ĐOẠN 6
Hai năm sống chung một mái nhà, lần đầu tiên tôi vào bếp chuẩn bị bữa trưa cùng người giúp việc. Duy thấy thế thì không khỏi ngạc nhiên nhưng không dám thắc mắc nhiều vì sợ làm tôi mất hứng mà chỉ dè dặt hỏi:
- Em nấu món gì thế?
Bình thường tôi sẽ không trả lời Duy, nhưng hôm đó tôi thờ ơ đáp:
- Canh atiso hầm xương.
Khi ấy tuy không ngẩng đầu nhìn Duy, tôi vẫn cảm nhận được tâm trạng anh ta rất phấn khích vì tôi đã đáp lại. Ngữ điệu Duy vui vẻ hỏi tiếp:
- Anh có thể giúp gì cho em không? Anh phụ em sơ chế bông atiso nhé?
- Không cần. Tôi tự làm được, người làm cũng giúp tôi rồi.
- À… Vậy anh…
- Anh pha sữa cho Tuệ Nghi đi, đến giờ con bé uống sữa rồi.
Thấy tôi nói nhiều hơn một câu, Duy khẩn trương gật đầu lia lịa bảo: “Ừ, ừ, anh làm ngay đây”, sau đó thì đi pha sữa cho con trong trạng thái lúng ta lúng túng như người mới đầu tập làm.
Lúc ngồi vào bàn ăn, tôi chủ động múc hai chén canh, một chén cho tôi còn một chén cho Duy. Tôi không đẩy đến trước mặt Duy nhưng anh ta cũng rất biết ý, tự mình bưng chén lại rồi nói:
- Cảm ơn em.
Tôi khẽ gật đầu, đưa từng thìa canh lên miệng nếm thử. Lâu rồi không vào bếp may mà tay nghề nấu nướng vẫn ổn như xưa, không thể so với đầu bếp nhưng tôi tự thấy nó ngon và hợp với khẩu vị của tôi hơn những người giúp việc ở đây nấu, còn về phần Duy có hợp hay không thì tôi không chắc.
Tôi để ý khi Duy ăn miếng đầu tiên, mặt mũi tự dưng ngẩn tò te, tôi tưởng không vừa miệng anh ta nên trong lòng có chút mất mát. Tôi bảo:
- Không ngon thì không cần ăn nữa, tôi nấu cho mình, không phải cho anh.
Nghe giọng điệu như hờn như dỗi của tôi, Duy vội giải thích:
- Không phải. Ăn ngon lắm, thật sự rất ngon. Anh chỉ là đang nghĩ… vợ anh có từng học làm đầu bếp hay không.
- Có sao thì cứ nói thật, không phải nói dối lấy lòng tôi.
- Anh nói thật mà.
- …
- Anh rất muốn được ăn những món em nấu. Nếu em không thấy anh đòi hỏi thì em có thể thường xuyên nấu cho anh ăn cùng không?
Tôi trầm mặc nhìn Duy, không đồng ý ngay mà cũng chẳng từ chối. Ở nhà cả ngày ngoài chơi với con ra thì tôi chẳng có gì để làm, một ngày cứ buồn chán trôi qua như thế mãi cũng nhạt nhẽo, đôi khi vào bếp bận rộn tay chân cũng thấy vui. Nhưng Duy nghĩ tôi không muốn nên bảo ngay:
- Em thấy phiền thì thôi vậy, anh chỉ muốn em vui vẻ và thoải mái thôi. Chuyện bếp núc cũng đã có giúp việc lo rồi.
- Tôi thích ăn gì… thỉnh thoảng sẽ vào bếp làm.
- Hả?
- Sao? Anh sợ tôi phá bếp nhà anh à?
- À không. Nhà này cũng là của em mà, em phá sao cũng được, anh đủ khả năng sắm cho em phá.
Đúng là người thừa tiền, hao hụt vất chất cũng không thấy tiếc. Từ ngày tôi đến đây, bao nhiêu đồ trang trí trong nhà, cứ cái nào gần tầm với trong lúc tôi nóng giận là tôi đem đập hết. Nhiều món vừa đắt vừa hiếm, Duy rất thích mà bị tôi làm bể tan tành cũng không dám ho he mắng một câu nào, chỉ biết im im mua cái khác. Giờ nghĩ lại thời gian qua chắc tôi phải phá đến mấy tỷ của anh ta rồi cũng không biết chừng.
Tự nhiên tôi thấy hơi áy náy, nhưng biết sao giờ, ai bảo Duy làm tôi ghét.
Lâu rồi không ra ngoài tiếp xúc với xã hội, hôm nay vào cuối tuần Duy được nghỉ, tôi muốn đi hít khí trời nên bảo:
- Anh giam lỏng tôi cũng hai năm rồi, đến bao giờ mới cho tôi đi khám phá Thủ đô?
- Em muốn đi chơi?
- Ừ.
- Được. Vậy chiều anh đưa em đi, em muốn đi đâu anh sẽ cùng đi với em.
- Tôi không quen nơi này, anh cho tôi đi đâu thì tôi đi đấy… Còn một chuyện nữa, tôi muốn anh đáp ứng.
- Em nói đi.
- Thời đại 4.0, tôi cần có điện thoại để dùng.
Nghe vậy, Duy đang múc một thìa canh khác chuẩn bị đưa lên miệng uống thì chợt khựng lại. Anh ta im lặng nhìn tôi rất lâu dường như đang suy xét xem tôi có ý đồ gì không. Nhưng thực chất tôi chẳng có suy nghĩ sâu xa gì cả, chỉ đơn giản là muốn có điện thoại để lướt mạng mà thôi.
Duy sợ tôi dùng điện thoại riêng không có người quản sẽ liên lạc với Long nên sau một hồi nghĩ ngợi thì thẳng thừng từ chối:
- Em không cần liên lạc cho ai, dùng điện thoại làm gì?
- Tôi muốn xem tin tức, chơi mạng xã hội.
- Chơi mạng xã hội thì nghỉ đi, còn xem tin tức, tối về anh xem cùng em. Xem phim thì nhà có tivi kết nối internet, em xuống phòng khách người làm sẽ mở cho em.
- Anh quá đáng vừa thôi. Anh đem tôi bỏ tù luôn đi, khỏi mất công cấm này cấm kia. Tôi đã hứa với anh không liên lạc cho ai thì tôi sẽ giữ đúng lời hứa, anh bớt quản giáo tôi đi.
- …
- Anh muốn cách ly tôi với xã hội đến bao giờ, biến tôi thành người tối cổ đến bao giờ? Anh làm ơn để tôi được bình thường như bao nhiêu người khác đi, còn nếu không thì cũng đừng bao giờ nói chuyện với tôi nữa, xem tôi như không khí luôn đi.
Hòa bình không được lâu đã lại chiến tranh. Tôi nói trong ấm ức rồi cũng bỏ dở chén canh đang ăn mà đứng dậy muốn đi lên lầu. Nhưng khi tôi đi ngang qua người Duy, anh ta bỗng chìa tay giữ tôi lại. Tôi đang rất tức giận nên không muốn Duy động vào người mình, dứt khoát vung tay ra:
- Tôi và anh tốt nhất là đừng nói chuyện nữa, khỏi mất công cãi nhau, mệt lắm.
- Ngồi xuống ăn cho xong bữa đi.
- Tôi chịu, nuốt không trôi. Một mình anh tự ăn hết đi.
- Trúc.
Tôi không trả lời, ánh mắt nhìn xa xăm về phía trước. Duy lại nói:
- Sao em cứ ngang bướng mãi như vậy? Anh đã rất cố gắng để em chấp nhận anh nhưng sao em cứ phải tạo khoảng cách giữa chúng ta thế? Em không thể vì con chịu nhìn đến tấm lòng của anh một lần à?
- Anh càng cấm đoán những thứ tôi muốn thì đó mới là tạo khoảng cách giữa chúng ta đấy.
- Anh chịu hết nổi cái tính lì lợm của em luôn rồi đấy.
- Tôi làm sao mà anh bảo tôi lì lợm? Tôi đòi hỏi những yêu cầu thiết yếu mà là lì lợm à? Tôi phải ngoan ngoãn như con cún con cho anh điều khiển thì mới không lì lợm đúng không? Nếu không chịu được tính tôi nữa thì ly hôn đi, tôi đâu có mượn anh phải chịu, là anh tự lấy đá đập vào chân mình xong quay ra trách tôi.
- Anh không trách em nhưng em cũng phải hiểu cho anh chút chứ. Em biết anh lo sợ điều gì nên mới không cho em dùng điện thoại mà.
- Anh vô lý lắm. Tôi không cãi nổi anh.
Nói qua nói lại vài câu, tôi đã ức đến độ khóe mắt ửng đỏ. Thấy tôi sắp khóc, Duy không cãi nữa mà thở dài một tiếng rồi bảo:
- Em muốn dùng điện thoại cũng được, nhưng em phải giữ đúng lời hứa với anh. Giờ em đã là mẹ của Tuệ Nghi, anh mong em làm gì cũng nên nghĩ đến con.
- Khỏi. Tôi không cần nữa. Để tôi làm người tối cổ, con mù công nghệ, con bù nhìn luôn đi.
Dứt lời, tôi đến bên bảo mẫu bế Tuệ Nghi lên phòng, hai mẹ con cứ thế ôm nhau nằm trên giường với cả một bụng tức. Đợi khi tôi đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng cửa phòng bật mở, tôi quay lưng về phía cửa nên Duy không thể xác định tôi đã ngủ hay chưa nhưng vẫn cất giọng hỏi nhỏ tôi:
- Em chưa ngủ thì ngồi dậy ăn cơm đi, anh mang lên đây cho em này. Có giận anh thì cũng phải no bụng, đừng để bị đói.
- …
- Anh vừa đặt điện thoại cho em rồi, tầm chiều Hào sẽ mang qua.
- …
- Ngủ rồi thì thôi vậy. Đợi em dậy anh đưa hai mẹ con đi chơi.
Cuối cùng, Duy phải chịu thua trước tôi, anh ta nằm xuống bên cạnh, nhẹ nhàng đặt tay lên eo ôm tôi. Thời gian qua ngủ chung là thế nhưng chúng tôi chưa từng xảy ra quan hệ lần hai. Mới đầu là vì tôi mang thai, Duy không dám làm gì sợ ảnh hưởng đến con, khi tôi sinh Tuệ Nghi, sức khỏe bình phục hoàn toàn Duy cũng nhiều lần đòi hỏi nhưng tôi có chết cũng không đồng ý nên anh ta không ép, chỉ lẳng lặng ôm tôi, đợi khi tôi ngủ say thì mò vào phòng tắm tự mình giải quyết.
Ngay hôm ấy, tôi có điện thoại đời mới nhất để dùng. Khi vừa đăng nhập vào facebook thì nhận được rất nhiều tin nhắn Long gửi đến, mới đầu thì dày đặc nhưng dần rồi cũng thưa thớt, vài tháng mới có một, hai tin hỏi thăm. Giờ ngồi đọc những dòng tin nhắn ấy, tôi không còn thấy đau lòng mà chỉ cảm thấy nuối tiếc về một cuộc tình đã cũ kĩ.
Tôi nghĩ, có lẽ Long cũng đã quên được mối tình này. Vào trang cá nhân của anh ấy, thấy cuộc sống gần đây rất tốt, Long chia sẻ nhiều dự án của công ty mình đang làm việc, những khoảnh khắc đời thường và cả những dòng trạng thái tâm trạng buồn vu vơ, vui vẻ và hạnh phúc cũng đều có.
Biết anh ấy ổn định, trong tôi cũng an ủi được phần nào.
***
Những tháng ngày sau đó, tôi quan tâm đến gia đình nhỏ của mình hơn, cùng Duy đi chơi, trò chuyện với người nhà anh ta nhiều hơn. Bắt đầu lại cảm giác yêu đương, hẹn hò với người tôi từng ghét. Nhớ lần đầu tôi cười tươi với Duy, lần đầu chủ động dựa vào bờ vai Duy, cả người anh ta chợt cứng ngắc gần như không thể phản ứng ngay tức thì, không tin vào những gì mình đang trải qua.
Khi Duy ôm tôi, tôi không đẩy mà vòng tay ôm lại. Duy hôn tôi, tôi không bài xích mà rớn người hôn đáp trả. Anh ta biết tôi đã mở lòng thì vui đến mức tôi có thể dễ dàng nhìn ra những tia máu đỏ vì xúc động mà hằn rõ trong khóe mắt. Duy bảo tôi:
- Đợi em lâu như vậy cuối cùng cũng có kết quả. Cảm ơn em đã cho anh một cơ hội, chỉ cần em nguyện ở bên anh cả đời, anh cũng sẽ dùng cả đời này yêu thương và bảo vệ em.
- Em không quen nghe những lời sến súa từ anh đâu, em vẫn thích anh làm nhiều hơn nói.
- Được. Em muốn gì anh cũng đều làm vì em.
Thêm một năm nữa trôi qua, tôi đã ở bên Duy được 3 năm, cùng anh ấy nuôi dạy Tuệ Nghi khôn lớn, trưởng thành từng ngày, chứng kiến D&J dần lớn mạnh, Tập đoàn Trần Thái đổi chủ và chuẩn bị di dời trụ sở chính ra Hà Nội. Ngày bà nội Duy lâm bệnh nặng qua đời cũng là ngày tôi quay trở lại Sài Gòn sau 3 năm rời đi.
3 năm chưa về thăm mộ mẹ, lần này trở về có bố con Duy đi cùng nên tôi muốn dẫn anh đến trước mộ mẹ để bà biết mặt con rể và cháu ngoại. Khi đưa Duy về lại căn nhà cũ, bước chân của anh chợt sững lại, biểu hiện dường như rất lạ, anh còn hỏi tôi:
- Đây là nhà em sao?