Tình Đầu, Tình Cuối, Các Mối Tình

Chương 96: Tình Yêu Thời Chiến - Đời Này Bình An (1972) - 1

Đó là đầu xuân 1972, năm ấy tôi mười tám tuổi, làm y tá trong quân y rồi theo phẫu sư đoàn đóng trong rừng An Giang dưới miền Tây.

Tôi băng bó và chăm sóc vết thương cho nhiều thương binh cả nam lẫn nữ nhưng chung quy tôi vẫn là đứa con gái mới lớn, chưa từng tiếp xúc gần gũi với đàn ông, dù bác sĩ giao việc gì tôi cũng cố gắng làm hết, duy cái chuyện lau rửa vết thương nơi chỗ kín cho nam thương binh nằm liệt giường thì tôi không làm được!

Tôi cố chấp lắc đầu trước mặt bác sĩ, và trước mặt anh chàng Tiểu đội trưởng.

Tiểu đội hơn chục người vừa bị địch xung kích, mấy đồng đội của anh ta bị thương nặng do trúng đạn hoặc trúng bom mới được khiêng về đây hai hôm trước. Đây là lần đầu chúng tôi giáp mặt nhau.

Anh ta cao phải tới thước tám, thân hình to lớn trong áo bộ đội lấm đất, đầu đội nón kết, khuôn mặt điển trai sáng sủa ưa nhìn với nước da hơi ngăm, ánh mắt hướng vào tôi nghiêm nghị khó chịu:

- Tại sao đồng chí không làm?

- Tiểu đội trưởng, em là gái chưa chồng, chỗ đó của đàn ông... sao em có thể?

- Đã gia nhập quân ngũ, chấp nhận làm y tá thì đồng chí phải săn sóc thương binh dù với mọi vết thương, ở bất cứ vị trí nào. Đồng đội tôi xả thân chiến đấu, còn đồng chí ở đây phân biệt nam nữ, vậy có đúng không?

Tôi nhìn anh ta, thầm nghĩ ngoài chiến trường có cái khổ của chiến trường, nơi quân y cũng có cái khó của quân y, anh ta tại sao không thể thông cảm cho một đứa con gái mới làm y tá hơn một năm như tôi?

Bác sĩ đứng giữa khó xử, anh Khánh từ đâu chạy lại, bảo để anh làm giúp tôi vì anh là y tá nam, sẽ dễ hơn! Tôi thấy anh cười gật đầu với mình, liền nói câu cảm ơn.

- Đồng chí cứ vậy sao thành y tá thành thạo được? Tôi không thích đứa con gái suốt ngày chỉ biết khóc khi ở ngoài chiến trường khói lửa này.

Tiểu đội trưởng quay lưng rời đi, tôi bặm môi, chị Miên đứng kế bên an ủi:

- Thôi để ý chi, người ta là Tiểu đội trưởng, đòi hỏi nghiêm khắc là chuyện thường. Nghe đâu, tiểu đội anh ta cũng khá lắm đó.

Giỏi vậy sao bị địch xung kích bị thương tới mấy người? Tôi không nói ra lời đó chỉ quay lại công việc của mình, trước khi rời lán, tôi còn nghe loáng thoáng chị Miên nói với anh Khánh, Tiểu đội trưởng hình như tên Khởi!

Tôi biết anh ta đề cập đến chuyện khi nãy tôi đứng trong góc bếp khóc thầm.

Tôi khóc vì nhớ nhà chứ không phải vì tôi sợ!

Tía tôi hi sinh trong một lần làm nhiệm vụ, mùa đó miền Tây địch bắn phá cầu đường dữ dội hòng ngăn tiếp tế từ quân ta, tía tôi cùng mấy đồng chí giao thông chung vai quyết giữ đường lên biên giới. Cả đời tía tôi bảo vệ những con đường, những vòng bánh xe chở quân, chuyển hàng từ hậu cần ra tiền tuyến.

Má có mình tôi, hồi đó đi làm ruộng má đau đẻ giữa chừng. Má nói lúc mở mắt ra thì nghe tiếng tôi khóc rồi, xung quanh thấy mấy bông dại nở nhụy, thế là đặt luôn cái tên Nhụy Hoa. Nhiều người đọc trại, cứ gọi tôi là nhị này nhị (Nhị Hoa) nọ miết.

Má bảo tôi hãy như hoa dại, kiên cường khoe sắc, cả đời vui vẻ hồn nhiên. Mong mỏi của má khó thành khi năm mười bảy, tôi xin má đi bộ đội, má không nói gì ngoài việc đồng ý. Má biết thời chiến tranh, những lứa thanh niên luôn xung phong đi bộ đội, góp sức mình trong việc giải phóng nước nhà.

Má còn dặn dò tôi cẩn thận với con trai, đừng quên nhiệm vụ của mình, môi trường quân đội kỷ luật, đứa con gái như tôi sẽ được rèn giũa nghiêm khắc.

Tôi kiên quyết là vậy, thế mà ngày ra đi nước mắt chảy mãi không ngừng.

Tôi chọn quân y, chẳng cần phải ra tận chiến trường cầm súng gϊếŧ địch, ở đây tôi có thể chăm sóc cho nhiều người, giúp họ xoa dịu những cơn đau do chiến tranh bom đạn khốc liệt gây ra.

Tôi học trong lớp y tá quen được nhiều đồng chí nữ, có người đang độ xuân xanh cũng có người đã lấy chồng đẻ con. Lớp học nam nữ học chung, và tôi biết anh Khánh. Người đen nhẻm, tốt tính, hay cười. Anh chăm lo cho tôi lắm, tôi xem anh như anh trai.

Cái duyên thế nào khi khóa học trôi qua, tôi với anh lại về cùng một đơn vị, thế là thân càng thêm thân.

Tôi hay gửi thư cho má, lúc đầu ở đây tôi nhớ nhà lắm, dần dần thì nguôi ngoai.

Quân y làm việc liên tục, ca trực không lúc nào ngơi nghỉ, nhiều đêm vừa đặt lưng xuống chiếu nhắm mắt chưa bao lâu đã nghe tiếng bom dội lại, biết ngay thể nào cũng có thương binh chở đến.

Hơn một năm, qua những ca trực vất vả tới sáng, tôi cũng quen rồi.