Mợ Hai Kỳ Bí Truyện

Chương 19

Sau khi “nạp” được một chút năng lượng từ cậu Hai, Ba Yến cuối cùng cũng tỉnh táo lại, mắt có thể mở to, nhưng tạm thời không thể vận động nhiều được, hay nói đúng hơn là không thể ra khỏi phòng…

Ngồi trên ghế, Ba Yến khổ sở chớp mắt nhìn thầy Lệ, cô mếu máo hỏi trong bất lực.

– Thầy… sao mấy cái nốt đỏ lại lan lên người con rồi… rồi nó có lan lên trên mặt không hả thầy? Chết con rồi… xong chuyến này làm gì còn danh xưng đệ nhất mỹ nhân gì nữa!

Thầy Lệ cũng lo lắng hết sức, thầy cũng quên mất cô Ba đây là đệ nhất mỹ nhân, da dẻ mặt mũi là thứ quan trọng nhất đối với cô. Thầy cứ nghĩ đơn giản chỉ cần làm mọi cách tống hết chất độc ra ngoài là được, đâu lường trước được tình huống nghiệt ngã này. Mấy cái nốt đỏ đỏ này không có nguy hiểm, nó chính là độc tố được thải ra, chỉ cần sứt thuốc liên tục là sẽ lặn hết. Nhưng còn về vấn đề nó có để lại sẹo hay không, thầy không dám chắc một trăm phần trăm.

Nhưng mà tình hình lúc này bắt buộc phải làm cho các nốt này lặn, đây chính là độc tố được điều tiết ra khỏi cơ thể, không thể chần chừ lâu thêm được. Nghĩ nghĩ, thầy Lệ liền tìm cách dỗ ngọt trấn an tinh thần đang hoảng loạn của Ba Yến trước.

– Tôi hứa với cô Ba sẽ không để lại sẹo trên cơ thể cô Ba. Bây giờ cô Ba nghe lời tôi, cho người sứt thuốc đều đặn, cứ cách hai giờ thì sứt một lần, chắc chắn các nốt đỏ này sẽ lặn hết. Bây giờ tôi sẽ về phòng kê đơn thuốc phòng ngừa mấy cái nốt đỏ này lan lên trên mặt, hiện tại nó chỉ mới lan tới trước ngực cô Ba thôi, trên mặt vẫn chưa thấy, cô Ba có thể yên tâm.

Ba Yến còn biết làm cách nào khác, cô chỉ có thể gật đầu nghe theo, khổ sở lo lắng tới muốn rơi nước mắt. Sao khổ thân cô vậy nè, tự dưng đang ngủ gật ngon lành, tỉnh dậy đã thấy miệng mồm khô khốc, còn bị trúng độc nặng nữa chứ. Mẹ ơi, cái xứ này người ta không chơi b-ù-a ngải mà chuyển hẳn sang người chơi hệ chất độc luôn rồi à? Sao cứ sơ hở là trúng độc vậy hả?

Thầy Lệ ra ngoài, trong phòng liền có A Ti và một cô gái nữa đi vào, cô bé này tên Xuân, là người mà A Ti đưa theo để “hầu bệnh” cho cô. Bởi bệnh của cô đột nhiên chuyển lạ, cần có người sứt thuốc liên tục. Mà A Ti dù sao cũng là con trai, cậu nhóc không dám làm mấy chuyện này, sợ bị hỏng thanh danh của cô.

A Ti đi tới chuẩn bị thuốc thoa và khăn, sau khi dặn dò bé Xuân, cậu nhóc liền nhanh chóng đi ra ngoài, không dám chậm trễ việc chữa bệnh cho Ba Yến. Bé Xuân rất cẩn trọng và tỉ mỉ, chỉ là tính tình con bé hơi nhát, làm cho Ba Yến xém chút nữa là vì buồn mà ngã ra ngủ gật luôn rồi.

Thấy cô cứ gật gù cái đầu, bé Xuân liền kêu.

– Cô Ba ráng chút nữa là em sứt thuốc xong hà, chắc cô Ba buồn ngủ rồi phải không? Uống thuốc của thầy Lệ là buồn ngủ dữ lắm!

Nghe bé Xuân nói chuyện, Ba Yến bừng tỉnh, cô dụi dụi mắt, ngáp lên ngáp xuống.

– Đúng là buồn ngủ thiệt, mấy bữa nay cô ngủ li bì luôn đó Xuân. Mà em cũng rành thuốc của thầy Lệ quá ta, em quen thầy Lệ hả?

Bé Xuân thật thà gật đầu.

– Dạ, xứ mình ở đây ai mà không biết thầy giáo Lệ chữa bệnh nổi danh. Xứ mình ở xa thành thị quá, một khi có bệnh thì đều đi tìm thầy Lệ trước, đợi thầy phán bệnh rồi mới tính tới chuyện đưa đi bệnh viện. Nhà em ai có bệnh cũng đều tới thầy Lệ, thầy chữa hay, có điều thuốc uống buồn ngủ lắm, ngủ suốt à.

Dừng chút, bé Xuân lại líu ríu nói.

– Em có nghe anh Ti nói về chuyện cô Ba trúng độc, khổ thân cô Ba, đi hành hương cũng mang bệnh, xui xẻo cho cô Ba quá!

Ba Yến cười cười, cô thoải mái đáp.

– Ờ, xui thiệt. Người ta cũng đi mà có ai bị gì đâu, có mình cô là mang họa vào người. Mà cũng không biết là trúng độc gì, kỳ cục quá chừng.

– Chắc có thể cô Ba không biết, chứ xứ Gò mình ngày trước có một ông thầy ẩn danh chế thuốc độc hay lắm. Thời gian sau này thì nghe nói là ổng chết ở đâu rồi, nhà của ổng ở đây cũng bị bỏ hoang, không ai dám tới gần. Mà hình như là ổng có nhận ai đó ở đây làm học trò, không rõ là người nào nhưng chắc chắn là có. Vậy nên lâu lâu nghe có người tự dưng trúng độc lạ là chuyện bình thường à.

– Vậy à, sao ghê quá vậy Xuân!

– Mà cũng may cho dân mình là còn có nhà thầy Lệ, thầy Lệ chữa được hết, thầy Lệ giỏi lắm, vậy nên cô Ba đừng có lo, cô Ba sẽ không sao đâu.

Ba Yến gật gù, cô cũng tin vào năng lực của thầy Lệ, cậu Hai đã nói, thầy Lệ rất giỏi, cô không cần phải lo. Chỉ là trông cô lúc này thật sự khó coi quá, thuốc màu xanh sứt đầy trên người, trông hệt như người đốm vậy. Cầu trời cho nó mau lặn, chứ nếu không là tàn phai nhan sắc của cô, cô biết lấy gì mà đi đấu đá với người ta nữa đây!

Sứt thuốc xong, đang định đi ngủ một giấc cho thoải mái người thì điện thoại cô đột nhiên rung lên. Cô nghe tiếng chuông điện thoại vừa quen thuộc vừa xa lạ thì liền bật người ngồi dậy, bởi đây là tiếng chuông riêng biệt của Đại Đại nhà cô, đã rất lâu rồi cô không nghe thấy tiếng chuông này…

– Đại Đại…

Đầu dây bên kia là giọng của thầy Đại, pha lẫn là tiếng ồn ào huyên náo của quán xá, thầy Đại vừa ăn vừa nhàm chán nói chuyện với cô.

– Ừ. Sao rồi? Con gặp chuyện gì à?

Thanh Yến như tìm được chỗ dựa, cô khóc lóc kể lễ than thở một hồi trong điện thoại, giống như trút hết bầu tâm sự trong lòng mình ra vậy. Cứ tưởng sau khi nghe cô kể nỗi khổ thì thầy Đại sẽ hốt hoảng quan tâm lo lắng cho cô dữ lắm, chứ ai có mà dè, thầy vẫn tập trung ăn uống, xem chuyện cô gặp nạn là chuyện bình thường ở huyện.

Thầy Đại vừa húp rột rột nước mì, thầy vừa nhàn nhã trả lời.

– Con còn nghe điện thoại được tức là con không sao, mà đã không sao thì khóc lóc cái gì. Bây giờ thế nào rồi? Cậu Hai kia có ở bên cạnh con không?

Ba Yến bất mãn lắm, chẳng lẽ cô “từ” người thầy này?

Số cô thật sự quá bất hạnh rồi, gặp nạn không dám gọi cho cha ruột biết vì sợ cha lo, bây giờ có mỗi người thầy đỡ đầu thì lại nghe lời nói phũ phàng từ thầy. Cái này gọi là khổ tận cam lai đó trời!

Bất mãn trong lòng, Ba Yến vờ giận dỗi, cô nói.

– Thầy có gì muốn nói với con nữa không, nếu không con tắt máy đây.

Thầy Đại biết con nhóc nhà thầy đang giận dỗi, nghĩ cũng thấy đáng thương, không muốn đùa với cô nữa, thầy cười nhạt, nói.

– Lại học được cái thói hay giận lẫy rồi đấy! Con cứ ở yên một chỗ đi, thầy tới tìm con. Đúng là của nợ, đi du lịch cũng không yên với con.

Ba Yến trợn trừng mắt, cô gào lên.

– Cái gì? Thầy đi du lịch một mình? Không cho con đi chung?

Thầy Đại khinh bỉ trả lời cô.

– Đi du lịch đưa con theo làm gì, phụ nữ thấy con thì nghĩ con là bạn gái của thầy, ai dám tán tỉnh thầy nữa. Thôi tắt máy đi, thầy có hẹn đi xem phim, xem phim xong sẽ đón xe về xứ Gò, bye bye!

– Thầy! Đại Đại… Đại…

Tắt máy rồi! Chắc cô tức tới khổ huyết mà c-h-ế-t mất thôi! Cô là đồ thừa trong cuộc đời của thầy cô mà, cục thịt dư là cô, chính là cô!

*

Thầy Đại sau khi ăn xong bát mì liền bắt xe đi tới địa chỉ của một căn biệt thự nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Lúc thầy đến nơi, chủ nhân của căn biệt thự đã ra đón sẵn từ lúc nào. Mà thầy Đại cũng không có một chút xa lạ hay khách khí nào, ngược lại trông biểu hiện của thầy còn có một chút xem thường ghét bỏ.

– Chà! Nhà cửa nguy nga quá ông Phú nhỉ? Ông giả vờ thì cũng nên giả vờ cho trót, ông không sợ người ta phát hiện ra ông giả nghèo giả khổ sao?

Thầy Đại đi trước, người đàn ông mặt mũi đen nhẹm, ngũ quan tầm thường liền cung kính đi theo sau…

Phải! Người đàn ông này chính là ông Phú, cha ruột của cô Ba Thanh Yến!

– Thầy Đại, thầy đừng nói như vậy, tôi cố ý xây nhà to cửa rộng thì cũng chỉ giữ của cho con gái tôi thôi. Căn nhà này là của Yến Yến, tên chủ căn nhà cũng là con bé.

Thầy Đại nghe ông Phú nói như thế, thầy liền xoay người, biểu cảm của thầy có chút không vui.

– Ông cho Thanh Yến đứng tên căn nhà này làm gì? Biết con bé còn sống được bao lâu nữa mà ông để lại của cải cho con gái ông nhiều vậy?

Sắc mặt ông Phú bắt đầu chuyển sang tái mét, ông ấy run run, vành mắt bắt đầu đỏ lên.

– Thầy… thầy nói vậy là sao? Con gái tôi sao? Con bé bị sao rồi hả thầy?

Mặc dù vẫn còn rất chán ghét người đàn ông này, nhưng khi nhìn thấy sắc mặt hoảng loạn đau khổ của ông ấy, thầy Đại vẫn là không kìm lòng được mà ém nhẹm lại cơn giận vào trong lòng. Thầy xoay người đi tới ghế gỗ trong vườn ngồi xuống, vừa đi thầy vừa nói.

– Vẫn chưa có sao, ông không cần lo. Đi tới kia, tôi có chuyện muốn nói.

– À dạ dạ…

Đi tới bàn ngồi xuống, ông Phú cho người làm đem trà đem bánh lên, thái độ của ông ấy xoắn xuýt rối bời, tận tâm phục vụ cho thầy Đại. Mà thầy Đại cũng không phải không biết tấm lòng của người đàn ông này, chẳng qua là thầy vẫn chưa nguôi ngoai được cơn giận trước đây, cứ nghĩ tới là thấy bực tức trong lòng…

Thanh Yến là con gái ruột của ông Phú, nhưng nếu ai không biết thì chắc chắn sẽ nghĩ con bé là con nuôi của ông ấy… bởi Thanh Yến xinh đẹp hoàn toàn là một thứ gì đó không hề liên quan đến ông Phú này một chút nào.

Thân sinh cha mẹ ruột của Thanh Yến có nhan sắc cực kỳ bình thường, hay nói đúng hơn là quá đỗi tầm thường. Mẹ ruột của Thanh Yến thì còn đỡ một chút, nhưng còn ông Phú đây, ông ấy thật sự rất xấu, xấu xí đem nhẹm một cách kỳ cục khó coi. Đáng lý Thanh Yến còn có một người anh trai song sinh tên là Thanh Thu, nhưng người anh trai đó của cô chết yểu, chưa kịp thành niên đã bị bệnh nặng mà qua đời. Chuyện của năm xưa, quả thật một lời khó nói hết…

Thầy Đại không muốn uống trà, nhưng thấy tay của ông Phú run run mời trà, thầy không thể không nhận ly trà để uống. Hớp vào một hơi liền đặt xuống, nhìn thấy ánh mắt chờ đợi trông mong của ông Phú đang nhìn chằm chằm mình, thầy Đại cuối cùng cũng không nhịn được, liền nói mấy lời trấn an.

– Được rồi, ông yên tâm đi, con gái ông vẫn ổn, vẫn có cơ hội được sống tiếp. Theo đúng như kế hoạch thì con bé đến nhà họ Trần rồi, cũng đã gặp qua cậu Hai, tình hình cũng gọi là khả quan…

Nghe thầy Đại nói đến đây, biết Thanh Yến vẫn khỏe, ông Phú mới có thể thở phào ra một hơi nhẹ nhõm.

– Vậy là tốt rồi, Yến Yến không sao là tốt rồi. Thú thực là tôi muốn gọi cho con để hỏi thăm con, nhưng sợ con nói con khổ… tôi lại không nhịn được mà kêu con về…

Thầy Đại hừ một tiếng.

– Kêu về đi rồi cha con ông ôm nhau đợi chết, khó khăn lắm tôi mới tìm thấy cậu Hai đó, ông đừng để mọi công sức của tôi trôi hết xuống cống nhà ông!

Ông Phú mặt mày khổ sở, ông ấy lí rí dè dặt trả lời trong đau khổ.

– Tôi biết mà thầy, tôi biết mà. Vậy nên tôi cũng đang cố gắng từng ngày đây, chỉ mong thầy thương con bé mà giúp đỡ con bé. Chứ tôi, tôi hết cách rồi, người làm cha như tôi… mất một đứa là tôi đã đủ thê lương rồi thầy. Nhà cao cửa rộng nhưng vợ con không có, còn mỗi một đứa con gái cũng không được ở gần bên cạnh con… tôi hối hận lắm rồi!

Thầy Đại thoáng im lặng nhìn ông Phú, mắng thì thầy cũng đã mắng nhiều rồi, dù sao đau khổ cũng là ông Phú gánh, thầy có gánh đâu, mắng hoài cũng thấy tội…

– Thôi được rồi, bây giờ ông hối hận thì cũng được gì đâu, chuyện đã xảy ra, người chết cũng đã chết, phải ưu tiên người sống hơn chứ. Tôi tới đây gặp ông là có chuyện cần nói, không phải nghe ông than thở đâu.

– Dạ dạ, thầy nói… có gì thầy cứ nói…

Thầy Đại cũng đã nghĩ kỹ, thầy thấy tình hình của Ba Yến ở nhà họ Trần có chút éo le, xem ra kế sách của thầy và ông Phú có phần không đúng như dự tính, vẫn nên để ông Phú thay đổi kế sách một chút.

– Chuyện ông giả vờ phá sản thành nghèo rớt mùng tơi, tôi thấy hình như có chút bất lợi cho Thanh Yến. Tôi tới tìm ông lần này là muốn ông thay đổi kế sách một chút, để ông tìm cho con gái ông một chỗ dựa chắc chắn, để con bé không bị người nhà họ Trần xem thường.

Chân mày khẽ nhíu lại, ông Phú có chút bất mãn, hỏi.

– Ý thầy là… người nhà họ Trần xem thường con gái tôi?

– Thì ông nghĩ xem có xem thường không, Thanh Yến chẳng có cái gì, đến tôi còn thấy xem thường nó…

– Vậy bây giờ…

Không đợi cho ông Phú có thời gian suy nghĩ, thầy Đại liền nói luôn ý định của thầy, rõ ràng và kiên định.

– Tôi không cần biết ông làm thế nào, nhưng ông phải tìm cho Thanh Yến một chỗ dựa lưng. Ông không cần phải quay trở về, cứ để mọi người nghĩ là ông phá sản cũng được, đợi thời cơ nào đó rồi quay trở về cho thiên hạ trầm trồ. Muốn con gái ông với cậu Hai kia sớm thành vợ thành chồng, ông phải cố gắng hết sức… đây là cách mà ông có thể cứu con gái ông… đừng làm tôi thất vọng!