Chuyện Đời Của Gia Gia

Chương 30

Đứng ở phi trường nghe tiếng động cơ máy bay rền vang khắp mọi ngóc ngách, tôi chợt nhớ có một lần tôi cùng anh đi tiễn bạn sang Mỹ du học như thế này. Nhìn người con gái khóc nức nở trong lòng người bạn của anh khi ấy, anh hỏi tôi:

"Nếu có một ngày anh cũng đi xa như vậy, em có khóc không?"

Tôi bĩu môi khinh thường:

"Khóc làm gì, muốn đi đâu thì đi liền đi."

Anh cười buồn nhìn tôi, hóa ra lúc ấy anh đã có dự định du học trong đầu rồi.

"Chờ anh!"

Tôi chẳng thốt ra được tiếng nào tiễn biệt, chỉ lẳng lặng nhìn anh quay bước, không hề nhìn lại. Tôi chỉ kịp thoáng thấy mắt anh đỏ hoe.

Tôi cùng cô bạn thân về lại phòng trọ. Trên đường đi tôi vẫn cười nói với mọi người, với gia đình anh. Khi về đến nhà, tôi từ chối lời đề nghị ở lại cùng tôi của cô bạn, một mình lên phòng, đóng cửa lại. Lúc này tâm trạng tôi chẳng còn chống đỡ nỗi dù một chiếc lá rung rinh. Tôi khụy xuống, khóc như một đứa trẻ. Tiếng nấc nghẹn ngào vỡ òa trong một buổi sáng không hề có nắng.

Anh đi rồi, mang theo cả ánh dương ấm áp của tôi. Anh đi rồi, mang theo cả niềm vui, tình yêu và hạnh phúc anh đã dành cho tôi suốt hai năm trời. Tôi tự nhủ, rồi đây khi tôi lười biếng bỏ bữa, ai sẽ là người mang đồ ăn đến cho tôi. Khi tôi đi về trong đêm tối, ai sẽ là người đợi và đưa tôi về nhà. Ai sẽ lo cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ, ai sẽ là người dìu tôi đi những đoạn đường vắng thưa người? Tôi có thể sống mà không có anh chứ?

* * *

Vài ngày sau đó, hễ có người nhắc đến anh thì tôi lại khóc. Nhưng rồi tôi phải dần tập quen với việc tự mình lái xe đi làm, tự mình nấu cơm tối, tự mình chăm sóc bản thân. Mặc dù lần đầu tiên sau ngày anh đi, tôi dường như quên mất cung đường đi làm của mình. Tôi bị lạc, lạc mất gần như hơn hai tiếng mới tới công ty. Rồi dần dần cũng quen, tôi tự ý thức được, chẳng còn ai để tôi dựa vào ngoài chính mình.

Mỗi lần đi ngang qua nơi chúng tôi thường ghé, những quán chúng tôi thường ăn, lần đầu tiên tôi sẽ khóc, khóc đến vài lần rồi thôi không khóc nữa, chỉ còn lại sự chạnh lòng.

Ở nơi xa ấy, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau thường xuyên. Cách nhau nửa vòng trái đất, thời gian sáng của tôi là tối của anh và ngược lại. Mặc dù vậy nhưng chúng tôi vẫn sẽ dành cho nhau ba mươi phút mỗi ngày để video call cho nhau, kể về một ngày của mình. Tôi còn tạo ra một group chỉ có tôi và anh. Những lúc không gọi nhau được sẽ viết vào đó những gì mình muốn nói.

Thời gian đầu anh còn sống chung nhà với cô chú, anh đều sẽ nhớ tôi nhiều, vì anh còn có thời gian rảnh rỗi. Lúc anh thức dậy, điều đầu tiên là gọi cho tôi. Khi hết một ngày, anh sẽ viết cho tôi những nỗi nhớ nhung của mình. Hầu như đều là anh chủ động cho tôi biết, anh cần tôi. Dần dần, chúng tôi quen thuộc cách yêu này.

Sau vài tháng, anh nói với tôi rằng anh không muốn sống với chú nữa. Vì anh cảm thấy anh như một thứ gì đó phiền đến cuộc sống của gia đình chú, ngoài ra chú còn là người cho anh bị áp lực. Chú hay bắt anh phải thế này thế kia theo đúng ý chú. Anh mệt mỏi và muốn ra riêng. Nghe anh chia sẻ, tôi cũng không đưa ra lời đồng ý hay phản bác, chỉ an ủi anh cố gắng sống tốt, vì dù sao bên đó cũng chỉ có chú là người thân, ra ngoài sống cũng là một loại thử thách.

Trong khoảng thời gian này, Ba mẹ anh cũng nói với tôi rằng nên khuyên anh sống cùng cô chú. Họ lo lắng nếu ra ngoài anh sẽ chẳng còn được chăm sóc như ban đầu. Vì họ nghĩ tôi là người có thể khuyên anh tốt nhất. Cô của anh cũng từ Mỹ gọi điện về cho tôi, bảo tôi khuyên anh. Tất cả lời của họ tôi đều lắng nghe và mỉm cười bảo sẽ làm. Nhưng họ không biết, tôi chỉ là người chia sẻ cùng anh. Tôi không có tư cách bắt anh làm gì, vì tôi chẳng ở trong hoàn cảnh đó, tôi nào hiểu được anh cảm thấy ra sao? Họ cũng vậy, họ chỉ biết nhìn vào sự no đủ bên ngoài mà nhận định, họ chưa từng đặt mình vào anh để hiểu cho anh.

Cứ như thế dây dưa vấn đề suốt gần một tháng. Cuối cùng anh thắng. Anh được chú đưa đi tìm phòng và dọn ra ngoài. Ngày đầu tiên sống riêng bên ngoài, anh gọi cho tôi bằng khuôn mặt rạng rỡ, anh bảo, cuối cùng cũng được tự do nói chuyện với em. Tôi mỉm cười, cảm thấy ấm áp.