Chiếc Xe Đạp Màu Xanh

Quyển 1 - Chương 13-1

Pari vãn hết người.

Gần ba trăm người chết trong các vụ ném bom ngày thứ hai mồng 3 tháng sáu xuống các sân bay Oocly, Buôcgiê và Vinlacublây, các nhà máy Xitrôen và nhà cửa trong quận 15 và 16. Từ sáng sớm, những chiếc xe hơi đầu tiên đi về phía Nam nước Pháp. Nhưng phần đông dân chúng Pari đổ xô về các nhà ga Lyông và Oxteclidơ, hoà với dòng người tị nạn phía Bắc và phía Đông.

Một bầu không khí im lìm và kinh hoàng thật đáng ghi nhớ trong tháng tám, bao phủ quảng trường Xanh-Xuynpixơ khi Lêa đi qua để đến toà thị chính rút phiếu cung cấp thực phẩm của ba nữ công dân ở đại lộ Raxpay. Không có tờ phiếu màu vàng dán phía trong bìa nên không có đường. Sữa, cà phê và bơ đã bắt đầu khan hiếm; người ta băn khoăn không hiểu rồi đây bữa sáng sẽ ăn gì.

Ra khỏi toà thị chính sau hai tiếng chờ đợi, Lêa rất bực dọc. Mệt lử vì đứng mãi trong hành lang nồng nặc mùi nước giaven, mùi mồ hôi và giày cũ, nàng ngồi xuống một chiếc ghế băng cũ kỹ, trước máy nước, khép kín chiếc áo mưa màu be mượn của Cami. Trời không nóng lắm, những dải mây đe doạ kéo đầy bầu trời, từ trên đó, cái chết có thể ập xuống bất kỳ lúc nào. Nàng khó chịu nhớ lại thái độ bình thản của Cami khi nghe còi báo động vang lên, rồi máy bay lượn ầm ĩ trên thành phố Pari, và cuối cùng khi nghe bom nổ.

Lêa năn nỉ nàng xuống hầm rượu nay trở thành hầm trú ẩn dưới nhà. Nàng khăng khăng không nghe, bảo thà chứng kiến cái chết tới dần còn hơn bị chôn sống.

Vừa sợ hãi vừa phẫn nộ, Lêa đành ở lại cạnh Cami và vùi đầu xuống đống gối lụa.

Còn Phrăngxoa Tavecniê cũng biệt tăm! Không thể nào có việc anh ta đã ra đi mà không gặp lại nàng và nhất là không gửi lời hứa tìm giúp phương tiện cho nàng rời khỏi Pari. Hôm nay đã là mùng 6 tháng sáu rồi.

- Kìa, cái nhíu mày kia chẳng báo tin gì tốt lành đâu. - Một người đàn ông vừa nói vừa ngồi xuống cạnh nàng.

Lêa định phản đối thì nhận ra Raphaen Man.

- Chào ông, ông chưa đi hay sao?

- Đi đâu?

- Đi xa, thật xa, nếu ông muốn.

- Cô bạn thân mến, tất cả chúng ta đều sẽ đi cả thôi, và không phải tôi không thích cái đó. Tôi bao giờ cũng yêu mến những chàng trai tóc hung, nhất là trong bộ quân phục. Còn cô thì không ư? Chúng ta sẽ không còn phải chịu đựng tất cả những tay người Pháp béo ụ, trán thấp tè, tất cả những kiều dân mũi khoằm nữa.

- Ông im đi, những điều ông nói thật nhục nhã!

- Nhục nhã ở chỗ nào? Có phải vì bọn chúng, vì blum (Thủ tướng Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp 1936) và đồng bọn mà chúng ta thất trận không? Tôi biết bọn chúng rõ lắm. Tôi là người nửa Do Thái, cô biết không?

- Tôi có một chị bạn, chồng chị ấy bị bắt chỉ vì anh là người Do Thái.

- Vậy cô không cho như thế là một lý do đầy đủ hay sao?

- Thật kinh khủng! - Lêa kêu lên và đứng vụt dậy.

- Thôi, cô bạn thân mến, xin cô bình tĩnh, tôi đùa đấy. - Hắn vừa nói vừa đứng dậy và khoác tay nàng.

Lêa khó chịu bỏ tay ra.

- Xin lỗi, tôi phải về.

- Cô chờ cho, tôi cũng có một cô bạn. Cô ấy nhờ tôi bán hộ một chiếc áo lông chồn bạc tuyệt đẹp. Tôi xin để lại cho cô với giá rất hạ, cô sẽ có lợi ra trò.

- Thế mà tôi không biết ông quan tâm tới áo lông.

- Đây chỉ là việc giúp một cô bạn cần tiền để rời khỏi Pari. Cô bảo sao, cô ấy cũng là người Do Thái, bọn Đức quốc xã làm cô ấy sợ hãi. Tôi, thì cái làm tôi sợ là sự buồn phiền. Nếu cô không thích lông chồn thì tôi cũng có thảm, những tấm thảm cổ cực đẹp.

- Thế là bây giờ ông lại là người buôn thảm. Thế mà tôi cứ ngờ ông là nhà văn.

Khuôn mặt có vầng trán hói rộng của Raphaen Man mất ngay cái vẻ đùa cợt chất phác. Một nụ cười mệt mỏi và rầu rĩ đem lại cho cái diện mạo dễ nhận thấy sự nhu nhược ấy một vẻ đẹp ưu tư trong đó nổi bật một ánh mắt hết sức thông minh.

- Vâng, tôi là nhà văn. Trước hết là nhà văn. Cô chỉ là một người phụ nữ, cô có thể hiểu gì về cuộc đời của một nhà văn, về cuộc đấu tranh hằng ngày của người đó giữa nhu cầu sống và nhu cầu sáng tác? Đó là hai mặt không thể tương hợp với nhau. Tôi giống như Oxca (Nhà văn Anh), tôi muốn đưa tài năng vào tác phẩm và vào cuộc đời của mình. Cái đó không thể đạt được. Tôi đến phát điên lên, nhưng phải chọn lựa: sống hay viết. Tôi mang trong lòng mình một cuốn sách lớn, tôi biết thế, nhưng ý muốn tham gia phong trào và những say mê của thế giới đè nặng lên tôi tới mức ảnh hưởng tới công việc. Như anh em Gôngcua (Nhà văn Pháp, người thành lập viện Hàn lâm văn học cùng tên) viết trong Nhật ký của họ, cần có "Những ngày đều đặn, êm đềm, tĩnh mịch, một trạng thái thư thái của toàn bộ cơ thể, một sự tĩnh tâm lắng dịu, để sáng tạo ra cái vĩ đại, cái day dứt, cái bi kịch. Những ai tự vung phí mình quá đáng trong đam mê hay trong sự kích động của một cuộc sống cuồng nhiệt, thì không thể làm nên sự nghiệp và chỉ làm mòn mỏi đời mình đi mà thôi". Làm mòn mỏi đời mình... điều đó xảy ra đối với tôi. Sự thiếu tưởng tượng che chở cho phụ nữ, sáng tạo duy nhất của họ là sinh con đẻ cái. Dĩ nhiên, trong giới nữ, có những người kỳ dị tuyệt vời như bà đờ Nôay (Nữ sĩ Pháp) hay Côlet (Nhà văn nữ Pháp). A! Người đàn bà này là một "nghệ nhân văn chương", nhưng ít có tài trí thực sự là cái vốn thuộc bản chất đàn ông. (Ông này trọng nam khinh nữ quá, thật là bất bình đẳng)

- Đàn ông tài trí ư? Sao ông dám nói như vậy khi đất nước này trong tay những người mà ông cho là có tài trí thực sự, đang sụp đổ một cách thảm hại?

- Chúng ta bị một trí tuệ và một sức mạnh lớn hơn đánh bại, chúng ta đành phải khuất phục trước những cái đó.

- Khuất phục trước bọn man rợ ấy?

- Cô gái bé bỏng dại dột ơi, đầu cô thật đẹp nhưng rỗng tuếch. Cô chỉ lặp lại những lời nói của anh chàng gác cổng. Cuộc chiến tranh mà cô cho là man rợ này sẽ có lợi cho nước Pháp. Vẫn anh em Gôngcua đã viết từ 1857: "Cứ bốn hay năm trăm năm một lần, sự man rợ là cần thiết để hồi sinh thế giới. Thế giới đã từng chết vì nền văn minh. Xưa kia, ở châu Âu, khi một dân tộc già cỗi ở một vùng đất dễ chịu nào đó bị suy yếu đi thực sự, thì từ phương Bắc, những con người cao sáu bộ (Mỗi bộ = 0,324 m) kéo tới và tái tạo lại giống nòi". Người Đức sẽ là những con người đó, họ sẽ đem lại cho giống nòi suy yếu chúng ta dòng máu mới, hòi sinh của họ. Cô gái bé bỏng, cô hãy tin tôi, một kẻ gian da^ʍ đồng tính bịp bợm đã từng quan sát kỹ lưỡng, vì nhu cầu văn học, và thỉnh thoảng vì nhu cầu bản thân, cái con vật biết tư duy mà người ta gọi là con người. Con người mà một hôm Thượng đế không còn đoái hoài tới khiến nó không bao giờ nguôi. Cô hãy nhớ lại câu thơ thật hay của Lamactin (Nhà thơ lãng mạn Pháp): "Người là một vị thiên thần bị đày xuống trần gian nhưng nhớ mãi thiên đường".

- Tôi có cảm giác như nghe Ađriêng, bác tôi, một tu sĩ dòng Đôminic, nói. - Lêa vẻ chế giễu.

- Ông ấy đã lựa chọn đúng. "Đối với một người như ông ấy, chỉ có chiếc áo tu hành". Ngày trước, tôi đã từng muốn làm thầy tu. Là người Do Thái, tôi đã cải giáo. Bạn bè, những người Cơ đốc giáo nhiệt thành, ủng hộ tôi. Trước hôm làm lễ phong chức, tôi bỏ trốn khỏi tu viện và đến ở ba ngày trong một cái nhà đĩ trai. A! Thật tuyệt vời! Sau những ngày làm quen với mùi mồ hôi nách chua loét của các giáo sĩ, với những cặp má đầy mụn trứng cá của các bạn cùng phòng, qυầи ɭóŧ và chăn đệm luôn luôn nhày nhụa trong những đêm dài trằn trọc, sau những buổi sáng rầu rĩ với cái cục thịt cương cứng dưới tấm áo tu hành, tôi sung sướиɠ biết bao khi được vuốt ve, hôn hít thân hình mơn mởn, thơm ngát của những chú đĩ trai non trẻ. Là một cô gái chắc hẳn còn trinh tiết, thậm chí còn chưa biết đến cả những sự ôm ấp nhạt nhẽo kiểu Xapho (Nữ sĩ Cổ Hy Lạp, thế kỷ 7 - 6 trước C.N, có tính thích giao tình với đàn bà), cô hiểu làm sao được?

- Quả tôi không hiểu. Ông làm tôi kinh tởm.

- Đúng tôi là một đứa kinh tởm hèn hạ! - Hắn bật cười - Thế nào, bà nhỏ, bà không muốn mua thảm, mua áo lông hả? Tôi để cho giá hời đấy mà, vì bà đẹp lắm. - Hắn tiếp tục nói với những cử chỉ thô kệch.

Hắn làm bộ mặt vừa hèn hạ vừa xảo trá tới mức Lêa phải bật cười.

- Ông điên rồi, ông Raphaen tội nghiệp ạ. Tôi không hiểu sao tôi lại cho phép ông ngỏ lời với tôi.

- Vì tôi làm cô thích thú, cô bạn thân thiết, và vì những lời lẽ lung tung của tôi đưa cô ra khỏi cơn đê mê của tuổi thanh xuân. Phải lớn lên thôi, cô bé xinh đẹp ạ; thời đại chúng ta không còn thuộc về tuổi ấu thơ nữa đâu.

Họ im lặng cất bước một lát. Đến góc đường Grônen và đường Xanh-Pie, Raphaen đứng lại.

- Cô có muốn đến nhà tôi uống trà không? Một người bạn cho tôi mượn một căn phòng tuyệt vời ở đường Rivôli. Nhìn ra điện Tuylơri thật ngoạn mục.

- Tôi cảm ơn ông, tôi không đến được. Bạn tôi đang ốm. Cô ấy chắc hẳn đang lo lắng: tôi ra đi đã hơn ba tiếng rồi.

- Vậy mai nhé? Cô hứa là cô sẽ tới đi, tôi muốn biếu cô mấy cuốn sách tôi thích. Cùng thích những cuốn sách như nhau là điều quan trọng khi người ta muốn cùng nhau kết bạn.

Lêa nhìn hắn với một cảm tình nàng không thể kìm được và nàng cũng không hiểu nổi.

- Nếu đến được, tôi sẽ đến, tôi xin hứa với ông.

Hắn ghi trên một chiếc phong bì có in tiêu đề N.R.F., địa chỉ và số điện thoại.

- Tôi sẽ chờ cô từ sau bốn giờ. Nếu không tới được, xin cô gọi điện cho tôi. Tôi tin cô, hẹn cô ngày mai.

- Hẹn ngày mai. - Nàng vừa nói vừa bỏ chiếc phong bì vào túi áo.

Nàng chạy từ đường Grônen vắng vẻ tới đại lộ Raxpay.

Lêa không kịp cho chìa khoá vào ổ: cửa phòng bật mở, và Cami bước ra trong bộ đồng phục xanh nước biển làm lộ rõ cái bụng mang thai và nước da xanh trên khuôn mặt gầy guộc.

- Chị đã về. - Người thiếu phụ kêu lên và đứng dựa vào tường cho khỏi ngã.

- Cô hoàn toàn điên rồi, sao cô lại đứng dậy làm gì?

- Tôi định đi tìm chị. - Cami lầm bầm và trượt dọc theo bờ tường, bất tỉnh.

- Giôdet, Giôdet, nhanh lên!

Cô gái hầu phòng chạy tới cửa phòng ăn và kêu lên thất thanh khi thấy Cami nằm sóng soài, bất tỉnh trên mặt đất.

- Giúp tôi một tay, chứ sao lại đứng như trời trồng thế?

Tóc xổ tung, mặt đỏ gay, Giôdet giúp Lêa bế người bệnh vào phòng ngủ, đặt trên giường.

- Cởϊ áσ cô ấy ra, tôi sẽ tiêm cho cô ấy một mũi.

Khi Lêa trở lại, tay cầm ống tiêm, Giôdet đắp mền lên cho Cami lúc đó chỉ còn trên người một bộ đồ lót mỏng bằng lụa hồng.

Tiêm xong, Lêa lo lắng theo dõi khuôn mặt gầy guộc, hai lỗ mũi lép kẹp. Chưa bao giờ Cami lâu hồi tỉnh đến thế.

- Vì sao chị để cho cô ấy dậy?