Trong căn buồng trẻ em ngày trước, Ađriêng Đenmax đi lui tới với một nỗi niềm thất vọng chưa từng thấy trong đời một giáo sĩ: ông không còn niềm tin nữa.
Từ khi bắt đầu chiến tranh, ông chiến đấu chống lại lòng hoài nghi. Trước khi bước vào hoạt động bí mật, ông đã nói điều đó với vị linh mục nghe xưng tội và ông này bảo chấp nhận sự thử thách ấy của Chúa để chứng tỏ niềm tin của mình. Vì lòng kính Chúa, người giáo sĩ dòng Đôminic sẵn sàng chịu đựng những nỗi khổ đau, nhưng giờ đây, ông đã chán những lời cầu nguyện vô bổ mà ông thấy chữ nghĩa đã mất đi ý nghĩa ban đầu của chúng... Trong lúc hoang mang, ông không còn nghĩ tới các bậc thầy của mình, những bộ óc Thiên Chúa giáo vĩ đại đã từng giúp cho trí tuệ ông phát triển. Tất cả đều đã nhầm lẫn. Tất cả đều đã lừa dối ông. Những lời nói vô bổ của họ có thể làm gì để chống lại tai họa đối với một đứa trẻ? Ông có thể trả lời ra sao ánh mắt trách móc của một bà mẹ?...
Có tiếng gõ cửa.
- Cháu đây, bác Ađríêng ơi!
- Cháu vào đi. Bác xin lỗi cháu đã thâm nhập địa hạt của cháu. Cháu vẫn tới đây luôn phải không?
Lêa nở một nụ cười.
- Mỗi ngày một ít đi, thưa bác. Cháu đã lớn rồi, bác biết đấy.
- Bác biết.
- Thế còn bác, bác Ađriêng, bác tới đây là vì bác cảm thấy khổ sở phải không?
Nàng huơ tay lên để ngăn một cử chỉ phản đối và nói tiếp:
- Bác chớ tìm cách nói ngược lại, cháu thấy rõ lắm. Cháu biết tính bác. Cháu đã từng nhìn bác từ lúc cháu còn bé. Trong đôi mắt bác, giờ đây không còn cái luồng ánh sáng trước kia cuốn hút mọi người, mọi người muốn được giống như bác...
- Cháu ghê thật?
- Có thể như thế, nhưng nếu cháu nói khác đi thì chắc bác giận cháu. Việc vừa xảy ra đối với Luyxiêng khủng khϊếp thật, nhưng đâu phải lỗi tại bác. Luyxiêng đã chọn lựa. Lôrăng, Cami và cháu cũng vậy.
- Cháu sẽ không nói là bác không có ảnh hưởng gì đối với tình hình của cháu cả chứ? Dẫu sao thì chính bác là người gửi cháu đến Pari.
- Thế thì sao? Có việc gì xảy ra đối với cháu đây.
- Không nên thử thách số phận, cháu ạ. Trước kia, bác đã nhìn thấy nhiều chàng trai và cô gái ở lứa tuổi cháu chết ở Tây Ban Nha, và bây giờ thì chết ở đây. Cháu hãy rời bỏ tất cả những cái đó đi.
- Không, muộn quá rồi. Bác có biết mật danh của cháu là gì không?
- Ecduypêrăngx!...
- Vâng, giống như vị nữ thánh nhỏ bé mà bác rất mực yêu quý ấy, bác còn nhớ chứ chính vì bác mà đến lượt cháu, cháu yêu quý nữ thánh. Với một sự chở che như vậy cháu không phải kinh hãi gì hết.
Ađriêng không kìm được một nụ cười. Sự che chở của một vị nữ thánh chẳng có mấy trọng lượng khi chính bản thân giáo hội thờ vị thánh ấy lại nghi ngờ cuộc sống.
- Bác có ý định nghỉ lại lâu ở Môngtiac không?
- Không, vì như vậy sẽ quá nguy hiểm cho cháu. Sự có mặt của Luyxiêng cũng đủ làm liên lụy đến cháu rồi. Để sức khỏe khá hơn lên chút ít thì nó sẽ đi.
- Nhưng anh ấy đi đâu? Anh ấy làm gì? Giờ đây anh ấy là một người tàn phế.
Ông giáo sĩ dòng Đôminic ngẩng đầu.
- Khi cháu bước vào đây, bác đã nghĩ tới điều đó.
- Bác Becnađet bảo là bất cứ anh ấy đi đâu, bác cũng đi theo.
- Chỉ còn cách ấy nữa thôi? Bà chị gái bác vào khu du kích?
- Thế bác thấy cô Cami thế nào?
- Khá lắm. Một phụ nữ dũng cảm. Bác cũng có ý kiến như bác Phêlix, cô ấy sẽ thoát thôi.
- Nếu Lôrăng tới thăm thì cháu tin chắc cô ấy sẽ khỏi bệnh ngay tức khắc.
Ađriêng nhìn cô gái với một vẻ ngạc nhiên thú vị.
- Kìa, kìa, cháu không say mê cậu ta nữa à?
Lêa đỏ bừng mặt.
- Chẳng dính dáng gì tới việc đó đâu bác.
- Cháu không nên nghĩ tới cậu ấy nữa, cậu ấy có vợ, có con và yêu vợ.
Nét mặt khó chịu của cô cháu gái không thoát khỏi ánh mắt ông bác.
- Cháu vẫn phản ứng lại những bài học đạo lý như trước, bác biết. Cháu khỏi lo, bác không muốn quấy rầy cháu về việc đó đâu, bác chỉ muốn đề phòng cho cháu những nỗi thất vọng có thể xảy ra mà thôi. Cách đây ít lâu một người có vẻ rất quan tâm đến cháu có nói với bác về cháu.
- Ai thế?
- Cháu không biết sao?
Lêa không muốn chơi trò ú tim.
- Không.
- Phrăngxoa Tavecniê.
Làm sao nàng lại không nghĩ tới anh ta? Một lần nữa, nàng đỏ bừng mặt.
- Bác nói nhanh lên, bác. Bác nói chuyện với anh ấy lúc nào?
- Cách đây mười lăm hôm, bằng điện thoại ở Boócđô.
- Lúc đó anh ấy ở đâu?
- Ở Pari.
- Vì sao anh ấy gọi điện cho bác? Anh nói gì về cháu với bác? Anh đã không trả lời thư cháu.
- Sao bây giờ cháu có vẻ sốt ruột thế? Bác cứ tưởng là cháu không thể "ngửi" được anh ta kia mà?
- Cháu van bác.
- Chuyện bình thường cả thôi. Anh ấy hỏi thăm bác tình hình của cháu, của những người trong gia đình cháu.
- Chỉ có thế?...
- Không. Anh ấy cố gắng tới gặp cháu sau lễ Phục sinh.
- Sau lễ Phục sinh! Còn lâu thế kia à!
- Sao cháu sốt ruột thế. Hôm nay đã là ngày 10 tháng Tư và lễ Phục sinh là ngày 25.
Lêa cảm thấy ông bác rất bối rối nên đành không nói gì với ông về Machiax nữa.
Tiếng bánh xe ô tô lăn trên lớp sỏi ngoài sân, tiếng cửa xe đập mạnh, tiếng người làm hai bác cháu im bặt.
- Cháu ra xem nhanh lên. Nếu là bọn Giextapô thì chúng ta nguy mất.
Lêa nhảy bổ ra hành lang và nhìn qua cửa sổ mở ra sân. Không? Không phải? Anh ta đến đây làm gì thế nhỉ.
Nàng mở cửa sổ và cố làm vẻ mặt vui, kêu to:
- Tôi ra ngay!
Nàng chạy nhanh vào căn buồng trẻ em ngày trước.
Không phải Giextapô, bác ạ, nhưng có lẽ cũng chẳng có gì hay hơn.
- Để bác đi vào buồng Luyxiêng.
Ađriêng bảo và đứng vụt dậy.
Trước khi xuống nhà, Lêa sang phòng Cami, nói nhanh cho chị biết tình hình.
Dưới nhà bà Ruyt đã đưa những người mới tới vào phòng khách.
- Lêa! Gặp lại cô trong khung cảnh này, thú vị biết bao!
- Raphaen!... Một sự ngẫu nhiên kỳ thú thật!
- Cô bạn thân mến... tôi biết cô vui mừng được gặp lại bạn cũ.
Nàng giận sôi lên nhưng vẫn cố mỉm cười. Bằng bất kỳ giá nào cũng không để hắn thấy nàng khϊếp hãi. Một trong ba gã đi theo hắn nhìn bức chân dung mẹ nàng. Khi y quay mặt lại, những đầu móng tay Lêa cắm sâu vào lòng bàn tay. Nàng cố sức kìm nén nỗi khϊếp hãi trong lòng.
Gã đứng trước mặt nàng chính là kẻ nàng đã gặp ở Cađiac và ở Xanh-Mac. Thái độ bình thản, nàng bước tới gần y.
- Chào ông, ông ở trong vùng này phải không? Hình như tôi đã được gặp ông.
Hắn bối rối ra mặt.
- Rất có thể như thế, thưa cô, ông bà tôi là người Lănggông.
- Chắc hẳn tôi đã gặp ông tại đấy, ở tòa thị chính hay trong ngày phiên chợ. Ông tên là gì nhỉ?
- Môrix Phiô.
Lêa ngoảnh đi và bước tới khoác tay Raphaen, kéo hắn ra vườn.
- Ông tới đây để tôi giới thiệu Môngtiac với ông. Và ông sẽ cho tôi biết ngọn gió lành nào đưa ông tới chốn này.
- Cô biết là tôi có một vài vấn đề cỏn con phải giải quyết với một số người mà cô quen. Tôi phải quyết định ra đi vì không khí Pari trở nên không tốt. Tôi sực nhớ lại những giờ phút thú vị sống ở Boócđô vào tháng Sáu 1940 và những mối quan hệ với giới báo chí địa phương, nhớ lại Tây Ban Nha, những ngày gần đây. Tóm lại, tôi tự bảo mình sao lại không đến Boócđô? Tôi phải thú thật với cô là cho tới hôm qua, tôi không nghĩ tới cô. Tôi đang cùng mấy chàng trai dễ thương này uống tí chút ở tiệm Rêgiăng trước khi ăn tốt thì một người bạn của họ bước vào. Trong khi chuyện trò một người nhắc tới trại Môngtiac. Tôi hỏi có phải là trang ấp của gia đình Đenmax không, anh ta bảo phải. Bằng cách đó tôi được biết chàng trai ấy là bạn thuở nhỏ của cô và trước kia từng ở Môngtiac. Tôi ngỏ ý muốn đến thăm cô và anh bạn cô bảo để anh ta dẫn tôi đi. Tôi có mặt ở đây là vì thế đấy.
- Ông cùng đến với Machiax?
- Vâng. Anh ta đang đi chào bố mẹ. Cô không phiền lòng về việc tôi nhận lời mời của anh ta chứ?
- Không một chút nào. Trái lại tôi phải cảm ơn anh ấy đã mang lại cho mình niềm vui này.
- Chốn này đẹp biết chừng nào, cô bạn thân mến! Giá được ở đây thì không bao giờ tôi muốn rời bỏ nữa. Yên tĩnh quá chừng!... Hài hòa quá chừng giữa đất và trời. Tôi có cảm giác là nếu ở đây, tôi có thể viết nên những tuyệt tác.
Đứng chống tay ngoài mái hiên, Raphaen Man ngắm cảnh quan mênh mông trong đó nổi lên những cánh đồng nho thẳng tắp một màu đen sẫm.
- Ông đến quá sớm. Chỉ vài ba tuần lễ nữa là cánh đồng nho này sẽ chuyển sang một màu ánh bạc, rồi xanh đậm và nở hoa... Kìa, Lôrơ đến kia. Ông Raphaen, tôi xin giới thiệu Lôrơ, em gái tôi...
- Chào cô. Bây giờ thì tôi đã biết tất cả các cô gái yêu kiều của Môngtiac.
Lôrơ bật cười khiến Lêa khó chịu.
- Cami đang ngồi với Machiax. Em đã bảo Phaya mở hầm rượu để chúng ta mời khách nếm rượu nho.
- Phải đấy. Mời ông, chúng ta sẽ nếm món rượu sâm Môngtiac trứ danh. - Lêa nói vẻ hoan hỉ trong lúc ra sức che giấu nỗi kinh hoàng trong lòng khi nhắc đến tên Machiax.
Thế ra hắn đã dám trở về.
Ba gã trai lặng lẽ đi theo họ. Trong hầm rượu, có Cami và hai bố con Machiax. Lêa bước tới hôn Machiax như thể giữa hai người không có việc gì xảy ra và giả vờ không nhìn thấy hắn bỗng nghiến chặt hai hàm răng.
- Sao mãi đến bây giờ anh mới về thăm chúng tôi?
- Lêa nói đúng đấy. - Cami tiếp lời - Tôi muốn có dịp cảm ơn anh đã góp phần vào việc giải thoát tôi.
- Tôi chẳng can dự gì vào chuyện đó cả. Tôi có làm được bao nhiêu đâu.
- Anh đừng nói thế, không có anh thì có lẽ tôi sẽ mãi mãi phải ở lại đấy.
- Bà ra đi vào lúc cuộc sống ở đấy dễ chịu hơn. - Một gã bạn của Machiax bảo - Bây giờ đã có vòi nước tắm.
- Thú vị thật. - Lêa lạnh lùng đáp - Thế đến bao giờ thì có hiệu cắt tóc và phòng chiếu bóng.
Gã kia đỏ mặt còn lũ bạn thì cười khẩy. Raphaen đánh trống lảng:
- Nào, các bạn, chúng ta thưởng thức món vang này chứ!? - Phaya lật ngửa những chiếc cốc đặt úp trên mặt bàn trải giấy trắng và trịnh trọng rót vang.
- Rượu mới cất được hai năm, các vị sẽ cho biết có ngon lành gì không.
- Về tới Pari, người ta vẫn không quên đâu! - Lêa chế giễu. Phaya không nói nửa lời.
Rượu rót xong một lượt, mọi người đưa cốc lên môi.
Họ đang uống chầu thứ ba thì Lêa bước tới cạnh Machiax và bảo:
- Chúng ta đi ra ngoài. Tôi muốn nói chuyện với anh.
Sau cái mát mẻ và mùi rượu nho thấm đượm nền đất nện và các bức tường, giờ đây bầu không khí êm đềm và mùi thơm từ cây đinh hương đầu mùa khiến Lêa tung tăng chạy nhảy.
Nàng bắt đầu chạy. Machiax đuổi theo sau. Nàng đứng lại đột ngột, quay mình, và thở hổn hển hỏi hắn:
- Tôi tưởng anh sang lại Đức rồi kia mà?
- Tôi thay đổi ý kiến. Tôi thấy cần ở lại đây hơn.
- Sao anh lại dẫn Man và bạn bè anh tới. Tôi không muốn trông mặt anh nữa.
- Tôi tưởng là để làm cô vui lòng. Anh ta có vẻ rất quen biết cô.
Lêa nhún vai.
- Thế còn những kẻ khác? Họ cũng quen biết tôi hay sao?
- Họ có xe và đề nghị chở chúng tôi đi.
- Tôi không thấy có cảm tình với họ.
- Mặc! Họ thích hợp với tôi. Và cô cứ xem như có cảm tình với họ, như thế có lợi cho cô.
- Anh làm gì với họ?
- Chúng tôi cùng làm việc với nhau.
Hắn muốn nói gì? Nếu điều nàng lo sợ là có thật. Nếu quả Machiax "làm việc" với họ - như hắn nói? Nàng không nên để nỗi kinh hãi xâm chiếm, nàng phải tỏ ra bình tĩnh, không lo âu, tính mệnh Luyxiêng và Ađriêng tùy thuộc vào thái độ của nàng. Biết đâu Raphaen lại chẳng mặc cả với Giextapô ở Pari để tìm cách gặp lại Xara? Nàng khoác tay Machiax và với một giọng hết sức tự nhiên và một nụ cười đồng lõa, hỏi hắn:
- Anh làm gì? Anh nói cho tôi biết nào!
Hắn đứng sững lại trước cái cơ thể mà chỉ nghĩ tới thôi là hắn đã run rẩy. Trước đôi mắt thơ ngây ngẩng lên nhìn mình, hắn lúng túng quay đầu đi.
- Công việc.
- Tôi mong công việc của anh không giống như của Raphaen. Tôi sẽ buồn lắm nếu anh bị truy nã về tội buôn bán chợ đen. - Nàng nói tiếp, trên môi vẫn giữ nguyên nụ cười.
- Cô đừng lo cho tôi. Giữa tôi và một kẻ đồng tính luyến ái như ông bạn của cô, không thể có một sự so sánh nào đâu. Tôi làm người trung gian giữa những nhà trồng nho ở Boócđô và các nhà buôn rượu nho ở Muynic, Beclin và Hambua. Cô biết là người Đức thích rượu nho của chúng ta ra sao rồi. Vả lại trước chiến tranh, phần lớn sĩ quan cao cấp Đức hiện đang ở Girông đều làm ăn với các điền chủ lớn. Riêng tôi thì tạo mối liên hệ giữa các điền chủ nhỏ và các nhà buôn Đức.
- Và công việc trôi chảy?
- Rất trôi chảy. Công việc làm ăn và dù chiến tranh hay không chiến tranh, người ta vẫn tiếp tục uống vang ngon.
- Machiax, tôi cấm anh không bao giờ được bán rượu nho Môngtiac, dù chỉ là một chai! Không bao giờ!
Lêa đã không tự kiềm chế nổi. Mấy tiếng "không bao giờ" vang lên giòn giã. Một lần nữa, hai người lại mặt đối mặt, vẻ thù địch. Cả hai mặt tái mét, quan sát nhau tựa hai con mèo sẵn sàng xông vào nhau cắn xé.
"Trời đất! Trong cơn phẫn nộ cánh mũi nó phập phồng, l*иg ngực nó hổn hển, cái con bé đĩ thõa này trông đẹp biết chừng nào"! Hắn vừa muốn cho nàng một trận đòn vừa muốn ôm chặt nàng vào lòng.
- Khi chúng ta đã cưới nhau, tôi muốn bán rượu cho ai thì tôi bán.
Ở hầm rượu bước ra, Raphaen, hoa tay múa chân về phía họ. Hắn vừa nhảy chân sáo vừa hét toáng lên.
- Lêa, thứ rượu nho quả là tuyệt diệu! Tôi say khướt rồi, không bước thêm được nữa.
- Tôi không tin lời ông đâu, ông uống có thế làm sao mà say được.
- Đừng nghĩ thế, cô bạn ạ. Tôi già rồi! Chỉ nói thế này thôi, cô cũng đủ rõ: trước chiến tranh, tôi có thể ăn bất cứ thứ gì, mà chẳng ai biết tới. Nhưng bây giờ chỉ cần ăn no uống say tí chút là đã béo thêm lên những mấy kilô rồi. Cô nhìn thân hình tôi xem... Ai lại chẳng buồn khi không còn những nét thanh tú của thời trai trẻ nữa.
Lêa không sao nhịn cười được khi thấy hắn phanh áo ra cho thấy sự tàn phế trên cơ thể.
- Cứ cười, cô cứ cười đi, rồi cô sẽ thấy... Giờ đây cô kiêu hãnh với bộ ngực căng đầy, cái bụng thon thả và cặp hông xinh đẹp! Nhưng hãy chờ vài năm với hai hay ba đứa nhỏ... rồi sẽ thấy.
- Nhưng dù sao ông cũng không muốn tôi ái ngại cho ông khi thấy ông nặng thêm mấy kí thịt không cần thiết trong lúc phần lớn người Pháp phải thắt lưng buộc bụng chứ! Ông hãy ăn củ cải như họ.
- Trời đất! Cô muốn tôi chết hay sao!
Người đâu kỳ cục! Lêa không còn nhớ Raphaen Man là gì nữa.
- Có lẽ trước cả một phân đội hành quyết, ông vẫn có thể đùa cợt và làm cho tôi cười.
Ánh mắt Raphaen trở lại dịu dàng có phần buồn bã.
- Cô hết lời khen ngợi tôi rồi đấy: cười hoặc làm cho người ta cười trước cái chết! Tôi hứa sẽ ghi lòng tạc dạ, cô bạn bé nhỏ ạ.
Lấy lại vẻ mặt vui tươi giả tạo và kéo riêng Lêa ra một chỗ, hắn nói thêm:
- Cô có tin tức gì về ông bạn Tavecniê của cô không? Ông ta là một kẻ làm tôi rất băn khoăn. Người này cho đó là một người bạn lớn của nước Đức, người khác lại bảo là một tay sai của Luân Đôn. Cô nghĩ thế nào?
- Nào, chúng ta hãy nói chuyện nghiêm túc. Lần cuối cùng tôi gặp Phrăngxoa Tavecniê ở Pari. Từ đấy, ông ta hoàn toàn biến mất. Ở đây, tôi xa cách mọi thứ trên đời và tôi bận biết bao nhiêu công việc, làm sao có thể quan tâm đến một kẻ phiêu đãng. Nhưng ông làm sao thế... Bỏ tôi ra!
- Cô bạn thân mến, cô chớ cho tôi là một thằng ngốc, như thế là không đúng đâu. Cô tưởng tôi không biết ông ta say mê cô và quan hệ của hai người đâu chỉ có về mặt tinh thần!
- Tôi không hiểu ông muốn nói gì.
- Cô nghĩ tôi đã quên cái trò ông ta đã chơi xỏ tôi hay sao?
- Trong lúc hình như ông ta cứu ông thoát chết.
- Có thể... nhưng tôi không thích được đối xử cách đó.
- Thôi nào, ông Raphaen, ông đừng dễ bực bội như thế.
Vô tình, hai người bước đi xa, theo con đường dẫn tới Benlơvuy, giữa cánh đồng nho, không ai trông thấy họ.
Man dừng bước, nhìn ngó xung quanh, nét mặt bỗng nhiên mệt mỏi, già nua:
- Sống ở đây thú vị thật! Chốn này dễ gây cảm hứng biết chừng nào! Tôi không bao giờ được biết đến một chốn như thế này, không bao giờ có hạnh phúc được yên ổn viết với chính bản thân mình và thiên nhiên xung quanh mình. Vì sao tôi lại để cho những thế lực tàn bạo đưa mình thoát ra khỏi cái tội sâu xa của mình, thoát ra khỏi sự nỗ lực sáng tạo? Nỗ lực là tất cả, dù nó không đưa tới đâu đi nữa. Tất cả mọi cái đều tạo sinh tức khắc dù có vô bổ. Điều đó không quan trọng. Trong sự nỗ lực bao giờ cũng có niềm vui. Than ôi! Tôi thiếu hăng hái nên không thể trở thành một nhà văn lớn. Thông thường nhà văn là những người hăng hái phục vụ những kẻ thờ ơ. Người ta muốn như thế nào thì nói như thế ấy, và thực chất người ta như thế nào thì viết như thế ấy...
Cái anh chàng rõ ràng là nông nổi, bất lương và vô đạo này tỏ ra thực sự thất vọng! Cũng như một lần nàng cảm thấy hắn đau đớn không thể làm một nhà văn lớn như hắn vẫn luôn luôn mong ước, trong lòng Lêa dâng lên một tình thương nàng không sao kìm nén nổi.
- Cô hãy nhìn xem những cánh đồng kia, những khu rừng kia? Dù loài người và sự nghiệp của họ có đột nhiên biến mất thì trái đất vẫn cứ tồn tại như thể không hề có gì xảy ra. Tôi thấy con người thật sự là phù du khi ta chiêm nghiệm cõi vô biên. Phù du và kém cỏi. Rồi có ngày tôi sẽ viết một cuốn Ca ngợi cái kém cỏi, mà hình như có lần tôi đã nói với cô. Tôi bỏ thì giờ để kể tên các đầu sách, nhưng viết thì lại không. Lần này thì đề tài có tốt không, chắc hẳn là không. Trừ phi tôi làm cái công việc chọn lọc và tập hợp những hành vi khủng khϊếp của con người. Đó là một đề tài vô tận. Nhưng niềm vinh quang của con người là từ cái khủng khϊếp biết chắt lọc lấy cái đẹp... Một trong những lý do chủ yếu không cho phép tôi tin ở một Thượng đế nhân từ quan tâm hiểu biết cặn kẽ về con người, chính là bản thân tôi. Tôi tự bảo mình nếu quả có một thượng đế như vậy thì ắt hẳn người đã không cho phép tôi tồn tại, nhất là tồn tại như hiện tôi đang tồn tại. Đôi khi hình hài tôi tràn đầy nước mắt mà mắt tôi không sao chứa đựng nổi và tôi không biết làm thế nào để dốc đi cho cạn.
Hắn vừa nói vừa khóc, và cảnh tượng ấy Lêa không sao chịu nổi.
- Cô khinh tôi, có phải thế không? Cô có lý lắm. Cô chưa bao giờ khinh tôi như chính bản thân tôi khinh tôi...Tôi thích cô khinh tôi hơn là cô thương cảm tôi. Tôi ghét cái lối thương cảm bạc nhược... Thôi, chúng ta vào nhà, bạn bè cô sẽ băn khoăn chúng ta đang cùng nhau mưu toan cái gì.
- Ông Raphaen, vì sao ông tới đây?
Hắn rút mùi soa ra lau nước mắt rồi mới trả lời:
- Tôi đã nói với cô rồi: tôi muốn đến thăm cô.
- Chắc phải có một lý do khác nữa.
- Có lẽ như thế. Bà bạn Xara của chúng ta ra sao rồi?
Lêa chững người lại.
- Không!... Cô chớ nhầm, không phải tôi tới đây để dò la về Xara đâu, tôi chỉ hỏi cô xem cô có biết tin tức gì về chị ấy không, vì tôi rất yêu mến chị ấy.
- Tôi không có tin tức gì hết...
- Chúng ta hãy hy vọng chị ấy đã thoát nạn. Cô có hoàn toàn tin cậy được vào anh bạn Machiax Phaya của cô không.
"Thì ra thế". Lêa thầm nghĩ.
- Cũng như ông thôi.
- Như thế là phải. - Hắn đáp không một chút ngập ngừng - Bạn bè anh ta đinh ninh cô làm việc cho phe kháng chiến. Tôi khẳng định ngược lại. Tôi nghĩ là họ không tin tôi.
- Vì sao ông nói điều đó với tôi?
- Vì tôi rất yêu mến cô và tôi sẽ rất đau buồn nếu có điều gì xảy ra với cô.
Hắn nói có vẻ thành thực. Lêa khoác tay hắn.
- Ông Raphaen, lúc này, mọi cái hết sức phức tạp. Ở đây sống với Cami ốm đau, bà cô hay than thở, cô chị gái âu sầu và gia đình nhà Phaya rình rập tước đoạt Môngtiac, tôi cảm thấy chỉ thực sự yên tâm được với bà Ruyt.
- Cô có họ hàng ở Boócđô kia mà.
- Tôi muốn có càng ít quan hệ với họ càng hay.
- Thế còn ông bác giáo sĩ của cô?
Lêa bỏ cánh tay ra.
- Ông không biết chắc chắn là bác tôi đã biến mất và bị Giextapô truy nã hay sao?
- Đúng thế, tôi quên mất! Tôi xin lỗi. Tôi nhớ là đã nhìn thấy ông ấy ít lâu sau khi tôi tới Boócđô, ông ấy thay đổi rất nhiều, vả lại, ông ấy không mang áo thầy tu...
- Khi lần đầu tiên ông nói với tôi về bác tôi, ông đã biết bác ấy phải không?
- Tôi đã được nghe buổi thuyết giáo của ông trong tuần chay ở nhà thờ Đức Bà. Tôi rất thích cách ông nói về ân Chúa và về lòng sủng kính đối với Đức mẹ Đồng trinh. Thời kỳ đó, tôi rất mong muốn được giới thiệu với ông nhưng không được. Tôi rất lấy làm tiếc.
- Vậy ra bác ấy không biết ông?
- Không.
- Tiếc thật, một người như ông chắc hẳn phải khiến bác tôi lưu tâm.
- Biết đâu một ngày nào đó chúng tôi lại chẳng gặp nhau... Đời đến là kỳ cục.
- Tôi yêu quý bác tôi lắm, tôi nhớ bác lắm. Từ sau hôm an táng cha tôi, tôi không gặp lại bác nữa.
- Ở Boócđô, tôi nghe người ta nói nhiều về buổi lễ an táng ấy. Giextapô không bắt ông ấy cùng với anh chồng của cô bạn cô, thì có kỳ lạ không?
- Ấy là nhờ bác Luych tôi đấy.
- Quả là lập trường của luật sư Đenmax, cuộc hôn nhân giữa con gái ông với một sĩ quan cao cấp Đức và việc kết hôn sắp tới của bà chị gái cô với thiếu tá Crame tạo ra những mối quan hệ với quân chiếm đóng mà họ không thể bỏ qua.
- Tôi khá xấu hổ về việc đó.
- Đấy là một điều không nên để lọt vào những cái tai tò mò...
- Tôi không nghĩ là ông sẽ vội vã làm như thế chứ?
- Cô bạn tội nghiệp, cô luôn luôn nghĩ sai về tôi. Cô biết rõ là tôi chỉ hành động vì vụ lợi. Vậy tôi có lợi gì trong việc tố giác những mối quan hệ của cô với những người cô có cảm tình? Có ai còn lạ gì nữa. Giá như cô che giấu người Anh và những người kháng chiến cũ... nhưng đâu có chuyện ấy, có phải thế không cô?
Lêa bật cười.
- Ông biết rõ là nếu có nói điều đó thì ông là người cuối cùng được nghe tôi nói.
- Và như thế là phải.
Hai người khoác tay nhau, cười cười nói nói và bước vào sân. Cami, Lôrơ, Machiax và ba gã trẻ tuổi đang ngồi trong nhà.
- A? Hai vị đã về kia - Một gã lên tiếng - Chúng tôi băn khoăn không rõ hai vị đi đâu. Chúng tôi phải đi đây, người ta đang chờ.
- Đúng thế, không biết đầu óc tôi để đi đâu! Tôi hoàn toàn quên khuấy... Cô Lêa, xin cảm ơn về sự đón tiếp của cô. Nếu tới Boócđô, cô chớ quên đến thăm tôi. Tôi đã dời về phố Tinh thần Pháp luật. Thú vị lắm, có những đồ cổ rất đẹp.
- Ông có ở Boócđô lâu không.
- Cái đó còn tùy thuộc vào chỗ tôi có đăng được mấy bài báo lên tờ Dòng sông Girông hay tờ Nước Pháp hay không...
- Nếu không đăng được thì sao?
Raphaen Man không đáp. Hắn hôn lên tay Cami và hôn lên hai má Lôrơ. Mấy gã trẻ tuổi lễ phép chào từ biệt. Cả ba người phụ nữ hôn Machiax.
Trong đêm, Ađriêng Đenmax rời khỏi Môngtiac sau khi nói cho Lêa biết có vũ khí cất giấu trong một giáo đường ở khu Giá chữ thập Vecdơle, tại bậc thứ bảy khi gỡ viên gạch lát bị nứt ở bên tay phải.
- Cháu chỉ đến lấy vũ khí trong trường hợp thật sự cấp bách. Có tất cả mười súng trường và hai chục súng ngắn mà cháu phải biết cách sử dụng.
- Cháu mong như vậy.
- Tốt lắm. Cũng có cả lựu đạn và một khẩu súng máy. Cháu đừng sờ tới nó.
- Bao giờ bác trở lại?
- Hễ Phêlix cho bác biết là có thể di chuyển Luyxiêng mà không nguy hiểm là bác trở lại. Việc bọn Raphaen Man đến đây hôm nay là rất đáng lo ngại, nhất là vì kẻ thù ở ngay tại đây.
- Kẻ thù nào hả bác?
- Lão Phaya ấy. Lão biết từng ngóc ngách khu trang trại này và đi đi lại lại khắp nơi mà không ai để ý tới vì lão đã gắn bó với nơi đây. Còn ba gã trẻ tuổi đi với Machiax, thì bác biết rất rõ. Thậm chí một tên đã bị kết án tử hình và có thể nay mai sẽ bị hành quyết.
- Thế hắn đã làm gì?
- Tố giác, trộm cắp, cưỡиɠ ɧϊếp, hành hạ và ám sát đủ kiểu. Bác biết hắn đã tự tay hạ sát một người Do Thái để trấn lột của ông ta. Hắn vốn quen biết con người tội nghiệp đó từ thuở nhỏ.
- Bác nói về hắn như thể bác cũng biết hắn...
- Mẹ hắn là một người giúp công việc vặt ở nhà một ông bạn bác làm thầy thuốc ở Buxca. Vì thằng bé không có bố nên ông bạn bác hết sức chăm sóc hắn. Nhưng ông ấy đã thất vọng... Bọn Đức vừa mới kéo tới là hắn vội đến ngay đường Mũ Đỏ xin giúp việc với một khoản tiền công ra trò. Lúc đầu canh gác cơ quan, hắn dần dà được lên chức và ở bên cạnh bọn chủ. Hiện nay, Poanhxô, Đôdơ và Luyte dùng hắn... Hắn tỏ ra đặc biệt đắc lực trong đêm 19 rạng 20 tháng Mười, trong cuộc hành quân "quét sạch bọn Do Thái ra khỏi vùng". Với sự giúp đỡ của cảnh sát, hắn đã tham gia việc bắt giữ bảy mươi ba người Do Thái, kể cả đàn bà, trẻ em, và trong đó phần lớn đã bị lưu đày. Hắn lợi dụng cơ hội này để tước đoạt của cải của những ông già mà mẹ hắn trước kia làm tôi tớ. Hắn đã hoạt động ra trò... tới mức được đích thân thiếu tá Luyte ngợi khen trong ngôi nhà đẹp đẽ số 224, đại lộ Mêđôc, nơi Cami được làm quen với phương pháp của chúng. Rời khỏi buổi hội kiến ấy, hắn táo bạo về nhà thăm bà mẹ và dám cả gan chế giễu nỗi khϊếp hãi của những người Do Thái mà hắn đánh thức dậy... Ông bạn bác suýt gϊếŧ hắn như gϊếŧ một con thú độc ác. Giận điên lên, ông chỉ đá đít hắn và tống cổ ra ngoài. Ra đến đường, thằng mất dạy ấy chửi thề sẽ hạ sát ông. Bác khuyên ông bạn bác rời khỏi Boócđô, ông chối từ và bảo vị trí của ông là ở đấy. Chính ở nhà ông, bác đi gặp ông thủ lĩnh F.T.P (Chữ tắt của Francs Tireurs et Partisans chỉ lực lượng Kháng chiến bí mật của Pháp chống quân Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai); có một sự trùng hợp kỳ lạ là ông thủ lĩnh này ở cách trụ sở Giextapô sáu trăm mét. Thế là phố Buxca là vị trí trung tâm vừa của lực lượng đàn áp vừa của Phong trào kháng chiến...
- Hắn là đứa nào trong ba đứa ấy?
- Môrix Phiô.
- Vô lý! Hắn không có vẻ gì của một con thú dữ cả.
- Hắn nguy hiểm ở chỗ ấy: hắn có vẻ một chàng trai tử tế khá đẹp mã.
- Và Machiax biết tất cả những việc đó?
- Không. Machiax là một tân binh, bọn chúng còn dè dặt. Chúng chỉ tin cậy hắn sau khi được thử thách.
- Bác muốn nói sao?
- Bác muốn nói là sau khi hắn tố giác, hành hạ hay hành quyết một người nào đó. Và hắn đã bắt đầu... Vài tuần nữa là hắn sẽ trở thành một thằng đểu cáng hoàn toàn, không sao hối cải được.
- Bác Ađriêng, bác đã thay đổi biết chừng nào!... Giá như trước kia thì bác đã bảo cháu cầu nguyện... bác đã từng nói với cháu là ngay trong con người kẻ xấu xa nhất cũng có một phần trong trắng chưa được đánh thức, thế mà bây giờ... cháu có cảm giác bác chẳng còn tin vào gì nữa, ngay cả vào Chúa cũng vậy.
Mỗi một lời của Lêa như một nhát dao cứa vào nỗi đau của ông giáo sĩ dòng Đôminic. Ông quay người không nhìn cô cháu gái nữa. Kiểm tra súng đạn, đội chiếc mũ bêrê Baxcơ sụp xuống tận mày, cầm lấy chiếc va li da cứng đựng quần áo, sách vở, một ít thức ăn dự trữ và bước về phía cửa.
Lêa bỗng có một cử chỉ hoàn toàn bất ngờ đối với một kẻ không còn niềm tin nữa; nàng quỳ xuống dưới chân ông bác và nói:
- Bác cầu phúc cho cháu!
Ađriêng lưỡng lự một giây rồi làm theo lời cô gái.
Khi những ngón tay ông làm dấu thánh giá trên đầu nàng, trong lòng ông cảm thấy vô cùng yên tĩnh. Ông nâng Lêa dậy và hôn nàng.
- Bác cảm ơn cháu. - ông thầm thì và ra đi trong đêm tối.