ĐOẠN 18
Khuya đó, tôi thức trắng đêm, mắt cứ ráo hoảnh nhìn lên trần nhà mà không rơi bất cứ giọt nước mắt nào. Nằm bên cạnh An, nghiêng đầu nhìn gương mặt ngủ say của con gái, cái miệng chúm chím, sống mũi cao thẳng giống hệt anh, khiến tôi không sao chợp mắt nổi.
Tôi nhớ ngày chia tay, anh bảo anh không có tình cảm với tôi, anh xin lỗi vì không thể cùng tôi đi tiếp. Anh thốt ra những lời ấy nhẹ bẫng rồi quay đi, bỏ tôi lại giữa thế giới bao la. Có lẽ ngay từ khi bắt đầu cho đến giờ chỉ mình tôi mộng tưởng, mình tôi đặt quá nhiều niềm tin và hi vọng nơi anh, mà anh thì chỉ xem tất cả những điều ấy như một cơn mơ thoáng qua.
Ngày tháng ấy tôi thật dại dột, cứ nghĩ yêu hết mình sẽ nhận lại một tình cảm chân thành từ anh. Nhưng không, tôi đã sai thật rồi. Cái gì vốn dĩ là của mình không tranh giành vẫn sẽ mãi là của mình. Vốn dĩ không phải của mình, trầy da tróc vẩy giành giật cũng chỉ nhận về một nắm hư không. Đôi khi chấp nhận từ bỏ một số thứ không phải vì cam lòng buông bỏ, mà là buông thả đủ rồi, trưởng thành hơn rồi, cũng hiểu rằng cuộc đời mình cần lật sang một trang mới.
Tôi của năm mười bảy tuổi đã gặp được người đàn ông khiến tôi nguyện dành cả trái tim mình để yêu. Yêu anh, gả cho anh là quyết định ngàn lần tôi không hề hối hận. Tiếc là vì đến sau người ta nên không thể giữ lấy vị trí là người con gái quan trọng nhất trong tim anh. Tiếc là dù đến sớm hơn người sau một bước nhưng vẫn gắn mác người dưng nên chẳng có quyền gì để ghen.
Tuổi thanh xuân của tôi vì có anh nên rất đẹp, vì mất anh nên ngập tràn nước mắt…
Không ngủ được tôi lại mở điện thoại lên, chọn một bức ảnh hồi sáng mới chụp bé An đăng lên Facebook, người quen không nhiều lại đăng vào đêm muộn như này nên chẳng có mấy ai like ảnh. Lướt qua bảng tin một lượt, khi chuẩn bị tắt điện thoại thì một nick facebook quen thuộc thả tim vào ảnh con gái, tiếp đó là một tin nhắn từ messenger gửi đến với nội dung: “Muộn rồi sao chưa ngủ?”
Đã lâu không liên lạc, hôm nay không những gặp anh mà còn được anh chủ động nhắn đến. Lòng đã buồn rười rượi còn nhận được tin nhắn của Đăng khiến tôi không kìm lòng được mà một giọt nước mắt tràn ra khóe mắt.
Tôi đưa tay quẹt đi nước mắt, mở màn hình chat, từng ngón tay run run chậm chạp gõ vào màn hình điện thoại. Tin nhắn cứ soạn rồi lại xóa, cuối cùng vẫn không gửi đi mà lặng lẽ ấn chặn nick facebook của Đăng. Tôi không muốn chỉ vì một tin nhắn vu vơ lúc nửa đêm, bản thân lại ảo tưởng anh quan tâm đến tôi mà nuôi hy vọng trong lòng rồi tự mình vơ về những nỗi thất vọng triền miên. Vậy nên, chặn anh, không để tôi và anh nhìn thấy nhau mới giúp tâm tôi sớm ngày an yên trở lại.
Tôi tắt điện thoại, đặt nó lên trên kệ tủ đầu giường, ôm bé An trong lòng cố gắng chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, mẹ con tôi còn đang say giấc thì bên ngoài có tiếng chuông cửa vang lên. Tôi lóc ngóc bò dậy, bế con gái cùng ra ngoài với mình. Nhìn qua mắt mèo thấy người đến là bố mẹ Đăng, tôi tưởng mình hoa mắt nên dụi dụi vài cái rồi nhìn lại thì đúng là không nhầm đi đâu được. Chỉ là, không biết tại sao bố mẹ biết tôi sống ở đây, hơn nữa ông bà đến đây sớm như vậy để làm gì? Tôi chần chừ mấy giây rồi mới mở cửa cho họ.
Cánh cửa vừa mở ra, mẹ Tuyết vui vẻ nói với tôi:
-Di, bố mẹ đến thăm con và bé An.
-Dạ. Con chào bố mẹ, bố mẹ vào nhà đi ạ.
Mẹ Tuyết bước vào trước, tiếp đó là bố Vũ, trên tay ông xách lỉnh kỉnh nhiều túi hàng. Tôi còn chưa kịp lên tiếng hỏi sao bố mẹ mua nhiều đồ vậy thì bố Vũ đã giải thích trước:
-Lâu không gặp mẹ con con, bố mẹ nhớ hai đứa quá nên gặng hỏi thằng Duy mãi nó mới chịu nói cho bố mẹ biết địa chỉ của con. Sang chơi với hai mẹ con cũng không thể đi tay không, tiện đường qua siêu thị nên bố mẹ mua ít đồ cho hai đứa.
Từ lần gặp mặt ở nhà Duy, chúng tôi đến nay mới gặp lại. Thời gian qua mẹ Tuyết vẫn thường liên lạc qua Zalo hỏi thăm An và tôi, cũng không ít lần khuyên tôi về sống chung với họ nhưng tôi đều từ chối. Vốn đã giao kèo từ trước, đợi lòng tôi nguôi ngoai sẽ đưa bé An về gặp ông bà, vậy mà giờ bố mẹ lại bất ngờ xuất hiện ở đây nên là dù muốn dù không tôi cũng không thể mời họ về.
Tôi nói:
-Con cảm ơn bố mẹ, nhưng lần sau bố mẹ sang thăm An là được rồi đừng mua nhiều đồ cho chúng con như này nữa, con ngại lắm ạ.
-Ngại gì chứ, con là con của bố mẹ mà.
Một tay tôi bế An ngồi xuống sofa, tay còn lại rót nước mời bố mẹ:
-Bố mẹ uống nước đi ạ.
-Ừ. Cho mẹ bế An một chút nào.
-Vâng.
Tôi đưa An cho mẹ Tuyết, nhân cơ hội xin phép vào trong vệ sinh cá nhân và thay bộ quần áo ngủ. Một lúc sau đi ra thấy ông bà đang nói chuyện cười đùa với An, con bé thích thú nên cười khúc khích híp chặt cả mắt lại.
Mẹ Tuyết ngẩng lên nhìn tôi:
-Bố mẹ tự ý đến mà chưa được sự đồng ý của con, con có giận bố mẹ không?
-Không ạ. Con không giận gì bố mẹ đâu, chỉ là chưa sẵn sàng nên hơi bất ngờ chút thôi ạ.
Mẹ đưa tay vén mấy sợi tóc lòa xòa trên mặt tôi, đôi mắt bà ánh lên sự thương xót:
-Lâu không gặp, dạo con gầy quá.
-Con không gầy đâu. Tại lúc trước vừa sinh xong béo mũm mĩm, giờ bố mẹ gặp là lúc con giảm cân nên thấy thế thôi ạ, chứ con vẫn đủ tiêu chuẩn cân nặng phù hợp với chiều cao mà.
-Gầy như này còn chối nữa, phải có da có thịt mới xinh.
-Dạ, nhưng con thích dáng người bây giờ của mình.
Ngồi nói chuyện với bố mẹ được một lúc thì cũng sắp đến giờ ăn trưa nên tôi mời bố mẹ ở lại dùng bữa với mẹ con tôi luôn. Trong lúc tôi và mẹ Tuyết nấu ăn, mẹ vẫn nhắc đi nhắc lại mong muốn tôi và bé An trở về nhưng tôi chỉ cười nhạt rồi từ chối. Bà nói không được tôi thì khẽ thở dài:
-Con không thương hai thân già này à? Bố mẹ ở nhà buồn lắm, chả có ai nói chuyện, nhiều lúc nhớ An mà không dám tìm gặp con.
Mặc dù chuyện cũ tôi vẫn chưa hoàn toàn buông bỏ, nhưng cũng không muốn bố mẹ nhớ bé An mà không được gặp. Dù sao đây cũng là chuyện riêng của tôi và Đăng, không liên quan đến bố mẹ anh nên tôi bảo:
-Nếu bố mẹ nhớ cháu thì cứ đến đây tìm chúng con ạ.
-Thật hả? Con đồng ý cho bố mẹ thường xuyên đến đây hả?
-Bé An được bố mẹ yêu thương con cũng mừng cho con bé ạ.
-Vậy nếu bố mẹ đón hai mẹ con về nhà chơi cũng được, phải không?
-Chuyện này…
-Bố mẹ đón về chơi thôi, chứ chưa bắt con phải đồng ý về sống cũng đâu?
-Dạ thôi ạ. Con nghĩ nếu bố mẹ có thời gian thì qua với cháu, chứ con không về bên đó đâu.
Mẹ Tuyết có vẻ ngập ngừng, suy nghĩ mấy giây rồi bảo:
-Di à, mẹ có chuyện này muốn nói cho con biết.
-Chuyện gì vậy ạ?
-Nhưng con phải hứa nghe mẹ nói hết nhé.
-Vâng.
-Không phải mẹ bênh thằng Đăng mà nói giúp nó đâu, chỉ là mẹ thấy nó cũng nhớ đến hai mẹ con con đấy.
Đăng nhớ đến mẹ con tôi? Không thể nào, anh sẽ không nhớ đâu, đầu óc anh còn để chứa hình bóng của người khác mà. Chẳng qua mẹ Tuyết muốn nói đỡ cho anh thôi, có lẽ là muốn thuyết phục để tôi mềm lòng quay về.
Tôi gượng cười đáp:
-Không phải đâu mẹ, mẹ suy nghĩ nhiều rồi.
-Không, mẹ nói thật. Hôm nay bố mẹ đến đây một phần là nó bảo bố mẹ đến đấy. Nó nói hôm qua gặp con ở siêu thị, trông con gầy nhiều lắm, nó sợ con ăn uống không đầy đủ nên bảo bố mẹ mang ít đồ tẩm bổ đến cho con. Đồ này là nó mua đưa cho bố mẹ đấy, nó sợ con không nhận nên bảo mẹ đừng nói cho con biết.
Tôi không hiểu sao Đăng phải làm vậy, hôm qua thì ở siêu thị mua đồ, về nhà lại chủ động nhắn tin cho tôi, hôm nay còn nhờ bố mẹ mang qua mà không muốn tôi biết. Những gì anh đang làm là vì cảm thấy áy náy, có lỗi với mẹ con tôi hay là có ý đồ gì khác? Dù sao thì cũng cảm ơn long tốt của anh.
Tôi nói:
-Mẹ giúp con chuyển lời đến Đăng với ạ, bảo anh ấy không cần phải làm những điều này cho mẹ con con đâu. Bé An là con của con, con sẽ cho con bé cuộc sống tốt nhất, cũng sẽ chăm sóc bản thân thật tốt để có sức khỏe cùng con gái con trưởng thành.
-Di, nó cũng thương con, nó có tình cảm với con đấy. Con về nhà đi, hai đứa cho nhau một cơ hội cùng bắt đầu lại.
Nghe những lời này của mẹ Tuyết tôi chỉ biết cười khổ. Trong mắt bà, Đăng lúc nào cũng thương tôi, có tình cảm với tôi, nhưng bà đâu biết đó không phải là tình yêu mà là tình anh em, thói quen hàng ngày của anh mà thôi.
-Anh Đăng từng nói với con rằng, thứ tình cảm anh ấy đối với con là anh trai dành cho em gái. Con không muốn ảo tưởng và chờ đợi vô vọng nữa đâu ạ. Đăng có người anh ấy yêu, sớm muộn gì cũng lấy cho mẹ một người con dâu mới, nên mẹ đừng mất công gán ghép chúng con nữa.
-Không, còn lâu mẹ mới chấp nhận con nhỏ khác. Mẹ chỉ muốn con làm con dâu mẹ thôi, cháu nội mẹ phải là con sinh ra.
Tôi cố nặn ra một nụ cười, chuyển chủ đề:
-Chúng ta đừng nhắc đến Đăng nữa, con nấu xong canh rồi, chúng ta cùng ăn thôi.
-Mẹ… ừ rồi, không nói đến nữa.
-Vâng.
Trong lúc dùng bữa, bố mẹ không ngừng hỏi tôi dạo làm gì, ăn ngủ nghỉ thế nào, rồi bé An đã biết làm những gì, có ngoan hay giật mình khóc đêm không? Rất nhiều, rất nhiều những câu hỏi đều được tôi trả lời tường tận không sót một câu. Bố mẹ ở lại chơi đến mãi chiều mới về, lúc rời đi mẹ Tuyết vẫn không quên bảo tôi suy nghĩ đến lời đề nghị của bà.
—
Nửa tháng sau, Tập đoàn D&J tổ chức sự kiện ra mắt mẫu trang sức mới, anh Duy một mực muốn tôi đến tham dự. Vì chưa từng đến những buổi lễ như này nên tôi không muốn đi chút nào, với lại cũng phải trông con gái, tôi mà đi thì ai bế bé An giúp tôi. Nhưng mặc cho tôi từ chối, chiều hôm đó anh Duy đến chung cư đưa mẹ con tôi về biệt thự, sau đó giao bé An cho bác Tâm trông giúp, rồi kéo tôi lên lầu để thợ trang điểm và làm tóc, chuẩn bị trang phục cho tôi. Dù không muốn nhưng nghĩ đến những lần anh Duy giúp đỡ mình nên tôi đành miễn cưỡng đến sự kiện cùng anh ấy.
Chị thợ make up cho tôi kiểu tone nhẹ nhàng, tóc vấn cao làm xoăn mấy sợi tóc mái và mặc lên người tôi một chiếc váy cúp ngực màu xanh ngọc dài đến mắt cá chân cùng đôi dép cao 7 phân. Lần đầu đi dép cao gót, tôi không quen nên đi được vài bước đã không chịu được phải vịn vào tay anh Duy để giữ thăng bằng. Chúng tôi vừa bước vào đại sảnh của công ty, có rất nhiều ánh mắt đổ dồn đến cả hai, có người ngưỡng mộ, xuýt xoa, cũng có người nhìn chúng tôi bằng ánh mắt ghen tị. Mà ghen tị chủ yếu là nữ giới, họ ghen vì tôi được đi bên cạnh một vị Tổng giám đốc vừa trẻ vừa đẹp trai, đã vậy từng cử chỉ đối với tôi còn vô cùng nhẹ nhàng, nâng niu hệt như đối với người yêu.
Tôi ngại mọi người nên chỉ muốn kiếm một góc khuất nào đó ngồi tạm nhưng anh Duy lại đưa tôi đi giới thiệu hết người này đến người khác. Mà cái kiểu giới thiệu mập mờ không rõ ràng quan hệ giữa chúng tôi càng làm cho mọi người được một phen suy đoán.
Được một lúc, chân đau không chịu được, anh Duy thấy tôi bước đi khó khăn nên dìu tôi đến một bàn nước ngồi nghỉ. Đang cầm trên tay một ly nước trái cây, vừa cụng ly với anh Duy, còn chưa kịp đưa lên miệng thưởng thức thì từ đằng xa tôi đã thấy bóng dáng của ai đó. Đi bên cạnh Đăng còn có Nguyệt và một người đàn ông trẻ tuổi.
Duy thấy tôi chăm chú nhìn về phía sau anh ấy thì cũng ngoái đầu quay lại nhìn. Vừa thấy Đăng, anh ấy liền đặt mạnh ly rượu xuống bàn, gọi trợ lý Hào đứng cách đó không xa:
-Sao Lê Hải Đăng đến đây?