không được vui. Cô nương kia đồng ý rồi nhưng nàng muốn gặp ta một lần. Bá mẫu cảm thấy một cô nương như vậy có phần quá tùy tiện nhưng ta vẫn vui vẻ đến gặp nàng.

Đường bá mẫu nói rằng nếu mặc áo lính đi gặp cô nương nhà người ta thì không được hay cho lắm nhưng ta cũng chỉ có mấy bộ đồ này thôi. Nếu nàng thực sự muốn lấy ta thì Khưu Băng phải quen với thân phận “lính nghèo” của ta. Nếu không nhờ kết bạn với Sở Duyệt thì có lẽ bây giờ ta thậm chí còn không có đủ tiền để cưới vợ và xây nhà.

Ngày hôm đó nàng đứng trong phòng, ta ngồi trước phòng, nói chuyện cùng nhau suốt cả buổi chiều. Ta cũng không nói gì to tát, chỉ kể rõ về hoàn cảnh của mình, hằng năm phải ở trong quân ngũ tới nửa năm, thu nhập, sở thích và một chút ấn tượng về nàng.

Khi Khưu Băng nghe nói rằng ta biết viết, mắt nàng lập tức sáng lên.

Nửa năm sau, ta cưới Khưu Băng. Nàng là một cô nương tốt, làm ruộng, dệt vải, may quần áo, chăn nuôi gia cầm, làm việc gì cũng rất nghiêm túc. Ta cũng đã nếm trải được cái lợi khi cưới vợ, mỗi lần được nghỉ, ta đều chạy ngay về nhà trước cái nhìn ước ao ghen tị của mọi người, ngay cả Sở Duyệt cũng trêu ghẹo ta “ăn mặn một lần, nhớ mãi không quên”.

Ta mặc kệ, thực sắc tính dã, không ai có thể ngăn được ta.

Sau đó, chúng ta có đứa con đầu lòng, là một bé gái, Khưu Băng rất thất vọng vì chưa sinh được con trai cho ta. Thế nhưng ta rất thích bé gái đó, cảm thấy con bé trông rất giống ta.

Không hiểu vì sao khi ta nói ra điều này, trông nàng lại càng chán nản hơn.

Sau đó, chúng ta sinh thêm một gái, một trai. Con trai rất ngoan, dáng dấp rất giống mẫu thân của ta. Mẫu thân ta vốn là con quan, từng có thời, người Hồ đi khắp nơi cướp đoạt nữ nhân để nhét đầy hậu cung nên phụ thân ta mới được hời, lấy được mẫu thân ta. Thằng bé cũng thông minh như mẫu thân ta, biết nói sớm, cũng rất hiểu chuyện, chưa bao giờ làm bọn ta phải lo lắng. Khi con trai ta được ba tuổi, ta bắt đầu dạy vỡ lòng cho thằng bé, ta rất ngạc nhiên khi thấy thằng bé nhớ được mặt chữ rất nhanh.

Ta cảm thấy cuộc sống này thật sự đáng giá.

Vào năm Thiên Khải thứ bốn mươi bảy, Trung Nguyên đột nhiên xảy ra hạn hán nghiêm trọng, suốt ba năm ròng, đồng ruộng không thu hoạch được một hạt nào. Quan viên áp đặt sưu cao thuế nặng, triều đình của người Hồ dẫn quân đi chinh chiến khắp nơi, các binh lính thường xuyên bị điều động đến Tây Vực, nhiều khi mười người đi mà không về nổi một người nào.

Vào năm Thiên Khải thứ bốn mươi chín, bọn ta được điều đi đàn áp bạo dân, bạo dân là những nhóm người cùng khổ đến mức ăn thịt con để sống, ta không ra tay được, hạ lệnh rút quân về doanh trại. Sở Duyệt mang quân đội tới để "phân bổ quân lương" tiến hành phân phát một số khẩu phần quân lương cho những người này. Bọn ta bị giám quân tố giác, tất cả đều bị tống vào tù, Sở Duyệt và ta bị kết án chặt đầu.