Chiếc Xe Đạp Màu Xanh

Quyển 2 - Chương 28

Sau lễ nữ thánh Đồng trinh một hôm, tờ Tôi ở khắp nơi, bị đình bản trước đây, ra lại, báo tin số sau sẽ xuất bản ngày thứ sáu 25 tháng Tám. Xe camiông chở đầy Vệ binh bắt đầu rời thủ đô chạy về hướng Đông. Ở đại lộ Ôpêra, ở vườn hoa Elidê, ở đường Xanh Misen, lính Đức có quân nhạc đi trước vừa diễu hành vừa hát. "Bắt đầu sự kết thúc rồi" - người ta cười khẩy.

Lôrơ và Lêa đạp xe dọc bờ sông. Trong không khí chung phảng phất một niềm hân hoan, mặc dù tình hình căng thẳng trong vài khu phố, tiếng động cơ, tiếng kêu la, những làn khói bốc lên từ hồ sơ, giấy tờ của Giextapô và các công sở bị đốt cháy ngay giữa lòng đường, thái độ cáu kỉnh của những người bỏ trốn và lệnh giới nghiêm vào lúc hai mươi mốt giờ. Một chiếc xe dài vượt qua hai chi em, trong xe những cô gái tóc vàng rực, váy áo lòe loẹt ngồi sát một viên tướng đeo kính một mắt.

Những người câu cá và những người đi tắm hẹn gặp nhau trên bờ sông Xen. Trong ánh sáng mùa hè chói chang, những chiếc thuyền nhẹ nhàng đung đưa. Cả thành phố chờ đợi. Hai chị em phải xuống xe để dắt qua cầu Hoàng gia giăng dây thép gai ngoằn ngoèo.

Trong ngôi nhà trên đường Đại Học, Saclơ sốt ruột chờ Lêa trở về để đưa bức họa nó chăm chăm chú chú vẽ từ sáng sớm. Exten ca cẩm vì chứng sưng tĩnh mạch do phải đứng xếp hàng. Lida rất phấn chấn: vào giữa trưa, bà nghe đài Luân Đôn đưa tin quân Mỹ ở Rambuiê. Anbectin thì tỏ vẻ lo âu.

Nhờ thức ăn dự trữ của Lôrơ, bữa trưa hôm ấy với cá trích rán dầu và bánh ngọt giống như một bữa tiệc. Đến 22h30, có điện trở lại cho tới nửa đêm, khiến Lida thất vọng: quân Mỹ không ở Rambuiê, mà Ở Sactrơ và Đrơ.

Trước giờ có lệnh giới nghiêm một lát, bọn S.S. (Từ tiếng Đức Schutz Staffel chỉ cảnh sát đặc biệt của Đức quốc xã) bắn mấy loạt tiểu liên vào những kẻ đi rông ngoài phố và nhìn đám viên chức người Đức di chuyển hồ sơ, tài liệu ra khỏi biệt thự Trianông trên đường Vôrigia. Trên quảng trường Xoocbon ở đại lộ Xanh Misen, nhiều người bị chết hay bị thương.

Giấc ngủ dân chúng Pari bị xáo động bởi tiếng nổ của những kho đạn mà quân đội chiếm đóng cho phá hủy.

Lêa thơ thẩn trên đường phố, không mục đích. Nàng đến quảng trường Xanh Misen. Người ta chen lấn nhau xung quanh một cây tiêu huyền. Nàng lách lại gần. Trên cây treo một tờ apphich nhỏ bằng giấy trắng với những hình vẽ cờ tam tài bắt chéo nhau. Nàng đọc.

"Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp.

Quân Đồng minh đã đến các cửa ô Pari. Các bạn hãy chuẩn bị cho cuộc chiến đấu tối hậu chống quân xâm lược".

Chiến trận đã bắt đầu trong lòng Pari.

"Các bạn hãy chờ lệnh ban bố hoặc bằng apphich hoặc qua đài, để hành động; chiến trận sẽ diễn ra theo đơn vị quân".

Không một người dân Pari nào là không biết thành phố họ, những ngày thậm chí những giờ sắp tới, sẽ được giải phóng hoặc bị phá hủy. Một số người tích cực chuẩn bị, số đông quyết tâm không bước chân ra khỏi cửa và chờ quân Đức ra đi để biểu thị niềm vui của mình.

Lêa thì luôn luôn chia sẻ giữa oán hận và sợ hãi, giữa phụ thù và lãng quên. Nàng chuyển từ trạng thái này qua trạng thái nọ với một tốc độ làm cho nàng rã rời và cáu kỉnh. Những đêm trằn trọc hoặc mất ngủ in dấu lên quầng mắt nàng, đôi mắt giờ đây trong veo một màu đen hoa cà vì mỏi mệt. Mái tóc nàng búi ngược càng tôn thêm gương mặt mảnh dẻ.

Lêa phải hoạt động trở lại và tiếp xúc với những người trong mạng lưới mà ông thầy thuốc trẻ tuổi ở Lănggông nói với nàng; ông gặp Lêa và Saclơ dọc đường, đánh xe chở hai cô cháu đi Boócđô và đưa lên đoàn tàu hỏa cuối cùng đi Pari. Cuộc hành trình sóng gió kéo dài hai ngày vì nhiều quãng đường sắt bị đứt và những vụ ném bom buộc hành khách phải rời toa tàu đi tránh trên các cánh đồng. Lêa làm theo những người khác như một cái máy, thờ ơ đối với hiểm nguy cũng như đối với những lời than vãn của Saclơ. Nó không rời khỏi bàn tay nàng. Sự đón tiếp nồng nhiệt của hai bà cô, của chị gái và em gái vẫn không làm giảm bớt nỗi hờ hững của nàng đối với mọi thứ trên đời. Chỉ có giọng nói của bà già Ruyt là át nổi thái độ lãnh đạm của nàng. Những giọt nước mắt làm cho nàng tìm thấy lại một chút lòng ham sống, nhưng vẫn không sao trả lại niềm tin ở chính bản thân mình vốn xưa kia là cội nguồn sức mạnh của nàng.

Cho đến chiều tối, nàng tha thẩn trong thành phố Pari mà người ta cảm thấy căng thẳng trong đợi chờ. Vì đói nàng trở về nhà trên đường Đại Học, vừa đúng giờ giới nghiêm. Exten chỉ dọn ra ít khoai tây hầm nguội lạnh và một miếng pho mát cứng đờ. Bà Anbectin đờ Môngplâynet không la mắng nàng vì sự vắng mặt kéo dài. Saclơ không chịu đi nằm trước khi nàng về, giờ đây cầm tay nàng nằm ngủ.

Trong đêm, Lêa thao thức vì những cơn ác mộng cho đến tận rạng sáng.

- Dậy đi, dậy đi...

Bị Lôrơ đánh thức, Lêa ngẩng lên, ngơ ngác nhìn cô em gái.

- Chị dậy đi. F.F.I (Forces Francaises de l"lntérieur (viết tắt): Lực lượng kháng chiến nội địa của Pháp - khác với lực lượng Kháng chiến lưu vong ở hải ngoại) đã chiếm sở Cảnh sát. Đánh nhau khắp nơi trong thủ đô. Quân Mỹ sắp tới. Chị mặc quần áo vào.

Thở hổn hển, Lôrơ hoa tay múa chân trong buồng ngủ.

- Mày luyên thuyên gì thế?

- Phái Đờ Gôn chiếm sở Cảnh sát rồi... Cảnh sát cùng chiến đấu hỗ trợ họ.

- Ai bảo mày thế?

- Phrănk, một anh bạn của em mà chị không biết đâu. Anh ấy ở một ngôi nhà thênh thang trên đại lộ Xanh Misen. Anh ấy gọi điện cho em. Anh ấy với bè bạn uống và nhảy suốt đêm. Vì lệnh giới nghiêm nên họ ngủ lại nhà anh. Lúc đi đóng cửa sổ, Phrănk thấy vào khoảng bảy giờ, những người đàn ông đi từng người một hay từng cặp một vượt qua cầu Xanh Misen hoặc theo hướng nhà thờ Đức Bà. Ngạc nhiên thấy đông người, anh ấy mặc áo quần và bước ra đường, đi theo họ đến sân nhà thờ: hàng nghìn người chờ đợi trong lúc nói chuyện thì thầm. Nghe lời họ nói, anh ấy đoán họ là cảnh sát mặc thường phục. Một chiếc camiông chạy tới. Người ta phân phát mấy khẩu súng trường và năm sáu khẩu tiểu liên cho một số nhân viên. Chắc hẳn một khẩu lệnh được ban ra vì thấy họ tiến lên về phía cổng lớn sở Cảnh sát. Phrănk đi theo họ. Cổng mở ra và đám đông im lặng ùa vào sân. Một gã cao lớn mặc quần áo vải chéo đeo băng tam tài trèo lên mui một chiếc xe hơi hô to: "Nhân danh nền cộng hòa, nhân danh tướng Đờ Gôn, chúng tôi chiếm trụ sở Cảnh sát!". Bọn viên chức đang phiên gác để cho tước vũ khí, không kháng cự. Họ kéo cờ lên và hát bài Macxâye. Phrănk bảo em tuy không phải là người đa cảm, anh ấy cũng suýt khóc. Hình như một viên cảnh sát trưởng mới đã được bổ nhiệm, Saclơ Lidê thì phải. Chị chuẩn bị chúng ta ra phố, vui đấy.

- Vui à? Không hẳn thế. Có lẽ đáng quan tâm thôi, - Lêa vừa đáp vừa ngồi dậy.

- Chị ngủ truồng à?

- Chị quên không lấy áo ngủ. Để mặc chị, chị muốn tắm táp một cái.

- Chị nhanh lên, em chờ trong bếp.

- Được. Chú ý đừng lộ cho hai bà biết nhé?

- Dĩ nhiên, em có điên đâu.

Lính Đức đội mũ cứng ngồi trong camiông mui trần trên đại lộ Xanh Giecmanh, tay ôm chặt súng trường hay tiểu liên, cất tiếng chào to hai cô gái xinh đẹp đi xe đạp.

- Chúng không có vẻ lo lắng lắm nhỉ? - Lêa lên tiếng và ngoái đầu lại.

Đại lộ giờ đây vắng tanh chạy dài trước mặt họ. Ở góc phố Con Rồng, một tên Đức chĩa tiểu liên về phía họ.

- Abhauen oder ich schiesse! ( Tiếng Đức: Đi đi, không tôi bắn đấy!)

Trên đường Xanh-Angđrê-đê-Da, quang cảnh yên tĩnh một cách kỳ lạ: một chị gác cổng quét trước sân như mọi buổi sáng khác; ông chủ hiệu sách uống ly rượu vang trắng cùng với ông chủ nhà xuất bản ở một quầy thuốc lá; và theo thói quen bà hàng kẹo lau chùi mấy cái lọ thủy tinh. Trên đại lộ Xanh Misen, một bọn vô công rồi nghề đứng nhìn rất vui vẻ về phía sở Cảnh sát và nhà thờ Đức Bà trên đó phấp phới những lá cờ tam tài.

Tiếng chào cất lên khi Lôrơ và Lêa bước vào nhà Phrănk.

- Lêa, chị gái tôi đấy, như tôi đã nói với anh.

- Hay quá. Chào cô Lêa. Quả cô là một nữ anh hùng kháng chiến đấy à?

- Đừng tin lời Lôrơ, nó luôn cường điệu đấy.

- Em không cường điệu gì hết...

- Em im đi, chị không muốn nghe nói tới điều đó.

- Tùy ý cô vậy. Dù có Kháng chiến hay không, tôi xin chào mừng cô. Mời cô nhìn xem.

Chàng trai đưa nàng tới một chiếc cửa sổ cao trong phòng khách.

- Cô nhìn xem, chúng ta trông cũng rõ mồm một. Mẹ tôi đi Tuanren vắng, chắc rồi bà phải tiếc lắm. Với bất cứ giá nào, bà cũng không muốn bỏ lỡ một cảnh tượng như thế. Tôi tin chắc là giá có nhà bà sẽ mời tất cả bè bạn đến. Lúc này có hơi yên tĩnh đấy. Cô thấy thế nào? Một cảnh tượng thật đẹp chứ?

- Đúng, hay lắm.

- Phrănk, anh không có gì ăn à? Chúng tôi ra đi vội không kịp ăn uống gì hết.

- Cô biết nhà này rồi; Phrănk có thiếu gì bao giờ! Ngoài bánh mì có hơi cứng ra, có giăm bông, xúc xích, thịt hầm, gà ướp lạnh, bánh ngọt và rượu nho, sâm banh, uytki tùy ý.

- Anh là chủ hiệu thực phẩm đấy à? - Lêa lạnh lùng hỏi.

- Thưa tiểu thư tôi có thể bán thực phẩm, nhưng tôi thích kinh doanh tất lụa, mỹ phẩm và thuốc lá hơn. Cô hút gì nào? Thuốc Anh, thuốc Mỹ? Tùy cô. Cô thích thứ gì?

- Thuốc Mỹ. Nhưng trước hết, tôi đói.

- Tuân lệnh bà! Ê! Các người, hãy mang thức ăn, thức uống tới cho công chúa. Công chúa có vui lòng chạm cốc những người sắp giải phóng đất nước chúng ta không?

Lần đầu tiên, từ khi bước chân vào đây, Lêa nhìn chàng trai. Hắn có gương mặt trẻ thơ hiền hậu của những con người đón nhận những lời tâm tình, chia sẻ những nỗi mềm thầm kín nhưng không bao giờ có thể xem là một người đàn ông thập thành. Thân hình không cao lớn, xúng xính trong chiếc áo lụng thụng quá cỡ, quần lại cũn cỡn để lộ đôi tất trắng và đôi giày ba lớp đế của đám thanh niên đua đòi chính cống. Mái tóc vàng rực cắt theo mất che khuất khuôn mặt vô duyên với những nét còn trẻ thơ. Theo lời Lôrơ, anh chàng này là một trong những vua xoay xở và kiếm ra của trong hoạt động chợ đen mà bố mẹ hắn không hề hay biết. Hào phóng, hắn sẵn sàng chiêu đãi bạn và bạn của bạn. Bằng lòng với sự quan sát của mình, Lêa nở một nụ cười.

- Được đấy, chúng ta hãy nâng cốc chúc Pari giải phóng.

Ngồi trên bậu cửa sổ, nàng lấy làm ngạc nhiên được uống sâm banh trong cái thành phố nổi loạn đang chuẩn bị chiến đấu này.

Nhân viên trong đội phòng thủ thụ động đi qua quảng trường Xanh-Misen loan báo lệnh giới nghiêm bắt đầu thi hành từ mười bốn giờ.

- Không đúng. - Một chàng vừa bước vào vừa báo - Tôi có ghé qua sở Cảnh sát, người ta bảo tôi là họ không nắm được gì hết, F.F.I. đóng ở đấy cũng vậy. Ơ kìa? Một vị khách mới. Xin chào cô, tôi tên là Giăc.

- Chào anh, tôi là Lêa. Anh từ đâu về thế?

- Từ chỗ này chỗ nọ. Nhiều thị sảnh nằm trong tay cộng sản rồi...

- Sao anh biết?

- Dư luận bảo thế. Họ là những người duy nhất có tổ chức và có vũ khí. Đường Rivôli, đường Lơ Luvrơ, ở trại giam, ở phủ tổng thống, trên đại lộ Đại Quân, người ta bố trí những trạm cứu thương phấp phới lá cờ Chữ thập đỏ. Người ta bắt đầu săn đuổi vũ khí. Người có dao tước súng ngắn hay súng trường của một tên lính Đức; dùng súng trường, tước tiểu liên; dùng tiểu liên chiếm đoạt một camiông đạn dược để đem phân phát cho bè bạn. "Mỗi người tấn công một tên lính Đức" là khẩu lệnh đối với tân binh.

- Anh sẽ đi chiến đấu à? - Lêa hỏi.

- Sao lại không! Chúng ta sẽ là những người anh hùng tương lai... Ăn xong tôi sẽ nghĩ tới chuyện đó.

Cả một bọn, năm chàng trai, ba cô gái ngồi trong căn bếp; Lôrơ và Muyrien, một cô gái tóc vàng xinh đẹp vừa dọn bàn xong.

- Nếu có nhạc thì vui vẻ hơn.

- Ồ đúng! Nghe Anđriu Xixtơ đi. - Muyrien bảo.

- Đồng ý. Bài hát nào?

- Penxinvama Pôka hay Xini Bôi.

- Làm sao anh kiếm được những đĩa ấy? - Lêa hỏi - Tôi tưởng là nhạc Mỹ bị cấm kia mà.

- Chúng tôi có đường dây. Hết chiến tranh, chúng tôi sẽ nói cô biết.

Giọng cao của Anđriu Xixtơ vang lên trong phòng. Bữa ăn diễn ra vui như hội. Ai nấy cười đùa, tìm ra những lời hóm hỉnh. Họ đều trẻ trung, vô tư lự tới mức bật lên cười khi nghe một câu chuyện tào lao dưới ánh mắt tán thưởng của Phrănk. Hắn rót thêm mời nàng một ly rượu nho.

Hắn đứng dậy để lên dây cót máy hát. Bỗng trong bầu không khí tương đối im lặng vang lên nhiều tiếng súng.

- Lại đây nhanh lên, bọn Đức tấn công.

Mọi người ùa lại cửa sổ.

Ở đại lộ Hoàng Cung, một bọn ngồi trên ba chiếc camiông bắn vào cổng sở Cảnh sát, ba xe thiết giáp tiến về phía nhà thờ Đức Bà. Đạn bắn ra từ khu tòa án và sở Cảnh sát, hạ sát mấy tên xâm lược. Camiông chạy khuất về phía trại giam. Một lát sau, những chiếc camiông dừng bánh trên đại lộ Hoàng Cung. Từ cửa sổ, đám thanh niên ở nhà Phrănk thấy những người đàn ông, áo sơ mi xắn tay, mang súng trường hay súng ngắn, nấp ở cửa hầm tàu điện ngầm hay trong quán cà phê Lơ Đêpa; trước cửa quán, họ đặt một khẩu liên thanh.

Một chiếc camiông từ cầu Xanh Misen chạy tới là mục tiêu đầu tiên của họ. Một tên lính nằm dài trên mui xe, bị thương, lăn xuống đường. Xe dừng lại, trong lúc một chiếc khác đổ nhào ở góc phố Grăng-Ôguy-xtanh, trong tiếng cười hoan hỉ của những người chứng kiến.

Những người F.F.I. chạy đi nhặt xác chết và đem giấu dưới chân các cầu thang nhà dọc sông Xen... Ở phía trại giam khói đen bốc lên từ một chiếc camiông chuẩn bị tấn công sở Cảnh sát.

- Họ không sao trụ nổi đâu. - Phrănk lên tiếng - Thực ra họ không có đạn, và mấy cái bao cát thì làm sao chống chọi lại được tạc đạn.

Một tiếng nổ làm rung chuyển khu phố. Một chiếc camiông chở xăng đâm vào tường nhà thờ. Lửa bắt vào bức mành và tấn công vào mặt trước nhà. F.F.I. rời vị trí, tìm cách đẩy chiếc xe đi và bảo vệ ngôi nhà cũ kỹ. May sao ngay sau đó nghe tiếng còi xe cứu hỏa.

Lợi dụng một khoảnh khắc yên tĩnh, một chàng trai quyết định đi một vòng. Một tiếng sau, anh ta trở về và cho biết người ta vừa thỏa thuận ngừng bắn một lúc để đi nhặt người chết và người bị thương. Tin vui ấy được chào đón - như thường lệ - bằng việc mở một chai sâm banh...

Buổi tối hôm ấy, trời âm u như thể sắp giông bão. Dân Pari lại đổ ra vỉa hè thủ đô và nhởn nhơ trên đường phố, thỉnh thoảng dừng bước trước một vũng máu đã khô quánh lại nét mặt bỗng nhiên trầm lặng.

- Chết, chị em mình chưa báo cho hai bà cô biết. -Lêa kêu lên thảng thốt và nhảy bổ lại máy điện thoại.

Phía trên Cầu Mới, bầu trời mỗi lúc một thêm u ám.

- Bà Anbectin muốn chúng ta về ngay. Hình như Saclơ bị sốt cao...

- Thế bà không mời thầy thuốc à?

- Ông Lơroay, bác sĩ già, không thấy trả lời, còn những người khác thì không chịu đi.

- Được chị về đây. Em có cùng về không?

- Không, em muốn ở lại. Nếu cần, chị gọi điện cho em. Phrănk, anh nói cho chị ấy biết số điện thoại của anh.

- Được. Để tôi đưa chị ấy về. Tôi sẽ quay lại trước một tiếng. Cô cho tôi mượn xe đạp.