Một Đời Không Quên

Chương 2

Từ lúc bố tôi ra tù, ông mắc đủ thứ bệnh, thần kinh cũng không được ổn định, mẹ tôi lo nghĩ nhiều mà cũng ốm đau suốt, việc xin làm cho người ta ngày được ngày nghỉ. Người đáng giận hơn cả là anh trai tôi. Cách đây hai năm anh tôi quẫn trí chơi cá độ bóng đá, cuối cùng lại lún sâu thêm vào nợ nần rồi bỏ vào miền Nam trốn nợ. Nhìn nhà tôi rách nát bọn chủ nợ cũng chán, chỉ hằm hè bắt chúng tôi tìm anh trai tôi về trả nợ mà thôi.

Mẹ tôi quay mặt đi giấu những giọt nước mắt đã làm con ngươi mờ đυ.c, gật nhẹ nén tiếng thở dài. Bố tôi chẳng biết có hiểu gì hay không, chỉ biết ông trầm ngâm nhìn xa xăm. Xoay đâu ra hai mươi triệu mỗi tháng? Một mình tôi gánh khoản tiền này đã hai năm nay kể từ lúc anh trai tôi bỏ đi, mẹ tôi ốm đau chỉ kiếm đủ tiền ăn tiền thuốc. Tôi vốn dĩ không chỉ làm một công việc, buổi tối tôi còn làm giáo viên ở một trung tâm tiếng Anh. Vậy mà đùng một cái, mọi công việc đều từ chối tôi! Lâm Hải Đăng, tôi cắn răng vào môi nghĩ đến anh. Anh nhất định ép tôi chết anh mới chịu được sao?

Số điện thoại dù đã xóa đi nhưng tôi vẫn còn nhớ như in... Liệu anh có còn dùng nó hay không? Tôi hít một hơi, không nghĩ nhiều liền bấm dãy số quen thuộc. Không ngờ... đáp lời tôi lại là âm giọng của một đứa con gái làm tôi sững sờ, trái tim điên rồ trong l*иg ngực khẽ nhói lên một nhịp.

- Alo... ai gọi anh Đăng thế ạ, anh ấy đang trong phòng tắm không tiện nghe máy.

- À... không có gì... lúc khác tôi gọi lại sau.

Tôi tự cười mình, tại sao tôi lại phải sốc cơ chứ? Ngày ấy... sau lần đầu tiên cùng tôi nếm “trái cấm”, mỗi đêm anh đều lén tìm cớ gọi tôi đến, không thì lại dẫn tôi ra ngoài, dường như anh chẳng bao giờ chán “việc tốt” này, chính bản thân anh cũng thừa nhận cơ mà! Tôi đúng là điên thật rồi!

Để điện thoại lại bàn, tôi dọn dẹp sơ qua căn phòng trọ ẩm thấp. Từ lúc bố tôi ra tù chúng tôi thuê nơi này rộng hơn, có điều lại tồi tàn hơn nơi ở trước, nhưng đó là những gì tốt nhất chúng tôi có thể làm. Một hồi, chuông điện thoại reo vang, tôi trấn tĩnh lại trái tim đập khác thường, đem điện thoại ra gốc sấu trước nhà tránh làm ảnh hưởng đến bố mẹ.

Cơn giận dâng đầy trong tâm trí tôi gạt nút nghe. Âm giọng đáng ghét của Lâm Hải Đăng vang lên:

- Alo... ban nãy ai gọi tôi thế?

Đăng đã xóa số điện thoại của tôi từ lâu, vậy mà tôi... vẫn còn thuộc làu những con số kia.

- Tôi, Khanh.

Tôi lạnh giọng trả lời, còn đang sắp xếp câu chữ để quát vào mặt anh, bỗng nghe anh hỏi lại:

- Khanh nào nhỉ?

- Phạm Thư Khanh. Anh còn quen bao nhiêu người tên như tôi nữa hả?

Có tiếng cười nhè nhẹ bên tai, nghe thôi đã lộn hết cả ruột.

- À, cô Thư Khanh. Cô gọi tôi có việc gì?

- Anh chặn nguồn sống của tôi, của gia đình khốn khổ chúng tôi đúng không? Anh có còn là người nữa không hả?

Im lặng cũng chính là thừa nhận, Hải Đăng thở hắt ra một hơi nói:

- Sáng mai cô đi làm đi. Tôi vẫn chưa thuê được trợ lý nào quê một cục hơn cô.

- Tôi quê mùa như thế anh còn cần tôi làm trợ lý làm gì, anh không sợ xấu mặt à?

- Gu của tôi hiện tại lại là thế mới đểu.

Điên mất! Ngày xưa... anh cũng chê tôi nhà quê mà tôi mặc kệ, lúc ấy... tôi có mục đích của mình, bây giờ nghe lại, lòng tôi vừa bực bội lại vừa đau đớn khó tả. Tôi có thể ăn diện được không trong hoàn cảnh tận cùng đáy vực? Đúng là so với con người sống trong nhung lụa từ nhỏ đến lớn, những bộ cánh hàng hiệu lúc nào cũng dát khắp người như anh thì tôi y hệt như những gì anh nói.

- Tôi không muốn dây dưa với anh... Anh tha cho tôi đi!