Nắng Tròn Sau Mưa

Chương 21: Bỏ nhà ra đi

Cô sực nhớ ra còn người nữa thì ngoảnh mặt nhìn ra cổng. Lúc này thì người còn lại cũng vừa thong dong bước vào cổng chùa. Thấy bóng anh, cả sư thầy lẫn bọn trẻ cùng hướng mắt nhìn ra. Ngọc My cười cười chỉ về phía Hoàng Vũ:

“Dạ đây ạ! Chú Vũ, anh họ của anh Hoàng Bách ạ! Thầy nhớ anh Hoàng Bách không thầy?”

“Nhớ!”

Hoàng Vũ tay xách túi đồ của Ngọc My đi lại gần, khẽ cúi đầu chào sư thầy. Trong không gian thanh tịnh thoang thoảng mùi hương trầm ấm nóng và thảo dược khô.

Thầy rủ mắt đáp lại:

“Nam mô a di đà phật! Vào trong rửa ráy tay chân, sư bác chuẩn bị cơm tối đón hai đứa rồi.”

“Cảm ơn thầy.”

Hoàng Vũ hòa nhã đáp lại. Ngọc My nhìn sang Tuệ Nhi đang đứng yên một chỗ tách ra khỏi ba đứa còn lại, chăm chú nhìn cô thì vẫy tay gọi nó:

“Tuệ Nhi!”

Con bé bẽn lẽn chạy lại gần, ngước mắt nhìn cô, lại nhìn sang vị khách lạ. Hoàng Vũ giật giật khóe môi, chăm chăm nhìn nó. Con bé sợ sệt rủ mắt né tránh. Ngọc My nắm tay nó, khom người ghé tai con bé giới thiệu:

“Chú Vũ, anh của anh Hoàng Bách, lần trước ở trường đại học của chị em gặp rồi, còn nhớ anh Hoàng Bách với chị Nam My không?”

Tuệ Nhi không nói chỉ gật đầu. Biết con bé ngại người lạ, Ngọc My chỉ cười rồi nựng má nó, sau đó nghiêng nghiêng đầu thì thầm với Hoàng Vũ:

“Chú đừng có mang ánh mắt thẩm tra tội phạm nhìn bọn trẻ thế, chúng nó sợ đấy.”

Không để anh đáp lại, cô đã hớn hở lùa mấy đứa vào trong phòng để chia quà trước.

Đặt cái túi đựng đồ to đùng của Ngọc My xuống đất, Hoàng Vũ nhanh mắt nhìn qua một vòng quanh căn phòng. Đúng là cái giường mà cô nói có thể chứa được mười đứa trẻ ngủ ở trên thật. Gọi là giường vì dùng để ngủ, chứ thực chất nó là cái phản rộng, ướm chừng cũng phải ba mét hơn chứ không phải hai mét như Ngọc My nói. Hai mét phải là cái bàn học kê ở cạnh cửa sổ ở bên trái phòng kia mới đúng.

Ngọc My mở túi lấy ra hộp bánh quy cùng hai gói kẹo dẻo rồi đi đến bàn thờ treo trên tường, thắp hương cho ông bà ngoại và mẹ trước. Lúc quay ra thấy Hoàng Vũ cứ nhìn, cô vừa đi lại gần vừa nói:

“Ông bà ngoại với mẹ cháu.”

“Ừm!”

Hoàng Vũ tỏ ra đã hiểu, mắt lại hướng vào chiếc giường rộng rãi mà đám trẻ đang đứng dựa vào.

Ngọc My vừa ngồi xuống giường liền hớn hở khoe:

“Giường này là do sư thầy đóng đấy, toàn bộ đồ gỗ đều do sư thầy tự đóng hết.”

“Nằm không như này ấy hử?”

“Không, có chăn bông trải dưới lót làm đệm mà.”

Ngọc My chỉ vào đống chăn bông cũ rích được xếp gọn gàng trên đầu giường. Hoàng Vũ không hỏi nữa chỉ gật đầu tỏ vẻ đã hiểu. Anh biết ở nơi này thiếu thốn, nhưng đến mức không có tấm đệm tử tế trải nằm như thế này thì cũng thật sự khá bất ngờ.

Hết thắc mắc, anh đứng dựa cửa chăm chú nhìn mấy đứa trẻ vây quanh Ngọc My, cô như người chị lớn vừa đi xa về, hết hỏi han lại trêu đùa bọn chúng. Anh phát hiện ra con nhóc này thật sự nói rất nhiều, cứ tưởng cô kiệm lời, chỉ thích cãi trả nhưng không ngờ gặp bọn trẻ con lại liến thoắng không ngơi như khướu hót.

Ngọc My lôi cái áo phao lông vũ màu xanh mà Nam My mua cho đưa cho Tuệ Nhi thử trước, được mặc áo mới con bé thích lắm, cứ tủm tỉm cười. Mấy đứa còn lại, lại hau háu nhìn theo.

Cô với tay xoa đầu Tuệ Minh, tươi cười nựng nó:

“Xem nào, cái màu hồng này cho Tuệ Minh nhé, còn có quần legging mặc kèm. Đã tắm rửa chưa?”

Con bé gật đầu, Ngọc My liền bế nó lên đùi, thay cho bộ đồ mới mặc thử. Đồ này cô đã giặt sạch sẽ, mang về là có thể mặc được luôn. Mấy đứa này mới mấy tháng không gặp đã nhỉnh hơn rất nhiều. Thật may Ngọc My mua đồ hay chọn size rộng một chút để đón lớn nên vừa zin.

Đứa nào cũng có đồ mới, bộ mặc nhà dài tay và áo khoác phao dày dặn. Còn dư ra bộ đồ Ngọc My mua cho Tuệ Vân, Tuệ Minh mặc cũng vừa nên cho nó luôn. Nhìn chúng hớn hở mà cô cũng vui lây.

Sư bác đi vào nhắc bọn họ rửa tay chân mặt mũi còn chuẩn bị ăn tối. Ngọc My liền bám lấy bác, đi theo xuống nhà bếp, không biết hai người nói chuyện gì mà thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng cười giòn tan.

Khi cô quay lại đã không thấy Hoàng Vũ đâu, hỏi mấy đứa trẻ thì bọn chúng cũng lắc đầu. Nhưng chưa đầy một phút thì Tuệ Nhi đã chỉ về phía sau lưng Ngọc My khiến cô giật mình quay lại. Hoàng Vũ đã lù lù xuất hiện.

“Chú đi đâu thế?”

Anh không đáp chỉ dơ lên một cái túi nilon màu đỏ, đưa ra trước mặt cô.

“Gì đây ạ?”

Ngọc My đón lấy, vừa mở ra xem đã kinh ngạc ngước mắt nhìn anh, Hoàng Vũ nhún vai, đánh mắt về phía bọn trẻ. Cô hiểu ý thì chợt nhoẻn miệng cười:

“Chú mua lúc nào thế?”

“Ừm… Lấy của… à lấy ở nhà. Đồ ăn vặt của đứa em gái.”

“Em gái chú mấy tuổi cơ?”

Hoàng Vũ dơ lên ba ngón tay, Ngọc My kinh ngạc thốt lên:

“Ba tuổi á? Cháu thấy mẹ chú cũng có tuổi rồi cơ mà, sao mà sinh được hay vậy ạ? Hay là con chú?”

Biểu cảm thảng thốt của cô khiến anh phì cười, “Ba mươi tuổi.”

“Ba mươi tuổi cũng ăn kẹo chíp chíp với thạch zai zai á chú?”

“Ừ.”

Anh thản nhiên đáp gọn lỏn. Ngọc My vẫn thấy lạ, nhưng lại tin sái cổ mà vui vẻ khoe quà mà Hoàng Vũ cho với chúng. Thấy kẹo chíp chíp và thạch zai zai, đứa nào cũng thích.

Đúng là Hoàng Vũ chỉ lừa được trẻ con với Ngọc My mà thôi. Hạnh Chi là người thích thân hình mảnh dẻ, nên trong khẩu phần ăn của cô ấy thường loại bỏ những món chứa nhiều đường và tinh bột. Làm gì có chuyện ăn kẹo chíp chíp và thạch zai zai, ngọt lừ như thế này.

Ngọc My nhón cho mỗi đứa một chiếc thạch rồi cất túi đựng kẹo đi, dặn bọn trẻ phải ăn cơm xong mới được ăn, rồi dẫn chúng xuống phòng ăn. Cô không quên nhắc Hoàng Vũ đi cùng.

Anh lầm lũi đi theo sau, nhìn như đứa trẻ to xác được cô giáo dẫn xuống phòng ăn, cùng với đám trẻ lít nhít. Tuệ Nhi thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn anh một cái, bắt gặp ánh mắt của Hoàng Vũ nhìn lại thì bẽn lẽn quay mặt đi.

Đúng như Ngọc My nói, đồ ăn ở chùa chỉ toàn món chay, miến dong xào nấm mèo, bắp cải luộc đánh giấm cà chua, măng rừng xào với lá lốt và hai đĩa xôi gừng màu xanh mới hấp lại, còn đang tỏa khói mỏng.

Ngọc My hít lấy một hơi đồ ăn nóng vào cánh mũi, sực nhớ tới Hoàng Vũ thì kéo áo anh thì thầm:

“Chú xem có ăn được không?”

“Được.”

Ngọc My và Tuệ Nhi phụ sư bác dọn bát đũa, ba đứa trẻ còn lại đã ngồi ngay ngắn trên bàn. Sư thầy vừa mới xuống, chắp tay niệm nam mô rồi ngồi xuống ghế. Sư bác rót thêm cho mỗi người một cốc nước ngô nóng, đĩa ngô luộc còn bốc khói để ở đầu bàn ăn. Trong bữa cơm đạm bạc, Ngọc My cùng sư bác và sư thầy trò chuyện vui vẻ, chỉ mình Hoàng Vũ là im lặng lắng nghe.

Ngọc My sực nhớ ra liền thắc mắc:

“Bạch thầy, chùa mới làm đường ạ? Con đi về mà tưởng nhầm đường. Hì.”

“Ừ con, được người ta tài trợ.”

“Ui, người đâu mà tốt thế ạ?”

“Người dưới thành phố con ạ!”

Hoàng Vũ tự nhiên tò mò:

“Thưa thầy lúc mới về tới, con có thấy một người đàn ông rời khỏi chùa.”

“Là người đó đó con. Chủ một doanh nghiệp ở dưới thành phố.”

Anh khẽ gật gù, lại tiếp tục ăn cơm. Toàn món chay, nhưng nêm nếm vừa vặn nên Hoàng Vũ ăn được. Ngọc My thỉnh thoảng lại ý nhị nhìn sang, cô chỉ sợ anh không ăn được mấy món đạm bạc này, đến lúc lại trách cô không mời được món tử tế.



Sau bữa cơm tối, Nam My dọn dẹp xong, thuận tay mở tủ để đồ ăn vặt của Bát nhỏ ra xem, cứ cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó thì tay lật qua lật lại tìm kiếm. Cô đóng cửa tủ lại, quay ngoắt sang nhìn con trai đang ngồi chơi điện thoại.

“Bát nhỏ!”

“Giật cả mình, sao mẹ gọi to thế, làm Bát nhỏ hết cả hồn.”

“Chíp chíp với thạch zai zai mẹ để ở đây đâu?”

“Bát cho hết rồi.”

“Hử?”

Nam My nghiêm mặt nhìn nó, Bát nhỏ tay lướt màn hình điện thoại tìm video để xem, mặt vếch lên leo lẻo đáp:

“Hôm qua bác Vũ sang, lúc ấy mẹ không có ở nhà. Bác hỏi Bát nhỏ trẻ con thích ăn cái gì nhất. Con bảo là kẹo chíp chíp với thạch zai zai. Cả trứng khủng long với kẹo mắt nữa. Nhưng nhà mình không có trứng khủng long với kẹo mắt nên Bát nhỏ cho bác cả túi kẹo với thạch mẹ mới mua rồi.”

“Hử? Bác lấy kẹo làm gì? Đừng có mà điêu.”

“Thật mà, không tin mẹ gọi hỏi mà xem. Bác Vũ bảo cho bác đi rồi bác mua sắn cho mà ăn. Ở thành phố làm gì có sắn Mà sắn là cái gì hả mẹ?”

Nam My khó hiểu đưa tay đỡ trán. Cô không biết ông anh họ lại dở chứng gì mà lại phỉnh thằng nhóc rồi cuỗm cả kẹo với thạch cô mua để dử mồi nó đi.

Hoàng Bách nghe được câu chuyện thì cười cười thắc mắc:

“Anh Vũ hồi teen à? Hay chẳng lẽ anh ấy đổi món lại tán cả trẻ mẫu giáo? Chết thật.”

“Luyên thuyên. Ông ấy dạo này hành tung bí ẩn, cứ úp úp mở mở. Anh Huy bảo anh ấy đi khảo sát địa phương rồi. Mới có mấy vụ bắt cóc trẻ em.”

“Thì kệ anh ấy, anh ấy có chân đi đâu mà chẳng được. Chuyện công việc bên em còn lạ gì nữa.”

"Chả kệ, ông ấy thích tán ai cũng được. Cứ đừng nhắm vào cái My là được."

"Lâu rồi không thấy đến tìm con bé nữa rồi. Mà cái My có phải gu anh Vũ đâu."

"Chắc anh ấy cần phải đúng gu?"

Nhìn vẻ mặt anti anh vợ rõ ràng của Nam My, Hoàng Bách phì cười đáp lại:

"Anh trai em đấy, sao mà mất niềm tin với anh ấy thế?"

"Chưa từng có niềm tin."

Nam My nhún vai, tỏ vẻ bất lực. Hoàng Bách lại chằm chằm nhìn cô rồi hất mắt đá sang thằng con trai. Nam My hiểu ý thì dỗ nó lên phòng. Họ có chuyện cần làm tư tưởng với thằng nhóc con này trước.

Vừa ngồi xuống giường, Nam My đã hỏi con trai:

“Bát nhỏ có thích em bé không?”

“Không ạ!”

Hoàng Bách tưởng con trai hiểu nhầm ý mẹ nó thì giải thích rõ:

“Là em bé giống nhà anh Ốc ấy, không phải em bé chó giống Thảo Mai với Gà đâu.”

Lúc này nó mới chịu rời mắt khỏi màn hình điện thoại, ngẩng lên nhìn bố mẹ:

“Có hai con chó thôi còn chả bằng nó, giờ có thêm em bé thì Bát nhỏ ra rìa à bố? Bát không thích em bé. Mẹ mà đẻ em bé là Bát nhỏ bỏ nhà ra đi đấy.”

Hoàng Bách phì cười, xoa đầu con trai thật mạnh. Anh tắt điện lên giường, chui vào chăn cùng vợ, để cho Nam My dựa vào người mình rồi kéo con trai ngồi lên đùi, thủ thỉ với nó:

“Có em bé thích mà, con không thích có người chơi cùng à?”

“Không thích.”

“Không buồn à?”

Nó lắc lắc đầu, “Có cụ nội, ông bà nội, cả Thảo Mai, mai kia Gà đi “lấy chồng” về rồi chơi cùng. Bát nhỏ có buồn đâu mà cần người chơi với nữa bố.”

“Thử có em xem sao.”

“Không đâu, Bát không thích em đâu. Anh Ốc bảo là có em cũng thích nhưng mà cũng khổ.”

Nam My nựng má nó hỏi:

“Như nào cơ? Anh Ốc nhà bác Huy á?”

“Vâng!”

“Đâu, anh Ốc bảo gì? Bát nhỏ kể mẹ xem nào?”

Nam My thu điện thoại mà con trai đang chơi lại, lướt lướt mấy cái rồi để xuống đầu giường. Bát nhỏ không có đồ chơi nữa thì vừa nghịch ngón tay, vừa liến thoắng:

“Anh Ốc bảo từ ngày Tép về, Tép toàn đòi bố, không cho ai đυ.ng vào. Rồi mẹ anh Ốc đẻ thêm hai đứa Tôm, Sam. Anh Ốc không được ngủ với bố mẹ nữa.

Anh Ốc đi học, Tép chạy theo, xong tự ngã. Bà dỗ Tép còn bảo đánh chừa anh Ốc…”

Nói một lèo mệt quá, thằng bé nghỉ giữa hiệp lấy hơi rồi tiếp tục:

“Bây giờ anh Ốc cũng không được bà đón nữa rồi, phải tự đi bộ từ trường về nhà. Cũng không được tham gia ngoại khóa sau giờ học, với chơi trò chơi dưới sân trường vì phải về nhà chơi với em. Tại Tép với Tôm, Sam mà anh Ốc không có thời gian chơi với Bát nữa ấy.”

“Thế anh Ốc còn bảo gì nữa không con?”

“Anh Ốc bảo, nhiều lúc Tôm, Sam hư lắm. Ném sách của anh Ốc xuống sàn nhà rồi vò mẹ ạ! Còn lấy thức ăn bôi vào mặt mình, với mặt anh Ốc nữa... Anh Ốc bảo là từ ngày có em, bố mẹ bận thương em, nên không có thời gian thương anh Ốc nữa. Nên là mẹ đừng có mà đẻ em bé. Không là Bát nhỏ bỏ nhà đi thật đấy.”

Nó vừa thở phì phò, vừa nhấn mạnh.

Nghe lời con trai nói mà cả hai vợ chồng Nam My đều câm lặng, Hoàng Bách siết vai vợ, Nam My nghẹn họng mím môi. Tự nhiên thấy thương Ốc, chắc hẳn Khánh Huy và Ái Liên đều không biết những suy nghĩ này của nó. Mấy đứa trẻ hay chơi với nhau, nên chắc lúc gặp Bát nhỏ, Ốc mới tâm sự với em cho đỡ ấm ức, tủi thân.



Ái Liên vừa về tới nhà, đồng hồ cũng điểm mười giờ tối. Hôm nay bệnh viện quá tải nên cô phải ở lại, Sam bị ốm mà không thể bỏ việc lại để về với con ngay được. Vào đến phòng khách, thấy trống trơn, Ái Liên đoán bà cháu Ốc lên phòng hết cả rồi. Cô vừa đóng cửa vừa đi lên, lại tiện mở điện thoại ra xem thì có tin nhắn của Nam My gửi tới từ lúc nào. Thấy là file ghi âm, Ái Liên lại quay trở lại bàn ăn, mở ra xem.

Không khác tâm trạng của vợ chồng Hoàng Bách là mấy, nghe xong file ghi âm mà hai mắt Ái Liên đã hoe đỏ.

Cô nhè nhẹ mở cửa phòng, đập vào mắt là Ốc đang ôm Tôm trên tay, người dựa vào thành giường ngủ gục. Tép nằm gối trên chân thằng bé, co quắp ngủ ngon lành.

Nhìn ba đứa trẻ mà nước mắt Ái Liên không tự chủ cứ thế trào ra.

Sam bị ốm nên bà nội phải mang nó sang phòng bà dỗ dành, để tránh lây cho Tôm với Tép. Ốc được giao nhiệm vụ trông em mà ngủ quên lúc nào không biết.

Ái Liên lau vội nước mắt, nhè nhẹ vỗ vai con trai:

“Ốc, Ốc ơi! Mẹ về rồi này!”

Ốc giật mình cựa quậy, phản xạ đầu tiên là gồng người siết chặt tay vì sợ Tôm bị tuột ra sẽ tỉnh giấc. Vừa thấy mặt mẹ, nó đã nhoẻn miệng cười, mắt híp dí vì buồn ngủ cố mở căng:

“Mẹ về rồi, sao mẹ về muộn thế mẹ? Mẹ đã ăn cơm chưa hả mẹ?”

Ái Liên nghẹn ngào lắc lắc đầu, cố nhịn xuống sự xúc động đã dâng nghẹn cuống họng mà nhoẻn miệng cười hiền, đáp lại con trai:

“Mấy anh em ăn cơm chưa?”

“Rồi ạ, Sam ốm nên ở bên phòng bà mẹ ạ! Vừa nãy em còn khóc, mà giờ Ốc không nghe thấy, chắc là bà ru được ngủ rồi.”

“Ừ, Tép nằm ra cho anh Ốc ngủ nào.”

Ái Liên cưng nựng, khom người ôm Tép muốn bế nó đặt vào chỗ, nhưng lại làm con bé giật mình. Nó trong cơn mê ngủ, ngọ nguậy xoay người, đầu nằm xuống giường, hai tay tóm chặt chân Ốc ôm ghì lấy.

Bình thường bố mẹ đều đi trực không có ở nhà, Tép sẽ bám chặt lấy anh trai, đi ngủ cũng phải bám anh mới chịu. Còn hai đứa Tôm và Sam cũng thế, không bám được bà sẽ ăn vạ Ốc.

Ái Liên đón lấy Tôm bế thay cho Ốc. Đặt nó nằm an vị xuống giường rồi mới lần nữa tách Tép ra. Ốc trao được em cho mẹ mà cả người nhẹ như vừa trút được gánh nặng. Hai cái tay nó mỏi nhừ, cả cổ và vai cũng muốn rã rời. Ốc vừa co chân đã xuýt xoa mếu máo:

“A… Ôi mẹ ơi! Hu…”

“Con làm sao thế Ốc?”

“Tê… tê chân mẹ ơi! Ui… ui…”

Nhìn nó mếu máo mà thương. Ái Liên nhẹ nhàng ngồi xuống giường, mang hai cái chân Ốc đặt lên đùi mình mà nắn bóp cho nó đỡ tê. Cô chăm chú nhìn con, từ ngày có em, Ốc lớn hẳn. Vợ chồng Ái Liên có bà nội đỡ đần, con trai lại hiểu chuyện nên cứ bị công việc cuốn đi mà quên mất nó cũng chỉ là một đứa trẻ, cũng biết tủi thân khi tình thương bị san sẻ. Lúc nghe những lời Bát nhỏ kể qua file ghi âm mà Nam My gửi cho, Ái Liên lại càng thương thằng bé hơn.

Cô cứ thế rơi vào trầm tư, nước mắt ứa tràn qua mi, rơi trên gò má lúc nào không hay biết. Ốc thấy mẹ im lặng thì ngước mắt nhìn lên, “Ôi mẹ ơi, mẹ bị làm sao thế hả mẹ? Sao mẹ lại khóc hả mẹ?”

Ái Liên giật mình, vội đưa tay lau nước mắt, tay còn lại nắm lấy tay con trai, lắc lắc đầu:

“Mẹ không sao, mẹ đang cảm động á Ốc.”

“Cảm động cái gì á mẹ?”

“Vì bố mẹ bận không ở nhà, đã có Ốc giúp bố mẹ chăm em này. Mẹ thương Ốc nhất.”

“Thật á mẹ?”

“Ừ!”

“Đấy Ốc biết ngay mà, làm sao mà mẹ hết thương Ốc được. Chẳng qua là mẹ bận việc, với bận thương em thôi mẹ nhỉ?”

Lời nó ngô nghê, làm Ái Liên thổn thức, nước mắt lại trực chờ muốn trào ra đến nơi. Ái Liên ôm Ốc vào lòng, gác cằm lên đầu nó, cả người đung đưa thủ thỉ:

“Hôm nay Ốc ngủ bên này với mẹ, với em không?”

“Được á mẹ? Còn Sam thì sao ạ?”

“Sam cho ngủ với bà một hôm. Suốt ngày ngủ với mẹ rồi.”

Ốc sướиɠ rơn cười híp cả mắt:

“Tuyệt vời ông mặt giời, thế mai Ốc sẽ bù cho Sam cái khác. Mai Sam mà khỏi ốm, Ốc sẽ dẫn Sam ra nhà văn hóa đá bóng mẹ ạ!”

Ái Liên vui vẻ gật đầu. Tâm hồn con trẻ mỏng manh dễ tổn thương, chỉ một chút lơ là, vô tâm của người lớn có thể khiến ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành động của chúng. Có thể biến từ tình thương trở thành sự ganh ghét tị nạnh, khiến sự thuần khiết của bọn trẻ dễ dàng bị vẩn đυ.c mà chính những người lớn lại không nhìn nhận ra.

Không nói, không thể hiện ra mặt, không có nghĩa là chúng không biết, không hiểu chuyện. Ốc mới chỉ chín tuổi mà thôi, suy nghĩ của nó không thể chín chắn như người trưởng thành mà bắt thằng bé phải thông cảm và hiểu chuyện.

Nhìn ba đứa trẻ say ngủ, Ái Liên tự có dự tính trong lòng. Cô nghĩ kỹ rồi, sẽ dành nhiều thời gian hơn cho bọn trẻ.