ĐOẠN 15
Tôi ôm bé An cùng anh Duy rời khỏi căn nhà đã gắn bó với mình trong gần một năm qua. Ở nơi đây đã từng có những tháng ngày hạnh phúc, có những kí ức đẹp, có một người từng cho tôi cảm giác yêu thương, được che chở, nhưng sau này chỉ còn là quá khứ đau thương. Nước mắt tôi rơi nhiều rồi, thất vọng cũng đủ rồi, còn tiếp tục ở lại đây nữa chỉ khiến bản thân càng thêm chi chít vết thương.
Có ai biết khoảnh khắc đau đớn nhất của tôi là gì không? Chính là khi tôi quay lưng rời đi nhưng người tôi yêu nhất lại không có ý muốn giữ tôi lại. Lúc ấy, trái tim tôi như vỡ vụn ra thành từng mảnh, đau đớn hơn bất cứ nỗi đau nào khác. Kiểu như có ai đó cướp cả thế giới của tôi đi mất, mặc tôi trơ trọi giữa biển khơi, mặc tôi sống những ngày tháng sau này thiếu vắng họ như thế nào.
Tôi biết có những thứ giống như cát trong lòng bàn tay, càng nắm chặt càng rơi nhanh. Đã cố gắng, đã trân trọng rồi nhưng không phải là của mình thì tôi cũng không muốn miễn cưỡng tranh giành nữa. Lòng người vốn vô tình và nguội lạnh, với một người chưa từng có tình cảm với tôi thì càng như băng tuyết nơi bắc cực.
Đăng không giữ lại, tôi cũng không quay đầu, từ nay về sau mỗi người hãy bình an sống quãng đời còn lại. Anh không hoàn toàn có lỗi, tôi cũng không sai, chỉ là chúng tôi gặp nhau không đúng lúc và cũng chẳng đúng người mà thôi. Đã sai người, sai thời điểm, hà cớ gì duyên số còn cho chúng tôi gặp nhau vào tháng năm ấy? Tại sao anh lại bước vào cuộc đời tôi khi trái tim tôi như một áng mây trắng trong lành, vẽ lên thật nhiều mơ ước rồi bỏ rơi tôi giữa ảo tưởng bao la? Tại sao vậy?
Tôi ngồi trên xe ôm con gái nhỏ khóc nấc từng hồi mà cảm giác bất lực cứ bủa vây lấy mình. Tôi cũng là con người, là một cô gái rất bình thường, không hẳn là yếu đuối nhưng cũng chẳng đủ mạnh mẽ để đối mặt với biến cố. Tôi muốn có một gia đình, có một người đàn ông yêu tôi, làm điểm tựa mỗi khi tôi yếu lòng, thế nhưng… tôi lại không có.
Tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời ngoài cửa xe, tự hỏi ông trời liệu còn nỗi đau nào đau hơn nữa không, xin hãy để tôi gánh chịu hết luôn đi, về sau đừng hành hạ tôi nữa. Bố thí cho tôi một cuộc sống hạnh phúc khó thế sao?
Nước mắt khiến mọi thứ trước mắt tôi đều không còn thấy rõ, anh Duy ngồi bên không nhịn được nên dừng xe bên lề đường, kéo tôi và bé An ôm vào lòng. Ở trong vòng tay anh ấy, tôi hoàn toàn rũ bỏ mọi lớp phòng bị kiên cố, nói trong tiếng khóc nức nở:
-Rốt cuộc kiếp trước em đã gây ra tội lỗi gì mà kiếp này phải chịu cô đơn nhiều như vậy? Em chỉ muốn con em có một gia đình trọn vẹn nhưng sao khó khăn đến thế. Sau này mẹ con em biết phải làm sao đây? Bé An lớn lên không có bố, con bé sẽ tủi thân đến nhường nào chứ?
-Di… đừng khóc nữa. Anh bảo vệ em, cả đời này sẽ bảo vệ em và bé An, không cần một tên khốn như anh ta.
-Em vô dụng lắm phải không? Đến cả hạnh phúc của mình, hạnh phúc của con em, em cũng không đấu tranh giành lại được.
-Không. Em rất giỏi. Mười mấy năm qua chịu nhiều thương tổn nhưng em vẫn lạc quan đã là rất giỏi rồi. Sau này hãy cứ yêu đời và sống tốt, xem như anh ta chưa từng xuất hiện trong cuộc đời của em đi. Bé An cũng sẽ giỏi giống như em, không cần người bố như anh ta.
Anh Duy không phải là tôi, sao biết tôi đã trải qua những gì. Ban ngày vui vẻ, cười đùa thế thôi nhưng đêm xuống tôi cũng tủi thân, cũng khao khát mình có bố có mẹ, nhìn người ta có một mái ấm tôi cũng muốn có một gia đình che mưa chắn gió cho mình.
Tôi biết cuộc đời này có nhiều lựa chọn, ai ở bên ai đều đã được sắp đặt. Đăng không chọn tôi, chúng tôi không ở bên nhau được nữa, vậy nên từ giờ tôi sẽ cất Đăng vào một ngăn ký ức trong trái tim mình. Sau này tôi và bé An sẽ không xuất hiện trong cuộc đời của anh nữa. Tình cảm tôi dành cho anh dừng lại ở đây thôi. Yêu anh là thật, đối tốt với anh cũng là thật đấy, nhưng nếu không thể bước vào cuộc sống của anh một cách trọn vẹn thì tôi sẽ không miễn cưỡng nữa. Tôi mong anh sống một cuộc đời bình an như cái cách mà tôi đã dành hết tấm lòng cho anh vậy. Tôi cũng sẽ sống cho tôi, sống cho con gái, sống cho phần đời còn lại của mình thật đàng hoàng. Không còn những đêm khóc vì anh, nhớ anh, chờ đời anh hay bị lụy vì anh. Tôi sẽ là tôi, là Thiên Di – một cô gái đi qua tổn thương và trở nên thật mạnh mẽ, kiên cường.
Đợi khi tôi ngừng khóc, bé An cũng vì khóc nhiều đến mất sức mà thϊếp đi trong lòng tôi, nhưng thỉnh thoảng vẫn giật mình thon thót. Không rõ đã xảy ra chuyện gì với con, thấy tôi lo lắng cho con bé, anh Duy liền đưa mẹ con tôi đến bệnh viện. Bác sĩ kiểm tra một lúc, từ trong ra ngoài rất cẩn thận thì phát hiện sâu trong khoang miệng, lợi của con bé bị thương như vật gì bấm vào. Tuy không chảy máu nhưng in đậm rõ dấu vết, đối với trẻ con như vậy đã rất đau rồi. Và người gây ra chuyện này cho An chắc chắn là Nguyệt, dù thế nào tôi vẫn giữ vững quan điểm của mình, ngoài cô ta ra thì không thể là ai khác.
Thấy bé An bị thương, anh Duy không cần hỏi rõ cũng ngờ ngợ đoán được đầu đuổi mọi chuyện hôm nay mẹ con tôi gặp phải. Anh ấy còn một mực muốn quay lại đó đòi công bằng cho tôi và bé An nhưng đã bị tôi giữ lại, tôi không muốn mọi chuyện rắc rối thêm nữa, như vậy đã đủ mệt mỏi lắm rồi.
Hiện tại rời đi, tôi không có chỗ ở, trên người cũng không có tiền, tôi đi khỏi nơi đó không mang theo bất cứ thứ gì vì vốn dĩ mọi thứ tôi có đều là gia đình Đăng cho. Đã quyết dứt khoát với Đăng, tôi cũng trả hết cho anh, chỉ có dòng máu chảy trong người con gái tôi là vĩnh viễn không trả được.
Biết tôi không có nơi để về, Duy ngỏ lời bảo tôi hãy đến nhà anh ấy. Dù không muốn làm phiền anh ấy nhưng tôi đã không còn lựa chọn nên đành theo Duy về, tính ở tạm vài hôm đợi đến khi tìm được một công việc sẽ rời đi.
Dừng chân trước một ngôi biệt thự rộng lớn tọa lạc giữa vị trí đắt nhất Hà Nội, nơi đây còn xa hoa, sang trọng hơn hai ngôi biệt thự trước đây tôi ở. Chính vì sự giàu có đến kinh người, ở đây không chỉ có anh Duy mà còn có ông ngoại anh ấy và rất nhiều người làm, nên khi đặt chân đến tôi không khỏi lo sợ sẽ làm mọi người không vừa mắt.
Thấy tôi rụt rè ngó trước nhìn sau, anh Duy cười cười trấn an tôi:
-Em đừng lo, mọi người rất dễ tính, có anh bảo kê sẽ không ai dám làm khó em đâu. Về phần ông ngoại, tuy bề ngoài trông ông hơi dữ dằn nhưng tâm ông hiền lắm.
-Vâng.
Anh Duy dẫn tôi vào đến cửa chính, một người phụ nữ ước chừng bốn mấy năm mươi tuổi chạy lại, vui vẻ hỏi:
-Nay cháu đi làm về sớm thế?
Nụ cười trên môi người phụ nữ ấy chợt gượng lại khi thấy tôi. Tôi lịch sự cúi đầu chào một tiếng, bác ấy cũng đáp lại rồi hỏi Duy:
-Ai thế Duy? Đừng nói là… vợ con cháu nhé?
-Không. Bạn cháu.
-Oh… tiếc thế. Cô tưởng lần này ông ngoại có chắt bế rồi.
-Ông ngoại đâu rồi ạ?
-Ông đang ở trên lầu chơi cờ với Hào, sáng giờ hành thành bé mãi.
-Vâng. Lát cô lên lầu sắp xếp phòng bên cạnh cháu cho Di nhé, sắp tới em ấy sẽ ở đây.
Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi:
-Gì cơ? Ở lại đây á? Cháu đã hỏi ông ngoại chưa thế?
Anh Duy bỏ qua câu hỏi của bác ấy, anh nói:
-Cô làm việc đi, mười phút nữa cháu cần phòng. Cháu lên lầu trước đây.
Nói rồi, anh Duy bỏ lại bác ấy ngơ ngác nhìn theo sau chúng tôi mà đưa tôi lên trên tầng và không quên giới thiệu người vừa rồi là cô Tâm, người làm ở đây đã gần 25 năm.
Đứng trước cửa phòng gỗ, anh Duy không gõ cửa mà đẩy một phát đi thẳng vào trong. Thấy người bước vào, ông ngoại Duy không mảy may suy chuyển, vẫn bình tĩnh ngồi đánh cờ với người thanh niên đối diện như kiểu đã quá quen với hành động tự ý của Duy. Ông không nhìn đến mà chỉ bảo:
-Về rồi đấy à?
-Vâng.
-Mang theo người về mà không xin phép ông, có phải ông chiều hư cháu rồi không?
Trước đó có nghe Duy kể ông ngoại anh ấy đã hơn 70 tuổi, tuy tuổi đã cao nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh và tinh tường lắm, ông không cần ngẩng lên vẫn biết anh Duy dẫn người đến.
Tôi nghe ông nói thì liền cất tiếng chào:
-Cháu chào ông, em chào anh ạ.
Động tác chuẩn bị đặt quân cờ xuống của ông lập tức dừng lại, ông ngẩng lên nhìn chúng tôi, quan sát mẹ con tôi trong giây lát rồi dồn toàn bộ ánh mắt nhìn đến bé An. Ông hỏi anh Duy:
-Cháu về nước không lâu đã có con từ bao giờ thế?
Người thanh niên đối diện cũng nhìn đến mẹ con tôi, anh ta nói:
-Chắc Duy lén ông về từ trước đó nhưng đến khi ông gạ mới chịu về D&J đây mà, hoặc cũng có thể có vợ con từ trước cũng nên.
Anh Duy mặt không biến sắc, không biểu cảm đáp:
-Tin tôi cho anh ở nhà đánh cờ cùng ông ngoại cả tháng không?
Người đàn ông nghe xong liền đứng dậy khỏi ghế, bám lấy tay Duy nói:
-Ây thôi, Tổng giám đốc Duy à, em xin ông ngoại giúp anh đi. Anh ngồi chơi từ sáng đến giờ, ê ẩm hết cả người mà ông vẫn không cho anh nghỉ. Muốn đi vệ sinh cũng không được, phải đợi ông mới được đi cùng đấy.
-Anh rảnh mà, mồm miệng đi chơi hơi xa, ngồi đánh cờ cho tịnh tâm.
-Anh tịnh tâm đủ lắm rồi, tịnh lâu quá khéo thành tượng đá mất.
Anh Duy lắc đầu, gỡ tay người kia ra sau đó kéo tôi đứng lên trước, anh nói:
-Ông! Em ấy tên Thiên Di, đứa bé tên Thiên An, thời gian tới cháu sẽ để em ấy sống tại đây.
-Cháu đang xin phép ông hay thông báo thế? Ông còn chưa đồng ý cho con bé này ở lại.
-Ông không phản đối được đâu. Ý cháu đã quyết ông cũng biết không ai thay đổi được mà. Nhưng nếu ông nhất quyết không chịu, cháu sẽ ra ngoài sống, để ông cô đơn ở nhà với người làm nhé.
-Cái thằng này… Mày dọa ông đấy à?
-Không ạ.
Ông ngoại trừng mắt nhìn Duy, ông hỏi:
-Là vợ con của ai?
-Con gái của Lê Hải Đăng.
-Ơ thế gọi cậu ta đến đón về đi, sao cháu phải nuôi hộ nó? Hay là… thằng ranh đấy không nhận, giờ cháu định đổ vỏ hộ nó à?
-Ông… ông đừng nói linh tinh nữa.
Nghe xong câu này tôi có chút chạnh lòng, biết người ta không đồng ý cho mình ở lại, tôi không muốn làm khó đến anh Duy nên bảo:
-Cháu ghé qua chơi chút thôi ạ. Không làm phiền ông và mọi người nữa, cháu xin phép ạ.
Dứt lời, tôi xoay người muốn đi nhưng còn chưa cất bước người đàn ông kia đã giữ tôi lại, anh ta cười cười nói:
-Em đừng để bụng, ông ngoại Duy vui tính đùa Duy chút thôi. Em ở lại đây đi, cứ xem đây là nhà mình. Trước anh làm trợ lý cho ông giờ thì làm cho Duy, mà mấy năm nay anh toàn sang đây ăn dầm ở dề thôi. Bị đuổi vui suốt nhưng anh biết tính ông nên quen rồi. À mà giới thiệu với em, anh tên Hào, năm nay 28 tuổi.
Ông ngoại Duy đứng dậy, đi xung quanh người tôi quan sát thêm lượt nữa rồi cười lớn bảo:
-Ông thích mẹ con cháu rồi đấy. Cháu cứ ở lại đây, lâu rồi ông không được nghe tiếng trẻ con, nhà có thêm đứa bé cũng vui tai.
-Dạ thôi, cháu…
Chưa đợi tôi nói hết ông đã phẩy tay chặn lời:
-Đừng từ chối ý tốt của thằng Duy. Nếu cháu nhất quyết bỏ đi, thằng Duy nó sẽ giận ông vì ông nói đùa hơi quá làm cháu tự ái đấy. Cháu nể mặt ông già này mà ở lại chứ?
-Cháu…
Không ở đây thì tôi biết đi đâu, vả lại cũng không muốn vì mình mà ông cháu anh Duy giận hờn nhau nên ngập ngừng đồng ý:
-Xin phép ông cho mẹ con cháu ở lại ít hôm ạ. Đợi cháu tìm được công việc, có chỗ ở mới cháu sẽ chuyển đi ngay, cháu không dám…
Duy nghe tôi nói sẽ chuyển đi thì vừa ngồi xuống ghế chưa được mấy phút liền đựng phắt dậy nói:
-Đi đâu, ai cho em đi? Bé An mới ba tháng tuổi em ở nhà chăm con đi, làm liếc gì? Muốn làm việc kiếm tiền thì thiết kế trang sức cho công ty anh cũng được đấy. À mà… công ty cần ít tranh trưng bày cho bắt mắt, em vẽ tranh cũng được, để anh mua.
-Em…
-Không nói nhiều nữa, quyết định vậy đi.