Đại Việt Đệ Nhất Thương Gia

Chương 39 - Kinh thành là chốn thị phi

Bấm để xem

Đóng lại

Trong đại sảnh, cả bốn người anh trai, hai vị chị dâu, đám trẻ con lít nhít và một đoàn người hầu đang cười nói rôm rả. Đứng từ vị trí của ta và Chị thị, bỗng nhiên lại cảm thấy có chút ghen tỵ với cái không khí gia đình ấm cúng ấy, sống mũi cay cay.

Người nhận ra ta đứng ở cửa đầu tiên chính là thằng nhóc Phạm Ngũ Sơn nhà anh cả, nó liền kéo tay em gái mới bốn tuổi lạch bạch chạy tới kéo vạt áo ta nói.

"Cô, sao cô còn chưa thay xiêm y để ra ngoài?" Nó hỏi ta câu đó, vẻ mặt không giấu được sự lo lắng mất mát, có lẽ thằng bé sợ cha ta đổi ý, quyết tâm đóng cửa, toàn gia ở nhà. Ta nhìn lại trang phục bản thân lúc này, tuy không phải áo lụa, quần gấm, hài son nhưng cũng coi như là gọn gàng tươm tất nên liền tặc lưỡi bỏ qua suy nghĩ đi thay đồ mà kéo tay hai đứa nhóc vào giữa đại sảnh.

"Các anh chị, em có mấy lời cần dặn dò mọi người trước rồi chúng ta liền có thể xuất phát." Các anh trai và chị dâu của ta nghe xong lời ấy liền thoáng nhìn nhau rồi rất nhanh ngồi xuống hướng ta chờ đợi.

Trong lúc đó ta lại thấy đám người hầu đang vui vẻ háo hức thoáng chốc liền lộ rõ vẻ lo lắng, ta liền quay sang dặn dò Chi thị.

"Chi thị, em đi xuống tìm quản gia thông báo lịch trình hôm nay. Chúng ta trước sẽ đi Trấn Quốc Tự và đền Quan Thánh dâng hương, sau đó ăn trưa ở Tân Nguyệt quán, buổi chiều sẽ tới thăm Phủ Tây Hồ và dùng cơm chay ở đó. Em nói ông ta cho người tới mấy nơi ấy đánh tiếng và đặt chỗ trước. Về thực đơn bữa trưa và bữa tối, những nơi chúng ta sẽ đi em đều đã quen thuộc, cứ theo lệ trước đây mà làm."

Chi thị nghe xong liền gật đầu dẫn toàn thể người hầu lui xuống. Đợi họ ra ngoài rồi ta mới nhìn các anh trai và chị dâu, tươi cười nói.

"Mọi người không cần lo lắng, bên chỗ cha, em đã thưa chuyện ổn thỏa rồi, em thấy đây là lần đầu gia đình mình cùng đi thăm thú kinh thành nên muốn lưu ý mọi người một vài điểm."

"Bọn anh biết em lớn lên ở kinh thàn, h vì thế cha và mẹ mới tin tưởng để em dẫn cả nhà cùng đi du xuân. Em cứ nói, anh chị sẽ ghi nhớ kỹ." Anh cả Phạm Ngũ Cung thay mặt mọi người trả lời, ta nhìn quanh khuôn mặt căng thẳng chờ đợi của mọi người rồi mới hắng giọng dặn dò.

"Mọi người không cần quá lo lắng, thật ra kinh thành này cũng không phải chiến trường đánh giặc, chỉ cần nhớ kỹ ba điểm thì mọi người có thể thoải mái đi lại, thăm thú mà không cần sợ hãi điều gì. Ba điểm này chính là không nghe, không nói, không xen và chuyện của người khác."

Ta vừa dứt lời, chị dâu thứ hai Chu Phương Thanh liền trợn mắt thốt lên.

"Tại sao lại không được nghe, không được nói. Nếu như vậy nhà chúng ta ra ngoài khác gì đi đám tang."

"Đúng vậy, em giải thích kỹ hơn một chút được không?" Chị dâu cả Đoàn Thị Mai cũng hấp tấp chen vào.

Nhớ đến lời của cha, bốn người anh trai và hai chị dâu đều xuất thân là nông dân chất phác, mấy loại chuyện này quả thật xa lạ với họ, ta liền kiên nhẫn giải thích.

"Ý em không phải là mọi người không được phép nghe hay không được mở miệng nói.

Thứ nhất, không nghe chính là không nghe chuyện phiếm của người khác. Kinh thành này là nơi tứ phương giao thoa, loại người nào cũng có, người bận rộn thì ít mà kẻ rảnh rỗi lại rất nhiều. Người ta chỉ có một trò giải trí duy nhất chính là nói chuyện thị phi. Mà loại chuyện đồn đoán vô căn cứ này thì có tới bảy phần là giả, dù có là tin đồn tày đình đến mấy, sau dăm bữa nửa tháng sẽ có loại tin khác giật gân hơn thế vào. Chính vì thế, tốt nhất là không nghe, có nghe cũng không cần thiết phải để trong lòng, có để trong lòng cũng không cần phải giải thích."

Nói xong ý đầu, ta dừng lại một chút, thất mấy vị trước mặt gật gù tỏ ý hiểu mới tiếp tục giải thích.

"Thứ hai, không nói chính là chỉ không nên kể chuyện trong nhà với người ngoài. Cái này có liên quan mật thiết với ý đầu tiên. Mọi người tưởng tượng xem, mấy cái tin đồn thất thiệt từ đâu mà ra? Chính là bởi ở kinh thành này, số kẻ tiểu nhân muốn hạ bệ đối thủ của mình nhiều vô số, họ sẽ tìm mọi cách mua chuộc, tiếp cận, làm quen để tìm hiểu các thông tin riêng tư của đối thủ, sau đó xào xáo lại rồi tung tin cho nhiều người biết. Các anh chị cũng biết, chức vụ của cha bây giờ có thể nói là cây cao đón gió lớn, số người trong tối muốn hạ bệ cha có thể còn nhiều hơn số tướng địch đã từng chết dưới đao của người trên chiến trường. Để bảo vệ an toàn cho cả nhà, tốt nhất khi ra ngoài, mọi người nên tránh nói chuyện trong nhà mình, nếu có ai hỏi, mọi người cứ nói không biết hoặc tìm cách đổi chủ đề là tốt nhất."

"Em quả nhiên rất thông minh khiến bon anh phải mở rộng tầm mắt." Anh ba Phạm Ngũ Thương vỗ đùi đét một cái, anh tư ngồi bên cạnh cũng giơ ngón cái tán thưởng về phía ta. Ta đây vốn là kẻ mặt dày, mười năm nay nghe người khác tung hô nịnh bợ không thiếu, nhưng không hiểu sao lúc này lại thấy mặt hơi nóng lên. Vì thế liền hắng giọng nói nốt.

"Cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, chính là mong mọi người kiềm chế bản thân, không xen vào chuyện của người khác. Tháng riêng là tháng ăn chơi, số người đi lại trên đường nhiều như nêm cửi, chính vì thế cũng sẽ có rất nhiều sự việc ngoài ý muốn xảy ra. Nhưng tất cả mọi người nên nhớ, đây là kinh thành, nếu có người gây chuyện thì đó là chức trách của quan phủ, quan phủ không liêm chính thì bên trên còn có đại lý tự, còn có hình bộ thượng thư. Chúng ta là người của tướng phủ, nếu thấy chuyện bất bình, tốt nhất không nên tự ra mặt mà trực tiếp cho người báo lại với quan phủ.

Mọi người hiểu chưa?"

Dường như tất cả đã vô cùng háo hức đi chơi, nghe xong lời ta dặn dò, họ liền đồng loạt gật đầu. Ngay lúc đó, ta thấy quản giá hớt hải chạy vào, mặt ông ta đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại hô lớn.

"Bẩm tiểu thư, nô tài nghe theo hướng dẫn của Chi thị đã chuẩn bị xong hết rồi ạ."

Chỉ đợi như vậy, ta liền vỗ mạnh tay hào hứng reo lên.

"Cả nhà xuất phát thôi."

* * *

Quản gia tướng phủ quả không phụ sự tin tưởng của cha, hiệu suất làm việc vô cùng nhanh nhẹn. Đoàn người nhà ta khởi hành tuy gọn nhẹ nhưng không hề bình dân. Ta, Chi thị, hai người anh trai Phạm Ngũ Thương và Phạm Ngũ Lĩnh cưỡi ngựa đi phía trước đoàn để dẫn đường, theo sau bọn ta là hai cỗ xe ngựa xa hoa lộng lẫy chở hai chị dâu cùng đám trẻ con do anh cả và anh hai điều khiển, xung quanh hai cỗ xe còn có một đoàn người hầu đi theo bảo vệ.

Đoạn đường từ tướng phủ tới Trấn Quốc tự không quá xa, chúng ta chỉ cần ra khỏi khu ba mươi sáu phố phường là sẽ gặp ngay đường cái dẫn tới thẳng cửa chùa. Có lẽ do nhà ta xuất phát sớm nên hai bên đường lúc này người dân vẫn còn đang ăn sáng, mùi thơm của các loại xôi, bún, phở, bánh gạo và bánh rán mật ngào ngạt khắp mọi góc phố. Ta thấy người trong nhà có vẻ vẫn còn đói nên quyết định dừng lại nửa canh giờ cho mọi người thỏa sức ăn sáng rồi mới tiếp tục lên đường.

Hôm nay mới là ngày hai mươi tháng giêng, kinh thành vẫn còn ngập trong sắc hồng của hoa đào và những chậu quất vàng ươm trước mỗi cửa nhà, xác pháo đỏ tươi chất đầy mỗi góc phố. Ta cho ngựa đi thong thả, vừa đi vừa nhiệt tình giới thiệu các cửa hàng lớn hai bên đường cùng các phủ đệ của quan lại trong triều.

"Mọi người nhìn bên trái, kia là cửa hàng lụa Vãn Nguyệt, nơi này chuyên cung cấp các thước lụa thượng phẩm do chính nghệ nhân ở Hà Đông dệt nên."

Cửa hàng này thực ra cũng là một phần của Bách Nguyệt hội, trong mười năm, ta đã mở một chuỗi hơn mười của hàng cùng tên Vãn Nguyệt ở nhiều phủ, lộ khác nhau. Tuy nhiên, cửa hàng này lại có vị trí đắc địa nhất. Vì thế khi nói về nó ta không khỏi tự hào quan sát kỹ thêm một chút sau đó mới hướng mắt ra nơi khác tiếp tục giới thiệu.

"Phố bên cạnh là Hàng Bạc, tập hợp tất cả các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tay nghề giỏi nhất Đại Việt. Con phố chúng ta đang đi có tên là phố Hàng Đào, cuối con đường này sẽ tới hồ Lục Thủy, sở dĩ có cái tên này vì nước hồ quanh năm đều có màu xanh lá. Mấy ngày tới không có lễ hội, nhà chúng ta có thể đi dạo mua sắm quanh đây."

"Bây giờ chúng ta sẽ rẽ sang đường Hàng Ngang, ở vị trí này nếu rẽ trái sẽ là đường tới thẳng hoàng cung đại nội còn ngay phía trước mặt chính là đường Hàng Bông, là nơi tập trung tất cả các cửa tiệm xiêm y, vải bố, lụa là, chất lượng và mức giá nào cũng có cả. Mỗi ngã tư chúng ta đi qua sẽ cắt một con phố, mọi người sẽ thấy mỗi con phố sẽ đặc trưng cho một loại hàng hóa riêng."

"Em gái, tiểu thương nơi đây kinh doanh tập trung như vậy không sợ cạnh tranh hay sao?" Anh cả Phạm Ngũ Cung vừa đánh xe vừa hỏi.

"Câu hỏi của anh cả rất hay, theo như em biết, sở dĩ triều đình đề ra hình thức kinh doanh tập trung như vậy là để khuyến khích thương nhân nâng cao chất lượng hàng hóa, cũng đồng thời để tránh tình trạng một phú hộ nào đó thâu tóm giá cả thị trường một loại mặt hàng nhất định. Càng dễ dàng hơn cho việc quản lý và thu thuế của quan phủ."

"Em gái, chị cùng chị dâu cả tới kinh thành lần đầu lại chẳng biết bao giờ có thể quay lại nên muốn mua nhiều đặc sản mang về cho cha mẹ ở biên cảnh. Em phải giúp bọn chị đấy nhé." Chị dâu thứ đang ngồi trong xe ngựa cũng nói với ra góp vui. Thấy chị ấy cao hứng, bọn trẻ con lại càng có động lực, nhao nhao nêu ý kiến.

"Cô ơi, bọn con cũng muốn mua thật nhiều đồ chơi nữa."

"Các chị yên tâm, Chi thị có thể coi là thổ địa ở nơi ba mươi sáu phố phường này, các chị muốn mua gì cứ hỏi nàng ấy." Ta quay sang Chi thị nháy mắt, không khỏi phì cười khi thấy vẻ mặt như hóc xương gà trên mặt cô bé.