Tình Đầu, Tình Cuối, Các Mối Tình

Chương 61: Ba Trăm Bốn Mươi Bốn Mét Trên Giây - 344M/S (1)

“Cậu có biết vận tốc âm thanh trong không khí là bao nhiêu không? Là 344m/s.”

Chúng ta chỉ dừng lại cho đến lúc cuộc đời này kết thúc trên những cung đàn…

(Một câu chuyện về tình yêu, thanh xuân và âm nhạc. Được kể dưới góc nhìn của 3 nhân vật chính) _________________________________________________________________________________

Chapter I

Những ngày mưa. Cung đàn. Đô thứ.



Tôi không có cha mẹ năm mười hai tuổi. Chẳng phải vì họ qua đời mà vì họ từ bỏ tôi. Tôi chẳng rõ ngày xưa cha mẹ có đến với nhau vì tình yêu hay không nhưng tôi biết chắc rằng cuộc đời họ sống như một địa ngục và tôi… cũng bị vạ lây.

Mỗi ngày, tôi chứng kiến hàng chục lần cha mẹ mình cãi nhau. Vì điều gì ư? Đủ thứ. Tất cả. Là những điều họ có thể đem ra chì chiết lẫn nhau.

Tôi, chỉ là một thằng nhóc. Tôi ngồi đó, chính xác thì phía sau ghế sô pha, chứng kiến mọi chuyện. Tôi chỉ im lặng, giương mắt nhìn chăm chú.

Một nỗi sợ rất lớn, lớn hơn cả tôi, bao phủ cái cơ thể nhỏ bé đang cố gắng đừng run rẩy. Và rồi, cha mẹ bắt đầu lôi tôi vào cuộc. Họ kéo tôi ra khỏi ghế sô pha. Họ đẩy tôi qua lại như kiểu đùn đẩy trách nhiệm.

Tiếp, cha mẹ mệt. Họ ngừng cãi, mỗi người quay lưng trở về phòng riêng để tôi đứng lặng lẽ ở giữa nhà với đống đồ đạc vỡ. Như thường lệ, tôi là người dọn dẹp tàn tích.

Tôi cúi xuống, dùng tay thu lượm các mảnh sứ. Tôi làm mà chẳng hề biết lý do vì sao bản thân phải chịu đựng những điều tồi tệ này.

Cha mẹ tôi cuối cùng cũng chịu buông tha cho đối phương. Họ thôi dày vò nhau, thôi đánh tôi. Và họ ly dị. Không ai muốn nuôi tôi dù cả hai sinh ra tôi. Biến động lớn nhất đầu tiên là khi cha mẹ ném tôi vào cô nhi viện.

Chiều hôm đó, trời đổ mưa. Tôi đi bên cạnh cha, lặng thinh. Tôi cúi đầu nhìn mũi giày của mình cứ tiến lên rồi lùi lại đến lúc hình ảnh ấy nhoà đi. Có vị mặn đọng trên môi.

Lần đầu tiên, suốt mười hai năm, tôi khóc. Lần đầu tiên, tôi nhìn mưa lòng nhủ rằng, tôi chấp nhận để cha mẹ đánh chứ chẳng hề muốn bị vứt bỏ như vậy. Và lần đầu tiên, tôi ước giá như mình chưa từng được sinh ra.

Hai cha con đi qua sân ga. Vắng. Không một bóng người. Mưa cứ nặng hạt, tuôn xối xả vào tâm hồn tôi. Lạnh lẽo. Đau đớn. Chết đi.

Rời khỏi sân ga, qua một đoạn đường khá dài là đến cô nhi viện. Dãy nhà xinh xắn được bao quanh bởi hàng rào trắng và vườn hoa rộng. Nó đẹp hơn nhà cũ của tôi nhiều. Chỉ có điều, tôi không có kỷ niệm với nó. Mà chẳng sao, bởi từ giờ, tôi sẽ sống ở đây.

Cha đẩy nhẹ tôi về phía một người phụ nữ trung niên có gương mặt hiền từ. Ông không nói gì nhiều ngoài câu ngắn ngủi, đầy đủ ý:

“Giúp tôi nuôi đứa trẻ này.”

Người phụ nữ mỉm cười, gật đầu. Cha tôi quay lưng. Tôi ngoái cổ nhìn theo bóng dáng ông tầm tã dưới mưa, từ từ rời khỏi cô nhi viện. Tôi thôi khóc. Thôi ước. Thôi níu kéo trong vô vọng. Tôi không còn là con của người đàn ông đó.

Tôi được đưa vào nhà. Người phụ nữ hiền từ lấy khăn lau khắp người tôi. Đôi tay bà êm dịu, ấm áp. Tôi thích điều ấy. Bà tốt hơn mẹ tôi dù bà không sinh ra tôi. Tôi được mặc áo mới. Xong, bà nhìn tôi, âu yếm hỏi:

“Con tên gì?”

Tôi lắc đầu.

“Con không muốn nói cũng chẳng sao. Vậy ta đặt cho con tên mới nhé?”

Tôi hết lắc đầu thì chuyển qua lặng im.

“Chắc con mệt rồi, để ta dẫn con đến phòng ngủ.”

Bà vẫn ân cần nói dẫu tôi không hề mở miệng đáp lời. Nếu là mẹ tôi thì nhất định tôi đã bị đập một trận về tội hỗn láo.

Tôi nắm lấy tay bà, lầm lũi theo sau. Đôi chân trần nhỏ bé của tôi bước cùng bà qua mấy dãy hành lang. Trời vẫn mưa. Chưa bao giờ tôi cảm nhận rõ ràng sự lạnh lẽo phủ băng trong tâm hồn. Vì tôi bị vứt bỏ.

Thế nhưng, lúc tôi đến dãy hành lang thứ mấy không rõ, thì đôi tai bất chợt nghe một âm thanh kỳ lạ. Nhẹ nhàng. Êm đềm. Hình như là giai điệu của bài nhạc. Nó chẳng có lời, chỉ là những nốt nhạc đủ cung bậc.

Tôi đã dừng bước, lắng nghe. Tôi không còn nghe tiếng mưa. Không còn nghe băng giá. Mọi âm thanh xung quanh biến mất nhường chỗ cho bản nhạc du dương kia…

Tôi không biết bản thân vừa làm gì cho đến khi mở mắt ra thì tôi thấy mình đang ở trong căn phòng âm vang nốt nhạc kia. Có lẽ tôi đã vuột tay ra khỏi cái nắm giữ của người phụ nữ hiền từ lúc nãy rồi chạy vào đây.

Trước mặt tôi hiện ra hình ảnh cô bé thắt bím mặc chiếc váy trắng, tay phải cầm một vật màu nâu có nhiều sợi dây trắng sáng căng dài, còn tay trái thì giữ thanh đũa chỉ duy nhất một sợi dây và mỗi lần cô bé áp thanh đũa kia vào vật màu nâu, mấy sợi dây sáng va chạm vào nhau, chúng tạo ra giai điệu làm rung động trái tim tôi.

Tôi đứng, cảm giác cơ thể nhẹ hẫng. Có gì rất lạ diễn ra trong tôi mà không lý giải được. Mãi đến lúc, giọng nói của người phụ nữ hiền từ vang lên sau lưng:

“Sao con lại chạy vào đây? Muốn nghe đàn à?”

“Đàn?” Tôi quay lại, buột miệng hỏi thật dễ dàng.

“Ừ, bạn Mi trước mặt con đang đàn violon. Là những bài nhạc giao hưởng.”

“Nhạc giao hưởng? Violon?”

Tôi lẩm bẩm những từ xa lạ kia liên tục giống như một đứa trẻ bất thường. Tôi đặt tay lên ngực, tim tự dưng thắt lại, nhói nhói. Và tôi khóc. Tôi chẳng hề biết những giọt nước mắt lăn dài trên mặt mình.

Thêm lần nữa, vị mặn đọng lại môi tôi. Nhưng khác với lúc đi bên cạnh cha cách đây một tiếng, lòng tôi không hề thấy nặng nề mà vô cùng nhẹ nhõm, bình yên. Tôi như trút bỏ gánh nặng.

Tôi chăm chú quan sát cô bé tên Mi say sưa kéo thanh đũa, mà với tôi nó giống đũa thần của mấy bà tiên. Đôi tay nhỏ rất uyển chuyển, lúc nhanh lúc chậm lần lượt đưa các nốt nhạc lên nhiều cung bậc khác nhau.

Giai điệu khi thì mạnh mẽ khi thì trầm lắng, khi dồn dập khi chậm rãi. Tóm lại vào giây phút ấy, tôi hầu như ở một thế giới khác: sôi động, xúc cảm, hạnh phúc, thanh thản vô vàn.

Chợt, giọng lảnh lót của cô bé khác vang lên khiến tôi trở về thực tại:

“Mi ơi, đàn xong chưa, đến lượt Rê chứ.”

Mi liền ngừng kéo thanh đũa, từ từ mở mắt ra, tay hạ đàn xuống. Mi không thấy Rê chỉ thấy tôi đứng, lệ rơi liên tục, cùng người phụ nữ trung niên hiền từ. Ban đầu, Mi tròn xoe mắt nhưng tiếp đến, cô bé chậm rãi tiến lại gần tôi, khẽ khàng đưa tay lên gạt đi mấy dòng lệ trong suốt đang ướt trên gò má tôi:

“Đừng khóc! Mọi thứ đã ổn.”

Tôi bất động. Chẳng làm gì ngoài việc giương mắt nhìn nụ cười thân thiện của Mi. Trông Mi như thiên thần với bộ váy trắng tinh.

Đúng lúc, chất giọng âm vang của cô bé tên Rê cất lên, gần ngay bên tôi:

“Mẹ Cả, đây là ai vậy ạ?”

“À, đây là người bạn mới của các con.”

Rê ngó nghiêng khắp người tôi hỏi: “Cậu tên gì? Tớ là Rê, còn đây là Mi.”

Tôi lắc đầu. Im lặng.

“Mẹ vẫn chưa đặt tên cho cậu ấy.” Mẹ Cả hiền từ bảo.

“Vậy phải mau mau cho cậu ấy cái tên để dễ gọi chứ ạ.”

“Các con nghĩ giúp mẹ Cả xem tên nào thì hay.”

“Chà, tìm tên khó đấy…” Rê đưa tay rờ đầu, nghĩ ngợi.

Trong khi hai người nọ lo nghĩ ra cái tên phù hợp cho tôi thì Mi lại thấy tôi giáng mắt vào chiếc đàn trên tay mình, vẻ như cô bé nhìn ra điều gì đó.

“Cậu thích violon à?”

Tôi khẽ gật đầu.

“Cậu thích bản giao hưởng tớ vừa đàn không?”

Tôi tiếp tục gật đầu.

Mi liền nhìn qua mẹ Cả, cười tươi: “Cậu ấy tên Đô được chứ ạ?”

“Đô ư?”

“Cậu ấy rất thích bản giao hưởng Định Mệnh con vừa đàn, đó là bản số năm của Beethoven, Đô thứ. Thế nên con nghĩ cậu ấy thích hợp với tên Đô.”

Tức thì, Rê reo lên sung sướиɠ hệt kiểu người được đặt tên là cô bé chứ không phải tôi:

“A, giống Rê với Mi phải không? Đô! Đô! Đô! Woa, cái tên hay lắm!”

Rê xuýt xoa gọi mãi chữ “Đô”. Còn mẹ Cả thì gật đầu, nhìn qua tôi:

“Đô, con thấy thế nào?”

Tôi không đáp nhưng khẽ gật gật dẫu lúc đó vẫn chưa hiểu “Đô” nghĩa là gì.

Bất chợt Mi cầm lấy tay tôi, nhẹ nhàng đặt chiếc đàn vào, mỉm cười bảo:

“Cậu tập chơi đàn với chúng tớ nhé?”

“Được đó, có thêm Đô vào nữa là chúng ta đủ bộ ba rồi.” Rê nháy mắt.

Tôi nhìn một lượt hết ba người đứng trước mặt rồi đưa mắt xuống chiếc đàn bóng loáng trong tay. Nó hơi nặng dù trông nó chẳng lớn bao nhiêu. Tôi không rõ cảm xúc khi siết chặt cái vật kỳ lạ mà chỉ vài giây ngắn ngủi đã làm thay đổi con người mình nhưng tôi biết chắc chắn một điều: Tôi rất vui!

Chiều hôm ấy, lần đầu tiên tôi đến ngôi nhà mới. Tôi gặp những con người mới. Tôi bắt đầu cuộc sống mới với một tâm hồn được cứu rỗi bởi âm nhạc.

Tôi không còn căm ghét sự xuất hiện của mình trong cuộc sống này nữa bởi định mệnh giúp tôi nhận ra rằng, tôi sinh ra là để sống trên những cung đàn kỳ diệu.

Tôi bắt đầu chơi violon cùng các bản nhạc giao hưởng của Beethoven. Và điều không ngờ, số phận đã gắn kết ba chúng tôi lại với nhau.