Vượt qua đồi núi trùng điệp của vùng đông bắc, đoàn sứ bộ đã đến được biên giới Đại Việt – Đại Nguyên. Mùa này không khí lạnh từ phương bắc tràn về liên tục, gặp địa hình đồi núi chắn gió gây mưa, nên sứ bộ rất vất vả mới vượt qua được những con đường sình lầy. Tới hoàng hôn, sứ đoàn cũng tới được Ải Nam Quan, chỉ cần đi qua là vào địa phận nhà Nguyên. Tùng ngồi trên ngựa, ngẩn mặt nhìn ải Nam Quan.
Ải Nam Quan, cuối cùng cũng tới được Ải Nam Quan!
Đây là nơi biết bao đoàn quân xâm lược từ phương bắc đi qua để xâm lược nước Việt, để rồi phải chạy thụt mạng trở về. Là nơi Liễu Thăng bị nghĩa quân Lê Lợi chém cụt đầu!
Bỗng từ trên lầu cao của ải, xuất hiện hàng loạt cung thủ, tên lắp cung giương hết sức nghiêm trọng:
– Kẻ dưới thành là ai, mau xưng danh!
Di Ái vương gia hớt hải, lật đật giơ hai tay lên như đầu hàng, run run nói:
– Đây là Sứ đoàn của Đại Việt, đi triều cống thiên triều. Ở đây có quốc thư, xin xem xét.
– Bây giờ đã trễ. Các ngươi mau lui xa 2 dặm trú qua đêm, không được cắm trại gần quan ải. Sáng mai hẵng xuất trình giấy tờ để qua cửa ải.
Di Ái vương gia lủi thủi, định quay đầu ngựa đi ngược lại hai dặm, thì Tùng giơ tay nắm lấy cương ngựa của ông:
– Xin vương gia minh xét, giờ đã tối mịt, đường đi lại sình lầy, nếu quay lại sẽ rất khổ sở.
– Chứ người định làm gì, cướp ải à!
Di Ái vương gia bực tức quát Tùng. Trên danh nghĩa, ông là người đứng đầu sứ đoàn này, hơn nữa là chú ruột của vua, thân phận vô cùng cao quí. Vậy mà bị trên Hộ vệ trưởng giật cương ngựa, vô cùng mất mặt!
– Vương gia minh xét, xin phép cho tại hạ đối đáp vào lời với quan giữ ải.
– Được! – Di Ái vương vẫy tay.
Tùng thúc ngựa ra giữa cửa ải, hai tay chắp lại, nói to:
– Xin hỏi người trên thành tên họ là chi?
– Ta là Triệu Văn Điển, quan thủ ải. Ngươi có việc gì không? Nếu không mau lui xa hai dặm đợi sáng mai hẵng xuất trình giấy tờ.
– Tại hạ là Vân Tùng, Hộ vệ trưởng của sứ đoàn. Chẳng hay ngài có phải là cử nhân Triệu Văn Điển, quê ở Hà Bắc hay không?
– Sao ngươi biết?
– Tùng này ở Đại Việt nhưng nghe danh tài làm thơ của ngài đã lâu. Nay có dịp gặp mặt, thật là hân hạnh.
– Ngươi là quan võ cũng quan tâm văn chương hay sao? – Văn Điển vuốt râu hỏi. Nghe nói ở phương nam có người biết đến mình, y vô cùng cao hứng.
– Cũng như ngài, con nhà văn nhưng theo nghiệp võ ạ!
– Hảo a, hảo a! Sáng mai ngươi nhập quan, có dịp thì ta với ngươi làm vài chung rượu, nói chuyện văn chương. Còn bây giờ mau lui xa hai dặm, quân pháp vô tình, chớ trách ta nguyên tắc!
Tùng không nôn nóng, từ tốn đáp lại:
– Triệu đại nhân, ngài là xuất thân văn nhân, lẽ nào không thương xót nhân sinh. Chúng tôi vất vả lắm mới vượt được hai dặm sình lầy trước ải, giờ ngài bắt chúng tôi quay lại, thật là bất nhẫn!
– Haha, ngươi khích tướng à. Được vậy ta ra câu đối, nếu ngươi đối lại được, xem như đó là duyên, ta sẽ cho sứ bộ qua ải ngay!
Nghe tới việc đối được sẽ được cho qua ải, và tự tin mình cũng tinh thông văn học, Di Ái vương gia hấp tấp la lên:
– Hay quá, xin ngài mau mau ra vế đối.
Trần Văn Điển nheo mắt nhìn tên nào cướp lời mình. Hóa ra là tên lúc nãy bị mình đuổi phải chạy cụp đuôi. Y khinh khỉnh liếc Di Ái, rồi thong thả đọc:
– Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan (Qua cửa quan vào lúc trễ, cửa quan đóng, xin mời khách đi qua cửa quan)
Nghe xong, Di Ái vương gia lắc đầu. Tên Văn Điển này thật là thâm, nói là bây giờ trễ, Ải Nam Quan đã đóng, xin mời khách….đi qua. Thật là trêu người, cửa đóng làm sao mà qua!
Tùng nghe xong, cười vang, lập tức đối lại:
– Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối (Ra vế đối thì dễ, đối lại mới khó, mời tiên sinh đối trước).
Tùng chả vừa, ý chê khéo Văn Điển chọn việc dễ mà làm.
Nghe xong Văn Điển cũng cười ha hả. Rồi, cổng Nam Quan từ từ hạ xuống….
l*и
Sứ đoàn và binh lính hò reo, nhờ Tùng mà bọn họ được vào thành ngủ, không phải lội sình lầy và ngủ ngoài trời. Đêm đó đoàn sứ bộ được tiếp đãi linh đình, quan giữ ải Triệu Văn Điển còn mời Tùng và Di Ái vương vào phòng riêng uống rượu tới quá khuya.
Đến sáng, đoàn sứ lại tiếp tục lên đường. Tùng đưa sổ đi đường cho tên thư lại người Hán đóng dấu, để có thể đi lại ở phương bắc mà không bị quan quân nhà Nguyên cản trở. Hắn xem xét, đóng dấu thông quan, rồi phê:
– Sứ đoàn Nam man (đám người man rợ phía nam) thông quan hợp lệ.
Tùng cầm quyển sổ thông hành lên, tức điên! Nó muốn rút gươm ra chém tên thư lại này, nhưng kiềm được. Nó cười khinh khỉnh:
– Đám người trung nguyên luôn tự cho mình là nhất, gọi xung quanh là man di. Nhưng giờ người “trung nguyên” các ngươi làm tôi mọi cho Mông Cổ rồi, haha.
Nhìn sắc mặt tên thư lại vừa tức vừa thẹn, Tùng nói thêm:
– Ngươi gọi chúng ta là “đám người man rợ phía nam”, đừng quên chữ “man” là chữ “cung” và chữ “giáo mác” ghép thành. Chúng ta sẽ chiến đấu tới cùng chứ quyết không sống nhục làm tôi tớ cho người khác!
Sứ đoàn nghe thế, hò reo vang trời. Tên thư lại thẹn quá bỏ vào công đường…
Thế là đã qua được ải Nam Quan, tiến vào địa phận Nguyên Mông! Vừa đi, Tùng vừa cảm ơn tin tức tình báo mà sư huynh Lý Văn đã cung cấp cho nó trước khi lên đường. Ví dụ như: Quan giữ ải Nam Quan tên Văn Điển, vốn là văn nhân, thi đến cử nhân nhưng sau đầu hàng nhà Nguyên, được phong làm tướng giữ ải.